Đất pt 30/5
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt : 30/5 QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: ĐẤT VÀ NƯỚC -Đón nghe: ptv đọc Qúy vị và các bạn thân mến! Trong ct pt: đất và người QT được phát sóng vào 11g ngày thứ hai 30/5, khi đề cập một câu chuyện quan trọng của quê hương yêu dấu, sẽ là bút ký nhìn lại chặng đường đã qua của đất và nước quê nhà, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Trong ct tuần này, khi nói đến một câu chuyện của quê hương yêu dấu, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về đất và nước qua bút ký sau của Xuân Dũng. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. *Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct này do Việt Thanh bt và được thực hiện với sự tham gia của...Thân ái chào tạm biệt.

 Ký:       

              QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU: ĐẤT VÀ NƯỚC.

 

                                                                                                  (Xuân Dũng)

 

    Nói đến thủy lợi phía bắc tỉnh Quảng Trị sẽ nói đến nguồn nước cho đồng ruộng Cam Lộ, Đông Hà và nhất là Gio Linh thì không thể không nhắc tới hồ Trúc Kinh.

   Để có thể biết những nét tổng thể và có thể hình dung khái quát về công trình này, cũng như tránh những nhầm lẫn, cần phải biết một số thông tin cơ bản.  Hồ thủy lợi Trúc Kinh hiện nằm ở địa bàn xã Linh Hải-huyện Gio Linh. Công trình đầu mối hồ thủy lợi Trúc Kinh được xây dựng năm 1992, đưa vào sử dụng năm 1996, có chức năng tưới nước cho hơn 2350 ha ruộng và cải tạo môi sinh, môi trường các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Việt, Gio Thành - huyện Gio Linh; các xã Cam An, Cam Thanh-huyện Cam Lộ;  và phường Đông Giang, Đông Thanh-tp.Đông Hà. Hệ thông mương và khu tưới cũng thuộc các địa bàn vừa mới kể trên.  Lưu vực lòng hồ thuộc các xã Linh Hải, Gio Quang-huyện Gio Linh; các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy-huyện Cam Lộ. Địa hình lòng hồ thuộc vùng đồi núi có lưu vực rộng gần 50km, chu vi đường viền ước tính 62km.

    Hệ thống đê bao khá quy mô kiến tạo và bảo vệ hồ đầu mối cùng với các công trình phục vụ cho công tác thủy lợi như nhà làm viêc, tràn xả đã cho thấy sự đầu tư của nhà nước đối với một công trình quan trọng cho thủy nông Quảng Trị từ khi tỉnh nhà vừa thành lập lại. Xung quanh hồ là những cánh rừng cao su, rừng tràm có tác dụng giữ nước cho hồ thủy lợi lại được ảnh hưởng tích cực bởi môi trường trong lành mà hồ Trúc Kinh mang lại, rừng và nước dựa vào nhau, nâng đỡ nhau trong tác dụng tương hỗ như là một sự bù trừ có sẵn từ thiên nhiên nay được con người vận dụng hợp lý vào cuộc sống của chính mình, và đó tất nhiên là một lựa chọn sáng suốt để hòa hợp với thiên nhiên, chung sống với thiên nhiên lâu dài chứ không phải là chụp giật, ăn xổi ở thì, không quan tâm đến tương lai lâu dài. Bởi vì đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư cho mặt trận hàng đầu ở tỉnh ta, nước ta khi muốn nông dân no ấm, muốn cải thiện ruộng đồng và phát triển kinh tế. Hơn hai mươi năm đã trôi qua, thời gian ngày càng chứng minh sự cần thiết của công trình hồ thủy lợi Trúc Kinh trong đời sống kinh tế thường nhật của người dân.  Mặc dù vào giữa thời điểm mùa hè nắng nóng nhưng hồ Trúc Kinh vẫn làm dịu mát mắt người, với một không gian rộng rãi, trải dài giữa núi đồi Gio Linh,  với cảnh những chiếc đò trên hồ như điểm xuyết cho gương mặt nước non ở phía đầu nguồn, xa xa phía sau hồ là những cánh rừng đẹp như tranh vẽ điểm tô cho phong cảnh nơi này.  Từ bộ phận cho đến toàn cảnh hồ Trúc inh đã cho thấy tầm quan trọng của công tác giữ nước, giữ rừng ngày càng trở nên quan trọng và khẩn thiết, điều đó cần sự quan tâm thường trực và dài lâu của con người không phải trong một sớm một chiều.

   Xung quanh hồ Trúc Kinh là bà con xã Linh Hải, huyện Gio Linh tập trung đồng bào từ huyện Hải Lăng đi kinh tế mới từ sau ngày nước nhà thống nhất. Họ đã vượt qua rất nhiều gian khó và cũng đã hy sinh quyền lợi của mình khi phải thay đổi chỗ ở ngay chính gần hồ khi tạo dựng công trình thủy lợi này, cho lợi ích lâu dài của bà con nông dân phía dưới xuôi.

   Nhờ công trình thủy lợi Trúc Kinh mà người nông dân nhiều nơi, đặc biệt là ở huyện Gio Linh đã nhận được sự đổi thay trong sản xuất nông nghiệp nhờ chủ động được nguồn tưới tiêu, nhất là trong việc trồng lúa, cây lương thực chủ chốt cho an ninh lương thực cũng như việc cải tạo môi trường, môi sinh và cả cảnh quan của đồng bằng. Cũng qua chuyến đi này, chúng tôi vỡ vạc thêm nhiều điều như nguyên ủy của hồ Trúc Kinh vốn là một dòng sông, hay tên gọi hiện nay của hồ là Trúc Kinh, cũng đúng nhưng chưa đủ vì nó có dính dáng đến Trúc Lâm.

   Nếu hồ Trúc Kinh cùng với sông Cánh Hòm gắn bó mật thiết với mảnh đất Gio Linh thì hồ Bảo Đài là một bầu sữa tưới mát ruộng đồng ở phía bắc tỉnh Quảng Trị, quê hương Vĩnh Linh cũng từ nhiều năm nay. Hồ Bảo Đài nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Khê.

   Nhiều hồ nước thủy lợi ngoài tác dụng tưới mát ruộng đồng còn là tạo nên những cảnh quan thơ mộng, trữ tình, trở thành những điểm du lịch sinh thái, điều này càng có ý nghĩa vào những ngày hè chói chang, nóng bỏng. Bảo Đài từ nhiều năm nay đã là một địa chỉ hòa hợp giữa nước, trời, phong cảnh xung quanh khiến nhiều người tìm đến đây, vui chơi thăm thú. Được hòa mình với thiên nhiên dịu mát từ hồ nước bao la cũng là một thú vui tao nhã, một cách thư giãn sau những ngày lao động, học hành vất vả. Đó cũng là một cách tìm đến thiên nhiên, trở về với thiên nhiên để hiểu hơn thiên nhiên và khám phá chính bản thân mình, lắng đọng với những trải nghiệm không ồn ào nhưng thực sự có ích, vì nó bồi dưỡng tâm hồn và thẩm mỹ trong cảm quan sinh thái.

  Lên rừng, xuống gần biển và đi ngang đi dọc theo những công trình thủy lợi, thủy điện để cảm nhận rõ hơn những tác nhân tích cực đã và đang thay đổi vận mệnh nông nghiệp quê nhà, làm thay đồi số phận hàng chục vạn gia đình Quảng Trị bao đời này gắn bó với ruộng đồng. Những đổi thay này đã có từ trước, đó là điều không thể phủ nhận nhưng thực sự chuyển mình kể từ khi tái lập tỉnh nhà, chúng ta mới có điều kiện và cơ hội nhiều hơn, tập trung hơn lo lắng cho nông nghiệp, đặc biệt là về phương diện thủy lợi.

   Trường ca thủy lợi nếu biết khai thác sẽ câu chuyện không hề khô khan mà ẩn chứa nhiều điều thú vị và đem lại nhiều bài học nhân sinh quý giá. Sử thi thủy lợi, nếu có thể gọi như vậy, tiềm ẩn bao điều chưa nói hết cần được tìm hiểu và khám phá để có một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về vai trò của nước đối với nhà nông từ trước đến nay và kể cả mai sau, nếu như nền nông nghiệp lúa nước vẫn còn. Cuốn phim này chỉ mới là những phác thảo ban đầu, những ký họa đơn sơ về họa phẩm hoành tráng của thủy lợi Quảng Trị. Hy vọng nếu có dịp, sẽ tiếp tục quay lại với đề tài mới nghe qua tưởng chừng khô như ngói nhưng kỳ thực lại không phải như vậy. Nó vẫn hàm chứa nhiều điều bất ngờ, nhiều số phận con người mà nhiều sách báo , phim ảnh vẫn chưa chạm được chiều sâu của dòng nước cuộc đời. Vì vậy vẫn cần được lắng nghe, tìm tòi và khám phá.

       Và như vậy, câu chuyện của những chiếc hồ thủy lợi, thủy điện chắc chắn sẽ còn nhiều điều đáng nói, đáng kể, với những điều thú vị và cả những tình tiết mới mẻ mà chỉ có đi sâu tìm hiểu mới có thể biết thêm những ngóc ngách đáng nói về cuộc đời này như mặt nước quen thuộc bao đời mà vẫn luôn bí ẩn. Đó là bản giao hưởng của nước vẫn luôn được ngân vang giữa đất trời Quảng Trị và để lại muôn vạn dư âm trong mỗi đời người.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 27/05/2022 13:54 Phạm Xuân Dũng 27/05/2022 13:54

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà