Cuộc sống muôn màu (Nghịch lý nước sạch ở bản Kỳ Rỹ)
Danh mục
Cuộc sống muôn màu
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Cuộc sống muôn màu

MC: Xin kính chào quý vị thính giả đang đến với 15p của chuyên mục Phát thanh Cuộc sống muôn màu. Những người thực hiện chương trình xin kính chúc quý vị thính giả khởi đầu tuần mới với nhiều niềm vui. Thưa quý vị thính giả, mở đầu chương trình ngày hôm nay, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Nghịch lý nước sạch ở bản Kỳ Rỹ” của Phóng viên Mỹ Nhị. Tiếp đó, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Vì sự bình yên của nhân dân” của Phóng viên Mỹ Nhị. Cuối cùng mời quý vị cùng nghe bài viết “Thận trọng với thuốc gia truyền” của tác giả Thu Ngọc. Bây giờ là nội dung của chương trình.

Nhạc cắt

MC: Thưa quý vị thính giả. Sống cạnh những công trình nước sạch được đầu tư với nguồn kinh phí lớn nhưng nhiều năm nay, người dân xã A Xing, huyện Hướng Hóa lại phải đối diện với cảnh thiếu nước sạch. Nghịch lý này làm ảnh hưởng đến cuộc sống bà con. Đây cùng chình là nội dung bài viết của PV Mỹ Nhị. Mời quý vị thính giả cùng nghe.

Đi dọc tuyến đường Lìa, đoạn qua xã A Xing, hình ảnh thường thấy trước sân nhà nhiều hộ dân là những bồn nước lớn. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngay cả những hộ nghèo ở địa phương cũng phải bấm bụng rút tiền túi hoặc vay mượn để mua bồn chứa, ống dẫn để đưa nước từ sông Sê Pôn hoặc các con suối về nhà để sinh hoạt. Trong khi đó, bên cạnh nguồn nước sông, các hộ khá giả hơn phải bỏ tiền mua nước đóng bình phục vụ cho việc ăn uống với mức giá đắt đỏ.

Nhà bà Hồ Thị Vân (trú tại bản Kỳ Rỹ, xã A Xing, huyện Hướng Hóa) sống ngay cạnh bể chứa nước sạch. Đường ống dẫn nước do Dự án đầu tư xây dựng chạy ngang trước sân nhà bà. Ngày nước sạch về bản, không chỉ gia đình bà Vân mà các hộ dân trong bản đều mừng vui. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, nước yếu dần, rồi mất hẳn. Công trình nước sạch được xây dựng với nguồn kinh phí khá lớn “đắp chiếu” trong tiếng thở dài của người dân bản Kỳ Rỹ. Không có nước sạch sử dụng, vợ chồng bà Vân phải ra trung tâm huyện mua bồn chứa, ống dẫn để đưa nước từ sông Sê Pôn về dùng.

Nói về vấn đề nước sạch, bà Hồ Thị Vân chia sẻ: Đọc dịch:“Mình biết nước sông không đảm bảo, có thể gây bệnh này, bệnh kia. Thế nhưng, không dùng nước sông thì phải… chịu khát mất. Thôi đành phải mua bình chứa nước, rồi đóng thùng. Mùa hè nước còn sạch chứ mùa mưa bão thì chúng tôi càng khổ hơn”.

Không riêng gì nhà hộ bà Hồ Thị Vân, gia đình anh Hồ Văn Ngởi cũng ngậm ngùi sống trong cảnh thiếu nước sạch. Hằng ngày sau giờ làm, anh Hồ Văn Ngởi phải lặn lội ra sông lấy nước.

Lau giọt mồ hôi trên trán, anh Hồ Văn Ngởi chia sẻ: Băng: “Không có ngày nào là tôi không đi lấy nước...”

Điều đáng nói là tại khu vực anh Hồ Văn Ngởi và các hộ khác thường lấy nước, một số người dân thường đến để pha chế thuốc bảo vệ thực vật. Thế nên, nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật hòa tan vào nước trong quá trình pha chế hoặc từ các chai lọ vương vãi lại là rất cao.

Có mặt tại bản Kỳ Rỹ, theo quan sát của chúng tôi, nhiều gia đình trên địa bàn đã “đầu tư” bồn, ống dẫn để đưa nước sông Sê Pôn về dùng. Tuy nhiên, nước được dẫn về thường đục ngầu, lấm tấm cặn bẩn. Trên tuyến đường liên xã, liên thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ luống tuổi, em nhỏ phải oằn mình gánh gồng, xách mang từng can nước đã cũ kỹ, rêu mốc. Được biết, vào những ngày mưa gió, nước từ thượng nguồn đổ về khiến sông Sê Pôn đỏ quạch màu đất, không thể sử dụng được. Bấy giờ, nguồn nước mưa dự trữ được chính là… cứu cánh đối với bà con. Hầu hết người dân địa phương chúng tôi gặp đều thở dài ngao ngán khi nhắc đến những công trình nước sạch đã một thời gian dài “đắp chiếu” và ngày càng xuống cấp.

Nhạc cắt

Bài 2: Tiếp theo, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Vì sự bình yên của nhân dân” của Phóng viên Mỹ Nhị.

Thời gian qua, lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, tích cực phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong tháng ngày bền bỉ “Thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”, lực lượng bảo vệ dân phố phường 5 đã lập nhiều chiến công và góp phần giữ vững an ninh trật tự cho bà con nhân dân.

Gần gũi, sâu sát với nhân dân nên họ nắm bắt tốt tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; sớm phát hiện những vụ việc gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng nhân dân… Từ nguồn tin báo của người dân, thời gian qua, các bảo vệ dân phố đã góp phần đấu tranh, làm rõ nhiều vụ việc. Từ trước đến nay, bảo vệ dân phố được ví là cánh tay nối dài của lực lượng công an. Không quản ngại hiểm nguy, nhiều thành viên trong các Ban Bảo vệ dân phố đã tham gia truy bắt đối tượng vi phạm pháp luật.

Cùng cán bộ, chiến sĩ công an, những năm qua, lực lượng bảo vệ dân phố thường xuyên kiểm tra các nhà trọ, khách sạn, nhà dân… để hướng dẫn và yêu cầu thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin lưu trú, tạm vắng. Qua những buổi kiểm tra như thế, thành viên các Ban Bảo vệ dân phố cùng lực lượng công an đã bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm pháp luật.

Chị Lê Thị Lệ Hằng – Người ở trọ khu phố 9, phường 5 cho biết: Tôi sống ở đây rất yên tâm bởi an ninh trật tự rất tốt…

 Ngoài đặc thù công việc nguy hiểm, vất vả, hiện nay, lực lượng bảo vệ dân phố còn gặp nhiều khó khăn về chế độ phụ cấp, công cụ hỗ trợ, nơi làm việc… Tuy nhiên, điều đáng quý là thành viên các Ban Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh luôn giữ lửa nhiệt huyết, vượt qua mọi chướng ngại để lập nên những chiến công.

Có gặp gỡ, tiếp xúc và tìm hiểu công việc của lực lượng bảo vệ dân phố mới thấm thía hết những khó khăn, vất vả mà họ nếm trải. Thành viên các Ban Bảo vệ dân phố làm việc bất kể ngày đêm, hầu như không có lễ tết. Dẫu mưa gió, bão bùng hay đang dùng dở bữa cơm, hễ nhận tin báo là họ lên đường. Nhiều khi các anh chị phải gánh vác những công việc không tên mà chỉ những người thực sự tâm huyết mới làm.

Ông Lê Văn Thông - Phó Ban bảo vệ dân phố phường 5 nói: Chúng tôi lấy sự bình yên của người dân làm niềm vui…

Ý thức rõ vai trò, nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ dân phố đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật. Thành viên trong các Ban Bảo vệ dân phố trên địa bàn đã phối hợp tổ chức các cuộc họp dân, qua đó kịp thời thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của những đối tượng xấu; quán triệt các quy định quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thiếu úy Lê Phước Tùng – Cảnh sát khu vực Công an phường 5 chia sẻ: Chúng tôi luôn cố gắng trong từng nhiệm vụ…

Từ lâu, thành viên các Ban Bảo vệ dân phố đã trở thành cầu nối quan trọng giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an với nhân dân. Nhờ họ, vai trò “tai mắt” của người dân mới được phát huy cao độ.

Ngoài ra, lực lượng bảo vệ dân phố còn phối hợp tổ chức xây dựng lực lượng quần chúng làm công tác phòng cháy, chữa cháy; đôn đốc, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu; vận động nhân dân kê khai, giao nộp, cam kết không tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép…

Sự nỗ lực, cống hiến không ngừng của đội ngũ bảo vệ dân phố đã góp phần mang lại bình yên cho mọi miền quê. Không biết từ bao giờ hình ảnh những bảo vệ dân phố giản dị, tâm huyết đã in sâu trong lòng mỗi người dân Quảng Trị.

Nhạc cắt

Bài 3: Phần cuối mời quý vị thính giả nghe bài viết “Cần thận trọng với thuốc gia truyền” của tác giả Thu Ngọc

Thay vì đến các cơ sở khám, chữa bệnh uy tín, nhiều người dân lại đặt lòng tin các vị “lương y tự phong” cùng bài thuốc gia truyền chưa được kiểm chứng một cách khoa học. Việc làm này đã khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Mắc bệnh viêm xoang nhiều năm nay, chị L.T.T. (trú tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) đã tìm kiếm và thử nghiệm nhiều phương pháp điều trị. Thế nhưng, bệnh tình không thuyên giảm. Mỗi khi thay đổi thời tiết, chị T. lại chảy mũi, hắt hơi liên tục, đầu và trán đau như búa bổ. Nghe tin một người đàn ông tên Đ. (trú tại xã A Túc, huyện Hướng Hóa) có bài thuốc gia truyền chữa bệnh viêm xoang, chị T. vội vàng tìm đến cầu viện. Sau nghe chị T. đặt vấn đề, ông Đ. giới thiệu ngay, đây là bài thuốc do thế hệ trước truyền lại. Để có các loại dược liệu quý, ông phải vào tận rừng sâu để tìm kiếm, mỗi chuyến đi kéo dài mấy ngày liền. Khi được hỏi cụ thể về thành phần thuốc, ông Đ. lắc đầu bảo: “Không nói được đâu. Giàng quở phạt chết”. Nghe thế, chị T. chỉ còn cách “nhắm mắt đưa chân”, quyết định mua thuốc về dùng thử. Ông Đ. đưa cho chị T. một chai rượu ngâm các loại rể cây, rồi dặn phải uống sau mỗi bữa cơm và lưu ý kiêng kỵ đồ ăn tanh. Nếu rượu trong chai sắp cạn thì chêm thêm vào, uống cho đến khi hết bệnh. Ông Đ. bảo chữa bệnh miễn phí, chỉ lấy 600 ngàn đồng tiền rượu và thuốc. Sau khi đưa tiền, chị T. được yêu cầu ghi tên, địa chỉ, số điện thoại lại… như những người từng tìm đến nhà ông Đ. nhờ chữa bệnh.

Tuy đã uống rượu thuốc đúng theo chỉ dẫn của ông Đ. nhưng bệnh viêm xoang của chị T. không hề đỡ. Ngược lại, chị còn cảm thấy khó chịu, nóng ran trong người, mụn nhọt phát tác toàn thân. Không còn cách nào khác, chị T. đành dừng dùng thuốc. Đem chuyện chia sẻ với một số người, chị T. mới biết họ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chuyện chưa dừng ở đó, dù không chữa hết bệnh nhưng chị T. vẫn phải trở lại nhà của ông Đ. để… trả lễ. “Mình nghe bảo, ở vùng này, một số người có khả năng yểm bùa. Họ biết tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại mình rồi. Vả lại, mình cũng đã uống thuốc. Lỡ có mệnh hệ gì thì… Thôi, đành nhắm mắt chịu thiệt thêm một lần nữa vậy”.

Thực ra, không ít người rơi vào hoàn cảnh dở khóc, dở mếu như chị L.T.T, anh L. (trú tại thành phố Đông Hà) cũng từng nếm “quả đắng” vì tin vào thuốc gia truyền. Khi được giới thiệu về một người đàn bà tên B. (trú tại huyện Triệu Phong) có bài thuốc chữa bệnh trĩ rất hiệu nghiệm, anh đã tìm đến tận nhà để nhờ chữa trị. Dò hỏi hàng xóm sống gần nhà bà B., anh được biết có rất nhiều người từng tìm đến đây để chữa bệnh. Thậm chí, bà B. còn có dịch vụ gửi thuốc qua đường bưu điện cho bệnh nhân ở xa. Thế nhưng, khi được hỏi về tính hiệu quả của bài thuốc, hàng xóm của bà B. đều lắc đầu vì… chưa dùng thử. Sau khi gặp mặt, bà B. cam đoan với anh L. là sẽ chữa trị hết bệnh trĩ trong vòng chưa đầy một tháng. Anh L. chỉ cần đốt các cây thuốc do bà tự tay điều chế và ngửi hàng đêm. Bà B. căn dặn: “Khi hít khói thuốc, cần ngậm nước trong miệng. Nếu thấy người mệt, nổi sốt, miệng lở loét thì ngưng dùng hai, ba ngày. Trong thời gian này, phải nghỉ ngơi, uống thêm nước chanh hoặc Vitamin C. Khi cơ thể không còn mệt mỏi nữa thì dùng thuốc tiếp. Triệu chứng này là bình thường, chứng tỏ thuốc đã phát huy tác dụng, chỉ một thời gian nữa sẽ lành bệnh”. Sự “đặc biệt” của bài thuốc mà bà B. điều chế là có thể uống bia rượu trong quá trình sử dụng (dẫu khoa học đã chứng minh rằng bi rượu là “khắc tinh” của bệnh trĩ). Ngoài ra, bà còn “quảng cáo, mình có thể chữa những bệnh nặng khác như: gan, ung thư, rối loạn tiền đình… Trả gần 1 triệu đồng để mua thuốc, anh L. rất hi vọng sẽ chấm dứt nỗi ám ảnh mang tên bệnh trĩ. Thế nhưng, một tuần trôi qua, rồi sau đó là một tháng, bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm, thậm chí có chiều hướng nặng thêm. Điện thoại bà B. hỏi còn cách nào không, bà bảo: “Lâu nay, tôi chữa cho ai cũng hết, chắc cơ địa anh không hợp rồi. Giờ không còn cách nào nữa”.

Mang tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã tìm đến các vị “lương y tự phong” và được chữa trị bằng phương pháp gia truyền gia truyền. Điều đáng nói là hầu hết các đối tượng này đều không có bằng cấp hoặc trải qua khóa đào tạo nào về y tế. Trong khi đó, bài thuốc của họ có điểm chung là tự bào chế, không rõ nguồn gốc, thành phần, tác dụng phụ... Tuy nhiên, điều đó không khiến nhiều người quan tâm. Họ chỉ tin vào những lời quảng cáo, giới thiệu về tính hiệu nghiệm của thuốc được truyền miệng trong cộng đồng. Thế nên, khi rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, ai cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Chào cuối

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 25/03/2018 08:13 Võ Nguyên Thủy 26/03/2018 09:52
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà