sắc màu văn hóa - Đời sống
Danh mục
Sắc màu Văn hóa - Đời sống
NỘI DUNG

QRTV Giới thiệu: Thưa quý vị, Như chúng ta đã biết trong kho tàng Di sản văn hóa Quảng Trị phong phú với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. hình thành nên một nền văn hoá riêng biệt; vừa đa dạng về loại hình, vừa phong phú về chủng loại, vừa giàu có về nội dung và tiềm ẩn trong lòng nó một diễn trình văn hoá, lịch sử mang đậm đà bản sắc của vùng đất kiên cường, để hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước.

Chuyên mục “ Sắc màu Văn hóa và Đời sống” với chủ đề “ Những nét đặc sắc văn hóa Quảng Trị” được phát sóng vào lúc 14 h 30 ngày 2 tháng 12 và 17 h ngày thứ ba 6/12/2022. Kính mời quý vị quan tâm đón nghe

 

CHƯƠNG TRÌNH ‘ SẮC MÀU VĂN HÓA & ĐỜI SỐNG”

( SỐ 2/12/2022)

Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

 Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Sắc

màu văn hóa- đời sống” được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Tần số 92,5 Mhg, thời gian vào lúc 10 h 30, 17 h ngày thứ 6 và 17 h ngày thứ ba hàng tuần.

Thưa quý vị, và các bạn, Gia tài di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm, Việt, Bru - Vân Kiều và Tà Ôi trải suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Bằng cách chuyển tải liên tục trên sự kế thừa các yếu tố nội lực với tất cả sự năng động, sáng tạo, hội nhập, giao thoa, kết tinh và lan tỏa với văn hóa các cộng đồng tộc người ở các vùng, miền để hình thành nên một nền văn hoá riêng biệt; vừa đa dạng về loại hình, vừa phong phú về chủng loại, vừa giàu có về nội dung và tiềm ẩn trong lòng nó một diễn trình văn hoá, lịch sử mang đậm đà bản sắc của vùng đất kiên cường, để hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước.

Trong chương trình hôm nay. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị về một số nét đặc sắc về văn hóa Quảng Trị

           Nhạc cắt + Lời xướng tiểu mục “Sắc màu văn hóa”

            File Trống hội vật

Kính thưa quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn vừa nghe không khí náo nức qua tiếng trống hội vật làng Trung An, xã Hải An, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Gia tài di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị được xây dựng bởi các tộc người Chăm, Việt, Bru - Vân Kiều và Tà Ôi trải suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Bằng cách chuyển tải liên tục trên sự kế thừa các yếu tố nội lực với tất cả sự năng động, sáng tạo, hội nhập, giao thoa, kết tinh và lan tỏa với văn hóa các cộng đồng tộc người ở các vùng, miền để hình thành nên một nền văn hoá riêng biệt; vừa đa dạng về loại hình, vừa phong phú về chủng loại, vừa giàu có về nội dung và tiềm ẩn trong lòng nó một diễn trình văn hoá, lịch sử mang đậm đà bản sắc của vùng đất kiên cường, để hòa nhập vào dòng chảy chung của đất nước.

Tất cả là bức tranh phức hợp đa sắc màu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, quan niệm thờ cúng, chuyện tích các vị thần, lễ hội, trò chơi, các ngành nghề thủ công truyền thống đến các tri thức dân gian, về ẩm thực và trang phục truyền thống... Đây chính là những sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của người dân trong quá trình sống, lao động xây dựng và bảo vệ quê hương; nó luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần hình thành nên bản sắc văn hoá riêng của người Quảng Trị. Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản vô cùng quý giá, là chất keo gắn kết cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới trên bước đường hội nhập, giao lưu với văn hóa trong nước và thế giới.

Thạc sĩ sử học Lê Đình Hào- Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa TTDL Quảng Trị cho biết ( Trích băng)

loại hình di sản văn hóa phi vật thể truyền thống được lưu giữ khá nhiều trên vùng đất Quảng Trị. Từ tiếng nói, ngữ âm dân gian, nếp sống, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng, nghề thủ công truyền thống đến các tri thức dân gian về đời sống lao động, về ẩm thực... tất cả là những sản phẩm văn hóa tinh thần đó đều do con người sáng tạo, xây dựng, đúc kết, chắt chiu, thăng hoa... trong quá trình sống lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương. Nó chính là phần hồn, là sự sống, là dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bĩ trong đời sống cộng đồng các làng, bản của người dân Quảng Trị. Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa tinh thần đó đã được chắt lọc, hun đúc, kết tinh để trở thành tài sản vô giá lưu truyền từ đời này sang đời khác.

 

 

File Trống hội vật

Là người con của quê hương Quảng Trị, hẵn ai cũng đã từng hào hứng tham gia những hoạt động lễ hội ở các làng quê để thành kính thắp lên bàn thờ những nén hương trầm thơm ngát tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên, các bậc anh linh, thần thánh trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Ai cũng đã từng bâng khuâng trước những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình, da diết của các câu hò, hát ru mà bà, mẹ đã nuôi dưỡng chúng ta lớn lên từng ngày; nhiều lần ôm bụng cười ồ khi được nghe các câu chuyện trạng, chuyện tiếu lâm hài hước được kể bằng chất giọng đặc trưng của vùng quê Quảng Trị; hay ngỡ ngàng thảng thốt bên một nét hoa văn, nét chạm khắc dịu dàng, tinh tế của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hoặc thưởng thức hương vị đậm đà của những món ăn dân dã từ một làng quê mộc mạc, chân chất vương vấn mùi bùn non và lúa rạ...

Tất cả những cảm xúc đó cứ tự nhiên dâng trào, thấm dần vào tâm hồn mỗi chúng ta từ lúc nào không rõ. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trên vùng đất Quảng Trị chính là giữ “phần hồn” cho các thệ hôm nay và mai sau

File nhạc hò Mái nhì tương tư khúc- Châu Loan thể hiện, lấy một đoạn ngắn

MC: Kính thưa quý vị và các bạn.  Quý vị vừa nghe trích đoạn điệu hò Mái nhì bài Tương tư khúc qua sự thể hiện của NSND Châu Loan- Một người con ưu tú của Quảng Trị. Từ cái nhìn thẳm sâu, trong không gian văn hóa mênh mông dường như vô tận, thắm đượm tâm hồn, khí phách về đất và người. Quảng Trị ở ngã ba đường thiên lý bắc - nam, đông - tây. Từng là nơi cát cứ của nhà Nguyễn, trong tiến trình tiến về phía nam, với bao thăng trầm, chất chồng trên đôi vai người đi vỡ đất, mở cõi, trong cơn bĩ cực, thuở ban sơ đó như sợi dây vô hình gắn kết họ với cộng đồng bản địa, tạo nên nền văn hóa phong phú đa sắc. Quá trình sinh sống cùng chung lưng đấu cật, cần mẫn lao động, sáng tạo cũng là chặng đường giao thoa, hòa hợp dòng âm nhạc nơi quê cha đất tổ với nền âm nhạc bản địa; dần dà hòa quyện thành công dòng chảy lớn của thi ca nơi chốn dân giã - dòng âm nhạc dân gian riêng có của người Quảng Trị.

Trong dòng âm nhạc dân gian Quảng Trị có bao khúc hát ru, điệu hò, lý... từ chất liệu cuộc sống viết nên, từ những cảm hứng, tình cảm trong lao động "kẻ hô người ứng" mà thành.Trong xứ sở của những điệu hò đó, chỉ đơn cử ra viên ngọc tỏa sáng, ẩn chứa sức sống diệu kỳ trong kho tàng âm nhạc truyền thống vô giá, đó là điệu hò Mái nhì, Mái đẩy - mang âm hưởng lắng sâu, tiếng nói chân thực phản ánh sâu sắc khát vọng, tư tưởng của nhân dân lao động.

Nét đặc trưng của điệu hò sông nước xứ sở này thể hiện tình cảm thầm kín, chất chứa của con người trong lao động, nên giai điệu thường trải dài, ẩn khuất trong không gian sông nước mênh mông, thời gian như lắng đọng, văng vẳng, len lỏi trong tâm can của người lữ khách sang sông. Không mang tính chương trình, nặng về trình diễn; ở đó thể hiện sự tự do, phóng khoáng trong lối hát ca; giai điệu chứa đầy nguồn cảm hứng tươi nguyên, đẹp đẽ, nồng ấm và gần gũi; dễ thường có tính phổ biến cao trong sinh hoạt cộng đồng, hòa sâu và trở thành chất liệu của các điệu hò Nam ai, Nam bình kinh thành đất Huế sau này

Nghệ sĩ ưu tú về lĩnh vực văn hóa dân gian ông Vũ Mạnh Thi hiện sinh sống tại thôn Mai Xá, Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị cho biết ( Trích Băng)

Chính điệu hò Mái nhì, Mái đẩy tiêu biểu cho chức năng giao duyên của những điệu hò xứ sở này; ở đó là sự giao cảm đầy chất lãng mạn nam, nữ trong lao động, như thầm mong vơi đi nỗi nhọc nhằn, truân chuyên, tạo nguồn cảm hứng dường như vô tận, thời gian và không gian ở đó dường như dừng lại nhường chỗ cho sự thăng hoa cảm xúc của con người.Qua con đường giao duyên hòa ca tuyệt vời, con người sẻ chia cùng vượt qua gian khó, "cập bến mơ", thi vị hóa ý chí, khát vọng kết đoàn, tương phùng tương ngộ của con người từ trong không gian mênh mông được xích lại gần nhau hơn, từ trong chân lấm tay bùn yêu thương nhau thêm...!

File nhạc hò Mái nhì tương tư khúc- Châu Loan thể hiện,

Ðể lại ký ức sâu đậm hơn cả bao thế hệ đi qua chiến tranh từng thao thức, chờ đợi được nghe chương trình "Quay súng cùng nhân dân chống Mỹ cứu nước" được phát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam vào lúc 22 giờ, được thể hiện giọng hò "thiên phú" lắng sâu, dạt dào xúc cảm của người nghệ sĩ tài danh, một người con của quê hương Quảng Trị - NSND Châu Loan.

Ðiệu hò mái nhì, mái đẩy man mác giàu tính nghệ thuật giao cảm bằng sự thăng hoa tuyệt vời của người nghệ sĩ đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với nhân dân miền nam lúc bấy giờ sống dưới ách kìm kẹp của kẻ thù, với niềm tin mãnh liệt hướng về Ðảng, Bác Hồ kính yêu, thôi thúc vùng lên đấu tranh giải phóng quê hương.Cũng với giọng hò thiết tha, người nghệ sĩ vang bóng một thời này đã mang điệu hò quê hương vang vọng đến bên kia đại dương, đến cả quốc gia được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng" để kêu gọi nhân loại yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, ủng hộ vì cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Sau ngày quê hương được hòa bình thống nhất, trong những ngày vui đại thắng điệu hò ấy lại có dịp trở lại trên các sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp ca kịch Bình - Trị - Thiên, in hằn trong ký ức của hàng nghìn khán giả dưới ánh sáng tươi nguyên, mộc mạc của những đêm hội diễn hay biểu diễn nghệ thuật quần chúng ở Triệu Hải, Bến Hải. Các điệu hò dân gian Quảng Trị đang âm thầm là chất liệu làm phong phú đời sống âm nhạc đương đại, để không phải ngẫu nhiên sau này ca sĩ Quang Linh, Vân Khánh - những người con quê hương Quảng Trị thành công trên con đường ca hát khi cất tiếng ca chất chứa, lắng sâu điệu hò xứ sở!

Nhận thức được vấn đề loại hình nghệ thuật dân gian mang tính nghệ thuật, tư tưởng cao đứng trước nguy cơ bị lãng quên, gần đây ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức các khóa dạy ca hát nghệ thuật dân gian, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và tiếp tục chiêu sinh những khóa tiếp theo, như làm khôi phục lối sinh hoạt tinh thần thanh tao, xây dựng một cốt cách, bản sắc của con người và xứ sở. Đoàn nghệ thuật truyền thống cũng đang tổ chức cho các nghệ sĩ của Đoàn tập luyện để biểu diễn cho quần chúng nhân dân những điệu hò dân gian, Ông Lê Thanh Phong Trưởng đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Trị chia sẽ ( Trích băng)

Những điệu hò mái nhì, mái đẩy... sự nhịp nhàng của tay chèo, tay lưới nơi miền sông nước, từ quá khứ hôm qua vẫn hiện hữu, lắng vào sâu trong tâm thức bao lớp người Quảng Trị, bởi ý niệm "hòa ca khúc hát kết đoàn" bao giờ cũng trở thành ý thức cụ thể, sâu sắc trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào của con người xứ sở này! Hình thành từ trong quá trình vỡ đất, lập cõi, đấu tranh và dựng xây. Ý niệm sâu sắc, khát vọng cháy bỏng ẩn sâu trong những câu hò xứ sở vẫn mãi vang vọng đến mai sau...

.

                                                        NHẠC CẮT

Kính thưa quý vị và các bạn. Người dân tộc Pa kô thường sống trên các vùng núi cao của dãy Trường Sơn, nên có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Những bản làng của người Pa kô thường được bao bọc bởi màu xanh của núi rừng, nên tâm hồn người Pa kô phóng khoáng, tính cách mộc mạc, chất phác. Nét tính cách này cũng thể hiện rõ trong các đồ đan lát thủ công của đồng bào Pa kô. Điều đặc biệt, theo truyền thống,  phần lớn sản phẩm đan lát của người Pa kô lại do những người đàn ông  làm ra. Người Pa kô thường tranh thủ lúc nông nhàn hay mùa đông giá rét để làm ra những sản phẩm đan lát thủ công.

Không ai biết chiếc gùi đã có mặt trong đời sống của đồng bào Pakô từ bao giờ, chỉ biết rằng chúng là vật dụng không thể thiếu khi họ lên nương, lên rẫy hay vào rừng lấy củi. Theo thời gian, chiếc gùi được xem như nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng của bà con.

Theo những người Pakô ở huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị cho biết, chiếc gùi của có nhiều loại khác nhau với mẫu mã đa dạng, phong phú, nhưng thông dụng nhất vẫn là chiếc “sang” và “a chọi”. Ở mỗi loại gùi, người Pakô dùng với từng công việc, mục đích khác nhau, sang dùng gùi củi là chủ yếu, còn a chọi dùng để thu hoạch lúa, đựng măng, rau rừng... Việc đan chiếc gùi to hay nhỏ, vành kín hay hở cũng đều phụ thuộc vào mục đích sử dụng.

A chọi là loại gùi đeo qua vai, dùng để đựng và vận chuyển. Gùi có hình trụ, thành thẳng và cao. Đế thấp, làm bằng dây mây lớn, được tạo dáng hoa thị, bởi mỗi cạnh đều uốn võng vào phía trong; 4 góc được kết mây hình tam giác cân để gắn lên thân gùi. Quai tết thành dây đai bằng vỏ cây rừng, bắt chéo nhau và ôm vào mặt ngoài của gùi, tại vị trí gần đáy. Nan đan gùi là nan cật của cây ra-lung (cây  lùng), một loại cây rừng nhỏ, không có gióng và mấu. Kỹ thuật đan kết hợp kiểu lóng mốt và lóng tư nan ngang. Dây mây dùng để buộc và cạp miệng gùi. Gùi do nam giới đan.

Còn A Tếch là loại gùi đeo qua vai, hình trụ, thành cao, có nẹp dọc từ miệng đến 4 góc đáy và thò xuống tạo thành 4 chân. Đế thấp, uốn bằng đoạn dây mây lớn. quai làm bằng vỏ cây sa năng pét, luồn qua đế, vòng qua tai ở lung chừng thân, bắt chéo ở phần thân dưới phía trước để tạo thành 2 quai ở 2 bên. Thân gùi chia làm 3 đoạn khá đều nhau. Đoạn trên và dưới đan lóng mốt với các nan ngang đan khít. Đoạn giữa đan kiểu mắt cáo bằng cách vặn chéo các nan dọc và đan thưa các nan ngang. Phần áp lưng người đeo gài 6 thanh trẻ nhỏ, song song nhau theo chiều thẳng đứng. Sang được sử dụng để gùi củi, ngô và sắn từ rừng hoặc rẫy về nhà. Ngoài ra hằng ngày người ta cũng dùng loại gùi này để gùi nước đựng trong các vỏ bầu khô mỗi khi đi lấy nước từ máng hoặc từ nguồn về nhà.

Để đan được một chiếc gùi truyền thống, phải mất nhiều công đoạn, thời gian. Trước hết, nguyên vật liệu là những cây mây, tre, nứa phải cất công đi kiếm ở vùng rừng sâu, núi cao. Mây để đan a chọi phải có độ bền, dẻo dai. Tre phải đúng độ già, đẹp màu, chắc...  Chặt mây thành từng đoạn, chẻ lạt và vót cho thật nhẵn rồi ngâm nước cho đủ độ dẻo, vót 4 trụ bằng nứa cho đúng kích thước và bằng nhau.

Quan trọng nhất là công đoạn làm đế. Đế phải đều, đẹp, chắc chắn thì mới sử dụng được lâu. Sau khi làm được đế thì đến công đoạn làm thân. Cuối cùng là công đoạn làm dây gùi. Việc này cũng quan trọng không kém vì chúng dùng để đeo, cõng trên lưng tiện cho việc di chuyển. Ngày nay, bà con đã dùng dây dù bề rộng khoảng 3 cm để làm dây gùi, nhưng ngày xưa, người PaKô thường làm dây gùi bằng vỏ cây rừng hoặc mây. Khi hoàn thành, a chọi sẽ được hơ trên bếp lửa một thời gian cho bền và đẹp hơn. Hầu như gia đình nào cũng tự mình làm nên ít nhất một chiếc a chọi để giữ nét đẹp của chốn núi rừng.

Với những người phụ nữ miền cao, chiếc gùi gắn bó với họ từ khi sinh ra đến khi lập gia đình, và cứ thế nối dài mãi đến đời con đời cháu. Khi con còn nhỏ, họ chở con lên nương rẫy cùng bằng chiếc gùi đeo sau lưng. Rồi khi con lớn lên, biết đi nương rẫy cùng với mẹ thì lại đeo những chiếc gùi để chở thành quả lao động mỗi ngày. Bởi thế, với họ, chiếc gùi gần gũi như đôi dép ở chân hay chiếc nón đội trên đầu.Trải qua thời gian, đồng bào miền cao Quảng Trị vẫn còn lưu giữ được những nét truyền thống của dân tộc. Ở đó vẫn còn có những người cần mẫn với chiếc gùi đeo trên lưng, vẫn lưu giữ cách đan gùi độc đáo, ấn tượng của dân tộc mình.

Anh Hồ Văn Phương- Hội viên hội Văn Hoc Nghệ thuật Quảng Trị cho biết ( Trích băng)

Nhằm góp phần bảo tồn văn hoá cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân, chính quyền địa phương nơi đồng bào Pakô  sinh sống cũng đã có nhiều biện pháp bảo tồn, lưu giữ cũng như phát triển nét văn hóa truyền thống dân tộc mình.                                                            

NHẠC CẮT NGẮN

Kính thưa quý vị và các ban. Chương trình “ Sắc màu văn hóa và Đời sống” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..

thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 30/11/2022 08:11 Lê Vĩnh Nhiên 30/11/2022 15:46
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà