nét đẹp làng quê
Danh mục
Nét đẹp làng quê
NỘI DUNG

Chuyên mục Nét đẹp làng quê ngày 29.9

Dẫn: Kính chào quí vị và các bạn! Nét đạp làng quê tuần này, mời quí vị cùng đến thăm những người con vùng đồng bào Vân Kiều nơi mảnh đất nằm ở phía Tây của huyện Vĩnh Linh, quê hương Khe Hó ở xã Vĩnh Hà.

Nhạc cắt truyền thống làng quê

Dẫn: Thưa quí vị! Những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi như Khe Trù, Khe Hó, Khe Tiên, Bến Xe trở thành những địa danh lịch sử đã gắn liền với sự nghiệp đấu tranh vĩ đại của dân tộc. Cả nước biết đến Vĩnh Linh, nơi có dòng sông Bến Hải – một dòng sông đã chảy vào lịch sử. Nhắc đến Vĩnh Linh chúng ta không thể không nhắc tới một xã miền tây đã chịu nhiều khó khăn gian khổ trong kháng chiến và trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, nơi mà hai anh em dân tộc Kinh và Pru Vân Kiều sinh sống, cùng tìm hiểu về truyền thống quê hương qua phóng sự sau đây.

 

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người đồng bào Vân Kiều được dựng lại kiên cố của vợ chồng ông Hồ Khanh- và bà Hồ Thị Mun, câu chuyện về những ngày tháng tham gia cách mạng được ông bà kể lại với niềm tự hào. Ngày ấy những người con của làng ở độ tuổi đôi mươi như vợ chồng ông đều tham gia dân quân trực chiến, vừa tiếp tế lương thực, thực phẩm cùi gạo, cùi muối lên cho bộ đội từ những năm 1959 trong kháng chiến Nam Lào đến khi cách mạng thành công.

Phỏng vấn: Bà HỒ THỊ MUN- Khe Hó- Vĩnh Hà- Vĩnh Linh

(Dịch: Mệ tham gia kháng chiến khi còn rất trẻ, đi cùi hàng khổ lắm, lấy chồng thì ông đi họp, đi trực kháng chiến,  là phụ nữ thì phải ở nhà nuôi cha mẹ, nuôi con , đi làm rẫy, làm hết mọi việc trong nhà, phát đốt cốt trĩa để có kinh tế. Sau một thời gian địch đánh phá ác liệt, ở đây có nhiều bộ đội, dân công hy sinh. Thương lắm!...Khi được phân công đi trực, đi tiếp tế cũng tham gia cùng với mọi người. Phụ nữ trong bản thường đi hái lá cọ để cho bộ đội lợp nhà, ngày đó vất vã lắm, khổ lắm, bây giờ sướng hơn nhiều….”

Trong câu chuyện của ông Khanh và mẹ Mun kể lại, đời sống người dân không như bây giờ, thiếu ăn thiếu đói, đường sá đi lại toàn núi rừng rất khó khăn nhưng điều đáng tự hào là người dân trong bản yêu thương đoàn kết. Ông Hồ Khanh chia sẽ rằng : Khi cán bộ ngoài Bắc vô đây mình mới chưa đầy 20 tuổi. Dân bản Khe Hó mình nghèo đói lắm, chỉ ăn sắn, ăn khoai thôi. Cán bộ cách mạng thương thường cho gạo, muối. Biết được tấm lòng của người cách mạng, dân bản Khe Hó chúng mình rủ nhau đi gùi hàng, đi đào hầm hào, công sự, mở đường giúp bộ đội… “

Phỏng vấn: Ông Hồ Khanh- Bản Khe Hó- Vĩnh Hà- Vĩnh Linh.

(người dân luôn theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, người dân tộc sống theo suốt chiều dài lịch sử. Tham gia tư tưởng rất phấn khởi muốn đi muốn đánh để bảo vệ quê hương mình…Người đồng bào ở đây có truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau, dựa vào nhau đùm bọc nhau mà sống mặc dù người dân ở đây còn nghèo…)

Đến với bản Khe Hó, hay Khe Trù, Khe Tiên  bây giờ đã có nhiều đổi thay khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, xây dựng đường sá đi lại, trường học, trạm xá, cơ sở vật chất đảm bảo. Bên cạnh đó việc tập huấn kỹ thuật đưa các loại cây công nghiệp để phát triển kinh tế cũng đã được chú trọng. Qua thực hiện các phong trào, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong công tác "dân vận khéo" như già làng Hồ Xan, Hồ Rềnh, và những thế hệ trẻ nối tiếp như anh Hồ Văn Thư vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa làm công tác mặt trận của thôn cùng tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước cho đồng bào Vân Kiều, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng thi đua làm ăn để nâng cao đời sống ở ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.

Phỏng vấn: Anh HỒ VĂN THƯ- Vĩnh Hà- Vĩnh Linh

( Người dân đồng bào có truyền thống từ lâu là rất đoàn kết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước  đầu tư về mọi mặt thì đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, thế hệ trẻ đã thay đổi nhận thức và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây cao su, cây tràm nên đời sống nâng lên..)

Phỏng vấn: Ông VÕ VĂN SANH- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà- Vĩnh Linh.

( Đồng bào Vân Kiều ở đây đã thay đổi lối nghĩ, cách làm rồi. Nhiều năm trước, bà con quanh năm chỉ biết làm rẫy, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế rất thấp. Bây giờ thì nhà nào cũng có vườn cao su, có rừng trồng, đời sống theo đó cũng đã có sự thay đổi lớn…”

Trải qua những giai đoạn khó khăn nhất trong kháng chiến giành độc lập hay trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo thì cho đến bây giờ người dân đồn bào Vân Kiều nơi đây đang đổi mới nhận thức về mọi mặt, thay đổi nếp sống để dần lấn át, xóa bỏ những lối nghĩ, cách làm, phong tục, tập quán lạc hậu. Công tác xóa đói giảm nghèo được ưu tiên thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, số hộ nghèo trên địa bàn theo tiêu chí mới hiện còn 158 hộ, chiếm tỷ lệ 31%, số hộ giàu, khá giả tăng nhanh qua từng năm. Điều phấn khởi nhất chính là việc hầu hết các hộ gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều trên địa bàn đều đã có vườn cao su, rừng trồng với hộ ít nhất là 1 ha, hộ nhiều lên tới 5 - 7 ha nên đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Bây giờ với quê hương Vĩnh Hà, đặc biệt là trong suy nghĩ của những người đồng bào Vân Kiều ở bản Khe Hó, Khe Trù …chỉ cần chịu khó, biết học hỏi, siêng năng, thêm sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước thì việc xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên không còn là chuyện khó.

Nhạc cắt Tiêu điểm

Dẫn : Thưa quí vị và các bạn! Cộng đồng dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị có truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương. Trong kháng chiến người Vân Kiều một lòng một dạ đi theo cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và họ tự hào lấy họ Hồ làm họ của mình. Người Vân Kiều ở Quảng Trị nói chung và ở phía Tây huyện Vĩnh Linh nói riêng vốn có nền văn hóa, văn nghệ dân gian rất phong phú. Chúng ta cùng tìm hiểu nét độc đáo này qua những hình ảnh sau đây.

Ở các xã như Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Ô đều có nét đặc trưng văn hóa riêng đó chính là thường sử dụng nhạc cụ là trống, phèng la kết hợp với các điệu nhảy của các bạn trẻ khi có dịp lễ hội đặc biệt của làng, của quê hương. Những điệu nhảy với âm thanh từ chiếc trống tự tạo và tiếng phèng la được truyền từ đời này sang đời khác  được coi là nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng đồng bào dân tộc nơi đây. Khi có dịp lễ hội được tổ chức thì không thể thiếu phần biểu diễn của các chàng trai, cô gái người đồng bào ở các bản phía Tây của huyện Vĩnh Linh.

Để có được chiếc trống với âm thanh hay, ưng ý thì việc tạo ra được chiếc trống không phải là chuyện đơn giản đòi hỏi sự tỷ mẫn, khéo léo của bàn tay người thợ, đặc biệt là kỷ năng nghe và thẩm định âm thanh của trống. Ông Hồ Văn Thông ở bản Khe Hó là người duy nhất có chiếc trống này hơn 10 nay vì đây là chiếc trống mà chính bàn tay ông tự làm lấy. Theo chia sẽ của người trong làng và ông Thông cho biết thì chiếc trống không thể thiếu trong lễ hội mà mỗi khi gia đình có đám chay, tức là ngày giỗ của người đã mất thì không thể thiếu chiếc trống này để đánh khi làm lễ, nếu gia đình không có thì phải đi mượn cho bằng được khi đó mới hoàn thành đám chay.

Phỏng vấn: Ông HỒ VĂN THÔNG - Khe Hó- Vĩnh Hà- Vĩnh Linh.

( trong nhà khi có đám chay không thể thiếu trống nên tôi phải làm cái trống này, làm rất công phu và đòi hỏi nhiều thời gian…)

Trống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Vân Kiều ở các bản vùng Tây huyện Vĩnh Linh có vị trí quan trọng. Tuy nhiên, không phải người Vân Kiếu nào cũng biết làm trống. Đơn giản bởi vì làm trống cần rất nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm và không dễ có thể học và làm. Tang trống được lấy từ gỗ mít đục rỗng hoặc khoét thủng, sau đó bào tròn, bóng xung quanh làm sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền và chắc. Một trong những điểm khác biệt với trống thông thường là da mặt trống làm bằng chất liệu da bò không được căng lên tang trống bằng cách đóng đinh chết, mà mặt trống được dùng các dây bằng da trâu hoặc dây dù mềm, bền néo căng chéo nhau.  Cũng bởi vậy mà hiện nay ở bản Khe Hó này chỉ có duy nhất chiếc trống này và cho những gia đình có đám chay mượn để làm lễ.

          Phỏng vấn: Ông MAI VĂN ĐÁ- Chủ tịch UBMT xã Vĩnh Hà- Vĩnh Linh. ( trống luôn là vật dụng không thể thiếu của người đồng bào và là nét văn hóa đặc trưng truyền từ đời này sang đời khác cùng với những nét văn hóa như đi sim…tạo nên nét riêng của người dân..)

Tiếng trống, phèng la đối với đồng bào miền núi ở phía Tây Vĩnh Linh không chỉ là khí cụ âm nhạc mà còn là biểu tượng của sự giàu có ở mỗi gia đình, và là biểu tượng văn hóa tâm linh đặc sắc của một vùng đất mang bản sắc riêng đáng tự hào.

Nhạc cắt ý kiến từ làng.

Dẫn: Thưa quí vị và các bạn! Mặc dù sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của người dân vùng miền núi ở Vĩnh Linh có giá trị đối với đời sống sinh hoạt của họ và của vùng đất này tuy nhiên việc gìn giử, bảo tồn gặp những khó khăn.

          Thực tế hiện nay, số lượng người đồng bào làm được những chiếc trống  mang nét văn hóa của bản làng như ông Hồ Văn Thông rất ít, ông chỉ làm chiếc trống để trong gia đình sử dụng. Muốn có được đội cồng chiêng đi tham gia các lễ hội của huyện của tỉnh hay của địa phương thì phải huy động tất cả trống, phèng la và những người biết đánh các loại nhạc cụ này ở ba xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà.

          Phỏng vấn: Ông Hồ Văn Thông- Vĩnh Hà- Vĩnh Linh.

( đa số đều không làm được chiếc trống như thế này, cũng mong muốn nét văn hóa này được lưu truyền …)

Ông Hồ Khanh – Vĩnh Hà- Vĩnh Linh ( phải có cơ chế để người dân duy trì, lưu truyền được …)

Để làm được điều đó thì theo lãnh đạo xã Vĩnh Hà cũng như các xã miền núi ở đây thì cần có sự vào cuộc của các sở ngành liên quan để có cơ chế thành lập đội cồng chiêng, có người đứng ra quản lý và tập hợp lại những loại nhạc cụ và mở rộng duy trì mới có thể lưu truyền.

Phỏng vấn Ông Võ Văn Sanh- chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà

( đây cũng là nguyện vọng của nhân dân và chúng tôi nghĩ rằng cần có sự hỗ trợ để thực hiện được …)

Ngày nay, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, các loại hình giải trí, nghệ thuật đã khiến văn hóa cồng chiêng có nguy cơ bị mai một dần trong giới trẻ. Thế nhưng trên những bản làng của miền núi huyện Vĩnh Linh, tiếng trống, những điệu nhảy vẫn ngân vang, dập dìu trong mỗi dịp lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này cần được lưu truyền mãi mãi cho thế hệ sau. 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Hiển 27/09/2017 08:19 Lê Vĩnh Nhiên 30/09/2017 15:12
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà