Ct thơ 21/12 pt
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 20/12 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct thơ hôm nay, mục điểm thơ, chúng ta cùng cảm nhận một số sáng tác của những nhà thơ Quảng Trị. Bài của An Thái. mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, nhân hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ lớn Chế Lan Viên, chúng ta cùng nghe bài viết của Hiếu Giang về bài thơ "Người đi tìm hình của nước" của tác giả Chế Lan Viên. Nhưng trước hết, mời quý thính giả thưởng thức tác phẩm này qua một đoạn ngâm của NSND Trần Thị Tuyết (băng ngâm trên mạng, sau đó đến đọc bài viết phân tích tác phẩm khi ktv vuốt nhạc nền) -Phần cuối ct, chúng ta cùng tiếp tục theo dõi cuộc chuyện trỏ giữa pv với một nhà thơ trưởng thành từ ĐH Đà Lạt, quê ở Phan Thiết. Chúng ta cùng nghe (băng) -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: người yêu thơ QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Điểm thơ:

   THƠ BÊN DÒNG THẠCH HÃN.

Thơ bên dòng Thạch Hãn là tên gọi trang thơ của những tác giả người Quảng Trị trên đặc san văn học “Quán Văn”  do NXB Văn học ấn hành tại tp Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin lần lượt điểm trong tạp chí Người yêu thơ Quảng Trị.

  Nhà thơ Lê Văn Trâm hiện diện trong số này với bài thơ “Qua Ô Lâu”  bằng thể thơ 5 chữ. Mở đầu tác giả viết:

  Ai ngồi bên bến sông

  Ngóng chờ vầng trăng muộn

  Ngàn lau còn thấp thoáng

  Bóng dáng người tri âm

 

  Ta có lần qua sông

  Mang theo đời hoa bướm

  Gửi ngày xanh vào nắng

  Gửi tình theo nước xuôi

 Lê Văn Trâm đã viết về dòng sông Ô Lâu, dòng sông tình sử như có người đã ví bằng tâm cảm hoài niệm, bởi dẫu là ai khi đến bến sông này hay nhớ bến sông này thì cũng hồi tưởng về một điển cố một chuyện tình gắn liền với câu ca :”Trăm năm dầu lỗi hẹn hò...” Nên thi nhân Lê Văn Trâm cũng đành:” gửi ngày xanh vào nắng/gửi tình theo nước xuôi”.

  Nhà thơ viết tiếp cũng vẫn bằng nỗi niềm hoài niệm, ôn cố tri tân:

    Ta một đời trĩu nặng

    Chuyện tình nghĩa trăm năm

    Trời mây màu lau trắng

    Phủ kính ngày ăn năn

 

    Chiều về qua sông vắng

   Nhớ con đò năm xưa

   Ta một đời lỗi hẹn

   Nợ mãi anh trăng rằm.

  Cảm giác nợ nần và lỗi hẹn cứ đeo đẳng nhà thơ Lê Văn Trâm trong thể thơ năm chữ mang phong vị cổ kính, hợp với không gian vắng lặng và thời gian hoài niệm, không gian và thời gian tâm trạng.

  Nhà thơ Phan Văn Quang, một người con Quảng Trị xa xứ, một người được biết nhiều với tập thơ “Ta mang một nửa đời luân lạc”. Và tên của bài thơ như đã vận vào đời của những bước chân lữ thứ.  Trong tập “Quán Văn”, nhà thơ Phan Văn Quang đã có bài thơ: “Gửi bạn Triệu Phong.  Đó cũng là cảm xúc về dòng sông quê hương:

  Mạch đá của sông gồng mình nước lũ

  Chới với ruộng đồng củi mục, rều xa

  Hẹn bạn ở quê quầy ly rượu trắng

  Thượng nguồn mưa vần vũ mấy ngày qua

 

   Không phải hụt chân dè chừng con nước

  Đò ngang gửi phận ở bến An Mô

  Gió thổi một bề qua cầu mưa tạt

  Đồng sâu nước sỉa lõa trắng bãi bờ

 Một quê hương, đúng hơn là dòng sông quê hiện ra lam lũ, lấm láp và gần gụi trong thơ Phan Văn Quang. Điểm mạnh của thơ anh chính là những hình ảnh tả thực, với những bài thơ có chất lượng thì hình ảnh chọn lọc, mang tính điển hình, cảm xúc cũng từ đó mà chưng cất thăng hoa.

  Tác giả từ chuyện tả thực. tả cảnh bước sang nói chuyện nỗi lòng, cũng là một cách miêu tả nội tâm của nhà thơ Phan Văn Quang:

    Hoài chuyện tuổi thơ rưng lòng chưa vãn

    Rượu làng ngấp nghé chuyến choáng say

    Trái khế chín cây gió lay thì rụng

    Sương trắng qua đầu mấy ai hay

 

    Cứ để ngày qua mong chi lại níu

    Trầu xanh chưa hái dành bán ai mua

    Gái Cổ Thành phải lòng nem chợ Sãi

   Tóc xanh ướt tàn lá chuối che mưa.

  Thơ anh sử dụng từ địa phương, cách nói dân dã đặc sệt Quảng Trị khi tả cảnh cũng như tả người, tả lòng. Nhiều câu tuy tả thực nhưng vẫn gợi, tạo nên cảm giác buồn buồn , mênh mang. Thơ Phan Văn Quang khắc họa khá thành công bước tranh quê Quảng Trị, một bức tranh chân thực về cuộc sống và tình người bên dòng Thạch Hãn và cho thấy một tấm lòng nặng nghĩa với quê hương.

 

Thể loại : bình luận, tùy bút văn nghệ  

            NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA NƯỚC.

                                                                                      (Xuân Dũng)

             Nhà thơ lớn Chế Lan Viên đã có một sáng tác tiêu biểu cho phong cách trí tuệ, giàu sức biểu cảm, khái quát của ông thể hiện qua bài thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người đi tìm hình của nước”.

        Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

    Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre

   Những hình ảnh đối lập đã tạo nên nghịch lý trong cảm xúc tiếp nhận ngay từ câu đầu tiên của bài thơ: đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi. Âý là vì đất nước đang còn chìm đằm trong ách ngoại xâm, người dân phải chịu gông xiềng nô lệ.

   Những hình ảnh tiếp diễn của bài thơ trong cách hiểu, cách cảm của tác giả về đoạn đường của một lãnh tụ cách mạng đang kiếm tìm một chân lý để giải phóng dân tộc mình.

   Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương

   Đó là cảnh tượng khi một mình lênh đênh để rồi Bác phải một mình lênh đênh nơi đất khách quê người. Còn tác giả thì tự vấn, thì trách móc, thậm chí lên án những trí thức, văn nghệ sĩ đang say sưa với những gì lãng mạn hay mơ màng với những điều xa rời thực tại, để quên những nỗi niềm lớn lao và thời sự của cả dân tộc.

   Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn

Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
                         Cho cuộc đời giật dây

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi

   Trong khi đó Bác đã phải chịu đựng rất nhiều gian nan, thử thách để mong hoàn thành sứ mạng của mình: đưa dân tộc cập được bến bờ độc lập, tự do.

   Hiểu sao hết "Người đi tìm hình của Nước"
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người

    Cuối cùng thì Người đã tìm được con đường cách mạng và nhà thơ đã reo lên ở cuối bài thơ.

    Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc...
Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai

   Thành công của bài thơ là lựa chọn những hình ảnh vừa cụ thể lại vừa khái quát, với những triết luận, suy tưởng sâu sắc và độc đáo, lật đi lật lại vấn đề, tạo nên tầm vóc của nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật. Đó chính là đóng góp quan trọng của Chế Lan Viên khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 19/12/2019 07:49 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà