Cuộc sống muôn màu
Danh mục
Cuộc sống muôn màu
NỘI DUNG

Kịch bản chương trình cuộc sống muôn màu

Buồn vui sau tay lái

          MC1: Kính chào QV & CB! Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh cuộc sống muôn màu của Đài PTTH Quảng Trị.

            MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Trong hành trình đến với những nơi xa, trên dặm dài thiên lý, chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh của những người tài xế điều khiển xe trên mỗi cung đường. Công việc của họ, thoạt nhìn có vẻ đơn giản, bởi họ chỉ làm nhiệm vụ đưa khách đến nơi cần đến. Nếu khách đến nơi an toàn họ không mong nhận được lời cảm ơn, thế nhưng nếu chẳng may xảy ra sự cố, họ sẽ là người chịu toàn bộ trách nhiệm.

          MC1: Với những người đã chọn “nghề tài xế” có lẽ đã xác định “vào là không ra được”. Chỉ cần một thoáng sơ suất hoặc mất tập trung, là có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và những người xung quanh. Và ít ai biết được rằng, đằng sau tay lái là những câu chuyện, những buồn vui rất cần được chia sẻ.

          MC2: Chương trình cuộc sống muôn màu tuần này mời Qv & CB cùng lắng nghe những câu chuyện buồn vui sau tay lái. Chương trình này do… cùng với sự tham gia thực hiện của….

Nhạc cắt

Đến với nghề bằng đam mê

          MC1: Thưa Qv & CB! Nghề lái xe được xem là nghề hiểm nguy, hàng ngày rất nhiều vụ tai nạn thương tâm là bị thương nhiều người và cũng không ít người phải bỏ dở cuộc sống. Những tình huống bất ngờ luôn xuất hiện bất cứ lúc nào trên đường, chỉ cần thiếu chút quan sát, xử lý không kịp là tai nạn xảy ra. Thế nên tài xế ngoài kỹ năng điều khiển xe cũng phải bình tĩnh trước các sự cố và nhanh nhạy trong việc xử lý và hơn hết là họ phải yêu nghề và có tâm với nghề.

          MC2: Khi thực hiện chương trình này, tôi đã tìm gặp và tiếp xúc với một số tài xế, tranh thủ chút thời gian rãnh bên ly cà phê, sau phút ngại ngùng, khi đã cởi mở, họ mới bộc bạch những nỗi lòng của mình. Trong câu chuyện của họ, tôi đã nhận ra rằng, những bác tài này ngoài sự mưu sinh thì họ đến với lái xe cũng bằng niềm đam mê, và đằng sau mỗi chuyến xe của mình họ cũng có những chuyện buồn vui, khó nói….

          Trích 1 đoạn tiếng đọc thơ:

Lỡ mang lấy nghiệp vào thân

Thì đừng trách lẫn, trời gần trời xa…

Bởi đam mê anh chọn nghề tài xế
Mê khung trời vùng vẫy khắp muôn nơi
Anh đâu hay bạc bẽo lắm em ơi
Bao đắng cay nhọc nhằn đêm khuya vắng

          MC2: Vâng, đó là những câu thơ mà có lẽ cánh tài xế ít nhiều đều biết, bởi nó đã nói lên rất nhiều những sự nhọc nhằn cũng như bao nỗi niềm của họ.

MC1: Ngày nào cũng vậy, khi những tia nắng cuối ngày dần tắt đi cũng là lúc anh Phan Văn Tư, ở thành phố Đông Hà, bắt đầu công việc của một người tài xế. Nhanh tay xách hành lý, mở cửa xe để đón khách trên tuyến đường ra Bắc đã trở thành công việc, gần như là thói quen của anh. Đến với nghề như một cơ duyên và từ niềm đam mê với “xế hộp”, anh tâm sự:

“Ngay khi còn nhỏ, tôi đã mê xe rồi. Khi lớn lên cảm thấy học hành không được, bạn bè thì mơ vào đại học, còn mình vì biết lượng sức mình nên vừa tốt nghiệp cấp 3 là xin ba mẹ cho đi học lái. Ông bà lúc đầu cũng không ưng vì nghề này rất nguy hiểm, sơ sẩy chút là có khi mất mạng, có khi phải vào tù… Thế nhưng vẫn quyết theo, đến nay cũng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm rồi.”

MC2: Công việc của anh Tư  thường bắt đầu từ 17h30 chiều đến 6h sáng hôm sau. Mỗi chuyến đi như vậy, anh được trả tiền công từ 350.000-500.000 đồng. Ngoài lái xe khách, khi nào ai có nhu cầu muốn thuê xe đi du lịch ở các tỉnh anh cũng nhận chạy hợp đồng. Với khối lượng công việc như vậy, để đảm bảo cho mỗi chuyến đi được an toàn, ngoài sự cẩn trọng, có kỹ năng lái xe tốt thì anh Tư cũng cần có sức khỏe thật tốt. Anh chia sẻ:

 “Làm nghề này, mình phải có sức khỏe tốt mới chịu nổi, chứ toàn phải thức đêm. Nếu đi chặng đường gần với thời gian khoảng vài tiếng thì không sao, chứ nếu đi những chặng đường dài và phải đi qua đêm thì trước mỗi chuyến đi chúng tôi đều phải ngủ nhiều, chuẩn bị thêm cà phê, và các chuyến xe đường dài đa phần phải có 2 tài, thêm người phụ nữa để tránh tình trạng buồn ngủ khi lái xe vì lái xe mà buồn ngủ sẽ rất nguy hiểm.

MC1: Khi hỏi nghề lái xe cực hay sướng, vì chỉ có ngồi và lái xe thôi, nhiều bác tài chỉ mỉm cười nói vất vả lắm, nghề này cũng giống như làm dâu trăm họ. Không chỉ đảm bảo xe đi đến nơi, về đến chốn, điều quan trọng hơn cả mà mỗi người lái xe cần phải làm đó là đảm bảo an toàn trên mỗi tuyến đường, không để xảy ra bất cứ sơ suất nào. Tuy nhiên, nghề lái xe cũng đem đến cho các tài xế nhiều niềm vui, họ sẽ có cơ hội được gặp gỡ và trải nghiệm nhiều nhất. Anh Nguyễn Văn Xuân – Một tài xế lái xe khách chia sẻ:

Băng ghi âm:  “Đời tài xế lái thuê có lắm chuyện vui buồn. Vui là sau mỗi chuyến xe an toàn đi đến nơi về đến chốn, làm khách hài lòng, được thăm thú nhiều nơi, biết nhiều miền đất lạ của quê hương, nghe được bao nhiêu câu chuyện đời trên những chuyến đi dài để chiêm nghiệm về cuộc sống, con người. Vui vì những lời cảm ơn, những đối đãi chân tình ….”

MC2:  Vâng thưa QV & CB! Nghề nào cũng có những đặc thù riêng và trong mỗi hành trình trên các cung đường, không thể thiếu những người tài xế để đón đưa hành khách, vận chuyển hàng hóa… Bây giờ, nhìn chung nghề lái xe, không còn được ưu ái như xưa. Tuy nhiên nghề nào cũng là nghề, cũng đóng góp cho xã hội, phục vụ cho cộng đồng và nuôi sống chính bản thân, gia đình mình. Nghề tài xế, nhất là tài xế xe khách, còn có một trách nhiệm lớn lao không được quên, đó là sinh mệnh của hành khách. Một chút bất cẩn, lơ đễnh sẽ mang lại những hậu quả khôn lường. Và hy vọng rằng, những lời tâm tình mà chúng ta vừa được nghe sẽ giúp QV & CB hiểu thêm về nghề lái xe và dành cho họ cái nhìn thiện cảm hơn, và có lẽ điều quan trọng hơn cả là những người đã theo nghề tài xế phải luôn vững tay nghề, bình tĩnh trong mọi tình huống, giữ cho mình cái tâm với nghề để trên mọi nẽo đường luôn bình an vô sự.

Nhạc cắt

MC1: Thưa Qv & CB! Nói về nghề, hầu hết các bác tài đều tặc lưỡi: “Vất vả lắm!”. Nghề lái xe là làm dâu trăm họ, không phải khách nào cũng tử tế và dễ tính như nhau, vì vậy phải đảm bảo an toàn hành trình, làm hài lòng khách hàng là việc không đơn giản. Nghề này đi nhiều, ít có thời gian dành cho gia đình, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết. Bởi thế sự hậu thuẫn từ phía gia đình, sự chia sẻ từ người vợ là rất quan trọng để các bác tài vững tay lái… 

MC2: Mới đây, một tài khoản Facebook đã đăng tải lá thư gửi chồng lái xe gây bão mạng trên một hội nhóm. Với lời lẽ chân thành và sự thấu hiểu của người vợ dành cho chồng làm nghề lái xe, lá thư đã chạm đến trái tim nhiều người, đặc biệt là những người tài xế. Không chỉ vậy, những chia sẻ này còn thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người.

MC1: Như vậy có thể thây rằng, đằng sau tay lái là những người tài xế, và đằng sau những người tài xế là những người vợ với rất nhiều những nỗi niềm, những lo âu, trăn trở. Trong chương trình hôm nay, mời Qv & CB cùng chúng tôi lắng nghe lời tâm sự của vợ chồng anh Lê Sỹ Văn và chị Lê Thị Thanh Tâm  , anh đã có hơn 10 năm làm nghề lái xe để hiểu và sẻ chia hơn với họ.

Xin chào chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, xin hỏi anh chị đã lập gia đình được mấy năm rồi ? Và anh theo nghề lái xe đã lâu chưa?

Trả lời: Chúng tôi gặp, yêu nhau và lập gia đình cũng đã hơn 10 năm rồi. Khi quen anh anh đã theo nghề lái xe rồi. Khi biết tôi với anh quen nhau, mẹ tôi cũng lo lắng lắm vì nói rằng nghề này là nghề nguy hiểm, rủi ro rất nhiều. Mẹ tôi còn lo đủ thứ, lo con gái lấy chồng lái xe sẽ vất vả vì chồng sẽ đi nhiều, rồi cũng có lắm tật, sợ rằng con mình sẽ không hạnh phúc… Thế nhưng vì thấy chúng tôi quyết tâm lắm nên ba mẹ cũng bằng lòng.

Vậy khi cưới nhau rồi chị có thấy những điều mẹ chị lo lắng là đúng không?

Trả lời: Uhm, cũng có phần đúng. Công việc của chồng tôi thay đổi rất nhiều. Có thời gian anh lái xe công trường, đi quanh năm, vài tháng mới về nhà 1 lần. Có thời gian anh lái xe khách, mỗi chuyến đi cũng mất ít nhất là 2 ngày, bây giờ anh ấy lái xe tải, xe đầu kéo chở hàng, mỗi chuyến đi có khi mất vài tuần…. Những lúc chồng đi xa, vừa vất vả chăm con một mình nhưng lo nhất vẫn là sự an toàn của anh ấy. Mỗi lúc anh ấy lên xe, tôi không bao giờ dám gọi điện thoại vì sợ rằng anh ấy sẽ mất tập trung và nguy hiểm. Đa phần là khi đến nơi anh ấy sẽ gọi điện thoại, lúc ấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm…

Đã bao năm làm vợ, quen với những chuyến đi xa của chồng rồi thế nhưng những cảm giác và sự lo lắng mỗi lần anh ấy lên xe vẫn vậy.

Và hẵn rằng anh chị cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Vâng, kể ra thì cũng nhiều lắm…. Thương nhất là giai đoạn anh ấy phải chở hàng từ Lào về, nghe tin bên đó mùa mưa, xe bị hỏng giữa nơi vắng vẻ, nghe anh ấy nói phải nằm giữa rừng để đợi xe, đợi người sang để xử lý lúc đó tôi cứ bần thần, thương chồng vô cùng mà không biết làm thế nào. Đến khi anh ấy về mấy mẹ con mừng rơi nước mắt.

Vâng, anh Lê Sỹ Văn khi nghe những chia sẻ này của vợ anh có suy nghĩ gì?

Vâng, tôi cũng biết vợ con tôi rất thiệt thòi vì có chồng, có ba lái xe. Công việc này vốn nhiều vất vả, nhưng mình là đàn ông, cực mấy cũng chịu được. Tôi cũng luôn cố gắng trong mỗi chuyến đi của mình, cố gắng giữ sức khỏe, cố gắng lái xe an toàn, không vi phạm luật giao thông , không để xảy ra điều gì đáng tiếc. Và khi về nhà tôi luôn gắng dành thời gian cho vợ và con. Chỉ mong rằng, sau mỗi chuyến đi là sự an toàn, là sự chào đón vui vẻ của vợ và con. Tôi cũng mong rằng mọi người sẽ có sự cảm thông hơn với chúng tôi, những người lái xe.

Xin cảm ơn anh chị. Chúc anh chị luôn hạnh phúc và chúc anh luôn vững tay lái, giữ cái tâm với nghề và luôn an toàn trong mỗi chuyến đi.

Nhạc cắt

Đạo đức người lái xe và trách nhiệm xã hội

MC1: Thưa Qv & CB! Lái xe là một nghề nguy hiểm, và cũng lắm gian nan, vất vả, và quan trọng hơn cả là nghề lái xe có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người. Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, và cũng có nhiều trường hợp có những sự cố ngoài ý muốn, ngoài khả năng kiểm soát của người lái xe. Thế nhưng để đảm bảo an toàn trên các cung đường thì tay nghề, và lương tâm, trách nhiệm của người cầm lại vẫn là yếu tố then chốt.

 

          MC2: Tại các trường dạy lái xe, để cấp bằng lái các học viên đều phải trải qua môn học đạo đức người lái xe. Vì sao vậy? Vì  Đạo đức là vấn đề then chốt trong quá trình đào tạo người lái xe, nó vô cùng cần thiết cho người lái xe trong giai đoạn hiện nay. Bây giờ đường sá tốt, phương tiện tốt, nhận thức con người được nâng lên qua việc nắm bắt thông tin tuyên truyền qua nhiều kênh. Tuy nhiên, mọi người đều biết về luật, đều hiểu về luật nhưng có chấp hành đúng và có ý thức văn hóa, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông hay không thì lại là chuyện đáng quan tâm. Đâu đó vẫn còn hiện tượng “vô cảm”, thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu trách nhiệm với người đi đường. Vì vậy, muốn phát huy đạo đức của người lái xe, trước hết người lái xe ô tô cần nêu cao trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông trên đường, phải biết chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông và hơn thế cần có “trái tim” biết rung động khi gặp tình huống nguy hiểm trên đường, biết cứu người trên đường khi gặp nạn. Đây cũng là điều mà mỗi lái xe phải luôn nhớ. Anh Nguyễn Văn Vinh, một tài xế lái xe taxi cho biết:

          Băng ghi âm: An Toàn là điều kiện hàng đầu khi lái xe. Và mỗi người lái xe đều cần phải nắm rõ luật, chấp hành luật và cẩn trọng mỗi khi cầm lái….

          MC1: Khi người lái xe hội đủ kiến thức về đạo đức nghề nghiệp thì khi đó việc giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè cũng khác, đi theo hướng tích cực, trách nhiệm sẽ được nâng cao, theo đó tư cách nghề nghiệp cũng được nâng lên, lương tâm của người lái xe sẽ được chú trọng, dẫn đến việc ứng xử có văn hóa khi người lái xe tham gia giao thông trên đường. Để có được đạo đức nghề nghiệp, người lái xe phải qua quá trình rèn luyện, thử thách. Nghề lái xe cũng có những đặc điểm khác biệt so với nhiều nghề khác. Ví dụ như nơi làm việc của người lái xe không cố định, nay đây mai đó. Quá trình làm việc phải luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ, căng thẳng, hệ số rủi ro lớn. Vì vậy, quan niệm “đã lái xe thì phải lái cho giỏi, nếu không giỏi không nên cầm vô lăng” vì là nghề rất nguy hiểm, liên quan đến trách nhiệm trong việc bảo vệ hành khách, trách nhiệm giữ gìn xe an toàn, giữ gìn tính mạng và sức khỏe cho hành khách, cho người đi đường.

 

MC2: Vì vậy, trong giai đoạn xã hội hiện đại và phát triển từng giờ như hiện nay, việc trau dồi, rèn luyện đạo đức người lái xe để phát huy trách nhiệm là vô cùng cần thiết. Mỗi người lái xe cần xác định rõ phương châm, lẽ sống mà mình cần hướng đến. Đó là sự hướng thiện, là cái tâm của mỗi người lái xe. Muốn vậy, người lái xe nhất thiết phải hướng đến hành động theo chuỗi các hệ thống quy tắc ứng xử nhằm đáp ứng tốt các chuẩn mực xã hội. Có như vậy, nghề lái xe mới thôi không còn những cái nhìn thiếu thiện cảm, và hơn cả là nhận được niềm vui sau mỗi chuyến xe an toàn.

MC1: Chương trình cuộc sống muôn màu tuần này cũng xin được khép lại tại đây. Cảm ơn QV & CB đã quan tâm theo dõi, kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 09/08/2018 16:55 Võ Nguyên Thủy 21/08/2018 09:33
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà