tạp chí NCT
Danh mục
Tạp chí người cao tuổi
NỘI DUNG

Tạp chí NCT 28/12

MC1: Kính chào các cụ và quý vị thính giả của tạp chí NCT. QV & các cụ thân mến. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: Tuổi cao thì chí càng cao và theo Hội NCT Việt Nam thì cho đến nay ở nước ta có hàng nghìn văn nghệ sỹ cao tuổi, đây là một lực lượng vô cùng hùng hậu và có nhiều đóng góp cho nền VHNT nước nhà.

MC2: Vâng và tại Quảng Trị, các văn nghệ sĩ NTC cũng đã và đang ngày đêm miệt mài, say xưa với những sáng tác văn hóa, văn nghệ, làm phong phú thêm cho bức tranh văn hóa tỉnh Quảng Trị. Tạp chí NCT tuần này chúng tôi xin giới thiệu đến QV & Các cụ bài viết: NCT Quảng Trị với sáng tạo nghệ thuật. Tiếp đó tiểu mục sức khỏe tuổi già sẽ cung cấp đến QV những thông tin liên quan đến bệnh đục thủy tinh thể. Bây giờ là phần nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

NCT với những sáng tác nghệ thuật

MC1: Quý vị và các cụ thân mến! Với số lượng gần một nửa tổng số hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, văn nghệ sỹ cao tuổi là những nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Họ đã có những đóng góp tích cực trên mặt trận đấu tranh trực diện với kẻ thù cũng như trên mặt trận tái thiết đất nước hôm nay. Những sáng tác của các văn nghệ sỹ như thơ, nhạc, truyện ngắn, truyện dài, tranh, tượng và phim, ảnh... làm nên một kho tàng văn nghệ vô cùng phong phú. Đã có rất nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, gắn liền với  tên tuổi của lớp người cao tuổi. Hiện nay, các văn nghệ sĩ cao tuổi vẫn luôn tích cực hoạt động trên mặt trận văn hóa, văn nghệ và tuổi tác dường như không làm vơi đi tài năng, cảm hứng và nhiệt tình sáng tạo nghệ thuật của họ.

MC2: Trong số các văn nghệ sĩ NCT có nhiều người đã đi qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Họ là những nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và mặt trận đấu tranh trực diện với kẻ thù cũng như trên mặt trận tái thiết đất nước hôm nay. Họ đã cất cao tiếng hát "làm át tiếng bom", họ đã sáng tác hàng trăm vở kịch, bài thơ, bản nhạc, truyện ngắn, truyện dài, tranh, tượng và phim, ảnh... làm nên một kho tàng văn nghệ cách mạng vô cùng phong phú.

MC1: Đất nước hòa bình thống nhất, lực lượng văn nghệ sĩ cách mạng ấy, những nghệ sĩ, chiến sĩ ấy lại tiếp tục cống hiến cho nhân dân bằng tài năng và lao động sáng tạo của mình. Đã có biết bao tác phẩm văn nghệ hay và nội dung tốt phục vụ cho hàng triệu lượt người xem, nghe. Nhiều tác phẩm đã sống mãi với thời gian. Rồi năm tháng cứ đi qua, tuổi tác cứ cao dần, rồi trở thành "người xưa nay hiếm", nhưng với văn nghệ sĩ cách mạng thì tuổi tác dường như không làm giảm đi tài năng, cảm hứng và nhiệt tình sáng tạo của họ. Tuổi càng cao thì chí càng cao, tài năng càng chín, đội ngũ Văn nghệ sỹ NCT đã tạo nên những dấu ấn riêng của mình. Ông Nguyễn Hoàn, chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị cho biết:

Băng ghi âm

MC2: Những văn nghệ sĩ cao tuổi bao giờ cũng sống có trách nhiệm với nền văn hóa dân tộc, luôn luôn đoàn kết, luôn luôn suy nghĩ, suy tư, trăn trở trước thực trạng nền văn hóa dân tộc họ đã và đang tiếp tục làm người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng và đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Ông Nguyễn Hoàn cho biết thêm:

Băng ghi âm

MC: Trong sự xáo động, đa chiều của đời sống văn hóa, văn nghệ hôm nay, văn học nghệ thuật Quảng Trị vẫn tìm ra cho riêng mình một thế đứng riêng, vừa dung dị, vừa mênh mang, tuy day dứt nhưng ấm áp, mãnh liệt, rất mới nhưng vẫn đậm đà chất quê; để lại dấu ấn tốt đẹp trong bạn đọc cả nước. Từ những tác giả cựu trào, cao tuổi đến các tác giả đang sung sức đều đã có những đóng góp xứng đáng; cho ra đời hàng loạt các tác phẩm có chất lượng, không chỉ bó hẹp trong địa bàn Quảng Trị mà đã vươn ra tầm quốc gia, được khán giả quan tâm và dành nhiều tình cảm yêu mến.

Nhạc cắt

Các bệnh về mắt ở NCT

MC2: Thưa QV &các cụ! Ngày nay, người cao tuổi (NCT) cũng giống như người trẻ hay mắc phải các căn bệnh thời đại như: bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Ngoài ra, quy luật của tuổi tác cũng khiến NCT mắc thêm nhiều bệnh, nhất là các bệnh lý về mắt. Hiểu biết đúng về một số diễn biến cũng như các bệnh lý về mắt thường gặp ở NCT giúp phòng tránh tốt hơn căn bệnh này khi về già.

MC1: Theo thống kê của các tổ chức y tế tại Việt Nam thì hiện nay 90% người lớn tuổi bị đục thủy tinh thể do quá trình lão hóa tự nhiên của mắt. Bởi khi đó, mắt thiếu hụt đi nguồn chất chống oxy hóa để dọn dẹp “rác thải” là các gốc tự do sinh ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Những “rác thải” này phân hủy các protein, khiến trật tự sắp xếp bị đảo lộn, tạo thành các đám mờ đục mà chúng ta có thể quan sát thấy khi nhìn vào đôi mắt. Đục thủy tinh thể đang có xu hướng xuất hiện ở độ tuổi sớm hơn, bởi do sự kích hoạt từ các yếu tố như môi trường ô nhiễm, khói bụi, thực phẩm bị dư tồn chất bảo vệ, thuốc trừ sâu...

MC2: Suy giảm thị lực là triệu chứng dễ dàng nhận biết nhất của người già khi bị đục thủy tinh thể. Bệnh không gây đau đớn nên ở giai đoạn mới khởi phát rất khó phát hiện nếu như người bệnh không lưu tâm.  Bác sỹ Bùi Thị Vân Anh đến từ trung tâm mắt tỉnh Quảng Trị cho biết cụ thể về các triệu chứng cũng như các điều trị bệnh đục thủy tinh thể như sau:

Băng ghi âm

MC1: Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc đục thủy tinh thể ở người già chiếm tới 70% do quá trình lão hóa. Tới khoảng 65 tuổi, bất cứ ai cũng bị đục thủy tinh thể ở một mức độ nào đó, dù nó không quá ảnh hưởng đến thị lực.Tuy nhiên, việc phát hiện sớm các dấu hiệu này ở người già không phải dễ dàng. Đa phần các cụ nghĩ đó là do tuổi tác và sẽ chẳng thể ảnh hưởng quá lớn tới đời sống. Đồng thời tâm lý ngại làm phiền con cái, sợ bệnh viện khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn. Sự gần gũi, chia sẻ của con cháu đối với người cao tuổi đặc biệt quan trọng. Quan sát và thường xuyên hỏi thăm cũng là cách để bạn phát hiện kịp thời và chuẩn bị tâm lý cho cha mẹ già. Bây giờ mời QV & CB cùng đến với mục tâm sự tuổi già qua những chia sẻ của nhà báo Võ Thế Hùng.

Nhạc cắt

Đồng vọng miền ấu thơ

Căn nhà mà tôi đang ở nằm trên con đường nhỏ ở ngay trung tâm thành phố. Trong chuyển động ồn ào của phố thị, bổng nghe vọng lên tiếng cuốc kêu khắc khoải. Tự nhiên quặn lòng nhớ cánh đồng quê của tuổi thơ…

Bây giờ quê tôi đã không còn cái thế giới bao la, bí mật và kỳ thú một cách hoang dã như ngày trước. Phần vì nhiều nhà cửa ngày nay đã choán đi một số diện tích mà xưa là đồng ruộng. Đất vẫn thế mà người đông lên nhiều. Ngày trước, cánh đồng tuổi thơ tôi nằm giữa những trảng cỏ xanh nõn trong tiết xuân, những cồn hoang um tùm, những đầm ao và cơ man nào là ao hồ to nhỏ đầy nước đọng mà dưới đó biết bao nhiêu là cá. Trời, không hiểu sao ngày trước cá tôm nhiều đến thế. Trên các ao tù, dọc kênh mương, dưới ruộng lúa, đâu cũng gặp cá tôm, quẫy chí chát dưới chân người. Mỗi buổi sáng đi thu cần câu cắm, ông anh con bác họ tôi thường xách theo về một xâu gần chục con cá tràu đen trũi, to bằng bắp tay. Chỉ tát vét một cái hồ nhỏ mà bắt được cả rổ cá chạch vàng hươm. Và mỗi mẻ vó rắc cám thính, có đến hàng chục vóc tôm đồng. Trong những trận mưa rào, cá rô cộ to bằng bàn tay thi nhau trườn qua đường như trẩy hội. Tạnh mưa, ếch kêu ran cả một vùng. Cái tiếng ếch dễ làm cho người ta mất ngủ, nhưng đi xa thì nhớ da diết. Những người làng bảo thế.

Bây giờ nhớ đến cánh đồng của cái thời xa xưa ấy, người đi xa làng như tôi cứ thắc mắc: “Tại sao bây giờ cá tôm ít đi rất nhiều lần so với trước?”. Những người già chép miệng bảo: “Ruộng đồng bây chừ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hóa học đầy đặc, rồi chất nổ, rà điện…cá tôm mô mà còn?”.

Quả thật, năng lực tàn phá và hủy diệt của con người thật đáng sợ. Qua bao đời, bao thời, kể cả chiến tranh tận diệt, sinh vật, cá tôm vẫn nảy nở sinh sôi. Vậy mà chỉ cần một thời gian ngắn, con người thời nay chuyên chú dùng các kỹ năng vơ vét, thiên nhiên đã nhanh chóng trở thành một kẻ nghèo nàn, cạn kiệt. Chẳng mấy chốc mà thành trắng tay.

Trên cánh đồng làng tôi bây giờ, khó mà tìm lại được một cánh diều vẫy vùng với bầu trời xanh như trước. Tuổi thơ ngày nay có nhiều cái quan tâm hơn là diều giấy, bi chai, thả thuyền và các trò chơi dân gian xưa cũ. Cuộc sống đã khác rồi, cả tôi giờ cũng đã khác với tôi thời thơ ấy. Chớp mắt mà cũng đã tuổi già xế bóng. Chẳng thể đùa chơi cùng chuồn chuồn ớt, lục bình tím và con chim manh manh trong tổ trứng vỡ. Chiếc súng làm bằng lá cây dứa dại đã trở thành trò chơi con nít ngây ngô, lớn lên ra phố thị mê đắm giọng hát Thanh Lan với bài hát “Khi xưa ta bé” cũng bởi trò chơi con nít này.

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Heraclit đã dạy người ta như thế.

Thế thôi. Cuộc đời gọi người ta dấn thân vào “nghiệp” để đa mang lấy những tính toan và nhiều hệ lụy. Phải đến một lúc nào cát bụi phù hoa làm cay mắt, lòng bỗng rỗng không mọi chuyện đời, người ta mới thèm được về dầm chân bên bờ ruộng, nghe mùi bùn ngấm vào da thịt mình, để được cảm nhận tâm linh trôi về một miền yên bình xa hút…Những cánh đồng đầy ắp phù sa từng nuôi lớn bao đời sống cỏ cây, sự vật lại trở thành khu vườn yên tĩnh cho những tâm hồn mỏi mệt…

Không còn nguyên vẹn cánh đồng của ngày xưa. Và tôi cũng chẳng thể trở về tuổi thơ được nữa.Thế mà vẳng nghe tiếng chim cuốc xa xăm lại thèm được sống lại- dù trong khoảnh khắc- miền ấu thơ của tôi trên cánh đồng thuở trước.

                                                                                                              Thế Hùng

Chào cuối

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 25/12/2019 13:02 Phạm Như Quỳnh 25/12/2019 13:02
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà