Có thể bạn đã biết ngày 28/6
Danh mục
Tiểu mục Có thể bạn đã biết
NỘI DUNG

Có thể bạn đã biết

Chủ đề: Hệ thống giếng Chăm cổ làng Đông Thanh

Ngày phát sóng: 28/6/2019

Thực hiện: Tuyết Nhi – Thúc Ái

 

Dẫn:

Thưa quý vị và các bạn, hiện nay ở dải đất miền Trung nước ta còn tồn tại rất nhiều dấu tích của vương quốc Chămpa cổ. Bên cạnh các tháp Chăm nổi tiếng thì vẫn còn tồn tại các di tích mà công dụng của nó vẫn đang hiện hữu trong đời sống của cư dân người Việt. Đó chính là các giếng Chăm cổ. Hệ thống các giếng này rải rác ở các tỉnh duyên hải. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị được đánh giá là một trong những tỉnh có số lượng giếng Chăm cổ tồn tại khá nhiều. Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu đến với các bạn hệ thống giếng Chăm cổ tại làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, TP Đông Hà. Hệ thống giếng Chăm cổ ở đây đã được công nhận là Di tích cấp Quốc Gia cùng với Đình làng Nghĩa An vào năm 1996. Sau đây là hình ảnh của một số giếng cổ hiện còn tồn tại ở khu vực làng Nghĩa An.

 

Phim:

Trước tiên phải kể đến Giếng Làng, nằm ở xóm Thượng, thuộc khu phố 8, cạnh đường Hoàng Diệu phía nam và cạnh bờ sông. Giếng được thiết kế hình tròn, có đường kính 1,7m; sâu toàn phần 6,2m; sâu lòng nước 3,5m. Thành giếng cao 0,5m; trong đó 0,2m bên trên là phần đã được cải tạo và xây mới bằng gạch. Đá sử dụng để xếp quanh thành giếng là loại đá phiến thạch. Bên dưới có một khung gỗ lim dày với bốn trụ bốn phía cùng với bốn tấm gỗ nằm ngang bốn góc. Giếng đã được tu bổ lại khang trang hơn vào tháng 6/1996. Hiện tại, giếng vẫn được dân làng sử dụng khi cần thiết.

Cách giếng Làng không xa là Giếng Xóm Đình, nằm ở ngã 3 xóm Đình, thuộc khu phố 5, cách đường Hoàng Diệu 150m về phía Bắc. Giếng cũng có dạng hình tròn như giếng Làng, đường kính 2,1m; sâu toàn phần 5m, sâu lòng nước 1,4m. Thành giếng cao 0,8m. Đá xếp quanh giếng là loại đá phiến thạch. Phần từ thành giếng xuống 1,2m đã được cải tạo lại bằng việc gắn các viên đá tổ ong tạo tác công phu có trét mạch vôi vữa. Từ phía trên thành giếng xuống 4m là khung gỗ lim được kè chắn bốn tấm ván dày với bốn cọc gỗ, nhưng từ điểm có khung gỗ đến đáy giếng còn đến hơn 1m; khoảng cách này cho thấy gếng đã được người Việt nạo vét nhiều lần, làm cho đáy giếng ngày càng sâu thêm.

Nằm cạnh miếu Hội Đồng của làng cách quốc lộ 1A gần 1km phía Tây là giếng Hội Đồng. Nhìn bên ngoài, giếng có hình khum tròn, bên trong lòng vách tròn đứng có đường kính 1,1m. Sâu tổng thể từ thành xuống đáy là 3,3m; sâu lòng nước là 2,2m. Phần bên dưới nguyên thủy, phần bên trên cao gần 1m, với cách thức xây blô lẫn gạch và trát mạch bằng vữa ciment. Giếng hiện nay không được người dân sử dụng và vẫn đang trong quá trình đợi quyết định tu sửa lại.

Với những gì hiện còn ở hệ thống giếng Chăm cổ làng Nghĩa An, có thể coi đây là những thành tựu văn hóa mà một bộ phận cư dân cổ Chămpa đã làm nên, được người Việt giữ gìn và kế tục sử dụng, đáng được bảo tồn cùng với đình làng, các lễ hội truyền thống và các giá trị văn hóa khác mà nhiều thế hệ người dân làng Nghĩa An đã gây dựng nên để tạo ra một chỉnh thể văn hóa của một công đồng làng.

 

TUYẾT NHI – THÚC ÁI

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thúc Ái 28/06/2019 16:48 Nguyễn Thúc Ái 28/06/2019 16:48
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà