ndlq
Danh mục
Nét đẹp làng quê
NỘI DUNG

Nét đẹp làng quê 1-12

Cu pua – Bản làng bên dòng Đakrông

Truyền thống của làng

DẪN 1: Thưa QV và Cb, nằm nép mình bên dòng sông Đakrông huyền thoại, bản Cupua thuộc địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông như một ốc đảo thu nhỏ, cách biệt với bên ngoài bởi địa hình hiểm trở. Hàng chục năm qua, người dân Cu Pua sinh sống, phát triển nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền các cấp. Cu pua vừa sở hữu nét đặc trưng của một bản làng ở vùng núi rừng Trường Sơn, Tây Nguyên, vừa mang vẻ đẹp riêng có bởi những điều chỉ có ở Cu pua. Chuyên mục Nét đẹp làng quê hôm nay, mời QV và CB cùng khám phá vẻ đẹp của bản làng này

Cách cầu Rào Quán không xa, bản Cu Pua của người dân tộc Vân Kiều nằm nép mình bên dòng sông Đakrông gập ghềnh, hiểm trở. Tuy nằm sát tuyến quốc lộ 9 tấp nập người qua lại nhưng dường như Cu Pua có vẻ bề ngoài không huyên náo, xô bồ so với các bản làng khác. Bản Cu Pua như một ốc đảo cách biệt với bên ngoài. Ngôi làng này từng hứng chịu hàng chục tấn bom đạn mỗi ngày Cu Pua từng là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ và bộ binh quân đội Sài Gòn trong chiến tranh. Bởi cả bản hồi đó chừng 30 hộ dân đều đi theo cách mạng, núi rừng Cu Pua là nơi hiểm trở nhất trên địa bàn Đakrông, lại nằm sát con đường số 9 cách chỉ một con sông, nên trở thành nơi hoạt động, chiến đấu lý tưởng nhất của bộ đội khi ngược lên mạn Khe Sanh, Làng Vây hay xuôi về Cam Lộ, Đông Hà... 

Ông Hồ Ốt – già làng Cu pua, xã Đakrông, huyện Đakrông

Trước đây những năm tháng chống Mỹ tôi là lính du kích, tham gia chiến đấu, tiếp tế vũ khí, lương thực cho bộ đội địa phương. Dân làng hồi đó một lòng theo Cách mạng, sau giải phóng thì trở về xây dựng cuộc sống mới.

Cũng như các tộc người khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên, người Vân Kiều ở Bản Cu pua sống chủ yếu dựa vào rẫy đa canh; phương thức canh tác theo lối cổ truyền. Để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, các hộ gia đình tập trung trồng sắn, trồng tràm. Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch sắn, giá bán năm nay cao và ổn định hơn so với mọi năm, lại được nhà máy thu mua ngay tại chỗ nên bà con đỡ phải lo lắng về đầu ra. . Sắn chính là cây chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây.

Các hộ gia đình đồng bào Vân Kiều ở Bản Cu pua quanh năm còn bận rộn với nghề truyền thống làm chổi đót. Trước đây, đời sống văn hóa của các hộ đồng bào Vân Kiều Bản Cát còn lạc hậu, kinh tế khó khăn chỉ dựa vào nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ tự cung tự cấp, săn bắt thú rừng,… Công việc tạm bợ cho họ mức thu nhập rất thấp. Tuy nhiên,  khoảng 10 năm trở lại đây, bà con thay đổi thói quen, từ chỗ dùng đót làm chất đốt, ủ ấm cho trâu bò chuyển sang làm nguyên liệu sản xuất hàng hóa bán kiếm tiền. Toàn bản có 71 hộ gia đình, nhưng có đến 40 hộ làm chổi. Với Gia đình chị Hồ Thị Mó, đan chổi đót là nghề thường xuyên. Với những người lành nghề như chị Mó, mỗi tháng làm được cả trăm chiếc chổi, đưa xuống thành phố Đông Hà bán với giá 35-40 nghìn đồng 1 chiếc. Những chiếc chổi đót của đồng bào Vân Kiều nơi đây làm đẹp, bền và khéo léo hơn những nơi khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Hồ Thị Mó, thôn Cu pua: Mỗi năm thường đan chổi vào tầm tháng 10 đến gần Tết, ngày nhiều nhất tôi đan được 20 chiếc chổi. Bình quân mỗi tháng thu nhập 3 triệu, cả gia đình 5-6 triệu Công việc này cho thu nhập cao, không quá vất vả và an toàn hơn nhiều so với đi nương, rẫy hay đi hái lan, thu mật ong rừng trong thời gian nông nhàn trước đây.

Nhờ phát triển nghề chổi đót, người dân như gia đình chị Mó và những hộ khác tận dụng được khoảng thời gian nông nhàn, đời sống vật chất, tinh thần cải thiện nhiều hơn so với trước nhờ thu nhập mỗi tháng 4-5 triệu đồng. Thế hệ trẻ lớn lên cũng học theo các mẹ, các chị cách làm chổi để vừa duy trì nghề truyền thống, vừa phát triển kinh tế gia đình,

Chị Hồ Thị Niên: Tôi mới biết là chổi từ 3 năm nay thôi, nhờ có mẹ và các chị hướng dẫn cho. Tôi học làm chổi vì muốn gìn giữ, tiếp nối nghề truyền thống của quê hương mình.

Tiêu điểm

DẪN 2: Thưa QV và CB, những người đàn ông quây quần bên chiếu rượu, tay kẹp điếu thuốc lá phì phèo là hình ảnh thường thấy ở những nóc nhà sàn nơi miền núi rừng xa xôi. Nhưng cũng giữa miền rừng ấy, ở bản cu pua này, khái niệm “hút thuốc, uống rượu bia” dường như đã trở nên xa lạ với dân bản từ rất lâu.

Thuốc lá, rượu, bia được xem là thứ không thể thiếu của người dân tộc thiểu số ở giữa đại ngàn Trường Sơn. Phong tục của người dân sống nơi đây là hễ ma chay, cúng tế rồi đám cưới, đám hỏi mà không có rượu, thuốc lá coi như đi ngược lại tấp tục. Song thật kỳ diệu, hơn 15 năm nay, ở đây tuyệt nhiên không sử dụng rượu bia, thuốc lá…Cu Pua hầu như không có các quán nhậu. Các tiệm tạp hóa cũng rất ít bày bán rượu bia và thuốc lá…

Chúng tôi tìm đến ông Hồ Ê Nốt, từng có quãng thời gian hơn 10 năm đảm nhiệm vị trí trưởng thôn, để tìm hiểu về quy định đặc biệt này. Trước đây, tập tục di canh di cư khiến cuộc sống nay đây mai đó, có một thứ không thể thiếu để dân bản chống chọi lại giá rét, sự buồn tẻ đó là: rượu gạo, rượu ngô và thuốc lá... Đến năm 1993 khi dân bản về định cư để làm ăn, xây dựng cuộc sống mới ở đây cũng là lúc Hồ Ê Nốt được dân bản tính nhiệm bầu làm trưởng thôn. Ông “liều mình” vận động bà con đi ngược với tập tục, đó là từ bỏ thói quen uống rượu và hút thuốc. Việc vận động người dân chẳng hề dễ dàng, bởi nói dân bản bỏ cuộc sống du canh du cư còn dễ, chứ khi nghe nói đến việc bỏ rượu, thuốc lá ai cũng phản đối. Cái lý của họ là bao đời nay dân bản vẫn hút thuốc, uống rượu, nhất định không từ bỏ thói quen của mình và tập tục của làng. Chỉ đến khi thấy có người nghiện rượu, thuốc lá chết đi bởi những căn bệnh quái ác ngày càng nhiều thì dân bản mới bắt đầu cảm thấy lo sợ. Chuyện bỏ thuốc lá, rượu bia được bắt đầu bởi những người già rồi đến những người trẻ khác.

Ông Hồ Ê Nốt: Thấy các ma men, ma thuốc bỏ được thuốc mà giàng núi, giàng sông… vẫn để cho bình yên vô sự vậy là cả làng theo đó bỏ luôn thuốc lá và rượu bia. Cho đến mấy năm gần đấy con số về người bỏ thuốc, bó rượu bia của bản Cu Pua gần như 100%. Đám cưới, lễ hội gì ở thôn Cu Pua cũng như thế hết. Gần như 100% dân bản mình đã bỏ hút thuốc lá, uống rượu bia được hơn gần 10 năm nay rồi. Dân bản mình hay gọi vui là đám cưới không thuốc-men

Từ đó đên nay đã hơn 15 năm, đây là làng "không uống rượu, bia và không hút thuốc". Hiện tại, bất kể lễ cưới, hỏi, ma chay, chuyện không uống rượu bia, hút thuốc lá đã trở thành luật bất thành văn, ai cũng hiểu và chấp hành nghiêm túc.

Ông Hồ Ốt: bản thân tôi cũng bỏ thuốc và rượu bia từ 15 năm nay rồi. Bây giờ bản không có ai say xỉn, tránh được trình trạng gây gổ, đánh nhau hay tại nạn GT

Từ ngày dân bản bỏ bia rượu, thuốc lá, tình hình an ninh trật tự ở bản Cu Pua ổn định hơn nhiều, rất ít vụ va chạm, gây rối xảy ra. Chuyện bỏ thuốc lá, rượu bia được bắt đầu bởi những người già như ông Hồ Ốt rồi đến những người trẻ khác cũng hiểu và nghe theo. Nhờ vậy, ở Cupua hiếm có cảnh các đôi vợ chồng lục đục, cãi vã do rượu bia. Đời sống tinh thần, trật tự xã hội ổn định là tiền đề để người dân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc.

Anh Hồ Phúc: đa số dân bản Cu Pua mình giờ đã đoạn tuyệt với thuốc lá, rượu bia. Mình bỏ rượu, thuốc lá đã rất lâu rồi và thấy rất thoải mái, và lại đỡ tốn kém

Ý kiến từ làng

DẪN 3: Những năm gần đây, vấn đề nước sạch sinh hoạt ở vùng sâu vùng xa tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở bản Cu Pua tình trạng thiếu nước sạch vẫn diễn ra hằng ngày.

Hằng ngày, người dân nơi đây phải đem bình xuống con suối chảy qua bản để múc nước mang lên dùng cho sinh hoạt, hay giặt giũ ngay dưới suối như thế này.

Bởi tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở bản diễn ra hằng ngày, nên bà con phải tới suối vác từng can về dùng. Đặc biệt vào mùa mưa mưa, bà con lại càng vất vả hơn vì lắm khi nước suối trở nên đục ngầu, không đảm bảo an toàn, vệ sinh, đường đi lấy nước trơn trượt, nguy hiểm nhưng bà con cũng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc sống vì thế mà khó khăn hơn.

Chị Hồ Thị Mừng: không có nước sạch nên mỗi lần giặt giũ hay cần nước sinh hoạt đều phải xuống suối. Trời mưa như thế này đi vất vả lắm vì đường khó đi, trơn trượt

Thiếu nước sạch, người dân biết nước sông không hợp vệ sinh nhưng vẫn phải dùng. Do vậy, chính quyền thôn và bà con nơi đây rất mong có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bà con. Nước sạch lên núi sẽ giải quyết một phần khó khăn, giúp ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây

Anh Hồ Văn Phoi, trưởng thôn Cu pua

Chúng tôi mong được đầu tư những công trình cấp nước tập trung, giếng đào cho bà con để bà con không phải lội suối vác từng can về dùng hoặc dùng nước giếng không hợp vệ sinh.

Chúng tôi rời bản Cu Pua vào một buổi chiều muộn, nghe trong gió âm thanh của những tiếng lá rừng khẽ va vào nhau ngân vang như một bản nhạc. Trải qua bao đời, người Cu Pua đã biết cách giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá của mình, đó là những cánh rừng xanh thẳm, những con suối trong xanh không bao giờ vơi cạn.

DẪN 4: Bằng bản lĩnh của Vân Kiều mang họ Bác Hồ, người dân nơi đây đã biết cần cù lao động, tận dụng tiềm năng sẵn có, phát triển kinh tế. Chính lao động sản xuất cần cù, sáng tạo đã giúp đồng bào nơi đây thay đổi nếp nghĩ, cách làm mang lại thu nhập cao, góp phần thay đổi bộ mặt miền núi Quảng Trị. Đến đây thời lượng của chuyên mục Nét đẹp làng quê tuần này cũng đã hết. Xin kính chào và hẹn gặp lại trong chương trình lần sau

ĐÓN XEM: nằm nép mình bên dòng sông Đakrông huyền thoại, bản Cupua thuộc địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông như một ốc đảo thu nhỏ, cách biệt với bên ngoài bởi địa hình hiểm trở. Hàng chục năm qua, người dân Cu Pua sinh sống, phát triển nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền các cấp. Cu pua vừa sở hữu nét đặc trưng của một bản làng ở vùng núi rừng Trường Sơn, Tây Nguyên, vừa mang vẻ đẹp riêng có bởi những điều chỉ có ở Cu pua.

Mời QV và CB cùng khám phá vẻ đẹp của bản làng này trong Chuyên mục Nét đẹp làng quê, phát sóng 18h10 thứ 6 ngày 1/12 trên sóng TH của đài PTTH QT.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Ngân Hà 30/11/2017 08:14 Võ Nguyên Thủy 27/12/2017 11:32
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà