HO TRO SINH KE CHO DONG BAO
Danh mục
Phóng sự - Tài liệu
NỘI DUNG
Lời dẫn : Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị đã giảm mạnh. Chỉ tính từ thời điểm cuối năm 2022 đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đã giảm 5,85%. Tính chung toàn vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị đã giảm 4,6% trong 9 tháng đầu năm 2023.

Phóng sự hợp đồng của Ban Dân tộc

Thực hiện: LÊ TÚ

 

Tên: HỖ TRỢ SINH KẾ CHO ĐỒNG BÀO MIỀN NÚI

MC dẫn trường quay: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó, dân tộc thiểu số gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư, đời sống đồng bào có nhiều thay đổi tích cực.

Phim: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị phân bổ ở 5 huyện nhưng chủ yếu ở Đakrông và Hướng Hóa. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều gần 15%. Riêng ở huyện Đakrông, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 hơn 43%  với 5.175 hộ,  tỷ lệ hộ cận nghèo gần 10% với 1.156 hộ.

Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số nên cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện.

An cư mới lạc nghiệp, một trong những chủ trương quan trọng đó là hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Ngắm nhìn căn nhà vừa mới xây dựng xong đang còn thơm mùi mới, anh Hồ Văn Diệu, thôn Xa Lăng, xã Đakrông hết sức xúc động. Lập gia đình đã hơn 6 năm, và 6 năm qua vợ chồng anh phải sống trong căn nhà tạm bằng gỗ này. Ước mơ có một ngôi nhà vững chắc để bớt lo sợ mỗi mùa mưa bão luôn quá xa vời với vợ chồng anh. Năm 2023, anh được vay 40 triệu đồng theo Nghị định 28 từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, thời hạn 15 năm để xây dựng mới nhà để ở, cùng với số tiền tích góp được, vợ chồng anh xây dựng một ngôi nhà mới.

Phỏng vấn: Anh HỒ VĂN DIỆU, Thôn Xa Lăng - Xã Đakrông – huyện Đakrông – Quảng Trị

“…Từ nay đã chấm dứt những ngày sống trong ngôi nhà tạm bợ, yên tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo.”

Trong cơ cấu phân bổ ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh Quảng Trị cũng ưu tiên phân bổ trên 217 tỷ đồng để xây dựng mới trên 3.000 nhà ở cho hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh Quảng Trị cũng đã bố trí 1.531 tỷ đồng để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh Quảng Trị được bố trí 192 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân khai trên 37 tỷ đồng thực hiện Dự án 1; hơn 22,3 tỷ đồng thực hiện Dự án 2; trên 91,4 tỷ đồng thực hiện Dự án 4; hơn 12,2 tỷ đồng thực hiện Dự án 5; gần 26 tỷ đồng thực hiện Dự án 6 và trên 3,5 tỷ đồng thực hiện Dự án 10.

Phỏng vấn: Ông NGÔ LÊ NHẤT BÁ CHÍNH - Phó GĐ Ngân hàng CSXH  huyện Đakrông – Quảng Trị

“Ngoài cho vay xây dựng nhà ở, có thể thấy Nghị định 28 chính là phao cứu sinh đem lại hiệu quả thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đakrông có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm nhà ở, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống người dân”

Bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4-5%/năm.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường đào tạo nghề cho con em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh đã có 30.400 lao động nông thôn, trong đó phần đông là lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi ở Quảng Trị được đào tạo nghề.

Từ nguồn ngân sách được cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính đến tháng 9/2023, ở 2 huyện thụ hưởng Chương trình là Đakrông và Hướng Hóa đã có trên 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách cấp đất sản xuất. Cũng tại 2 huyện này, đã có trên 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cấp đất ở. Từ đó, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã thoát nghèo.

Phỏng vấn: Bà HỒ THỊ LỆ HÀ Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

“CTMTQG PT KT-XH vùng ĐBDTTS gồm 10 dự án thành phần. Mục tiêu của Chương trình là tổng hợp các chính sách và nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của tỉnh và của cả nước.Trong thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực triển khai đồng bộ 10 dự án thành phần thuộc Chương trình. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và các địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình để tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện. Tính đến nay các dự án hỗ trợ về sinh kế đã thực hiện:

Hỗ trợ hoàn thành 61 ngôi nhà và đang triển khai thực hiện hỗ trợ 557 nhà ở hộ nghèo, đã và đang triển khai thực hiện hỗ trợ các vật dụng để chứa nước sinh hoạt cho 2.891 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, khắc phục và sửa chữa 21 công trình nước sinh hoạt tập trung, đang thực hiện hỗ trợ cho 1.455 người dân chuyển đổi nghề.”

Để thực hiện các mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đúng tiến độ, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương liên quan, tham mưu xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22 năm 2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình. Đồng thời, xác định đây là Chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả.

Phỏng vấn: Bà HỒ THỊ LỆ HÀ Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

“Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đối với các dự án này vẫn đang còn thấp, một số nội dung chưa thực hiện được do các nguyên nhân:

Về phía TW: các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành TW còn chậm, có nội dung chưa rõ ràng, còn chung chung và chồng chéo nên địa phương khó triển khai thực hiện.

Về phía địa phương: Quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nội tại. Qua rà soát, các địa phương không còn qũy đất để hỗ trợ đất sản xuất cho người dân trong khi nhu cầu đang còn cao, việc hỗ trợ đất ở còn vướng các thủ tục pháp lý...hỗ trợ nhà ở cho người dân đang triển khai chậm do các xã còn lúng túng trong việc tiếp cận các văn bản hướng dẫn của Trung ương và sự vào cuộc còn chưa thực sự quyết liệt.

Các vướng mắc cần tập trung tháo gỡ: Tiếp tục kiến nghị Trung ương hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Đối với địa phương: Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp nhất là cấp xã cần nghiên cứu và cập nhật kịp thời các văn bản hướng dẫn; đánh giá, rà soát kỹ thực trạng nhu cầu của địa phương, tăng cường sự chủ động, sáng tạo và vào cuộc quyết liệt hơn nữa; đề xuất các giải pháp hữu hiệu để triển khai thực hiện Chương trình đạt mục tiêu đề ra”

Việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Trị được chia thành các nhóm dự án lớn bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị đã giảm mạnh. Chỉ tính từ thời điểm cuối năm 2022 đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đã giảm 5,85%. Tính chung toàn vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị đã giảm 4,6% trong 9 tháng đầu năm 2023./.

 

GTPS: Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị đã giảm mạnh. Chỉ tính từ thời điểm cuối năm 2022 đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đã giảm 5,85%. Tính chung toàn vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị đã giảm 4,6% trong 9 tháng đầu năm 2023. Phóng sự được phát sóng vào lúc ………………….. mời quý vị và các bạn theo dõi!  

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Lê Ngọc Tú 24/11/2023 10:19 Lê Vĩnh Nhiên 25/12/2023 13:49
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà