SỨC KHỎE ĐỜI SÔNG
Danh mục
Sức khỏe cho mọi người
NỘI DUNG

 

SỨC KHỎE ĐỜI SỐNG

Phát sóng 28-7

Hiền:  Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với CT Sức khỏe và đời sống của Đài PTTHQT. Kính thưa quý vị và các bạn! Người lớn tuổi có nhiều khả năng bị bệnh nặng hơn do COVID-19. Mắc bệnh nặng có nghĩa là người lớn tuổi bị COVID-19 có thể cần nhập viện, chăm sóc đặc biệt hoặc máy thở để giúp hỗ trợ hô hấp, hoặc thậm chí tử vong. Nguy cơ gia tăng đối với những người ở độ tuổi 50 và tăng dần lên ở độ tuổi 60, 70 và 80. Những người 85 tuổi trở lên là những người có khả năng bị bệnh nặng nhất. Thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam cho thấy, người già là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công và tiến triển xấu nhanh hơn so với các nhóm tuổi khác. Vậy nguyên nhân do đâu, cách phòng tránh nhiễm bệnh cho người cao tuổi trước chủng virus mới hiện nay là gì? Đó là chủ đề chính của CM SK và ĐS tuần này. Mời quý vị và các bạn cùng đón nghe.

Nhạc cắt

Q: Thưa quý vị! Người cao tuổi sẽ dần xuất hiện những sự lão hóa của cơ thể, từ hệ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng trong bộ máy hoạt động của cơ thể như tim, phổi, hệ thống mạch máu. Tình trạng này làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể người già đối với những tác động từ bên ngoài như thời tiết và môi trường, làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp. Sự lão hóa của cơ thể khiến sức đề kháng của người già bị suy giảm, hệ miễn dịch yếu hơn. Do đó, hệ hô hấp cũng yếu đi dần theo thời gian, lồng ngực giảm khả năng co giãn, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém. Vì vậy, nếu không thực hiện phòng tránh đúng cách, người lớn tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 chủng mới hiện nay rất cao. Và đây cũng là băn khoăn lo lắng của rất nhiều người cao tuổi:

Phỏng vấn: Người cao tuổi

H: Ngoài ra đa số người cao tuổi thường mang theo nhiều yếu tố bệnh nền trong cơ thể, mắc các bệnh mạn tính kèm theo như: Bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ não, bệnh mạch vành...Bệnh hô hấp: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Hen phế quản (vừa đến nặng), xơ phổi, tăng áp phổi...Suy thận mạn, Xơ gan. Suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV, bệnh tự miễn, dùng thuốc ức chế miễn dịch khi ghép tạng...Đái tháo đường. Bệnh về máu: Thalassemia, hồng cầu hình liềm...Nghiện rượu, thuốc lá...Đây cũng là một trong các nguyên nhân người già nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc dịch bệnh. Hơn nữa, khi đã bị nhiễm virus, bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn ở người cao tuổi, diễn biến bệnh xấu nhanh và có thể tăng nặng, gây ra nhiều biến chứng. Các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh phải thở bằng máy, nặng hơn phải can thiệp ECMO, hoặc thậm chí là có thể dẫn đến tử vong.

Q: Thực tế, các bệnh nhân Covid-19 nặng trên thế giới và tại Việt Nam thười gian qua đa phần là người già. Theo báo cáo tại Mỹ, cứ 10 ca tử vong do nhiễm Corona thì có đến 8 ca là người trên 65 tuổi. Ca tử vong đầu tiên tại Việt Nam cũng là bệnh nhân 70 tuổi nằm trong nhóm người cao tuổi.. Bác sỹ Hà Lâm Chi – Phó GĐ Sở Y tế Quảng Trị sẽ tư vấn thêm cho quý vị về những điều người già cần lưu ý để phòng tránh dịch Covid 19:

Phỏng vấn: Hà Lâm Chi

H: Thưa quý vị! Nếu bạn là người lớn tuổi (65 tuổi trở lên) hoặc chăm sóc người lớn tuổi, hãy lưu ý rằng nếu đo nhiệt độ 1 lần cao hơn 100 ° F (37,8 ° C), hoặc đo nhiều lần trên 99 ° F (37,2 ° C), hoặc sự gia tăng thân nhiệt lớn hơn 2 ° F (1,1 ° C) so với nhiệt độ bình thường (cơ bản) của người đó có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng. Ở người lớn tuổi, nhiệt độ cơ thể bình thường có thể thấp hơn ở người trẻ tuổi. Vì lý do này, nhiệt độ sốt cũng có thể thấp hơn.Nếu có dấu hiệu sốt và các dấu hiệu về đường hô hấp như ho, khó thở...cần thông báo cho y tế địa phương để được thực hiện các biện pháp sàng lọc, dự phòng và điều trị phù hợpCác dấu hiệu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là ho, sốt, khó thở, đau họng, nhức đầu. Các triệu chứng này có điểm tương tự như khi chúng ta mắc bệnh cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, không nên chủ quan trong lúc cao điểm này, vì có thể bạn đã không may bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Nếu không phát hiện và được điều trị kịp thời, ngoài việc có thể lây nhiễm cho người khác, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt có thể gây các biến chứng không mong muốn ở người già, thậm chí tử vong. Vì vậy, người thân trong gia đình cần liên hệ và đưa người già đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 chủng mới như đã nêu trên.

Nhạc cắt

H: Thưa quý vị! Bệnh do virus SARS-CoV-2 là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở ra. Bạn có thể bị nhiễm bệnh khi hít phải virus khi đang ở gần người nhiễm, hoặc chạm vào bề mặt có virus, rồi lại chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hiểu được điều đó, mọi người cần chung tay hành động, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo và yêu cầu của từng địa phương. Trong đó, người già là nhóm đối tượng cần đặc biệt chú ý chủ động phòng chống Covid-19 để không bị lây nhiễm, chúng tôi xin xin được tổng hợp tóm tắt các biện pháp sau:

Q: Đầu tiên người già nên hạn chế ra ngoài khi thời tiết có thay đổi, khiến cơ thể khó thích nghi, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm của Covid-19 chủng mới, nên hạn chế ra ngoài, tránh nguy cơ tiếp xúc với virus để giảm khả năng nhiễm bệnh. Thứ 2 là với người già thì môi trường sống cần thông thoáng: Nhà ở, nơi nghỉ ngơi của người cao tuổi trong gia đình cần phải luôn sạch sẽ, thoáng khí, đảm bảo không khí trong lành để quá trình hô hấp của cơ thể không gặp bất lợi.

H: Người già cũng cần ăn đủ chất, uống đủ nước: Người cao tuổi cần ăn đủ chất, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để bổ sung năng lượng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nước cũng rất quan trọng, mỗi ngày cần bổ sung 1,5 - 2 lít nước cho cơ thể. Khi không khát, người già cũng có thể uống các loại trà hoặc nước ấm để có sức khỏe tốt hơn trong mùa dịch. Bác sỹ Hà Lâm Chi – Phó GĐ Sở Y tế Quảng Trị sẽ tư vấn thêm cho quý vị về những điều người già cần lưu ý trong dinh dưỡng:

Phỏng vấn: Hà Lâm Chi

Q: Người già cũng cần áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý: Uống đủ nước: cơ thể đủ nước sẽ giúp hệ bài tiết “hộ tống” các chất cặn bã ra bên ngoài, giúp cho hệ miễn dịch tiêu diệt những tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Hệ miễn dịch cần đủ nước mới hoạt động tốt nhất. Ngoài nước lọc, có thể uống nước trái cây và uống sữa để bổ sung vitamin và dưỡng chất cần thiết. Bổ sung lượng vitamin và khoáng chất đầy đủ: rau xanh và hoa quả tươi chính là chìa khóa để tăng cường vitamin và chất khoáng cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu. Vitamin C giúp tăng sản xuất interferon (tiêu diệt virus qua việc ức chế nhân bản) và kháng thể; hỗ trợ tăng sinh các bạch cầu lympho (B, T) trong máu cũng như tăng khả năng – hoạt tính các đại thực bào… Vitamin nhóm B hỗ trợ chuyển hoá chất đường, tổng hợp protein…. Vitamin A giúp xây dựng hàng rào phòng thủ, tái tạo, phục hồi niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu bị tổn thương. Vitamin D để chuyển hoá canxi cho các hoạt động của tế bào. Kẽm để sản xuất các men xúc tác cho nhiều quá trình sinh hóa – chuyển hóa trong cơ thể. I-ốt để sản xuất nội tiết tố tuyến giáp giúp kích thích gia tăng hoạt động của nhiều loại tế bào trong cơ thể…

H: Thế nên, người cao tuổi cần chú ý xây dựng khẩu phần dinh dưỡng hợp lý, bao gồm nhiều loại rau xanh và trái cây. Theo chuyên gia dinh dưỡng, bông cải xanh là loại rau có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể và hợp chất flavonoids có tác dụng phòng chống nhiễm trùng, chống oxy hóa. Cung cấp đủ các chất đạm: hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Người cao tuổi nên đảm bảo đủ lượng chất đạm hàng ngày, ưu tiên lựa chọn các loại chất đạm dễ tiêu hoá, có đầy đủ các acid amin thiếu yếu. Các loại thức ăn giàu đạm tốt mà người cao tuổi có thể ăn là cá béo, sữa, trứng, thịt trắng… Bác sỹ Hà Lâm Chi – Phó GĐ Sở Y tế Quảng Trị sẽ tư vấn thêm cho quý vị về những điều người già cần lưu ý trong dinh dưỡng:

Phỏng vấn: Hà Lâm Chi

Q: Một yếu tố nữa vô cùng quan trọng đó là đảm bảo giấc ngủ ngon và sâu: Khi ngủ sâu, các cơ quan trong cơ thể như hệ thống miễn dịch sẽ bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và hồi phục. Để tăng đề kháng để chống chọi với Covid-19, không chỉ người cao tuổi mà tất cả mọi người cần ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Đặc biệt thời gian vàng để ngủ sâu là từ 22h đêm đến 3h sáng hôm sau, lúc đó cơ thể tập trung nguồn lực để phục hồi, tái tạo hiệu quả và tối ưu các mô tế bào bị tổn thương và lão hóa.

H: Người già cũng cần tăng cường vận động: Người cao tuổi thường hay bị mệt mỏi nên ngại vận động. Đây là dấu hiệu bình thường khi cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hoá. Để năng vận động, đôi khi cần có sự hỗ trợ, động viên từ người bạn đời, bạn bè hoặc từ con cháu. Hai hay nhiều người cùng tập luyện sẽ có thêm động lực và niềm vui. Ngoài tập dưỡng sinh, đi bộ, bậc cao niên có thể tập các môn có cường độ thể lực trung bình thấp như đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông, bơi lội… một cách nhẹ nhàng. Quan trọng là phải lượng sức mình mà luyện tập. Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 – 45 phút sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

H: Người cao tuổi cần giữ tinh thần lạc quan và lối sống lành mạnh: Sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tâm lý lạc quan hay tình trạng căng thẳng đều có tác động không nhỏ đến hệ miễn dịch của con người, đặc biệt người cao tuổi. Bởi khi lạc quan, hệ miễn dịch sẽ mạnh hơn, các tế bào miễn dịch phản ứng hiệu quả đối với các virus hoặc vi trùng xâm nhập.

H: Thưa quý vị! Tình hình dịch bệnh Covid-19 chủng mới diễn ra ngày càng phức tạp và căng thẳng, người dân cả nước hướng về các y bác sĩ chống lại dịch bệnh hàng ngày với hy vọng tích cực hơn. Mỗi cá nhân chúng ta, đặc biệt là người già - nhóm tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao - hãy cùng chung tay thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Nhờ đó, bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ nhiễm bệnh, đồng thời cũng giúp các y bác sĩ và cả nước chống lại dịch bệnh hiệu quả. Chuyên mục SK và ĐS  tuần này xin được khép lại tại đây. Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe! Chào tạm biệt và hẹn gặp lại vào khung giờ này tuần sau!

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 27/07/2021 08:29 Lê Vĩnh Nhiên 28/07/2021 10:48
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà