Phụ nữ và cuộc sống
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chương trình phụ nữ và cuộc sống:

Bệnh tim mạch ở phụ nữ

MC1: Kính chào Quý vị và các bạn! Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phụ nữ và cuộc sống của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghĩ rằng phụ nữ ít bị bệnh tim mạch hơn nam giới. Tuy nhiên, theo một công bố mới đây của Hội Tim mạch Hoa Kỳ thì tỷ lệ phụ nữ tử vong (đặc biệt là phụ nữ trung niên) vì bệnh tim mạch lại cao hơn nam giới. Vì vậy, phòng bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên là rất cần thiết. Đây sẽ là nội dung chính của chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này.

MC1: Chương trình do Phạm Quỳnh biên tập cùng với sự tham gia thực hiện của PTV…. Và KTV thu âm Vĩnh Lộc, cảm ơn QV & CB đã luôn đồng hành cùng chương trình.

Nhạc cắt

Các triệu chứng của bệnh tim ở phụ nữ trung niên

 

MC2: Chị em và các bạn thân mến! Những triệu chứng của bệnh tim mạch ở nam giới tuổi mãn dục thường xuất hiện khá rõ nét giúp họ dễ dàng phát hiện và điều trị sớm. Nhưng ở phụ nữ, biểu hiện của bệnh tim mạch lại rất “mơ hồ”: có thể là mệt mỏi toàn thân; thở gấp, ngồi nghỉ một lát thì hết; có khi đau tim lẫn với đau dạ dày; có lúc thấy đau xương hàm, có lúc thấy đau cánh tay trái... Thậm chí, đôi khi cũng không thấy rõ bệnh dù đã chụp hình tim.

  

MC1: Chính những biểu hiện không rõ ràng này là nguyên nhân chủ quan không đề phòng bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên và bệnh tim mạch ở phụ nữ vì thế phát triển nhiều hơn, gây tử vong nhiều hơn so với ở nam giới. Ở Mỹ, một nghiên cứu đã tiến hành nhiều năm đã đưa ra một con số rất đáng lưu ý rằng: từ tuổi 35, tỷ lệ bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên tăng 1,3% mỗi năm.

MC2: Vậy tại sao bệnh tim mạch lại dễ xuất hiện ở phụ nữ tuổi trung niên và  các triệu chứng của bệnh như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua một số tổng hợp sau của PV Phạm Quỳnh.

MC1: Vì sao phụ nữ ở tuổi trung niên dễ mắc bệnh tim mạch? Một trong những nguyên nhân được xác định đó là do sự thay đổi hoạt động của ba cơ quan đó là Hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng. Buồng trứng đóng vai trò như một nhà máy sản xuất nội tiết tố theo yêu cầu của não bộ - tuyến yên. Ba cơ quan này luôn phối hợp với nhau một cách hài hòa, uyển chuyển để duy trì nồng độ từng nội tiết tố đúng theo nhu cầu của cơ thể. Ở phụ nữ trẻ tuổi hoạt động của ba cơ quan này rất suôn sẻ. Sự ổn định này có tác động làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu, khiến chúng không thể lắng đọng thành những mảng xơ vữa trên thành động mạch.

 

MC2: Từ tuổi 35 đến sau tuổi 40, hoạt động của hệ trục quan trọng này không còn được ổn định nữa vì cả não bộ, tuyến yên, buồng trứng đều dần lão hóa và bắt đầu suy yếu hẳn đi. Lúc này, buồng trứng không còn sản xuất đủ nội tiết hoặc sản xuất một cách sai lệch so với nhu cầu của cơ thể. Cholesterol xấu (LDL) tăng dần tạo thành nhiều mảng xơ vữa do không còn bị kìm hãm, biến động mạch thành một con đường bị chặn ở nhiều nơi và dễ tắc nghẽn. Bệnh tim mạch tấn công dễ dàng hơn với dấu hiệu đầu tiên chính là cao huyết áp.

 

MC1: Nhưng phiền nỗi, ngay cả khi đã cao huyết áp thì chị em vẫn còn chủ quan không đề phòng bệnh tim mạch. Họ vẫn không bỏ được thói quen ăn mặn, ăn nhiều đồ ngọt, đồ béo, cứ tin tưởng vào những viên thuốc (mà đôi khi họ còn không uống đều đặn, đúng giờ). Chưa kể, những phụ nữ ở tuổi này còn dễ nóng giận, mà nóng giận thì càng làm huyết áp tăng cao hơn khiến tỷ lệ tử vong do tai biến mạch máu não rất cao. Và bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên càng có cơ hội phát triển.

 

MC2: Khi mắc bệnh, hơn một nửa số phụ nữ không cảm thấy đau ngực hoặc tức ngực bởi khác với nam giới, phụ nữ được cung cấp máu từ những mạch dẫn nhỏ nên hầu như không cảm thấy triệu chứng bất thường nào. Điều này dẫn đến tình trạng số phụ nữ tử vong do các bệnh tim mạch nhiều hơn nam giới. Vậy phụ nữ phải làm gì để có thể phát hiện kịp thời triệu chứng của bệnh?

MC1: Triệu chứng đầu tiên mà dễ thấy nhất là cơ thể Liên tục mệt mỏi. Cảm giác mệt mỏi này không hạn chế tại một bộ phận nào đó trên cơ thế mà đó là cảm giác mệt mỏi toàn thân. Có một số bệnh nhân ngoài những triệu chứng thường gặp của người mắc bệnh tim, họ còn cảm thấy khó thở. Những lúc như vậy nên ngồi lại một vài phút, hoạt động hô hấp sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi người bệnh đứng lên đi tiếp, tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này thường bị chúng ta coi nhẹ, đặc biệt là những người có tiền sử về đường hô hấp.

Bà Nguyễn Thị Mai ở Phường 1, TP Đông Hà chia sẻ:

Băng ghi âm: Tôi vốn dĩ có vấn đề về hô hấp nên khi tuổi càng cao tôi càng thấy sức khỏe mình suy giảm, hay mệt mõi và có khi thấy co thắt ở ngực, tim đập nhanh. Tuy nhiên do chủ quan cứ nghĩ vì bị hô hấp nên không đi khám đến khi các biểu hiện ngày một nhiều hơn, tôi mới đi khám và biết mình bị mắc bệnh tim mạch, hở mạch vành.

MC2: Người mắc bệnh tim mạch còn có các dấu hiệu như: Khó tiêu, buồn nôn. Và khác với bệnh dạ dày, bệnh tim gây ra chứng đau dạ dày nhưng người bệnh thường không cảm thấy trướng bụng. Họ thường chỉ đau âm ỉ và buồn nôn. Đôi khi người mắc bệnh tim mạch còn có dấu hiệu bị đau ở cánh tay đặc biệt là cánh tay trái bởi cánh tay trái và bả vai trái thường chịu ảnh hưởng từ bệnh tim. Mặc dù, chúng ta sẽ cảm thấy không quá đau, nhưng việc giơ tay lên cũng cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên, các biểu hiện này thường không rõ ràng và dễ gây lầm tưởng đến các căn bệnh khác, thậm chí, đôi khi không thấy rõ bệnh dù đã chụp hình tim. Bác sỹ Trần Hữu Đức, Trưởng khoa tim mạch bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết:

Băng ghi âm

MC1: Chính những biểu hiện không rõ ràng trên đã khiến bệnh trở nên nguy hiểm khi khiến đa số phụ nữ trở nên lơ là trong việc quan tâm sức khỏe của mình. Thậm chí gây tử vong nhiều hơn nam giới. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức quan tâm chăm sóc sức khỏe của mỗi người. Để phòng bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên cần được chủ động, theo dõi chặt chẽ khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên cơ thể, thường xuyên đi khám định kỳ để đảm bảo trị ngay khi bệnh tim mạch vừa mới xuất hiện.

Nhạc cắt

MC1: Chị em và các bạn thân mến! Bệnh tim mạch là sát thủ số 1 đối với phụ nữ toàn cầu, là nguyên nhân tử vong cao hơn tất cả các căn bệnh như ung thư, lao, HIV/AIDS và sốt rét cộng lại. Theo Hội Tim mạch thế giới, bệnh tim mạch làm 8,6 triệu phụ nữ tử vong hằng năm, chiếm 1/3 các ca tử vong của phụ nữ trên toàn thế giới. Đến năm 2020, số phụ nữ mắc bệnh động mạch vành sẽ tăng 120% so với năm 1990. Tuy nhiên đây là một căn bệnh có thể phòng ngừa được, sau đây là những điều bạn cần làm để phòng nguy cơ mắc bệnh tim.

MC2: Để  phòng ngừa bệnh tim mạch chị em phụ nữ cần thăm khám sức khỏe định kỳ để biết về nguy cơ của bản thân. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bất thường. Ngoài ra, bạn cần nắm rõ các yếu tố nguy cơ về kích thước vòng bụng, đường huyết, tiền sử mang thai. Nếu bạn không biết về nguy cơ của bản thân, bạn sẽ không có các bước để đối phó, các bước này có thể sẽ cứu sống bạn. Bệnh tim có thể gây ra các cơn đau tim.

MC1: Các triệu chứng của đau tim ở phụ nữ khác với các triệu chứng ở nam giới. Trên thực tế, 43% phụ nữ không cảm thấy đau ngực mà chỉ thấy mệt mỏi cực độ. Trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước khi cơn đau tim xảy ra, hơn 70% phụ nữ bị suy nhược, mệt mỏi giống như cảm cúm. Các triệu chứng nhận biết khác bao gồm đau nhẹ ở xương ức, lưng trên, vai, cổ, hàm, cũng như đổ mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, mất ngủ và lo âu. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào hoặc tất cả những triệu chứng này hãy đi kiểm tra. Tỷ lệ sống sót sau cơn đau tim cải thiện 23% nếu bạn được điều trị trong vòng 3 giờ đầu và 50% nếu điều trị trong vòng 1 giờ đầu tiên. Bà Ngọc Nga chia sẻ về trường hợp của mình:

Băng ghi âm: Trước đây tôi không nghĩ là mình sẽ bị mắc bệnh tim mạch, chỉ thấy cơ thể mệt mõi thì nghỉ ngơi thôi. Tuy nhiên mới đây bỗng nhiên tôi bị đau co thắt vùng tim và các cơn co thắt ngày một nhiều lên. Quá lo lắng tôi đã đi khám và phát hiện sớm căn bệnh tim của mình, bác sỹ đã cho tôi thuốc uống hỗ trợ đồng thời tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Lần thăm khám gần đây nhất của mình tôi đã nhận được kết quả tốt, sức khỏe cũng dần cải thiện hơn.

MC2: Cùng với các biểu hiện nói trên thì cao huyết áp cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ cũng như phình động mạch, suy giảm nhận thức và suy thận. May mắn là hầu hết mọi người có thể hạ huyết áp một cách tự nhiên mà không cần thuốc. Tập thiền và yoga, tập luyện thường xuyên, hạn chế uống rượu và giảm lượng muối trong chế độ ăn có thể là những cách tốt để hạ huyết áp.

MC1: Để phòng ngừa bệnh tim mạch bạn cũng nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý. Bạn nên tránh những thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa và chuyển hóa làm tắc động mạch. Để làm được điều đó, cần hạn chế sử dụng đồ uống có ga, thịt đỏ, pho-mai. Phần lớn sự khác biệt nguy cơ có thể gây ra bởi những ảnh hưởng lên cholesterol và huyết áp. Điều này chỉ ra vai trò quan trọng của chế độ ăn trong phòng ngừa bệnh tim. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra ăn ít thịt là tốt, khuyên bạn nên thực hiện chế độ ăn thực vật với nhiều rau củ và hoa quả. Bác sỹ Trần Hữu Đức, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết thêm:

Băng ghi âm

MC1: Nhiều người cho rằng người mắc bệnh tim mạch thì không nên tập thể dục. Tuy nhiên theo các bác sỹ thì đôi khi chỉ cần dành ra 10 phút để vận động nhẹ nhàng cũng giúp bạn phòng ngừa, giảm nguy cơ và các triệu chứng của bệnh tim mạch. Đi dạo 10 phút cũng có thể “hóa giải” những tác hại của việc ngồi nhiều trong ngày của bạn.

MC2: Stress rất nguy hiểm, nó có thể giải phóng hormon cortisol, dần dần làm yếu hệ tim mạch và hệ miễn dịch. Stress còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Cách khắc phục là tận dụng những thời gian rảnh rỗi cho bản thân, tập luyện tắm nước ấm, gặp gỡ bạn bè, làm mọi cách để cuộc sống của bạn không buồn chán. Và để phòng ngừa bệnh tim mạch bạn hãy bắt đầu với những thói quen tốt: Trước 50 tuổi, phụ nữ nên duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh về tim và các bệnh lý liên quan như tiểu đường, tăng huyết áp.

MC1: Chị em và các bạn thân mến! Một số cách để phòng ngừa và giảm nguy cơ mặc bệnh tim mạch ở phụ nữ tuổi trung niên cũng đã khép lại chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này. Chương trình do Phạm Quỳnh biên tập cùng với sự tham gia thực hiện của…. xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 29/11/2021 10:59 Lê Vĩnh Nhiên 01/12/2021 07:10
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà