Tạp chí VNCN 25.12
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật: 25.12.2022

PTV:  Những người thực hiện chương trình cùng với AT…xin chào những Quý thính giả quen thuộc của Tạp chí VNCN. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin gửi đến Quý thính giả những nội dung đáng chú ý sau đây:

- Quảng Trị đoạt 4 giải Quốc gia tại cuộc thi “Đại sứ Văn hoá đọc năm 2022”

- Ngoại khoá tìm hiểu về chiếc áo vua ban “Vân Phụng Tiên Y” tại A Xing

-Ký ức chiến tranh trong tập truyện ngắn “Lỗ thủng” của Văn Xương

- Đưa dân ca vào trường học: Góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

-Tiểu mục Dọc đường văn nghệ có bài viết:

+ KÝ ỨC TUỔI THƠ TRONG BÀI THƠ "VỀ LÀNG" CỦA TRẦN VĂN NHÂN.

+ NGUYỄN HOÀN VỚI BÚT KÝ

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1.     Quảng Trị đoạt 4 giải Quốc gia tại cuộc thi “Đại sứ Văn hoá đọc năm 2022”

Thưa Quý vị và các bạn!

Vừa qua, Ban tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2022.

Cuộc thi năm nay có đổi mới hơn những năm trước với nội dung tập trung theo chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ 411 bài dự thi chất lượng cao đạt kết quả tại vòng sơ khảo cấp huyện thị, thành phố, Ban tổ chức chấm thi, xét chọn 54 giải cấp tỉnh gồm 51 giải cá nhân và 3 giải tập thể, bao gồm: 3 giải nhất, 7 giải nhì, 6 giải ba, 12 giải khuyến khích, 23 giải chuyên đề. Ban tổ chức tiếp tục xét chọn 16 bài xuất sắc để gửi tham gia vòng chung kết tại Hà Nội, kết quả có 4 giải quốc gia gồm: 1 giải 3, 3 giải khuyến khích.

2.Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức hội thảo đánh giá, giới thiệu sản phẩm tour du lịch mới, trong đó tập trung vào việc hình thành và phát triển tour du lịch giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã đóng góp ý kiến, tập trung phân tích tình hình thực trạng, nắm bắt và cập nhật các xu hướng, loại hình du lịch mới cũng như những thay đổi về hành vi, đối tượng và nhu cầu của du khách thời kỳ hậu COVID-19. Từ đó, chỉ ra tính phù hợp và cấp thiết của việc phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó có loại hình du lịch giáo dục- không chỉ mang ý nghĩa giải trí mà còn tạo cơ hội học hỏi, bổ sung kiến thức và tạo nên niềm vui, sự hứng thú, giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng, thích ứng với cuộc sống, tự tin thể hiện bản thân.

3.  Nhằm giúp cho các em học sinh hiểu hơn về lịch sử dân tộc, Trường TH&THCS A Xing huyện Hướng Hoá đã tổ chức buổi ngoại khoá tìm hiểu về truyền thống đánh giặc ngoại xâm của người dân A Xing, đồng thời giới thiệu chiếc áo Vua ban “Vân Phụng Tiên Y”.

Chiếc áo “Vân Phụng Tiên Y” là sự ghi nhận của vua triều đình nhà Nguyễn với cả dòng họ, người đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều anh dũng chiến đấu, chống giặc ở miền biên viễn với mục đích  khuyến khích các tù trưởng bảo vệ biên giới quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện công việc quản lí thu thuế.

Việc tổ chức ngoại khóa cho các em học sinh là một hoạt động hết sức quan trọng bởi thông qua hoạt động này các em sẽ hiểu hơn những công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước, từ đó luôn nỗ lực xây dựng và bảo vệ quê hương, bản lảng.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Nhà văn Văn Xương tên thật là Nguyễn Văn Bốn. Ông là một cây bút khá quen thuộc với độc giả Quảng Trị và cả nước với những truyện ngắn chủ yếu về đề tài chiến tranh, đề tài người lính. Chiến tranh đã được Văn Xương biểu hiện ở đỉnh cao của sự gây cấn, quyết liệt, sự đối đầu của hai phía, một mất một còn. Khốc liệt ở chiến trường, khốc liệt ở hậu phương, len tới từng gia đình, từng ngõ ngách đời sống. Văn Xương đã cho ra đời 2 tập truyện “Hoa gạo đỏ bên sông” NXB Hội Nhà văn năm 2006 và “Hồn trầm” NXB Lao động năm 2008 và gần đây nhất là tập truyện ngắn “Lỗ thủng”- tác phẩm đã đạt giải B Cuộc thi sáng tác Văn học Nghệ thuật chủ đề “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” (1972-2022).  Bao trùm lên tập truyện ngắn “Lỗ thủng” là ký ức chiến tranh, là những dấu tích, hậu quả dẫu đã gần nửa thế kỷ hòa bình vẫn còn đó, hằn rõ lên từng thân phận, làm nhức nhối bao tâm hồn con người hôm nay qua các truyện ngắn như: “Tiếng rao”, “Hoài vọng”, “Lời thề Tacai”, “Kẻ chạy trốn”…

Ký ức chiến tranh trong tập truyện ngắn “Lỗ thủng” của Văn Xương

Với tập truyện ngắn “Lỗ thủng”, Văn Xương đã thể hiện góc nhìn về chiến tranh, đó là:  Chiến tranh để lại bao nhiêu cảnh đời mà cho dù ở phía bên nào cũng không bớt đi phần đau đớn. Những mất mát về thể xác hiển hiện khắp nơi, những dằn vặt, buốt nhói về tâm hồn như vết thương âm ỉ chưa một ngày liền sẹo, luôn ám ảnh những người đã từng tham gia cuộc chiến và cả những người đang sống. Trên trận tuyến khốc liệt thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972,  trong truyện ngắn “Hoài vọng”, Văn Xương đã miêu tả về chiến tranh với những hình ảnh mà chỉ những người từng chứng kiến chiến tranh mới diễn đạt hết được, đó là: “Trên trời tiếng máy bay gầm rít, dưới đất tiếng nổ ghê rợn, khủng khiếp của bom tấn, đạn chụp, đạn phá, đạn khoan, đạn hóa học… cả không gian như vỡ toác, ầm ầm, náo động âm thanh hỗn độn, triền miên bất tận, dội buốt vào óc, tai rỉ máu, đặc ù. Những luồng lửa, quầng lửa sáng lóa, đan xuyên nhau dày đặc như một cơn bão táp bằng lửa với đủ màu: đỏ lừ, đỏ bừng, đỏ xanh, da cam…đốt cháy cả bầu trời…”. Những tháng ngày đó, đất với người ngào đi trộn lại, không chỉ với thân xác người đã chết mà cả với những người còn sống sót; không chỉ xảy ra với phía bên này mà bỏ sót phía bên kia. Tất cả cuốn vào chiếc “cối xay” rợn người. Nói về tập truyện ngắn “Lỗ thủng”, nhà văn Xăn Xương chia sẽ:

P/v: Nhà văn Xăn Xương chia sẽ

Văn Xương sinh ra trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, là người Quảng Trị, nhà ông cách Thành Cổ chẳng bao xa, ông như một phần chứng nhân của lịch sử thành cổ. Ở ông chứa đựng một kho sử liệu khổng lồ, những thân phận bi hùng, những mất còn, những éo le, khắc khoải,…đó là nguồn cho những cảm hứng, là chất liệu hiện thực quý giá mà một nhà văn như ông may mắn được sở hữu.

Trong chiến tranh quả thật chẳng có gì là không thể, câu chuyện trong truyện “Hoài vọng” của tập truyện ngắn “Lỗ thủng” thật sự khiến người đọc xúc động bởi đây là truyện ngắn hay, có khả năng lôi cuốn, kích thích trí tưởng tượng, làm tăng sự hấp dẫn đối với người đọc bằng những tình tiết cô đọng, độc, hiếm có… Một cuộc chiến mà ranh giới thực tế chiến trường mong manh đến mức người lính của hai bên chiến tuyến, giữa tứ bề bom đạn và xác chết, họ gặp nhau trong một căn hầm, một cuộc gặp không hẹn trước, một cuộc gặp do bom đạn mang đến, không mong muốn, đầy éo le, đẩy đưa và định mệnh. Văn Xương biết vượt qua rối rắm những chi tiết vụn, đưa thẳng người đọc đến những sâu lắng, những rung lắc xúc cảm của đời sống con người.

Phải nói toàn bộ tập truyện ngắn của Văn Xương đã tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn đáng nể, dù rằng, hầu hết các truyện đa phần liên quan đến những hồi ức chiến tranh, nếu không khéo léo dễ làm người đọc nản lòng vì những dàn dựng và những áp đặt của sự lặp đi lặp lại không đáng có.

Truyện của Văn Xương cuốn hút người đọc ở cốt truyện, ở những tình tiết của một người trong cuộc, các tiểu tiết trong mỗi truyện ngắn mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng; cao hơn là cái duyên, là tấm lòng, là bề dầy của những chiêm nghiệm, đủ để lắng kết, hợp vỉa, làm nên mạch truyện.

Ở mảng truyện có tính chất đương đại như: “Vết sẹo”, “Di bút viết bằng máu”, “Con mập”… Các chi tiết của truyện mang tính tạo hình rõ nét làm đối tượng được phản ánh hiện lên một cách chính xác, chân thực. Chi tiết về con chó yêu quý, gần gũi của một người về già trong truyện “Con mập”, ba lần thoát chết để có một chân dung về kẻ trộm chó hoàn lương, đó là chi tiết mà khả năng nói nhiều hơn bản thân nó, có tính khái quát cao, gửi gắm tư tưởng của tác giả về số phận, về tính “văn” của lớp người bần cùng, mỗi khi được thức tỉnh.

P/v: Nhà văn Xăn Xương chia sẽ thêm

Cái hay chung truyện ngắn của Văn Xương là sự vừa vặn, nghĩa là biết bắt đầu truyện vào chỗ nào, kịp thời chấm hết chỗ nào, không có những chi tiết vô bổ. Ông biết cách chọn lựa, sắp xếp để chi tiết xuất hiện trong hoàn cảnh, tình huống, thời điểm một cách hợp lý, làm cho các chi tiết trở nên có tính “thực cảm”, góp phần đan dệt nên những cảnh sinh động làm người đọc quên đi việc đọc tác phẩm mà như đang tan chảy vào chính cảnh đời thực.

Trích bài hát: Nếu xa Quảng Trị

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Đưa dân ca vào trường học đã được ngành Giáo dục thực hiện từ nhiều năm qua nhằm định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho học sinh; đồng thời góp phần lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại trường Th sông Hiếu, TP Đông Hà; việc thành lập Câu lạc bộ Dân ca và đi vào hoạt động từ chính những cô giáo yêu mến và tâm huyết với việc truyền dạy dân ca cho học sinh đã tạo môi trường sinh hoạt tinh thần bổ ích cho giáo viên, học sinh ...góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Trong chương trình Tạp chí VNCN tuần này, chúng ta hãy cùng đến với những chia sẽ của cô giáo Nguyễn Thị Liễu, Trường Tiểu học sông Hiếu, TP Đông Hà- người vô cùng gắn bó và tâm huyết dạy dân ca cho các thành viên clb dân ca của nhà trường qua cuộc trò chuyện cùng pv Ánh Tuyết.

Trích hát dân ca

1.Quý vị và các bạn vừa đến với 1 trích đoạn bài hát dân ca do cô giáo Nguyễn Thị Liễu  soạn lời với phần trình bày của clb dân ca trường TH sông Hiếu. Bây giờ chúng ta hãy cùng gặp gỡ với cô giáo Nguyễn Thị Liễu. Thưa chị! Chị có thể chia sẽ về cái duyên đến với dân ca và việc thành lập clb dân ca của trường sông Hiếu ạ?

Cô Liễu trả lời…

2. Vâng! Là một người yêu mến dân ca nhưng không phải là 1 giáo viên âm nhạc. Vậy chị đã có phương pháp giảng dạy ntn để  truyền niềm đam mê dân ca cho các em hs trong clb dân ca ạ?

Cô Liễu trả lời…(câu 2 nối câu 3)

3.Và trong thời gian qua ắt hẳn đa số các làn điệu chị dạy cho các em phần lớn là dân ca BTT pk ạ?

Cô Liễu trả lời…

4. Sau một thời gian sinh hoạt clb dân ca trong trường học, chị nhận thấy các em khi tham gia clb với tinh thần ntn ạ?

 Cô Liễu trả lời…

Vâng! Có thể nói bằng tình yêu đối với dân ca, cô giáo Nguyễn Thị Liễu luôn say mê truyền đạt các làn điệu dân ca đến với các thành viên clb dân ca của trường TH sông Hiếu. Giờ đây, clb dân ca là nơi tập hợp của gần 40 học sinh và thầy cô giáo có chung niềm yêu mến dân ca.

P/v: Cô giáo: Trần Thị Thu Nhung- Hiệu trưởng Trường Tiểu học sông Hiếu chia sẽ:

Trích

5. Chương trình xin được quay trở lại cuộc trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Liễu. Nhân chương trình hôm nay, chị có muốn chia sẽ điều gì ạ?

Cô Liễu trả lời…

Xin cảm ơn cô giáo Nguyễn Thị Liễu và chúc clb dân ca trường TH sông Hiếu sẽ ngày phát triển.

Trích:

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vj và các bạn!   Qúy vị và các bạn thân mến! Cảm hứng về nguồn, cảm hứng đồng quê, cảm hứng về miền hương hỏa là một nguồn cơn mãnh liệt mà sâu thẳm. Sau đây là cảm nhận về một bài thơ như thế qua bài viết của Xuân Nguyên, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

            BÀI THƠ "VỀ LÀNG" CỦA TRẦN VĂN NHÂN.

  Bài thơ "Về làng" của Trần Văn Nhân là một vé trở về tuổi thơ bằng thi ca, bằng tất cả xúc cảm của một trái tim nghệ sĩ:

Đặt chân về tới cổng làng

Tôi thành chú nghé ọ vang đồng chiều

Hồn tôi chao liệng như diều

Bay qua ba chuyện bốn điều tuổi thơ

   Một sự hóa thân bằng tâm tưởng vô cùng dễ thương và dễ đồng cảm cho hết thảy những người muốn quay lại tuổi thơ, tìm lại bóng dáng thiếu thời của mình nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là một cách hoài niệm để tắm mình trong kỷ niệm, những kỷ niệm của tuổi hoa niên mà dù có đi hết trọn đời vẫn nhớ, vẫn thương.

 Thấy mình thoát trận bơ vơ

Rời xa khỏi cuộc bơ phờ mưu sinh

Tôi như định dạng lại mình

Sau bao phiên bản nhục vinh giữa đời

 Ngôn ngữ thơ mang vẻ vẻ hiện đại nhưng lại rất nhuần nhị khi đưa vào lục bát khiến bài thơ vừa cổ điển như ca dao lại vừa tươi mới nhưng quan trọng hơn cả là vẫn chất chứa những nghiệm sinh thiết thân của một người trưởng thành, từng trải những vui buồn, vinh nhục của một đời người. Tác giả vẫn cứ muốn quay trở lại với chính mình, với bản lai diện mục của cái tôi bản ngã như nhà Phật thường nói, để được sống thật với chính mình, được là chính bản thân mình. Một ước mơ có vẻ giản đơn nhưng kỳ thực lại rất khó khăn trong thời buổi có quá nhiều xáo trộn.

   Bài thơ tiếp diễn với những cảnh tượng và mong ước khi một lần trở lại quê nhà của người đã qua nhiều nếm trải:

Tôi đi đầu đội nắng trời

Thương cha ngày cuốc ruộng phơi lưng trần

Tôi thăm độông ngái vườn gần

Xót bàn chân mẹ nổi gân gánh gồng

 Bài thơ kết thúc trong nỗi niềm của một người biết rằng trở lại tuổi thơ cũng chỉ là một giấc mơ ngay giữa ban ngày:

 Ngực căng hương lúa trổ đòng

Miệng thèm một chén cơm không đầu mùa

Ngồi ôm nguyên ngọn gió lùa

Mà nghe bùn thủm phèn chua nồng nàn

   Bài thơ "Về làng" của Trần Văn Nhân là một tác phẩm hay, giản dị mà nồng nàn, ấn tượng, đôi chỗ còn độc đáo trong cách thể hiện với ước muốn quay về lại với tuổi thơ của một tâm hồn thơ yêu quê hương, yêu cuộc đời, được người đọc đồng cảm và đón nhận.

Trích bài hát: Quê hương tuổi thơ tôi

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Cây bút Nguyễn Hoàn là một gương mặt quen thuộc trong làng văn bút Quảng Trị. Anh sinh ra và lớn lên ở Triệu Phong, vùng quê với những người làm nông nghèo khó, nhưng đây cũng là vùng đất học với nhiều người nổi tiếng trong nước và trên thế giới như Tổng Bí thư Lê Duẩn; danh họa Lê Bá Đảng; nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường…Nguyễn Hoàn vốn là một sinh viên văn khoa học hành cần mẫn, giỏi giang được giữ lại trường làm giảng viên đại học. Nếu anh không muốn xê dịch chắc chúng ta sẽ có thêm một nhà khoa học đầy đủ học hàm, học vị,  nghiên cứu phê bình văn chương đúng nghĩa. Nhưng nghề báo và quê hương đã vẫy gọi anh về làm ký giả. Đó là nội dung bài viết sau đây của nhà báo Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

BÚT KÝ NGUYỄN HOÀN.

Còn nhớ mùa hè năm 1989, trong những ngày đầu tỉnh Quảng Trị mới lập lại bộn bề những khó khăn, thiếu thốn, Nguyễn Hoàn đã từ giã Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học)-nơi anh được giữ lại trường để làm một giảng viên đại học. Hành trang trở về quê thật gọn nhẹ, chỉ một túi xách với vài bộ quần áo cũ, dăm ba quyển sách. Nguyễn Hoàn được tiếp nhận vào làm phóng viên Báo Quảng Trị, anh mang theo nhiều trăn trở, tâm huyết, mong muốn cùng đồng hành với quê hương trong những chặng đường vượt khó.

   Với vai trò là thư ký tòa soạn báo Quảng Trị, anh thực sự là một nhà báo đa năng khi có thể viết những phóng sự điều tra sắc sảo, những bài bình luận có chất lượng, những phản biện được dư luận chú ý. Nhưng mặt khác Nguyễn Hoàn còn là cây bút phê bình tiểu luận, bút ký vững vàng, với sở học căn bản, cách viết linh hoạt, có những phát hiện bất ngờ, thú vị của một người "nhiều chữ", có những khái quát đủ độ thuyết phục người đọc. Hàm lượng thông tin, tri thức và chất xám vẫn thường có mặt trong những tác phẩm của anh. Một số bài viết tiêu biểu của Nguyễn Hoàn như : "Mẹ Gio Linh-mẹ Việt Nam", "Festival Huế 2002-từ một góc nhìn", "Hoàng Phủ Ngọc Tường  "về nguồn xưa gối tay nằm bệnh", "Bắt gặp những ý niệm nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng", "Hàn Mặc Tử trong ký ức người em họ", " Cố đô Hoa Lư và bài học giữ bước"..đọng lại dấy ấn đậm nét trong lòng bạn đọc.

 Trong bút ký "Mẹ Gio Linh-mẹ Việt Nam" người đọc khoái cảm, hứng thú và đồng tình với giọng văn hào sảng và thi vị : " Xuân làng Mai đã trổ màu", câu thơ của nhóm Bích Khê Hoàng gia thi phái (nhóm thơ họ Hoàng làng Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong) gửi báo "Xuân làng Mai", tờ báo viết tay của người làng Mai ra đời thời tiền khởi nghĩa quả đã ứng vận với hôm nay. Đình Mai Xá Chánh đang được trùng tu lại và đề nghị công nhận di tích lịch sử của tỉnh. Cả đến con rùa trong đình này cũng có một số phận hy hữu lạ thường. Năm 1968, lính Mỹ đưa xe về húc tan đình làng và lấy đi con rùa trong đình, con rùa quý, trên thân mạ sắc vàng có có hai con hạc đứng. Năm 1995, chính người lính Mỹ lấy rùa đình làng sang trả lại cho làng. Người Mỹ cũng đã biết lỗi trước văn hóa làng Mai vậy. Người làng Mai không những đánh giặc dũng khí có thừa mà còn chuộng tài hoa văn chương, học vấn hết mực. Một sớm anh Tùng dẫn tôi băng vào một vùng cây cối nguyên sinh rậm rạp, đó là lòi Mai Xá Chánh, nơi người làng Mai đã dựng nên Văn Thánh vào năm 1910 nhằm tôn vinh những người học hành đỗ đạt. Ngày trước cạnh Văn Thánh có một cây trầm nguyên sinh to lớn, mình chảy nhựa đầy. Làng làm lễ "khuyến học" tại Văn Thánh trong hương nhựa trầm xông ngào ngạt. Anh Tùng và tôi bâng khuâng bước trên nền Văn Thánh, lần tìm những viên gạc cũ, bóc gỡ lớp rêu phong của thời gian vẫn thấy hiện nguyên màu sắc nâu hồng được nung đúc từ bầu máu nóng của ông cha. Năm 1980, nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng đã đến đây để khảo sát, cho đào hố khai quật. Ông đề nghị cho rào lại khu vực Văn Thánh để bảo vệ trong khi chưa phục chế. Thời chiến dùng võ công. Thái bình dùng văn trị. Hương mai, hương trầm làng Mai thêm ngát lừng".

  Nguyễn Hoàn giành được nhiều giải thưởng báo chí, văn học nghệ thuật của tỉnh và Trung ương. Ngoài sự góp mặt trong nhiều tập phóng sự -bút ký, anh còn in riêng được 4 tác phẩm, đó là 3 tập phóng sự, bút ký: Một cõi vĩnh hằng; Mai sau dù có bao giờ; Nơi đầu cầu liên Á và tập tiểu luận phê bình Suy ngẫm với thời gian…Hy vọng trong hành trình thời gian, anh sẽ tiếp tục cho ra đời các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau mang dấu ấn đậm nét trong phong cách sáng tác Nguyễn Hoàn.

Trích bài hát: Nhớ về Quảng Trị

PTV: Chào cuối

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 19/12/2022 16:29 Lê Vĩnh Nhiên 23/12/2022 14:59

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà