Nét đẹp làng quê thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, Hải Lăng
Danh mục
Nét đẹp làng quê
NỘI DUNG

Nét đẹp làng quê 2-3

Kể chuyện làng biển Thâm Khê

Dẫn: Thưa Qv và CB, Có biết bao nhiêu làng biển dọc theo chiều dài đất nước, nơi những đầu sóng gối bờ nối đất liền với đại dương, nghìn đời nay thăng trầm bên biển. Từ những ngôi làng nhỏ bé ấy, những con người ngày đêm vượt sóng ra khơi, vừa đắp đổi mưu sinh nghìn đời, vừa ghi dấu chủ quyền Tổ quốc. Những người làng biển ấy, qua trầm tích thời gian, gian nan khó nhọc, vẫn kiên cường bám biển giữ nghề. Chuyên mục Nét đẹp làng quê hôm nay, mời QV và CB cùng ghé thăm một ngôi làng biển nằm về phía Đông Nam huyện Hải Lăng –làng Thâm Khê, xã hải Khê.

Truyền thống

Đầu thế kỉ 14, vua nhà Trần truyền xuống cho các quan và quần chúng nhân dân hãy quét sạch giặc ngoại xâm để giữ gìn giang sơn bờ cõi, mở rộng diện tích đất đai. Nghe tiếng gọi của nhà vua, ngài Đại tướng quân Trần Đại La văn võ kiện toàn, làm tướng trong triều đình nhà Trần thời ấy đã dẫn một đạo quân và con cháu trong dòng họ từ đất Thanh Hóa tiến thẳng vào phương Nam khai canh lập địa. Đến vùng đất Thâm Khê, xã Hải Khê ngày nay, ngài thấy đất phù sa màu mỡ, con suối trong xanh sâu thẳm hiền lành, vùng biển khơi xa nhiều tôm lắm cá, nên mới đặt tên nơi này là Thâm Khê, có nghĩa là: Khe sâu không bao giờ cạn nước – Để dân làng tắm mát quanh năm. Qua bao đời, làng Thâm Khê ngày càng phát triển thịnh vượng, hiện toàn làng có 18 họ tộc, với 370 hộ, khoảng 1700 nhân khẩu chung sống đoàn kết với nhau. Để tỏ lòng biết ơn vị thần Tiền Khai Khẩn –Đại tướng quân Trần Đại La, người dân đã lập nên miếu thờ ngài.

Thâm Khê cũng như bất kì làng xã nông thôn khác ở Việt Nam, có miếu thờ Thành Hoàng, thờ vị tiền khai khẩn, hay đình làng đều là  chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời, mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện quan niệm “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt. Ở nơi cuộc sống làm ăn hoàn toàn gắn liền với biển như nơi đây, ngư dân hằng năm đều tổ chức lễ cầu ngư vào rằm tháng giêng, cầu mong cho trời yên biển lặng cùng những chuyến ra khơi đầy ắp tôm cá. Đây là một tín ngưỡng cổ truyền kết hợp với sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, trò chơi dân gian quyện chặt lại với nhau, tạo nên nét đẹp độc đáo mang sắc thái riêng biệt của bản sắc địa phương vùng biển, góp phần làm đậm đà và phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc.  

Ông Trần Lúc, trưởng làng Thâm Khê, xã Hải Khê, Hải Lăng.

Về thăm làng biển Thâm Khê vào những ngày đầu năm này, mới thấy được sự hồi sinh của những ngôi làng biển. Sự hồi sinh ấy chúng tôi bắt gặp trong nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của ngư dân trở về từ biển; trong mớ cá, mực, tôm,… đánh bắt được đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể để ngư dân tiếp tục yên tâm bám biển, làm ăn, dựng xây cuộc sống. Ở ngôi làng biển vùng bãi ngang, nước cạn và nhiều sóng này, những chiếc thuyền tre đơn sơ nhưng dũng mãnh, đã và đang cùng ngư dân bầu bạn giữa trùng khơi.

Ông Trần Đăng Thánh, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, Hải Lăng

Sống trên vùng đất cát trắng, người dân Thâm Khê chủ yếu làm nghề chài lưới quanh năm lênh đênh trên biển cả. Từ trong gian khó đã hun đúc nên con người nơi đây nét tính cách chịu thương, chịu khó, luôn vững chắc tay chèo bám biển, bám làng để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, xây dựng đời sống ngày càng ấm no.

Tiêu điểm

Dẫn: Thưa Qv và CB, nghề xăm lưới truyền thống ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, được hình thành cách đây hàng trăm năm, gắn chặt với nghề đi biển. Tuy vài năm trở lại đây, nghề xăm lưới không còn thu hút hàng trăm lao động như trước, nhưng đến thời điểm này nhưng người dân vẫn cố gắng duy trì để  vun bồi đời sống quê nhà bằng chính nghề của cha ông truyền lại, cũng như gìn giữ để nghề truyền thống của quê hương không bị mai một.

Nhịp điệu cuộc sống của ngôi làng Thâm Khê được tính bằng những chuyến đi biển đánh bắt hải sản của các ngư dân và những buổi dệt xăm, lưới rộn ràng. Tới đây, chúng tôi được ngắm nhìn khung cảnh người này luôn tay quay gấc mỏng vào ống nhựa làm suốt, thành thoi, vào guồng, người kia lên khung, căng khổ lưới lên băng dệt bằng tre, đặt co dệt, treo sợi gấc, phân mắt lưới rồi đứng máy dệt xăm, lưới hàng giờ trong hiên nhà. Có thể thấy niềm vui của con người quấn quýt trong những vòng quay gấp nhịp nhàng, nghe vang lên trong tiếng chuyển rộn ràng của khung máy dệt xăm, lưới. Đã bao đời nay, người Thâm Khê tự dệt lưới cho mình đi biển. Cùng với thời gian, nghề dệt xăm, lưới ở làng biển Thâm Khê tạo nên nhiều tình nghĩa và hình ảnh đẹp trong đời sống. Đó là những tình cảm có từ hiện thực cả ba thế hệ của một gia đình cùng nhau dệt xăm, lưới, những người phụ nữ ở nhà chăm sóc con trẻ và dệt xăm, lưới thật tốt, thật bền cho những người đàn ông đi biển trong sự cầu mong sóng lặng cá nhiều. Gia đình anh Trần Văn Tạo có 3 đời nối tiếp làm nghề xăm lưới. Ngay từ khi 11,12 tuổi, anh đã biết phụ giúp ông bà, bố mẹ công việc này.

Anh Trần Văn Tạo, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê.

Thuỷ chung với nghề thủ công được tổ tiên để lại, mỗi hộ gia đình ở Thâm Khê có thể dệt 150m xăm, lưới trong một ngày lao động, cho thu nhập từ 5-6 nghìn đồn một mét. Lưới dùng đánh bắt cá to, xăm bắt cá nhỏ và ruốc biển. Xăm, lưới do người Thâm Khê dệt được ngư dân từ Cửa Việt, Cửa Tùng ra Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoá vào Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phan Rang, Phan Thiết... ưa chuộng ngày càng nhiều. Ngoài ra, người Thâm Khê đầu tư dệt lưới cao ba lường, lưới ghe với chất lượng tốt, giá thành dễ tiêu thụ và giao tay lưới đúng hẹn.

Ông Lê Công Thương, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê.

Anh Trần Đức Lưu, Bí thư chi bộ thôn Thâm Khê.

Sự chuyên tâm của con người, nỗ lực cải tiến khung dệt để nâng cao chất lượng xăm, lưới và thu hút nhiều lao động cũng như khách hàng đã đưa xăm, lưới Thâm Khê vào Nam ra Bắc. Theo tiếng thoi đưa là tấm lưới dệt thêm bền và xăm, lưới Thâm Khê bây giờ là một nỗi tự hào được dệt bằng sự chuyên cần, chăm chỉ và khéo léo của những người biết gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của làng.

 

Ý kiến từ làng

Dẫn: Thưa Qv và CB, chính quyền và nhân dân thôn Thâm Khê đang không ngừng nỗ lực, đồng sức đồng lòng để hoàn thành 19 tiêu chí, về đích nông thôn mới trong năm 2018 này. Hiện Thâm Khê đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí, và để kịp về đích trong năm nay, thực hiện được những tiêu chí về cảnh quan, giao thông nông thôn, Thâm Khê rất cần có sự hỗ trợ của cấp trên để xây dựng cổng chào và thực hiện betong một vài tuyến đường nội thôn nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt thiết yếu của người dân.

Nếu ai đó vì lý do nào đã xa quê độ vài năm, giờ trở về chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của vùng quê nông thôn mới. Cảm nhận đầu tiên sẽ là những con đường được rải nhựa, bê tông hóa phẳng lỳ. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một vài lối mòn lầy lội, ngập úng vào mùa mưa chưa được bê tông hóa. Những con đường đất nhỏ hẹp, thấp và lầy lội như thế này khiến việc đi lại, vào ra các hồ nuôi tôm hay vận chuyển hải sản của người dân gặp không ít khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Ông Văn Xuân Sính, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, Hải Lăng

Tại địa điểm này, trước đây là cổng chào của thôn Thâm Khê. Tuy nhiên, khi con đường Quốc phòng này được mở rộng, cổng làng buộc phải giải tỏa để làm đường và đến nay vẫn chưa được xây mới. Để thôn về đích nông thôn mới, hoàn thành đầy đủ bộ 19 tiêu chí trong năm nay, không thể không xây dựng cổng chào và bê tông hóa một vài tuyết đường nội thôn còn lại. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn hẹp là một khó khăn lớn đối với chính quyền và người dân nơi đây.

Anh Trần Đức Lưu, Bí thư chi bộ thôn Thâm Khê.

Cán bộ và nhân dân thôn Thâm Khê đã và đang thực hiện tốt những quy định về xây dựng nếp sống văn minh, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của ĐảngNhà nước, nhờ vậy mà trật tự thôn xóm được đảm bảo, tạo niềm tin để người dân yên tâm lao động sản xuất, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Chào cuối: Thưa QV và CB, Nếu như cách đây không lâu, làng biển Thâm Khê chỉ là một xóm nhỏ ven biển, cuộc sống  chật vật, khó khăn thì về hôm nay xóm biển đã có nhiều đổi thay. Người dân vùng biển nơi đây luôn vững chắc tay chèo bám biển, bám làng để hôm nay Thâm Khê - tên của một làng biển thân thương của Quảng Trị đã hồi sinh và đang từng bước khởi sắc thay da đổi thịt trên những mái ngói đỏ tươi, những con tàu rẽ sóng ra khơi trong yên bình.

ĐÓN XEM: Có biết bao nhiêu làng biển dọc theo chiều dài đất nước, nơi những đầu sóng gối bờ nối đất liền với đại dương, nghìn đời nay thăng trầm bên biển. Từ những ngôi làng nhỏ bé ấy, những con người ngày đêm vượt sóng ra khơi, vừa đắp đổi mưu sinh nghìn đời, vừa ghi dấu chủ quyền Tổ quốc. Những người làng biển ấy, qua trầm tích thời gian, gian nan khó nhọc, vẫn kiên cường bám biển giữ nghề. Trong Chuyên mục Nét đẹp làng quê phát sóng 18h thứ 6, ngày 2-3, mời QV và CB cùng ghé thăm một ngôi làng biển nằm về phía Đông Nam huyện Hải Lăng – làng Thâm Khê, xã hải Khê.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Ngân Hà 28/02/2018 10:42 Lê Vĩnh Nhiên 02/03/2018 09:50
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà