Tạp chí NCT
Danh mục
Tạp chí người cao tuổi
NỘI DUNG

Tạp chí NCT:

MC1: Kính chào QV & Các cụ! Quý vị và các cụ đang nghe tạp chí người cao tuổi được phát trên sóng phát thanh tần số 92.5MGZ của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các cụ thân mến! Trong 15 phút của chương trình hôm nay chúng tôi sẽ chuyển đến QV & các cụ nội dung sau: Mục tuổi cao gương sáng PV Phạm Quỳnh có bài viết: NCT trong gìn giữ nếp sống văn hóa, Mục sống khỏe mời QV & các cụ cùng tìm hiểu một số biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho NCT. Cuối chương trình như thường lệ sẽ là những chia sẻ của nhà báo Võ Thế Hùng trong mục tâm sự tuổi già. Sau đây là phần nội dung chi tiết, mời QV và các cụ cùng nghe!

Nhạc cắt

MC1: Thưa QV & các cụ! Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời xây dựng nền văn hóa tiên tiến là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó, người cao tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Truyền thống Việt Nam xưa nay đều rất coi trọng người cao tuổi. Các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực chính là tài sản quý giá, một lực lượng quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình đã có những tác động trực tiếp, quyết định nên sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc thông qua việc giáo dục con cháu.

MC2: Ông Nguyễn Văn Minh ở thành phố Đông Hà năm nay đã ngoài 70 tuổi và luôn được con cháu cũng như người dân trong khu phố yêu mến, kính trọng. Lúc còn trẻ, sau thời gian tham gia quân ngũ, làm y sỹ tham gia chăm sóc sức khỏe cho các chiến sỹ và nhân dân ông luôn nỗ lực, tận tâm hoàn thành tốt vai trò của mình. Khi chiến tranh kết thúc, trở về quê hương, ông tham gia phát triển kinh tế gia đình, chăm lo, dạy dỗ con cái trong nhà. Trong ứng xử với bạn bè, chòm xóm, ông cũng luôn đối xử chân tình, chọn cái hay, cái tốt của người khác để tiếp cận và xóa bỏ cái khiếm khuyết của họ để kết giao vui vẻ, chan hòa. Ông Nguyễn Văn Minh vẫn luôn tâm niệm rằng, NCT dù tuổi cao nhưng họ luôn là bóng cả trong gia đình và ngoài xã hội, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn nỗ lực hết mình trong lao động và là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Ông Minh chia sẻ thêm:

Băng ghi âm

 

MC2: Truyền thống văn hóa Việt Nam luôn luôn tồn tại hình thức truyền thụ, giáo dục về các giá trị văn hóa giữa các thế hệ trong mỗi gia đình. Rất nhiều câu thành ngữ đúc kết quá trình giáo dục về cách ứng xử: “Ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”… được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không ai khác, người cao tuổi trong mỗi gia đình bằng những trải nghiệm, thu nhận, rèn luyện của mình sẽ trao truyền cho con cháu những bài học cụ thể nhất, sinh động nhất, phù hợp với những chuẩn mực của gia đình và xã hội. Từ đó hình thành nên văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa xã hội.

MC1: Trong thời kỳ hội nhập, người cao tuổi trong gia đình sẽ là người chọn lọc, truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời sẽ định hướng cho các thế hệ con cháu biết lựa chọn những nét văn hóa tiến bộ của nhân loại để phát triển văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Nhờ đó, mới hình thành nên một nếp sống lành mạnh, xã hội văn minh. Các thế hệ trẻ họ cũng nhìn vào cha ông, nề nếp của gia đình mình mà hình thành nên nếp sống của mình. Anh Đặng Trần Hải ở KP9, TP Đông Hà chia sẻ:

Băng ghi âm

MC2: Có thể nói, người cao tuổi với tinh thần tuổi cao chí càng cao hằng ngày vẫn làm nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội. Bởi vậy cần lắng nghe và tôn trọng người cao tuổi vì họ đã trải nghiệm cuộc đời với bao thăng trầm cùng những bài học quý giá; lưu giữ được những giá trị văn hóa dân tộc. Gia đình và xã hội cũng cần thường xuyên quan tâm chăm sóc, giúp đỡ; nhất là tạo môi trường thuận lợi để người cao tuổi hoạt động với phương châm “Sống khỏe, sống vui, sống có ích”.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các cụ! Bệnh tim mạch là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu khiến sức khỏe của người lớn tuổi suy giảm cùng với tuổi tác. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, việc mắc bệnh tim mạch khiến người cao tuổi có nguy cơ tăng cao chi phí khám chữa bệnh, làm tăng gánh nặng sức khỏe và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Vậy bệnh tim mạch do những nguyên nhân nào và có những dấu hiệu nào có thể nhận biết bệnh, đặc biệt, cách nào phòng tránh tốt bệnh tim mạch ở người cao tuổi tuổi, chúng ta sẽ cùng nghe những chia sẻ của Thầy thuốc ưu tú – tiến sỹ bác sĩ Lê Thị Thu Trang một người con của quê hương Quảng Trị hiện đang công tác tại  – Bệnh viện đa khoa hoàn mỹ - Vạn Phúc 1 – thành phố Hồ Chí Minh.

PV: Xin chào và xin cám ơn bác sĩ đã nhận lời mời phỏng vấn chương trình, thưa bác sĩ, bác sỹ có thể hco biết tại sao người cao tuổi lại thường mắc bệnh tim mạch?

Vậy chúng ta có thể nhận biết bệnh tim mạch qua những dấu hiệu như thế nào?

Có cách nào phòng tránh căn bệnh này không, thưa bác sĩ?

Xin được cám ơn bác sĩ.

Nhạc cắt

          Quý vị và các cụ thân mến! Hy vọng những tư vấn vừa rồi của bác sỹ Lê Thị Thu Trang sẽ giúp QV & các cụ có thêm những thông tin hữu ích trong chăm sóc sức khỏe, bây giờ mời QV & các cụ cùng gặp gỡ nhà báo Võ Thế Hùng với bài viết: Những bài học cuộc sống, xin mời nhà báo Võ Thế Hùng.

Những bài học cuộc sống

 

Những bài học rất bình thường được dạy thời xưa, giờ đôi khi kể lại nhiều trẻ con bây giờ thấy xa lạ.

Sáng chủ nhật đầu năm, tôi dẫn thằng cháu đang học lớp ba ra quán phở ăn sáng.. Trên đường đi đến quán phở quen bất chợt gặp một đám tang đi ngang qua. Tôi bảo thằng bé ngừng lại, đợi đám tang đi ngang rồi tôi giở cái nón trên đầu xuống. Tôi bảo với thằng cháu: “Con giở nón xuống”. Thằng bé không hiểu tại sao, nhưng tự động giở cái nón ra khỏi đầu.

Khi đám tang đã đi qua, tôi đội nón lên đầu, thằng cháu hỏi: “Tại sao mình phải giở nón ra khỏi đầu vậy ông?”. Một câu hỏi hay mà tôi rất đang muốn nó hỏi. “À, làm thế là để tỏ lòng kính trọng người đã chết cũng như chia buồn với tang gia”. “Ba ông nội dạy ông nội hả?”.“Cô giáo ông nội dạy hồi ông nội nhỏ bằng con”. “Ủa, sao cô giáo con không dạy cho tụi con giống như cô giáo ông nội vậy?”.

Đến đây thì tôi giả vờ không nghe do đến tiệm phở rồi.

Có những lúc, những người bạn già, ngồi khề khà bên chai bia nhắc lại thời đi học ngày xưa. Tha hồ mà nhớ lại, mà tranh nhau kể nào là: “Cô dạy ra công viên, không được đi trên cỏ, không được khạc nhổ trên đường phố, chốn đông người. Không được hái hoa trong công viên, khi đến sau là phải sắp hàng, không được nói chuyện to tiếng chốn công cộng như rạp hát, quán ăn...

Một người bạn già chép miệng: “Rất là nhiều cái không mình phải nhớ và ứng dụng khi đi du ngoạn chung với lớp... Sau khi đi du ngoạn về, thi nhau kể tội thằng này, thằng kia không làm đúng theo lời cô giáo ỏm tỏi như kiểm điểm, phê bình cuối năm trong cơ quan vậy. Nhờ vậy mà nhớ đời”.

Trong sách giáo khoa, mỗi bài học được minh họa bằng một tranh vẽ sinh động. Đến lớp nhứt (lớp năm bây giờ), chúng tôi được dạy một số đức tính khá trừu tượng cho tuổi nhỏ. Nhưng bài giảng trong sách đã trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn nhờ những câu hỏi gợi ý như bài học về “Tính liêm khiết”. Xin được trích đoạn dưới đây:

“Em hãy nhận xét và suy nghĩ. Em học sinh lượm được cây viết của bạn, đem giao cho lớp trưởng để trả lại cho chủ cây viết là em học sinh ngay thẳng, liêm khiết. Người thợ không ăn cắp vật liệu, không làm phí thời giờ của chủ là người thợ liêm khiết. Người buôn bán liêm khiết không tráo cân, đong thiếu, không giấu hàng để bán mắc. Trái lại gian thương tráo hàng, cân thiếu đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường, gián tiếp ăn cắp mồ hôi nước mắt của người khác, gây xáo trộn cho nền kinh tế quốc gia. Người công chức liêm khiết không lợi dụng quyền thế, lúc nào cũng chăm lo những việc ích nước, lợi dân, dân chúng được nhờ, quốc gia thịnh vượng...”.

Ngoài sách giáo khoa, học sinh chúng tôi còn được cô, thầy khuyến khích đọc quyển Dưới mái học đường của Cao Văn Thái - phỏng theo quyển sách “Những tấm lòng cao cả” của tác giả Edmon De Amicis. Trong quyển sách này lắm chuyện hay, được tác giả viết lại rất phù hợp với trình độ học sinh.

Tôi nhớ có đoạn như: “Mỗi lần gặp người già cả, kẻ nghèo khó, người mẹ bồng con, người què chống nạng, người khuân vác nặng nề, gia đình đám tang, các con phải nhường bước... Gặp đám tang chớ nên cười đùa, trước những điệu kèn não nuột, tiếng khóc bi ai, ta phải nghiêm chỉnh ngả mũ chào, để chia buồn với tang gia, để vĩnh biệt một linh hồn đã rời xa cõi thế mà còn để lại đau thương cho bao người còn sống...”.

Hồi đó, thi thoảng trường có tổ chức cuộc thi đọc và kể chuyện theo quyển sách này. Vẫn nhớ mãi trang đầu sách có câu ngắn ngủn của V.Hugo mà nói được bao điều: “Mỗi trẻ nhỏ được dạy dỗ là một con người được thành thân”.

Đó là những điều mà chúng tôi đã được cô giáo dạy trong nhà trường vào thập niên 1960.

 

                                                                                                        Thế Hùng

 

Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 13/02/2020 08:21 Phạm Như Quỳnh 13/02/2020 08:21
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà