SỨC KHỎE ĐỜI SÔNG
Danh mục
Sức khỏe cho mọi người
NỘI DUNG

SỨC KHỎE ĐỜI SỐNG

Phát sóng 6-10

Hiền:  Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với CT Sức khỏe và đời sống của Đài PTTHQT. Kính thưa quý vị và các bạn! Đại dịch COVID-19 là một mối đe dọa lớn đối với tất cả chúng ta, không chỉ dừng lại ở tác động trước mắt về sức khỏe thể chất. Việc kéo dài hoặc tái áp dụng biện pháp phong tỏa tiếp tục ảnh hưởng đến công việc, kinh tế, sinh hoạt của mọi người. Cùng với những biện pháp xét nghiệm và phòng, chống dịch hiệu quả, vắc-xin là công cụ quan trọng giúp kiểm soát đại dịch COVID-19. Đa số các vacxin đã vượt qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt của nhiều cơ quan quản lý nhà nước trên thế giới. Hàng triệu người trên khắp thế giới hiện đã được tiêm chủng an toàn phòng ngừa COVID-19. Điều này đưa tất cả chúng ta tiến một bước gần hơn đến việc được làm những điều chúng ta yêu thích với những người mà chúng ta yêu thương. Vậy những lưu ý cần thiết nào cho việc tiêm vacxin phòng covid 19? Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu trong Cm SKĐS tuần này để có thêm những thông tin cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình, bản thân trong tình hình dịch covid 19 căng thẳng như hiện nay.

Nhạc cắt

Thưa quý vị! Có rất nhiều thông tin sai lệch về vắc-xin trên các trang mạng, vì vậy bạn cần phải biết chắt lọc thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn nào về việc có nên tiêm phòng COVID-19 hay không, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Tiếp đến hãy chăm sóc bản thân. Hãy nghỉ ngơi vào đêm trước khi tiêm và bổ sung đầy đủ nước để có thể trạng tốt nhất vào ngày tiêm. Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhung – Phó Giám đốc trung tâm y tế TP Đông Hà cho biết về một số lưu ý trước khi tiêm vacxin:

Phỏng vấn:

Trong quá trình tiêm: Giữ an toàn. Đảm bảo tuân thủ các biện pháp an toàn tại cơ sở tiêm chủng như giữ khoảng cách quy định và đeo khẩu trang. Khai báo với cán bộ y tế bất kỳ tình trạng sức khỏe nào cần đề phòng, chẳng hạn như đang mang thai hoặc suy giảm hệ miễn dịch.

Sau khi tiêm bạn sẽ nhận được một thẻ tiêm chủng cho biết loại vắc-xin được tiêm, thời gian và địa điểm tiêm. Hãy giữ tấm thẻ này cẩn thận phòng trường hợp cần thiết trong tương lai.

Sau khi tiêm: Ở lại để được theo dõi. Nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ theo dõi tình hình sức khỏe của bạn trong khoảng 15 phút sau khi tiêm vắc-xin để đảm bảo không có bất kỳ phản ứng tức thời nào. Tuy nhiên, các phản ứng nghiêm trọng đến sức khỏe rất hiếm khi xảy ra. Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhung – Phó Giám đốc trung tâm y tế TP Đông Hà cho biết về một số lưu ý sau khi tiêm vacxin:

Phỏng vấn:

Sau khi tiêm chúng ta cũng nên lường trước một số phản ứng phụ. Vắc-xin được thiết kế để cung cấp khả năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh. Tuy phản ứng phụ thường không phát sinh trong quá trình hình thành hệ miễn dịch nhưng trong nhiều trường hợp, một số phản ứng phụ ở mức nhẹ đến trung bình vẫn có thể xuất hiện và tự biến mất trong vòng vài ngày. Một số phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình mà bạn có thể gặp phải sau khi tiêm chủng bao gồm:

Đau nhức cánh tay ở vị trí tiêm. Sốt nhẹ. Mệt mỏi. Nhức đầu. Đau cơ hoặc khớp . Ớn lạnh. Tiêu chảy. Nếu bất kỳ triệu chứng nào kéo dài hơn một vài ngày, hoặc xuất hiện bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào khác, hãy liên hệ ngay với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn.

Hệ miễn dịch cần thời gian để hình thành. Bạn sẽ được xác nhận là đã tiêm chủng đầy đủ sau hai tuần kể từ khi tiêm mũi vắc-xin Pfizer-BioNtech hoặc Moderna COVID-19 thứ hai, sau 15 ngày kể từ khi tiêm vắc-xin AstraZeneca, hoặc sau hai tuần kể từ khi tiêm vắc-xin đơn liều J&J/Janssen COVID-19. Vì vậy trong thười gian này cần giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Mặc dù các loại vắc-xin này đang cho thấy hiệu quả cao trong việc bảo vệ con người khỏi bệnh tật nghiêm trọng do COVID-19 gây ra, nhưng chúng tôi vẫn đang tìm hiểu liệu một người đã tiêm vắc-xin vẫn có thể lây lan vi-rút ngay cả khi không có triệu chứng hay không. Do đó, cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp an toàn để bảo vệ bản thân và cộng đồng, bao gồm tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang.

Nhạc cắt

Q: Thưa quý vị! Vắc xin Covid-19 là vắc xin nhằm ngăn ngừa và làm chậm sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Sars-CoV-2; bằng cách giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus Sars-Cov-2. Tùy vào cơ địa của từng người, từng loại vacxin mà cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau. Vì vậy, trước và sau khi tiêm cần chú ý bổ sung dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh và nhanh hồi phục. Không có một loại thực phẩm, chất dinh dưỡng, chất bổ sung riêng lẻ nào có thể ngăn chặn được sự xâm nhập của virus Sars-Cov-2 gây viêm đường hô hấp cấp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hỗ trợ và tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, củng cố tường thành chống lại mầm bệnh bằng chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng. Phần tiếp của CM SKĐS tuần này xin cung cấp đến quý vị và các bạn 5 nhóm thực phẩm nên có trong thực đơn trước và sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, gồm:

Rau có lá màu xanh đậm: những loại rau có màu xanh đậm chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp kháng viêm hiệu quả. Một số loại rau được khuyến nghị nên dùng như: bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau bina, rau ngót, rau muống…

Canh hầm hoặc súp: đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, trong đó đã bao gồm duy trì phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, một trong những lưu ý quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh là nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh. Canh hoặc súp được phối hợp từ các loại rau củ giàu chất xơ và các gia vị kháng viêm là nhóm thực phẩm đặc biệt có lợi cho đường ruột.

Nhóm gia vị có lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể gồm: Hành, tỏi, Nghệ cũng rất tốt cho cơ thể. Nghệ là gia vị chứa rất nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe gồm: các curcuminoid, tinh dầu nghệ, protein, các chất vô cơ, hợp chất vi lượng, chất xơ và tinh bột nghệ, nghệ có tính kháng viêm mạnh mẽ, giúp bảo vệ não bộ khỏi tình trạng căng thẳng tinh thần.

Ăn thực phẩm nguyên hạt: Nhiều cuộc khảo sát về chế độ dinh dưỡng của người dân trong mùa dịch cho thấy, lượng tiêu thụ các thực phẩm chế biến giàu đường, chất béo tăng cao trong mùa dịch. Các nhà dinh dưỡng cho rằng, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến chứa chất phụ gia có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Chuẩn bị sẵn sàng thức ăn sau khi tiêm vắc xin: Một số người sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 có thể xảy ra phản ứng buồn nôn. Để đề phòng tình huống này, cần chuẩn bị sẵn một số thực phẩm dễ tiêu hóa như: sốt táo, súp rau, gạo lứt, dưa, khoai tây… Tránh mang những thức ăn khó tiêu như phô mai, nước sốt kem, thịt và thức ăn chiên, thức ăn có đường như kẹo hay bánh nướng. Lưu ý uống đủ nước, đến khi cơn buồn nôn giảm bớt hãy tiếp tục ăn thực phẩm tươi, nguyên chất.

Bạn cũng cần kiêng một số thức ăn sau khi tiêm như: Tránh uống rượu trước và sau khi tiêm vắc xin vì rượu làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin. Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch. Cụ thể, rượu có thể giúp người uống ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu.

Thưa quý vị! Dù có tiêm vaccine, vẫn phải đảm bảo 5K, giãn cách, vì người tiêm vaccine được bảo vệ rồi, còn người chưa tiêm chưa được bảo vệ. Người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm, vì vậy ngoài phòng vệ cho bản thân, thì phải phòng vệ cho cả cộng đồng. Chuyên mục SK và ĐS  tuần này xin được khép lại tại đây. Chúc quý vị và các bạn an toàn trong mùa dịch. Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe! Chào tạm biệt và hẹn gặp lại vào khung giờ này tuần sau!

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 06/10/2021 09:30 Lê Vĩnh Nhiên 06/10/2021 14:00
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà