LẮNG NGHE CUỘC SỐNG Lần đầu con xa nhà
Danh mục
Từ thiện
NỘI DUNG

LẮNG NGHE CUỘC SỐNG

Lần đầu con xa nhà

MC: Kính chào quý vị và các bạn đang nghe chương trình Lắng nghe cuộc sống phát trên sóng phát thanh tần số 92,5 mkh của Đài PTTH Quảng Trị.

MC: Thưa quý vị và các bạn, kể từ khi những trường ĐH đầu tiên thông báo nhập học đến bây giờ các bạn sinh viên của chúng ta đã hít thở bầu không khí của giảng đường đại học được khoảng “2 tuần”! Chắc hẳn, trong tâm trạng mỗi người đều có rất nhiều cảm xúc!

MC: Vâng, tôi nghĩ rằng đó là Cảm xúc tự hào, cảm xúc “khó tả” khi sống tự lập trong một môi trường “xa phụ huynh”, cảm xúc mong thời gian trôi thật nhanh sau khi nhập học tại thành phố để về với bố, mẹ, hay cảm xúc nhớ nhà đến phát khóc… , đúng không chị ….

MC: Vâng, tôi cũng nhớ rất rõ cảm xúc lần đầu mình xa nhà để học ĐH, nhất là nhớ những bữa cơm đầm ấm bên gia đình, nhớ những lần đi chơi với bạn bè trong xóm, và thưa quý vị, trong khi những sinh viên của chúng ta xa nhà, thì tại quê nhà, phụ huynh các bạn cũng đang trải qua những cảm xúc “đặc biệt”… cảm xúc tự hào khi con “đỗ đại học”, cảm giác làm quen với cảnh “trống vắng” những đứa con yêu trong gia đình.

MC: Chia sẽ những cảm xúc này, chương trình lắng nghe cuộc sống hôm nay sẽ chuyển đến quý vị và các bạn những câu chuyện của những phụ huynh có con lần đầu xa nhà, bây giờ mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

MC: Thưa quý vị và các bạn, các tân sinh viên, thường ở Tuổi mười tám, lần đầu tiên sống xa gia đình, xa cha mẹ và các em, xa quê hương. Trước ngày nhập học, háo hức về một cuộc sống mới, về một cuộc sống tràn đầy màu hồng với sự tự do, tự lập ở các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẳng, nhưng khi đặt chân đến đây mới thấu hết mọi khó khăn vất vả của cuộc sống trọ khi học xa nhà. Vì vậy, các bậc phụ huynh có những lo lắng là điều dễ hiểu. Và họ đã làm gì để vượt qua nỗi lo lắng này, mới quý vị và các bạn đến với những chia sẽ của CTV Biên thùy qua bài viết – Khi con lần đầu xa nhà.

Vậy là hơn một tuần trôi qua các em tân sinh viên được tiếp xúc với giảng đường Đại học. Có lẽ những bước đầu của các em là sự dìu dắt ân cần của bố mẹ mình. Gặp gỡ chị Nguyễn Thị Nguyệt là phụ huynh có cháu Hà Phương vừa đậu ĐH kinh tế Huế. Theo chị Nguyệt kể, cháu phương là con gái đầu của chị, nên mọi thứ đều được chị Nguyệt lo chu đáo từ cái ăn cái mặc, thậm chí đi học cũng được chị đưa đón tận trường. So với các bạn ngang lứa, cháu Phương vẫn còn ngây thơ chưa tự lập được nhiều. Ngày chuẩn bị nhập học, chị phải đưa cháu Phương vào đăng kí nhập học, chỗ ở cho bé Phương và hướng dẫn cháu mọi thứ. Kể chuyện với chúng tôi, chị Nguyệt chia sẻ:

Băng (nội dung: sự lo lắng của chị về con cái của mình)

Không chỉ riêng chị Nguyệt mà phần lớn hầu hết các bậc phụ huynh đều mang một nỗi lo lắng chung. Không phải họ không tin tưởng vào sự trưởng thành của các con của mình, mà trong một môi trường mới có nhiều bỡ ngỡ, bậc làm cha làm mẹ họ rất băn khoăn không biết con mình liệu có thích nghi được hay không? Liệu có tự chăm sóc bản thân mình tốt hay chưa. Có nhiều phụ huynh đã đến sống với con mình một thời gian để các con có thể thích nghi mọi thứ. Cũng có nhiều phụ huynh đã gửi gắm con mình với nhà người thân quen, hoặc đăng kí ký túc xá cho an toàn để con của mình có thể vào ở cùng các bạn. Mỗi cách làm của các bậc phụ huynh đều với mục đích mong muốn con mình hòa nhập với công động với môi trường học tập mới. Anh Nguyễn Phục ở TT Lao Bảo nói thêm :

(nội dung: những mong muốn đối với các con trong môi trường học tập…)

Cứ đến năm học mới, mỗi phụ huynh đều mang một tâm trạng chung. Đó là sự tự hào khi con mình trưởng thành trong giảng đường ĐH và cũng không kém phần lo lắng khi con mình sống trong môi trường mới. Nhưng chúng ta đều mong muốn rằng các em sẽ bước tiếp đến con đường trưởng thành và sự thành công của các em trong tương lai tốt đẹp.

Nhạc cắt

MC: Quý vị và các bạn, đang nghe chương trình Lắng nghe cuộc sống của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn, những chia sẽ của những phụ huynh đến từ Hướng Hóa có lẽ cũng là tâm trạng của nhiều phụ huynh khi có con lần đầu đi học xa nhà. Tất nhiên chúng ta sẽ rất lo lắng cho con, nhưng làm thế nào để con yên tâm hòa nhập với cuộc sống mới là điều quan trọng.

MC: Vừa mới rời xa tuổi học trò, bước những bước chân đầu tiên tới giảng đường Đại học, chắc hẳn các bạn tân sinh viên ít nhiều đều mang trong mình những cảm xúc mới mẻ. Những bỡ ngỡ của của cuộc sống xa nhà với biết bao lo toan, rồi những cảm nhận khác nhau về trường mới, lớp mới với những bạn bè mới… sự sự tin tưởng, động viên kịp thời của gia đình có ý nghĩa rất lớn giúp các em vững tin hơn trong cuộc sống mới. Đây cũng là nội dung Câu chuyện anh Nguyễn Văn Chung, ở Gio Thành, Gio Linh giúp con tự tin nhập học và gặt hái được nhiều thành công trong học tập mà chúng tôi chia sẽ ngay sau đây. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Băng  

 

 

MC: Phần cuối chương trình Lắng nghe cuộc sống hôm nay, chúng tôi xin chia sẽ với quý vị và các bạn lá Thư gửi con gái khi học đại học xa nhà của một phụ huynh. Tôi nghĩ rằng, những dòng tâm thư này cũng là mong muốn, chia sẽ của rất nhiều bậc phụ huynh có con đang học xa nhà, nhất là những học sinh, sinh viên năm nhất Đại học. Bây giờ Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

 

MC : Đọc trên nền nhạc : Con yêu, Vậy là con gái của mẹ đã lớn thật rồi, cuối cùng cũng đến ngày con phải rời xa vòng tay mẹ để đi học xa nhà. Mẹ vẫn lo lắng y như ngày đầu tiên con đi nhà trẻ, con khóc mà lòng mẹ xót xa. Mẹ biết con không còn mãi bé, cô gái của mẹ đã lớn và đến lúc con phải bay bằng chính đôi cánh của mình, trên bầu trời của con.

Sống xa nhà, dù muốn hay không, con cũng phải trưởng thành và chín chắn hơn, không còn là lúc mè nheo, nhõng nhẽo như ở nhà với mẹ. Cuộc sống trên thành phố, xa nhà, xa bố mẹ lần đầu, ắt con sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng mẹ tin, con gái mạnh mẽ của mẹ có thể vượt qua. Con hãy nhớ, cuộc sống không thể tránh khỏi những chông gai, nếu con coi đó là một trò chơi có mạo hiểm, con sẽ thấy nó thú vị, còn nếu con nhìn nó bằng con mắt của sự bi quan, sợ hãi, nó sẽ là con quái vật nuốt chửng con lúc nào không hay.

Con đã chọn ngành con yêu thích, trở thành một phóng viên. Mẹ sẽ ủng hộ cho con trên mọi nẻo đường sự nghiệp con đã chọn. Sống xa nhà, tiền là điều quan trọng với con. Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc một phần được nuôi sống bằng tiền. Không ai hạnh phúc khi không có tiền và nếu họ nói là có, thì đó chưa chắc đã là lời thật lòng. Con hãy nhớ, chúng ta chỉ thực sự tự do, làm chủ cuộc sống khi con có khả năng làm chủ tài chính của mình.

Chỉ khi con xông pha, trải nghiệm, con mới nhận được những điều giá trị con mong muốn. Mẹ không muốn con phải đi làm thêm quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học. Nhưng mẹ mong con hãy suy nghĩ đến việc đi làm thêm để có những kinh nghiệm thực tế. Con sẽ thấy, tiền không phải là thứ đáng giá nhất con nhận được khi đi làm. Con cũng hãy thoải mái tham gia các hoạt động cùng các bạn, làm tình nguyện, đi đến những nơi mà con muốn đến … để hiểu đúng nghĩa thế nào là sinh viên.

Khi mẹ còn đi học, mẹ thường nghĩ, cùng một công học, nên hãy cố học tốt nhất có thể. Học ở đây không có nghĩa chỉ là học trên lớp, mà còn học từ chính cuộc sống xung quanh. Nên biết cho đi để được nhận về, năng giao tiếp, kết bạn mới, nhưng cũng đừng quên những người bạn cũ. Có những người bạn thân của con, dù con có nhiều mối quan hệ đến đâu, cũng cần giành thời gian để vun đắp tình cảm đó. Ba mẹ không thể ở bên con khi học xa nhà, nhưng những người bạn thân sẽ là người cùng con bước tiếp trong suốt quãng đời sinh viên và sau này.

Ở tuổi của con, sẽ có những rung động rất đẹp. Nếu con có tình cảm với ai, hãy để nó được tự nhiên. Mẹ chỉ muốn nhắc con, khi yêu đừng bỏ qua lý trí, con gái vốn dễ tổn thương, nếu con không suy nghĩ kỹ, yêu nhầm người, sẽ khiến con đau khổ. Những lúc con có tâm sự, hãy gọi cho mẹ như một người bạn, mẹ sẽ cho con những lời khuyên bổ ích.

Thêm nữa, cuộc sống này chỉ có ba mẹ yêu thương con “miễn phí”. Con hãy cẩn trọng với những lời mật ngọt. Sống tử tế là bổn phận của chúng ta, nhưng nếu để những thứ không tử tế lợi dụng thì đó là lỗi của chúng ta.

Con yêu, Có thể những điều mẹ nói con chưa hiểu hết, hay cho rằng mẹ dài dòng. Mẹ chỉ muốn nói rằng, dù con lớn, mẹ vẫn luôn lo lắng, yêu thương con. Nhà là nơi để về, nếu có bất cứ lúc nào con cảm thấy mệt mỏi, hãy về nhà con nhé

Nhạc cắt

MC: Quý vị và các bạn thân mến, những chia sẽ cảm động của một người mẹ gửi con gái xa nhà mà quý vị và các bạn vừa nghe cũng đã khép lại 15 phút  của chương trình Lắng nghe cuộc sống tuần này của chúng tôi. Trong chương trình thứ 7 tuần tới, với chủ đề Đời sống tinh thần của những giáo viên cắm bản - quý vị và các bạn quan tâm, chia sẽ với chúng tôi những câu chuyện mà mình cảm nhận được qua địa chỉ email : Lắng nghe cuộc sốngqrtv @gmail.com. Hoặc gọi điện thoại đến số 0918898246 PV phụ trách chương trình sẽ kết nối với quý vị và các bạn.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm lắng nghe, xin kính chào và hẹn gặp lại.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Lê Vĩnh Nhiên 07/09/2018 15:48
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà