Thanh niên ( phát thanh): Mô hình khởi nghiệp
Danh mục
Thanh niên
NỘI DUNG

TRANG THANH NIÊN

MC1: Xin kính chào các đồng chí và các bạn! Mô hình thanh niên khởi nghiệp  trong những năm trở lại đây đã phát triển rất mạnh mẽ tại những vùng thôn quê.

MC2: Từ mô hình này, đã có nhiều thanh niên thành công và trở thành tấm gương cho các bạn trẻ khác học tập.

MC1: Vâng, mô hình thanh niên khởi nghiệp cũng là chủ đề để chúng tôi bàn đến trong chuyên mục của tuần này. Mời các đồng chí và các bạn cùng theo dõi.

 

Nhạc cắt

 

MC1: Thưa các đồng chí và các bạn! Những năm trở lại đây,  huyện đoàn Gio Linh luôn tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia lao động sản xuất bằng nhiều hình thức. Đặc biệt sau ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên miền chân sóng đã vượt khó vươn lên, dám nghĩ, dám làm xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Bài viết “ Huyện đoàn Gio Linh hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế “ của PV Ngọc Diệp.

MC1: Để hỗ trợ đoàn viên, huyện đoàn Gio Linh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương.

MC2: Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh trên triển khai cho đoàn viên thanh niên tham gia phát triển các mô hình kinh tế vay vốn. MC1: Từ số vốn này, trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu của đoàn viên thanh niên, huyện đoàn cũng đã tạo điều kiện cho đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế, vận động đoàn viên thanh niên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

MC2:  Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Từ đó, nhiều đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các nguồn vốn cũng như kiến thức khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

MC1: Từ khi được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tham gia các lớp chuyển giao KHKT, cùng với số vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội do xã Đoàn Gio Phong  đứng ra tín chấp đã giúp đoàn viên Nguyễn Minh Quốc ở thôn Gia Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế. Năm 2015, anh bắt đầu xây dựng mô hình trồng trọt và chăn nuôi tổng hợp xa khu dân cư. Với quy mô 300 con thỏ, 200 con gà. Mỗi năm gia đình xuất bán 3 đến 4 lứa. Theo tính toán, nếu như giá cả thị trường không có nhiều biến động mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh có nguồn thu từ mô hình này trên 80 triệu đồng. Anh Nguyễn Minh Quốc –thôn Gia Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh nói:

 

Băng: Nói về việc vay vốn để nuôi thỏ


MC1: Cùng đồng hành với đoàn viên thanh niên ở nông thôn, huyện đoàn Gio Linh đã cùng với nhiều địa phương đã tích cực hỗ trợ cho thanh niên vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ đến nay đã có nhiều đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh đã thành công với mô hình kinh tế và mang lại hiệu quả cao.

MC2: Để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, tỉnh đoàn cũng chỉ đạo khuyến khích các cơ sở Đoàn vận động các thanh niên có cùng sở thích, ngành nghề kết hợp thành lập các tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế, phấn đấu mỗi đơn vị thành lập ít nhất một mô hình tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế. Song song đó, huyện đoàn cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho thanh niên phát triển kinh tế, tổ hợp tác thanh niên của các thôn với hai mô hình: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới cho thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn thông qua các mô hình như mô hình trồng rau sạch bằng hệ thống đèn led và mô hình trồng rau thủy canh, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ vay vốn hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ …

MC2: Tại các thôn, các tổ chức đoàn cơ sở hàng năm đều tổ chức các lớp đào tạo nghề, tham quan các mô hình kinh doanh có hiệu quả và có các hình thức cho vay vốn không tính lãi cho thanh niên. Đồng chí Nguyễn Hồng Quân- Phó bí thư huyện đoàn Gio Linh  nói:

 

Băng ( Huyện đoàn cũng đã có nhiều chương trình để hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên ở nông thôn, để giúp học phát triển kinh tế…)

 

MC1: Huyện Gio Linh là một điểm sáng về xây dựng và phát triển mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Qua công tác định hướng, tuyên truyền của Đoàn, tính tự lực, tự cường, khát vọng làm giàu trong mỗi đoàn viên thanh niên đã được khơi dậy. Hiện toàn huyện có hơn 50 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ như: chăn nuôi gà, lợn thịt, mô hình trồng cam, trồng quýt…

MC2: Để giúp đoàn viên thanh niên sử dụng tốt nguồn vốn được vay, hàng năm huyện đoàn Gio Linh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn quản lý vốn vay cho hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên. Đồng thời thường xuyên đôn đốc các tổ trưởng và thành viên Tổ vay vốn nộp lãi, gốc đầy đủ, đúng kỳ hạn, không để xảy ra thất thoát vốn. Duy trì kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các hộ gia đình đoàn viên thanh niên. Nhờ vậy, nhìn chung các đoàn viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và từng bước cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Đặc biệt, nhiều đoàn viên thanh niên sau khi được vay vốn đã năng động, nhạy bén, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.

MC1: Có thể thấy, phong trào thi đua phát triển kinh tế đang lan rộng tại hầu hết các địa phương. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, phản ánh hiệu quả từ những đổi mới trong cơ chế chính sách mà các cấp, ngành, đoàn thể đem lại cho thanh niên nói riêng, người dân nói chung. Các mô hình phát triển kinh tế thành công của giới trẻ còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Góp phần tăng cường thu hút, đoàn kết tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh; tham gia đắc lực vào việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

 

Nhạc cắt

MC2: Thưa quý vị và các bạn!  Hiện này, toàn tỉnh Quảng Trị có 627 mô hình thanh niên khởi nghiệp. với ý chí sáng tạo đã có nhiều thanh niên tự mày mò và phát triển mô hình với nhiều cách khác nhau. Bước đầu đã có những mô hình thành công. Cuộc phỏng vấn sau đây của phóng viên chuyên mục và bạn Nguyễn Văn Tám ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh đã chứng minh sự nhiệt tình, lòng nhiệt huyết dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ. Mặc dù mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của Tám mới ra đời được 1 năm, nhưng cũng đã có những kết quả mang lại khá cao.

MC1: Với việc đầu tư 400 triệu đồng cho mô hình chăn nuôi, đến nay Nguyễn Văn Tám đã có 1000 con gà vừa lấy thịt, vừa đẻ trứng. Bên cạnh đó, Tám còn nuôi thêm giống gà Ai Cập và bò. Và bây giờ mời quý vị và các bạn cùng đến với cuộc phỏng vấn giữa PV chuyên mục và bạn Nguyễn Văn Tám.

1.     Chào bạn, xuất phát từ ý tưởng nào mà bạn thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp?

2.     Ban đầu gặp khó khăn gì?

3.     Bạn có suy nghĩ gì về Thanh niên lập nghiệp như bạn nhất là ở vùng nông thôn?

4.     Vậy bạn có kiến nghị và đề xuất gì không?

Vâng, xin cám ơn đồng chí

 

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Rời giảng đường đại học, nhiều bạn trẻ có tâm lý ở lại thành phố tìm việc làm, chờ cơ hội phát triển sự nghiệp. Nhưng 3 thanh niên tại thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã về quê hợp sức mở xưởng bún, duy trì nghề truyền thống của cha ông. Ba thanh niên trẻ được nhắc đến ở đây là Nguyễn Hữu Vinh (28 tuổi), Nguyễn Đăng Tôn Cảnh và Nguyễn Phước Ánh (cùng 27 tuổi, cùng trú tại thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, Quảng Trị).

MC1: Câu chuyện khởi nghiệp của 3 thanh niên trẻ một là thạc sĩ, một kỹ sư và một là kế toán khiến nhiều người ngạc nhiên bởi ý tưởng khá táo bạo khi chọn cách phát triển sự nghiệp, tạo lập tương lai bằng chính nghề truyền thống của gia đình, quyết tâm làm giàu ngay trên vùng quê nghèo khó. Bây giờ mời quý vị và các bạn cùng đến với bài viết “ Thạc sĩ, kỹ sư với mô hình bún sạch” của Nguyên Hương

MC2: Làng Linh Chiểu, xã Triệu Sơn vốn có truyền thống làm bún nổi tiếng khắp vùng Triệu Phong. Nghề này đã gắn bó với người dân từ hàng chục năm nay, góp phần thay đổi bộ mặt đời sống bà con, tạo được công ăn việc làm cho không ít người. Cảnh tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Kinh tế Huế, Ánh tốt nghiệp ngành Kế toán còn Vinh tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng- Đại học Giao thông vận tải Hà Nội.

MC1: Cùng sinh ra ở một làng, 3 chàng trai đã ấp ủ mong muốn tiếp nối nghề truyền thống của gia đình và hẹn nhau trở về quê mở xưởng bún sạch. Ba thanh niên bàn bạc với nhau rằng không cần phải đi xa lập nghiệp trong khi ở làng đã có nghề truyền thống làm bún. Chỉ cần biết làm mới, phát huy nghề này, mọi thứ sẽ tươi sáng.

MC2: Về kinh nghiệm sẽ học hỏi từ những người thợ làm bún lành nghề, có thâm niên trong làng. Ban đầu 3 anh em bắt tay vào làm, cha mẹ cũng không hưởng ứng vì đã cho con cái đi học là để tương lai tươi sáng hơn, có chỗ làm ổn định, thu nhập ổn. Nhưng thấy được quyết tâm lập nghiệp bằng nghề truyền thống trên quê hương của 3 anh em, dần dần mọi người đã ủng hộ, tạo điều kiện. Ban đầu, do khó khăn về vốn nên đầu tư với quy mô nhỏ, tích lũy kinh nghiệm và ngày càng phát triển lớn hơn.

MC1: Ban đầu, do chưa có gì trong tay nên phải học hỏi kinh nghiệm, nguồn vốn cũng chưa có bao nhiêu. Hơn nữa, ở quê thì cũng đã có nhiều xưởng làm bún nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Ba thanh niên quyết định phải làm một điều gì đó mới mẻ, khác với những gì họ đã làm thì mới hy vọng cạnh tranh được.

MC2: Các chàng trai trẻ đã bắt tay vào gây dựng sự nghiệp, đặt nền móng xây dựng ước mơ bằng việc cải tạo lại xưởng cũ của gia đình. Với số vốn ban đầu khá ít ỏi chỉ 60 triệu đồng, các thanh niên phải tiết kiệm từng đồng, ưu tiên sửa sang lại nhà xưởng; thuê máy làm bún; đóng bao bì; thuê nhân công… Mô hình bún sạch được manh nha, cơ sở sản xuất bún Vạn Linh bắt đầu hoạt động từ buổi chiều và kéo dài đến tận đêm khuya. Sau hơn 2 tháng, mô hình sản xuất bún sạch Vạn Linh dần đi vào ổn định. Sản phẩm làm ra đã tìm được nơi tiêu thụ và tình trạng thua lỗ, ế ẩm cũng được cải thiện dần.

MC1: Với sản phẩm bún ở các xưởng trên địa bàn khi xuất xưởng chỉ sử dụng sau vài giờ và rất dễ hư hỏng nếu sử dụng qua đêm, các chàng trai đã khắc phục được yếu điểm này bằng cách đầu tư máy hút chân không để đóng gói, bảo quản được tối đa 2 ngày mà vẫn đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là điểm khác biệt mà chưa có cơ sở làm bún nào tại địa phương áp dụng. nhóm thành viên của cơ sở bún sạch Vạn Linh đã biết chú trọng việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu cũng như chủ động đưa mẫu đi kiểm nghiệm để đạt được các chứng nhận về an toàn thực phẩm. Anh Nguyễn Phước Ánh chia sẻ, hiện tại, sản phẩm từ cơ sở sản xuất bún sạch Vạn Linh đã có chổ đứng trên thị trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trích tiếng Nguyễn Phước Ánh:

 

MC1: Câu chuyện ba chàng trai là thạc sĩ, kỹ sư và cử nhân quyết tâm khởi nghiệp ở quê nhà với nghề làm bún truyền thống khiến nhiều người vừa ngỡ ngàng vừa khâm phục. Trong xu hướng sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm khó khăn thì những câu chuyện khởi nghiệp táo bạo, dám từ bỏ, dám nghĩ dám làm sẽ là nguồn cảm hứng cho rất nhiều thanh niên khác trên hành trình xây dựng sự nghiệp của mình.

 

Nhạc cắt

 

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Nhằm đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, trong năm 2018 Tỉnh đoàn Quảng Trị sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay xây dựng các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên tại tỉnh Quảng Trị với tổng kinh phí 40 tỷ đồng.

MC2: Từ nguồn vốn đó, thanh niên nông thôn có cơ hội để phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi trồng trọt . Và hy vọng với kinh nghiệm cũng như có đồng vốn trong tay chất lượng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu thanh niên nông thôn.

MC1: Nhờ đó, tại nhiều địa phương, từ ý chí và nghị lực vượt khó, nhiều thanh niên đã trở thành những chủ trang trại, doanh nhân tiêu biểu, được trao tặng nhiều giải thưởng.

MC2: Đây là động lực, là môi trường lớn hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng.  ở các vùng nông thôn, thanh niên chiếm số đông trong cơ cấu lao động chính.

MC1: Đồng thời, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”, nhiều người đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

MC1:  Đó là cách giúp thanh niên rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm khi khởi nghiệp và không nản chí khi thất bại. Đồng thời, chú trọng phát hiện, vinh danh những điển hình tiên tiến về sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, khuyến khích các tầng lớp thanh niên tham gia học tập, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

 

Chào cuối: Chuyên mục tuần này xin được kết thúc tại đây, những người thực hiện Ngọc Diệp…xin kính chào các đồng chí và các bạn.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 18/10/2018 14:22 Lê Vĩnh Nhiên 18/10/2018 16:40
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà