Phụ nữ và cuộc sống 21/5
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chương trình phụ nữ và cuộc sống 21-5

Phụ nữ với hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá

Trích tiếng các thông điệp truyền thông về tác hại của thuốc lá và luật phòng chống tác hại của thuốc lá

MC1: Thưa quý vị và các bạn!

Đã có rất nhiều hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá và luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Thế nhưng, như chúng ta vẫn thấy trong thực tế là tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra khá phổ biến, từ trong mỗi gia đình cho đến những nơi công cộng.

MC2: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: khói thuốc lá chứa trên 7000 chất khác nhau, trong đó có 69 chất gây ung thư, ngoài ra còn có các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gen… Và điều đau lòng hơn cả là Việc hút thuốc lá không chỉ gây hại cho người trực tiếp hút thuốc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người hít khói thuốc lá hay còn gọi là hút thuốc thụ động. Và tất nhiên, các đối tượng này đa phần là phụ nữ và trẻ em.

MC1: Vậy, tình trạng hút thuốc lá hiện nay như thế nào? Thuốc lá gây nên những tác hại gì đến phụ nữ và trẻ em? Và chúng ta cần phải làm gì để phòng, chống tác hại của thuốc lá? Đó sẽ là nội dung được chúng tôi đề cập, trong chương trình phụ nữ và cuộc sống hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

 

LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ VÀ TÌNH TRẠNG HÚT THUỐC LÁ NƠI CÔNG CỘNG

 

MC1: Quý vị và các bạn thân mến!

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Trong đó, quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá được chỉ rõ: mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; được yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

 MC2: Luật là như vậy, nhưng khi làm một khảo sát nhỏ, chúng tôi nhận thấy tại rất nhiều địa điểm công cộng như bến xe, bệnh viện…rất nhiều người vẫn điềm nhiên hút thuốc.

Điều này khiến nhiều người không hút thuốc lá, nhưng cũng phải hít khói thuốc thụ động tỏ ra rất bức xúc. 

Trích 1 số ý kiến về tình trạng hút thuốc lá:

Băng 1: “Nói chung tôi thấy rất bực mình. Ở những nơi cộng như bệnh viện, bến xe, nhà ga có rất nhiều người hút thuốc, dù bên cạnh họ có khi có cả trẻ em, phụ nữ mang thai. Có nhiều người  đã có bảng cấm rồi thì không nên hút nữa, nhưng người đó hình như không có ý thức. Mà bây giờ biết chắc chắn hút thuốc lá sẽ bị ung thư thì ở chỗ nào cũng nên cấm”. 

Băng 2: Chồng của tôi nghiện thuốc lá nặng, dù nhà có con nhỏ anh ấy vẫn hút thuốc lá, tôi đã phản ứng nhiều lần, anh ấy tuy đã nhận ra sự nguy hại của thuốc lá nhưng vẫn không thể bỏ được, vì thế để tránh ảnh hưởng đến vợ con, hễ hút thuốc lá là anh ấy phải ra ngoài. Mặc dù vậy tôi vẫn phiền lòng và lo lắng cho sức khỏe của anh ấy…

Băng 3: Biển cấm thì cứ cấm, người hút vẫn cứ hút, tôi thấy họ chẳng có ý thức gì? Những ngày cuối tuần muốn cho con đi chơi, hay cả gia đình đi uống cà phê là y như rằng là cả nhà phải chịu đựng khói thuốc lá của các bàn xung quanh…

MC1: Vâng, thực tế đã có thấy thời gian qua, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chương trình, dự án nhằm hạn chế số người hút thuốc lá. Tại các địa điểm công cộng, bảng hiệu cấm hút thuốc lá, thông tin về tác hại của thuốc lá cũng xuất hiện dày đặc. Thế nhưng, điều quan trọng là với một thói quen khó từ bỏ thì việc cấm trên bảng không mấy hiệu quả và việc  ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá vẫn luôn là một câu chuyện dài.

Nhạc cắt

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong “Tổ ấm không khói thuốc”

MC1: Thưa QV& CB! Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em Việt Nam, nhiều năm qua Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, phối hợp liên ngành để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Mô hình CLB “Phụ nữ có người thân không hút thuốc” ra đời và duy trì hoạt động gắn với các hoạt động chăm sóc sức khỏe của các cấp Hội. 

MC2: Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5 hàng năm, Hội LHPN đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi, tạo ra một cuộc vận động xã hội, thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ - người bà, người mẹ, người chị trong gia đình khuyên nhủ người thân của mình giảm thiểu tác hại của thuốc lá cho bản thân và những người xung quanh… trong đó hiệu quả của mô hình “tổ ấm không khói thuốc” đang rất cần được nhân rộng.

MC1: Theo khảo sát mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện có khoảng 15 triệu người hút thuốc lá, nằm trong nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc cao hàng đầu thế giới, tiêu tốn khoảng 14 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới trưởng thành ở nước ta là hơn 47% và nữ giới là 1,4%. Riêng tỷ lệ hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà lên mức gần 60% và tại nơi công cộng là hơn 40%. Vì thế, không thể xem nhẹ và thờ ơ với những số liệu đã được cập nhật, càng không thể chủ quan, coi thường tác hại từ việc hút thuốc và từ sự phơi nhiễm khói thuốc của mọi người, nhất là phụ nữ và trẻ em khi phải chịu cảnh hút thuốc lá thụ động.

MC2: Những người hút thuốc lá không chỉ tự chuốc bệnh vào người, mà còn làm hại cả những người xung quanh, khi 2/3 số khói lan tỏa ra môi trường mà không vào phổi của người hút. Hiện nay, mỗi năm trên thế giới có gần 6 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Trong đó, gần 5 triệu ca tử vong tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và đói nghèo. Thuốc lá được xác định là căn nguyên của 25 bệnh khác nhau, trong đó có hơn 10 bệnh ung thư do khói thuốc. Một tài liệu nghiên cứu mới đây cho biết: 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư từ khói thuốc lá thải ra môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, kể cả đối với người hút trực tiếp hay người không hút thuốc, hút thuốc thụ động.

MC1: Những năm quaT.Ư Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế trong việc tổ chức Lễ phát động xây dựng “Tổ ấm không khói thuốc”. Đồng thời, khuyến khích các cấp Hội trong cả nước cần hưởng ứng và triển khai thông qua chuỗi hoạt động giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức về hút thuốc lá thụ động, ảnh hưởng của hút thuốc thụ động lên sức khỏe phụ nữ và trẻ em, hướng dẫn họ xây dựng tổ ấm không khói thuốc, tuyệt đối không để khói thuốc lá gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người xung quanh.

MC2: Để thông điệp phụ nữ xây dựng “Tổ ấm không khói thuốc” thực sự lan rộng và đạt được hiệu quả thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ cần triển khai thực hiện  một cách sâu rộng, giao chỉ tiêu cụ thể tới từng cấp hội và lồng ghép nội dung vào các chương trình sinh hoạt ở các cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm hướng đến việc phát huy vai trò của mỗi hội viên, phụ nữ, dù ở bất kỳ cương vị nào trong gia đình cũng cần chủ động lên tiếng, khuyên nhủ, vận động người thân không hút thuốc lá. Chị Nguyễn Thị Như Mai – Phường 1 – TP Đông Hà chia sẻ:

Băng ghi âm: Chồng tôi nghiện thuốc nặng, mỗi ngày anh ấy hút cả gói thuốc. Nhiều lần khuyên nhủ anh bỏ thuốc, anh ấy cũng có thử bỏ nhưng hình như đây là một việc làm quá khó thì phải, bỏ bao nhiêu lần cũng không thành công… Đến lúc vợ mang bầu và có con, tôi cho anh ấy xem rất nhiều bài viết về tác hại của thuốc lá với trẻ nhỏ, ban đầu thì ở nhà khi hút thuốc là anh ấy ra ngoài hút, sau đó tôi khuyên nhủ, mà thêm 1 số đồ ăn vặt để anh ấy ăn khi them thuốc, cứ như thế từ từ anh ấy hạn chế được việc hút thuốc, sau đó là bỏ dần… 

MC1: Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của nước ta ra đời từ năm 2013 và đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về hút thuốc vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là tại các nhà hàng, quán cà phê, bến xe, bến tàu, các tụ điểm vui chơi công cộng, thậm chí ở ngay trong các khuôn viên bệnh viện cũng bị vi phạm. Còn tại các hộ gia đình, một phần do không bị ngăn cấm, một phần do “các trụ cột gia đình” hút là chính. Vì thế, phụ nữ và trẻ em là những người đang phải hứng chịu những tác hại rất lớn bởi khói thuốc từ chính ngôi nhà của mình.

MC2: Việc phụ nữ xây dựng “Tổ ấm không khói thuốc” hướng đến mục tiêu phát huy vai trò của từng hội viên – phụ nữ vận động người thân không hút thuốc, kêu gọi nam giới và cộng đồng tạo ra những tổ ấm không khói thuốc, góp phần giảm tỷ lệ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của khói thuốc, từ đó giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do hút thuốc thụ động.

MC1: Các hoạt động thiết thực của Hội LHPN các cấp sẽ khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò của phụ nữ trong xây dựng tổ ấm, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, thực hiện tốt cuộc vận động ‘Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch’, Đây cũng là thông điệp hướng tới những giá trị sống tốt đẹp, tạo ra môi trường sống trong lành, yên ấm và khỏe mạnh từ chính tổ ấm gia đình.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Hút Thuốc lá gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người,  Vì vậy cha mẹ hay người thân, trước khi hút thuốc hãy cân nhắc đến việc giữ sức khỏe của bản thân mình và những người xung quanh. Hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá ngay từ bây giờ, vì sức khỏe của bạn và chính gia đình bạn.

Đó cũng chính là thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải đến Qv & CB trong chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này. Chương trình do Phạm Quỳnh biên tập, cùng với sự tham gia thực hiện của….. Cảm ơn Qv & các bạn đã quan tâm lắng nghe, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

 

Đón nghe: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: khói thuốc lá chứa trên 7000 chất khác nhau, trong đó có 69 chất gây ung thư, ngoài ra còn có các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gen… Việc hút thuốc lá không chỉ gây hại cho người trực tiếp hút thuốc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người hít khói thuốc lá hay còn gọi là hút thuốc thụ động. Và tất nhiên, các đối tượng này đa phần là phụ nữ và trẻ em. Vậychúng ta cần phải làm gì để phòng, chống tác hại của thuốc lá? Đó sẽ là nội dung được chúng tôi đề cập trong chương trình phụ nữ và cuộc được phát sóng vào 11h thứ 7 ngày 21-5 trên sóng phát thanh của Đài PTTJ Quảng Tr. Mời Qv & các bạn đón nghe!

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 16/05/2022 15:41 Lê Vĩnh Nhiên 20/05/2022 13:34
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà