Tạp chí VNCN 18.12
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật 18.12.2022

PTV: Xin chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay sẽ có các nội dung chính sau đây:

-         Lễ ra mắt Chi Hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị

-         Đưa văn hoá của đồng bào Vân Kiều- Pa Kô vào trường học

-         Hoàng Công Danh với triết lý phật giáo qua tập truyện dài bảy bảy bốn chín

- Gặp gỡ cô giáo Quảng Trị đạt giải Nhì cuộc thi đọc sách trực tuyến

*Tiểu mục Dọc đường văn nghệ có bài viết:

- Hình ảnh quê hương trong bài thơ “Trở lại Cồn Cỏ” tác giả Đào Trường San

- ĐÔI NÉT VĂN CHƯƠNG LÊ ĐỨC DỤC.

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

Nhạc cắt

1.Thưa Quý vị và các bạn! Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định 69/QĐ-HNV ngày 18/10/2022 của Hội Nhà văn Việt Nam. Vừa qua, Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ ra mắt, đi vào hoạt động.

Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị có 3 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sinh sống và viết trên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, gồm: nhà văn Văn Xương (Nguyễn Văn Bốn), nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, do nhà thơ Nguyễn Hữu Quý làm chi hội trưởng. Sự ra đời của Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị không chỉ góp phần mang lại những tác phẩm văn học nghệ thuật tốt ấn tượng mà còn tiếp sức giúp đỡ bồi dưỡng, phát hiện, đào tạo thêm những nhà văn trẻ tỉnh Quảng Trị có tiềm năng sáng tác văn chương để kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, có những sáng tác theo kịp văn đàn cả nước.

2. Vừa qua Trường THCS Thuận, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đã tổ chức buổi ngoại khóa tìm hiểu về những làn điệu dân ca, múa cồng chiêng cho các em học sinh.

Được biết, hiện tại Trường THCS Thuận đang xây dựng một đề tài nghiên cứu khoa học, tìm hiều và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống văn hóa dân tộc Vân Kiều-  Pa Kô qua các làn điệu dân ca, múa cồng chiêng. Việc tổ chức những hoạt động ngoại khóa nói trên sẽ giúp các thế hệ trẻ biết trân trọng, giữ gìn văn hóa truyền thống; đồng thời quảng bá, phát huy văn hoá bản địa trong xu thế hội nhập.

3.Thông tin từ Tỉnh đoàn Quảng Trị cho biết, tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam - Mừng đại hội đoàn”, do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với nhãn hàng dụng cụ mỹ thuật Colokit thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức; em Hồ Thị Tiếp- Trường Tiểu học & THCS Đakrông, huyện Đakrông vừa xuất sắc đoạt giải Ba.

Giới thiệu về bức tranh có tên gọi “Phụ trách thiếu nhi đồng hành”  của mình, Hồ Thị Tiếp cho biết, em sinh ra, lớn lên ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị. Nơi em sinh sống có rất nhiều lễ hội. Trong đó, A Riêu Ping được xem là lễ hội lớn nhất. Một lần tham dự lễ hội, em thấy các thầy cô tổng phụ trách đội đến góp mặt, cùng người dân gói bánh, giã gạo… Hình ảnh ấy đã khắc sâu trong tâm trí em. Em Hồ Thị Tiếp chia sẻ.“Đến với cuộc thi, em mong muốn giới thiệu về lễ hội độc đáo của người Pa Kô, Vân Kiều và hình ảnh đẹp về các thầy cô tổng phụ trách đội”.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn!Hoàng Công Danh là một trong những cây bút trẻ Quảng Trị hiện công tác tại Tạp chí Cửa Việt. Anh đã xuất bản các tác phẩm: Cõng nhau trong một cõi người, Trong cơn say níu sợi dây đứt, Khói sẽ làm mắt tôi cay, Con tin Stockholm và Chuyến tàu vé ngắn và gần đây nhất là truyện dài Bảy bảy bốn chín. Đây là một tác phẩm nếu đã cầm lên đọc thì sẽ khó dừng lại. Với cách đặt đề tài vừa lạ vừa quen, giọng tự thuật không chút ngượng ngùng hay giấu giếm, Hoàng Công Danh đã đưa người đọc đi vào cái không gian tưởng chật hẹp mà mênh mông đến vô chừng của một cuộc hôn nhân ở làng quê. Truyện dài “Bảy bảy bốn chín”  của Hoàng Công Danh là một trong 7 tác phẩm đoạt giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần 7 (2019-2022) do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.

Ý nghĩa nhân sinh trong tập truyện dài 7749

Hoàng Công Danh vốn là thạc sĩ vật lý lượng tử từ một trường đại học ở Đông Âu, nhưng anh có nghiên cứu nhiều về triết lý phương Đông. Tập truyện dài bảy bảy bón chín của Hoàng Công Danh mở đầu bằng cái chết của nhân vật, với cách kể đồng hiện giữa hiện tại và quá khứ. Tình yêu - nỗi đau, bi kịch hôn nhân và những ẩn ức... Một chuỗi các chi tiết như từng mắt xích đan cài vào nhau để rồi đi đến cuối cùng là sự thật...

Hoàng Công Danh đặt tên cho cuốn truyện dài mới của mình là Bảy bảy bốn chín. Bốn chín ở đây là bốn mươi chín ngày, linh hồn người chết thực sự thoát trần, mà tác giả gọi là ngày hóa thân. Câu chuyện diễn ra trong bảy tuần cầu siêu, trong đó nhân vật người chồng hồi tưởng bảy năm chung sống của cặp vợ chồng trẻ. Cấu trúc của cuốn sách cũng là bảy tuần và bảy năm đan xen.

Pv: Nhà văn Hoàng Công Danh chia sẽ:

Hoàng Công Danh kể một câu chuyện lôi cuốn, ấn tượng và thật sự ám ảnh. Tác phẩm thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Và như tiêu đề truyện, Bảy bảy bốn chín là một hành trình của sự giải thoát. "Mỗi biến cố trong cuộc đời đều đến từ nhiều sự kiện trước đó, nhà Phật gọi ấy là nhân duyên. Chính điều đó là sự nhắc nhở chúng ta về cách sống mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc" - lời chia sẻ trên bìa gấp sách của tác giả cũng là một thông điệp từ đạo Phật.

Với bảy bảy bốn chín, câu chuyện xoay quanh việc: Người vợ bị tai nạn giao thông, mất đột ngột. Vụ tai nạn dường như lỗi là do người vợ. Trong bảy tuần cúng vong, người chồng soát xét lại mọi chuyện và nảy sinh nghi ngờ rằng có thể người vợ tự tử. Mối ngờ vực này xem ra có lý và cũng không có lý. Cho đến kết thúc câu chuyện, sự nghi ngờ không được giải tỏa, người đọc lờ mờ nhận ra những lý do nhưng không thể kết luận. Tác giả trao việc tranh luận cho người đọc. Có người bênh vực, có người phản biện, nhưng khó ngã ngũ. Đấy chính là quan niệm của Hoàng Công Danh về cuộc đời.

Câu chuyện khiến người đọc khó chịu, bức xúc bởi cả hai đã không vì nhau mà thay đổi hay cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình. Ðể rồi, tất cả đã muộn màng khi tai nạn xảy ra. Chỉ khi mất nhau vĩnh viễn, người chồng mới hối tiếc vì những gì đã qua. Những đoạn văn miêu tả nội tâm của người chồng, khắc họa sự cô đơn, trống vắng cùng nỗi nhớ khắc khoải hình bóng người vợ đã đồng hành suốt 7 năm cuộc đời khiến người đọc chạnh lòng, thương cảm. Căn nhà nhỏ bình thường chật hẹp giờ đây như rộng ra vì thiếu mất một người. Sự lủi thủi đi về của 2 cha con mỗi ngày lại càng làm vết đau như khắc sâu hơn…

Cái chết của người vợ và cái chết của cuộc hôn nhân của họ có gì khác biệt? Có lẽ câu trả lời sẽ có ở mỗi người khi đọc “Bảy bảy bốn chín”, một câu chuyện vừa lạ, vừa quen và cũng đầy ám ảnh!

P/v: Nhà văn Hoàng Công Danh chia sẽ thêm:

Trích băng:

Bảy bảy 49- Một cuốn sách man mác triết lý Phật giáo người ta nhớ đến tập truyện đầu tiên của Hoàng Công Danh: Cõng nhau trong một cõi người (NXB Trẻ 2013)-cũng là 1 Câu chuyện xoay quanh một ngôi chùa, gắn vào đấy là số phận một nhà sư, một chú tiểu, một người đàn bà là tín đồ, cứ thế phong vị thiền theo suốt cuộc đời họ. Dường như, khi chạm đến vấn đề tôn giáo của người Việt, văn của Hoàng Công Danh đặc biệt hồn hậu và hấp dẫn. Hy vọng rằng Hoàng Công Danh sẽ trở lại đề tài phật giáo bằng một cuốn truyện dài với nhiều mới mẻ và cách thể hiện riêng của mình. Chắc chắn đấy sẽ là câu chuyện mà anh có thể thả cho trí tưởng tượng của mình phóng khoáng hơn và ngẫm ngợi đằm sâu hơn.

Trích bài hát: Quảng Trị mình thương

PTV: Thưa Quý vị và các bạn!  Như chúng tôi đã thông tin trong chương trình Tạp chí VNCN tuần trước: Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề: “Sách và khát vọng cống hiến”. Lựa chọn giới thiệu cuốn sách “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa – 1972)”, cô giáo Phạm Thị Thúy Hồng, công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP. Đông Hà đã vinh dự đoạt giải Nhì. Trong chương trình hôm nay, chúng ta hãy cùng đến với những chia sẽ của cô Thúy Hồng xung quanh  cuốn sách này qua cuộc trò chuyện cùng p.v Ánh Tuyết.

1.     Trước hết xin chúc mừng cô giáo Phạm Thị Thúy Hồng với giải thưởng vừa nhận được. Chị có thể cho biết lý do nào đã đưa chị đến với cuộc thi này ạ?

2.     Chi có thể chia sẽ về cuốn sách chị vừa tham gia giới thiệu sách trực tuyến ?

3.     Vâng! Vậy  chị cũng như ê kip hỗ trợ đã có sự chuẩn bị ntn để mang tác phẩm  tham gia cuộc thi ạ?

4.     Và quay trở lại với cuốn sách “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa – 1972)”. Điều khiến chị xúc động nhất  đó là gì ạ?

5.     Thưa chị! Từ tình yêu với sách và từ giải thưởng của cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến, là 1 giáo viên thì chị chắc chắn chị sẽ truyền niềm đam mê này đến với các em học sinh của mình pk ạ?

Xin cảm ơn những chia sẽ của cô giáo Phạm Thị Thúy Hồng và chúc chị sẽ luôn lan tỏa tình yêu đọc sách đến với các e học sinh của mình.

Trích bài hát: Cỏ non thành cổ.

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn! Biển đảo luôn là đề tài xuyên suốt trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ. Bằng tình yêu với biển đảo quê hương, người nghệ sĩ với những cảm hứng bất tận, thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật đã cho ra đời nhiều ca khúc, nhiều bài thơ hay truyện ngắn, bút ký. Tiểu mục dọc đường văn nghệ hôm nay, mời Quý vị và các bạn cùng đến với tác phẩm Trở lại Cồn Cỏ của tác giả Đào Trường San qua cảm nhận của nhà báo Xuân Dũng.

 Trong bài thơ “Trở lại Cồn Cỏ” tác giả Đào Trường San viết rằng:

  Cồn Cỏ ơi, hôm nay ta trở lại

Tháng bảy về giọt nắng lung linh

Vẫn con sóng thân quen vỗ mãi

Chở tôi đi con tàu nhỏ quê mình

Người viết đã từng đặt chân đến Cồn Cỏ nên chuyến đi này là quay trở lại với những kỷ niệm với đảo nhỏ tiền tiêu- hòn đảo anh hùng trong kháng chiến và đang vươn mình để trở thành hòn đảo dân sinh và du lịch trong hòa bình. Tác giả trong tâm trạng hưng phấn khi được trở lại đảo, cùng trải lòng mình trước biển cả bao la.

Ôi buổi sáng trong như hạt ngọc

Em cười con nước cũng vui lây

Ui cha cái giọng quê lơ lớ

Nghe chứa chan tình cảm vơi đầy

Thể thơ bảy chữ theo một khuôn mẫu truyền thống khi diễn tả dáng vẻ của Cồn Cỏ ngày trở lại. Là nắng vàng lung linh, là con sóng như quen thuộc với người viết. Cảnh tượng đẹp hùng vĩ và tâm trạng thì hứng khởi với những gì thân thuộc của quê hương nơi hòn đảo tiền tiêu của quê hương đất nước. Cả giọng nói cũng chứa chan tình cảm thân thương của quê mình.

Và mạch cảm xúc tứ tuôn trào như con nước ngoài khơi:

   Kia rồi Cồn Cỏ in trước mắt

Dáng hình con hổ nhỏ nằm phơi

Thích ghê một màu xanh trong vắt

Lẫn vào trong màu nước mây trời

 Đó là tả thực cảnh vật của hòn đảo nhưng cũng là tình cảm, là tấm lòng người viết khi được ra lại hòn đảo nhỏ thân yêu của quê hương Quảng Trị.

 Nói sao hết niềm vui trở lại

Gặp người quen, gặp lại cảnh quen

Và Cồn Cỏ vẫn như trẻ mãi

Đẹp mê hồn trong con mắt em

Từ xa đến gần Cồn Cỏ hiện ra trong nỗi háo hức của ngày quay trở lại. Và tác giả đã thốt lên trước cảnh đẹp mê hồn. Biển đảo thân yêu của chúng ta như báu vật truyền đời của cha ông để lại để hôm nay cháu con tự hào, đắp xây và gìn giữ. Đó cũng là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Bài thơ kết thúc bằng nỗi niềm tạm biệt hòn đảo thân yêu của Quảng Trị, của Tổ quốc chúng ta:

Tạm biệt nhé, Cồn Cỏ ơi tạm biệt

Ta về mang nỗi nhớ trong tim

Đêm có lẽ ta nằm nghe sóng hát

Sóng trong mơ, sóng Cồn Cỏ quê mình

Bài thơ không có những đột phá bất ngờ nhưng vẫn làm ta xúc động bởi ý thơ được hình thành nên từ một tình cảm sâu nặng và chân thực, được thể hiện giản dị và đầy cảm xúc bật ra từ chính trái tim, nên nó đã trở thành thơ tự nhiên và được nhiều người đồng cảm.

Trích bài hát: Cồn Cỏ anh hùng

   Thưa quý vị và các bạn !  Lê Đức Dục là một trong những nhà báo năng động của báo Tuổi Trẻ, anh dành được nhiều giải thưởng báo chí quan trọng. Trước đó anh là phóng viên báo Quảng Trị, biên tập viên tạp chí Cửa Việt.  Nhắc đến anh với vai trò ký giả bạn đọc sẽ nhớ nhiều đến một Lê Đức Dục luôn nóng hổi với những bài viết về biên giới, biển đảo; một Lê Đức Dục khác lại cũng luôn đau đáu tiếp sức cho học sinh nghèo vượt khó, nạn nhân chất độc da cam và những mảnh đời cần những trái tim thiện nguyện. Anh cũng sáng tác thơ và bút ký với nhiều chủ đề khác nhau. Phần cuối chương trình hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về văn chương Lê Đức Dục qua bài viết sau đây của Xuân Nguyên.

        ĐÔI NÉT VĂN CHƯƠNG LÊ ĐỨC DỤC.

  Với lĩnh vực thơ ca, Lê Đức Dục không hề tự nhận mình là nhà thơ. Thế nhưng đọc Thơ Lê Đức Dục, người đọc nhận ra vẻ man mác hồn quê và ánh mắt đa tình trong thơ anh. Trong bài Nắng tầm xuân, Lê Đức Dục viết:" Bây giờ em đã thành nỗi nhớ/Mưa bão nằm quên cuối tháng mười/ Miền xuân về biếc ngoài song cửa/Ký ức hiền như dòng sông trôi/ Lòng anh hóa rộng dài bờ bãi/ Phù sa kỷ niệm ngấu đôi bờ/ Giêng hai trời đất mang áo mới/ Xuân này em còn mang áo xưa/ Có người ngồi giặt nơi bến cũ/ Nắng tầm xuân thơm áo Hà Đông/ Có giữ buồn vui thời thiếu nữ/ Hay thả trôi vời cuối mái sông?/ Có nghe ngọn nắng buồn hỏi nhỏ: / Còn nhớ hay quên thưở yêu người?/ Một phía dòng sông thương bến lở/ Một phía tình ai mãi đắp bồi... "

  Với mảng bút  ký Lê Đức Dục cũng thường ám gợi da diết hoài niệm, nhất là mỗi khi nhắc đến quê nhà. Anh từng được báo Văn nghệ tặng thưởng bút ký hay năm 1996.

 Trong bút ký "Thương quá quê nhà" người đọc dễ đồng cảm với người viết sau khi nói về những món ăn nhà quê của dân Quảng Trị : " Hóa ra hạnh phúc nhiều khi không phải là dư giả áo cơm, tưng bừng cao lương mỹ vị. Chỉ cần biết quê nghèo đã chắt chiu  từ mưa nắng đất đai cho ta những vị mặn mòi nồng ấm, như mẹ nghèo vẫn cho ta lớn khôn bằng hạt lúa, củ khoai và lời ru hời hỡi. Ngần ấy thôi, đủ ta lúc cô lẻ chốn đất khách quê người còn có một nơi để nỗi hoài hương ngược miền cố xứ, có cháo bột cá tràu, có chếnh choáng Kim Long, có người em gái nâu mắt thẳm huyền, có một nơi cho nỗi nhớ biết chốn đi về, ngược xuôi trong miền ký ức...là Kẻ Diên, là Quảng Trị quê nhà".

   Ngòi bút Lê Đức Dục đang độ sung mãn, anh vẫn miệt mài đi và viết. Nhiều tác phẩm báo chí và nhất là bút ký, tùy bút của anh mang nhiều tâm cảm và chất liệu văn chương trong những hành trình của một phóng viên lăn lộn với cuộc đời. Và anh vẫn viết bằng một nỗi đam mê nghề nghiệp theo con chữ.  Những tác phẩm mới của anh vẫn đang còn ở phía trước những cung đường quê hương đất nước.

Trích bài hát: Quảng Trị trong tôi

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 14/12/2022 10:36 Nguyễn Việt Hà 23/12/2022 14:35

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà