tạp chí VNCn 4.12
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 4.12.2022

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn! Chúng ta lại gặp nhau trong Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, sẽ có các nội dung chính sau đây:

- Lễ hội A Riêu Ping của người Pa Kô

-Bài viết: Nhà thơ Nguyễn Văn Trình với tập thơ “Bóng chiều rơi”

-Tùy bút: “Cảm xúc những ngày cuối năm”.

-Tiểu mục Dọc đường văn nghệ có Ghi chép: MỘT NÉT VĂN CHƯƠNG QUẢNG TRỊ

- NHỮNG VẦN THƠ MỘT THỜI GIỚI TUYẾN.

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt.

1.     Thưa Quý vị và các bạn!

Vừa qua, Lễ hội A Riêu Ping đã được tổ chức tại thôn Tăng Cô Hang, xã Lìa, huyện Hướng Hóa. Đây là lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh đặc sắc và là lễ hội lớn nhất của đồng bào Pa Kô.

Lễ hội A Riêu Ping hay còn gọi là lễ “cải táng” và “phong thần”. Lễ hội Ariêu ping mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc sắc của đồng bào Pa Kô, thể hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người đang sống với những người đã khuất. Hình thức tổ chức lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc.

2. Tại nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên (xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) vừa chính thức ra mắt tour du lịch văn học “Tìm hiểu nhà thơ Chế Lan Viên - từ quê hương đã hoá tâm hồn” với sự tham gia của gần 50 học sinh trên toàn tỉnh.

Tour du lịch văn học được tổ chức bởi Amazing English Tour cùng Tạp chí Cửa Việt (đơn vị truyền thông) và “Câu lạc bộ thủ lĩnh thanh niên” trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đây là ý tưởng mới, đưa văn học gần gũi với du lịch, giúp học sinh cảm thấy yêu thích văn chương hơn qua các hoạt động ngoại khoá.

3.Thưa Quý vị và các bạn! “Phá trằm” là hoạt động có từ hàng trăm năm trước, được người dân làng Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, duy trì cho đến ngày nay.

Phá trằm” là lễ hội có lịch sử khoảng hơn 300 năm trước. Đây được xem là ngày hội thuần nông của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Trải qua thời gian, mặc dù không còn vẹn nguyên như xưa nhưng nét đẹp của lễ hội “Phá trằm” vẫn được người dân Trà Lộc gìn giữ, bảo tồn. Thông qua lễ hội, cảnh quan lòng hồ Trà Lộc ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tạo sân chơi, thu hút khách du lịch gần xa đến với Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc.

                       

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Nhà thơ Nguyễn Văn Trình là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn học Quảng Trị đương đại. Nếu tính từ bài thơ đầu tiên Chiều biên cương viết vào năm 1980 đến nay, Nguyễn Văn Trình đã có hàng chục bài thơ đăng ở các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Anh đã xuất bản được 3 tập thơ in riêng, đó là: Mây trắng bên trời (Nxb.Thuận Hóa, 2011), Nắng chiêm bao (Nxb. Hội nhà văn, 2019) và gần đây nhất là Bóng chiều rơi (Nxb.Hội Nhà văn, 2022). Tập thơ Bóng chiều rơi tập hợp 111 thi phẩm, thể hiện một cách sâu sắc về thế giới tâm hồn phong phú, về bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật độc đáo, tinh tế, biến hóa sinh động được bạn bè, đồng nghiệp, độc giả và giới nghiên cứu, phê bình văn học dành nhiều tình cảm yêu mến, quan tâm. Đặc biệt, tập thơ này vinh dự khi hiện có mặt tại thư viện khoa Việt Nam học trường ĐH Havard. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tập thơ Bóng chiều rơi của nhà thơ Nguyễn Văn Trình qua bài viết sau đây.

Ý nghĩa nghệ thuật qua tập thơ “Bóng chiều rơi”

Với tập thơ Bóng chiều rơi, nhà thơ Nguyễn văn Trình đã thể hiện nội dung khá đa dạng, phong phú đủ mọi sắc màu của cuộc sống, đủ các cung bậc của tình cảm, trong đó cảm thức về quê hương, đất nước, gắn bó sâu nặng, nghĩa tình với Tổ quốc và nhân dân, với người lính, với mái trường thân yêu và tình yêu đôi lứa… là những mạch ngầm cuộn chảy, xuyên suốt trong cuộc đời cầm bút của nhà thơ Nguyễn Văn Trình.  Trong đó, Tình yêu quê hương là một thứ tình cảm đặc biệt, sâu sắc, chung thủy, được Nguyễn Văn Trình dưỡng nuôi và lớn lên qua từng năm tháng. Những thi phẩm về quê hương được anh viết ra từ gan ruột, đủ để người đọc cảm nhận được những ân tình của nhà thơ Nguyễn Văn Trình đối với quê hương. Thẫn thờ chốn quê, Chiều trên sông quê, Thương hoài giếng quê, Mãi bờ tre xanh… là tiếng nói thao thiết yêu quê hương, cất lên từ những cung bậc trầm lắng, đạm nhiên, da diết.

Chiều quê

Cảnh cũ bờ tre

Chim ca

Ríu rít mà nghe rộn ràng

Quê hương, làng nước, tuổi thơ…

Vấn vương

Nỗi nhớ, thẫn thờ chốn quê

P/v: Nhà thơ Nguyễn Văn Trình cho biết:

Nguyễn Văn Trình đã từng là một người lính chiến đấu trên mặt trận biên giới phía Bắc. Chính từ những năm tháng trực tiếp trải qua biết bao thăng trầm, gian khổ của cuộc chiến tranh vệ quốc, hình tượng người lính đã trở thành niềm cảm hứng, thôi thúc mãnh liệt cho sự sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Văn Trình. Viết về người lính, với Nguyễn Văn Trình là tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào. Người lính trong những thi phẩm như: Những con tàu đi canh giặc biển, Người lính đảo tiền tiêu Tổ quốc, Xuân về trên miền biên viễn, Xuân biên cương, Cứu dân trong lũ dữ, Vì bình yên cuộc sống… mang những đặc trưng của thời đại và phong cách riêng khác, nhưng tựu chung thì mẫu người văn hóa mới - người lính vẫn là người chiến sĩ cách mạng, biểu tượng cho vẻ đẹp cao cả của dân tộc Việt Nam bền gan, vững chí, anh hùng, bất khuất trước những khó khăn, thử thách sống còn và trước những tham

vọng bá quyền của kẻ thù xâm lược.

Những người lính Cổ Thành

Dầu dãi nắng mưa

Khói lửa chiến trường

Đối mặt bom đạn kẻ thù hủy diệt

Những trận đánh giữ thành ác liệt

Vẫn ôm nhau, trong nụ cười chiến thắng

P/v: Nói về tập thơ Bóng chiều rơi của nhà thơ Nguyễn Văn Trình, Tiến sỹ Bùi Như Hải, chuyên nghiên cứu về ngành Văn học VN hiện đang tu nghiệp ở Mỹ  cho rằng:

Trích băng

Nhan đề tập thơ Bóng chiều rơi, in đậm dấu ấn trong sự nghiệp cầm bút của nhà thơ Nguyễn Văn Trình khi tuổi đời đã ngoài lục tuần, được chưng cất lên bởi sự trải nghiệm thời gian dài hơn bốn mươi năm miệt mài, cần mẫn, công phu cày xới trên cánh đồng ruộng chữ, để rồi ươm mầm, cho ra đời những quả ngọt thi ca dày dặn, tinh tế, đầy âm thanh, nhạc điệu, man mác tình cảm nhẹ nhàng, được chắt lọc từ trái tim của một nhà giáo, nhà thơ vượt qua cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận.

P/v:  Nhà thơ Nguyễn Văn Trình chia sẽ:

Phong cách nghệ thuật trong Bóng chiều rơi mang đậm phong cách: Trữ tình và lãng mạn. Những bài thơ tác giả viết từ việc “tức cảnh sinh tình”, từ những rung động cảm xúc chân thành về tình yêu quê hương, đất nước, về những con người bình dị, chân chất, lặng thầm cống hiến, hi sinh vì quê hương, Tổ quốc, vì một tương lai tươi sáng, tốt đẹp:

Cánh cò

Cõng nắng, cõng mưa

Cõng đôi gánh nước

Giữa trưa nắng hè

Nhạc ve

Réo rắt bờ tre

Đặc biệt, năm 2022 này tập thơ

Có thể khẳng định, ghi nhận rằng: Tập thơ Bóng chiều rơi đã được nhà thơ Nguyễn Văn Trình dốc hết tâm huyết của mình, cần mẫn như con tằm rút ruột, ươm tơ đểmhầu mong đem đến cho người đọc yêu thơ những vần thơncó giá trị, giàu ý nghĩa, đầy tính nhân văn của một tâm hồn nghệ sĩ luôn nặng lòng, ân nghĩa với đời, với người. Và thật vinh dự khi tập thơ này được chọn là một trong số những tác phẩm VHNT của các tác giả VN đương đại có mặt tại thư viện khoa Việt Nam học trường ĐH Havard năm 2022.

P/v: Chia sẽ về niềm vui này, nhà thơ NVT nói thêm:

P/V: Tiến sỹ Bùi Như Hải cho biết thêm:

Với hành trình sáng tác hơn 40 năm không ngừng nghỉ -khoảng thời gian cũng đủ để Nguyễn Văn Trình thể hiện niềm say mê đắm đuối, khát vọng mãnh liệt của một nhà thơ tài năng, một cá tính thơ riêng khác, độc đáo, có sự đóng góp không nhỏ vào nền thơ ca đương đại Quảng Trị nói riêng và nước nhà nói chung. Với sự yêu mến, ngưỡng mộ thi sĩ Nguyễn Văn Trình, tôi hy vọng Bóng chiều rơi sẽ Vang vọng dài theo ngọn gió bay xa - mời gọi độc giả cảm nhận và cùng đồng cảm.

Trích bài hát: Anh có về Quảng Trị với em không.

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa Quý vị và các bạn! Chúng ta đang ở trong khoảng thời gian của những ngày cuối năm. Một năm nữa lại thấm thoát trôi qua. Những ngày cuối năm gắn với bao lo toan với bộn bề công việc, bao ký ức chợt ùa về trong cảm xúc của nhiều người. Phần tiếp theo của chương trình, chúng ta cùng đến với tùy bút: “Cảm xúc những ngày cuối năm”.

Đồng hồ điểm tích tắc từng giây từng phút trôi qua, những ngày cuối năm đang kèm theo niềm vui, nỗi buồn để bắt đầu bước sang năm mới. Khoảnh khắc ấy chúng ta đều muốn sống chậm lại để suy nghĩ về những điều đã làm được, những cơ hội đã bỏ lỡ cũng như con đường tương lai phía trước sẽ như thế nào trong năm tiếp theo? Và rất nhiều người đã lấy n những ngày cuối năm như một nốt lặng trầm ngâm giữa giao thừa năm cũ và năm mới, cũng là thời điểm dành cho một cái ngoái nhìn về những ngày đã trôi qua.

Ngày cuối năm nhẹ nhàng đi tới, nụ cười thật hiền trước những lo toan, muốn sống chậm lại một chút mà thấy lòng xốn xang, vướng bận bao điều không thể tỏ cùng ai. Ngày cuối năm, lại đành lặng quên đi nhiều thứ để tất bật hối hả cuốn mình theo thác lũ của cuộc đời.

 Ngày cuối năm, sau những mỏi mệt nơi thành phố xô bồ, những đứa con lại thèm được trở về nhà, về bên vòng tay mẹ ấm áp, sà vào lòng mẹ mà hít hà mùi hương quen thuộc sau quãng thời gian xa cách. Giây phút cuối năm cũng cho chúng ta hiểu rằng thời gian vốn dĩ chẳng đợi chờ bất cứ ai, tóc mẹ bạc dần mỗi xuân qua, đôi mắt ấy cũng ủ đầy lo toan suốt cả một đời.

 

Ngày cuối năm, mỗi đứa con xa quê trở về thăm nhà, tim chợt thắt lại trong nỗi buồn mơ hồ khi thấy cha mẹ ngày một già đi. Tâm trí nhói lên dằn vặt khi có những lời hứa với cha mẹ vẫn chưa thực hiện được. Mỗi năm qua đi, mái tóc cha mẹ pha sương nhiều hơn, thời gian đánh dấu trên những nếp nhăn, đốm da mồi ngày một dày hơn.  Thầm mong thời gian trôi chậm lại, để mỗi khi Tết đến vẫn được quây quần xuýt xoa với những món cổ truyền mẹ nấu, để mỗi khi trở về, vẫn thấy dáng cha thân thương bên bàn đọc sách, dáng mẹ tảo tần trong căn bếp nhỏ xinh.

          Ngày cuối năm, mọi thứ càng trở nên nhộn nhịp theo guồng quay của cuộc sống. Ngày cuối năm theo đuổi những khát vọng còn dở dang, đau đáu tìm lại những gì đã qua của năm vì chỉ mai thôi nó sẽ thuộc về những gì của năm cũ. Ngày cuối năm, thêm một chút ngẫm đợi nhưng dẫu có ưu tư đến mấy thì cũng đã có những tia nắng trái mùa bừng sáng những cũ kỹ trong từng siêu ký ức như đốm lửa âm ỉ trong đống tro tàn được ngọn gió thổi bùng lên.

Một năm trôi qua - ta cứ ví nó như một cuộn phim. Những nỗi buồn sẽ là phần phim mà ta không muốn quay lại, niềm vui là điều mà con người ta có thể tua lại không biết bao nhiêu lần. Quá khứ rồi cũng sẽ qua đi, sẽ làm nền cho những gì ta đang có ở hiện tại để rồi phấn đấu trong trong tương lai.

Một năm trôi qua thật nhanh chẳng kịp để ta quên đi những chuyện buồn cứ liên tiếp dồn dập. Những ngày cuối năm, ta ưu tư nhiều hơn, nghĩ về những điều chưa làm được và những chuyện cũ buồn thương, những tiếc nuối không níu lại được. Ta tự nhủ lòng mình hãy để nó trôi qua thật trọn vẹn…để đón ánh nắng đầy sức sống của năm mới đang chờ.

Trích bài hát: Chuyện ngày cuối năm

 

Tiểu mục Dọc đường văn nghệ

PTV: Thưa quý vị và các bạn! Quảng Trị tuy là tỉnh nhỏ nhưng có một đội ngũ nhà báo viết văn khá hùng hậu. Nhiều người không chỉ làm báo mà còn sáng tác thơ, viết truyện, bút ký, phê bình tiểu luận, nghiên cứu lịch sử... Trong Tiểu mục Dọc đường Văn nghệ tuần này, mời Quý vị và các bạn cùng điểm lại đôi nét về những cây bút có ít nhiều duyên nợ văn chương ở Quảng Trị qua bài của Pv Xuân Dũng. Chúng ta cùng nghe.

 

MỘT NÉT VĂN CHƯƠNG QUẢNG TRỊ

   Để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi chỉ xin giới hạn thời gian đề cập trong bài viết là khoảng trên dưới ba mươi năm trở lại đây, tức là có thể lấy mốc từ khi tái lập tỉnh Quảng Trị năm 1989.

   Do đặc thù đào tạo ngày trước nên nhiều nhà báo vốn xuất thân là dân đại học văn khoa (chủ yếu là Khoa Ngữ văn-Đại học Tổng hợp Huế, nay là Đại học Khoa học Huế)  nên về sau dù thành ký giả chuyên nghiệp thì chất văn chương vẫn ảnh hưởng lâu dài trong công việc viết lách của mình.. Tuy mức độ đóng góp cho văn chương có khác nhau nhưng có thể kể đến những cái tên như: Y Thi, Lâm Chí Công, Ngô Nguyên Phước, Lê Nguyên Hồng, Hồ Chư, Lê Quang Thông, Lê Văn Trâm, Nguyễn Hoàn, Lê Đức Dục, Minh Tứ, Đào Tâm Thanh, Đinh Như Hoan, Trần Thu Hòa, Nguyễn Tiến Đạt, Hàn Nguyệt, Hồng Thám, Phan Thị Thanh Minh, Phan Bùi Bảo Thy, Phạm Xuân Hùng (Từ Dạ Thảo), Lê Xuân Lãm, Đoàn Phương Nam... Còn lập nghiệp xa quê từ trước ngày tái lập tỉnh  có Trần Thanh Bình, Trần Đình Thu, Nguyễn Linh Giang, Trần Trình Lãm...

   Trong số những gương mặt ấy, xin dành thời gian nói về một văn nhân quá cố đã để lại nhiều dấn ấn trong lòng người yêu văn chương Quảng Trị- đó là nhà báo Nguyễn Tiến Đạt.

   Nguyễn Tiến Đạt trước khi qua đời vốn là một nhà báo sắc sảo, viết báo có văn từng đạt giải A giải báo chí toàn quốc. Nhưng ngoài là một nhà báo, Nguyễn Tiến Đạt còn là một nhà thơ. Thơ anh dân dã mà phóng túng, bông phèng mà tài hoa. Nhiều người vẫn nhắc đến mấy câu như "Tuyên ngôn thi" của Nguyễn Tiến Đạt : "Vô vi thì buồn, viết thì sợ/Trời rộng đành nâng chén ngang mày..." Tôi mơ hồ nhận ra đó là tâm trạng thi sĩ đã ít nhiều kinh qua trường văn trận bút, từng chạm trán với án văn tự. Riêng người viết bài này có kỷ niệm tình cờ khi đọc hai câu thơ Nguyễn Tiến Đạt viết, đến nay vẫn nhớ :  " Ơi người tóc bạc cùng tôi/Lại đây ta nói những lời bướm ong". Nguyễn Tiến Đạt ngoài sự có mặt trong tập thơ "Còn đây thương nhớ" cùng Lê Đức Dục..., Nguyễn Tiến Đạt còn in chung với nhà thơ Nguyễn Văn Dùng tập thơ  "Tự tình"; anh cũng cho ra đời hai tập thơ riêng mình đó là  : "Người đi nhặt cuội" (1996) và "Khúc hát tình tang" (1999). Anh cũng là tác giả tập phóng sự-bút ký :  " Soi mặt dòng Bến Hải".

   Nguyễn Tiến Đạt có một số bút ký báo chí nhưng vẫn có chất văn chương như "Ấn tượng một vùng đất", "Dòng sông của những thiên tình sử".. mà trong tác phẩm của mình, Nguyễn Tiến Đạt sáng tác thăng hoa bắt đầu từ sự cảm thương đoạn trường của một nhan sắc Ô Lâu từng là vương phi triều Nguyễn. Anh viết: " Tôi cúi chào hương hồn bà Ngọt ra đi mà lòng cứ bùi ngùi. Một đời lụa là gấm vóc rồi cũng trở về cát bị, về với bến sông Ô Lâu để lại cho đời một tình sử bi thương tiếc nuối. Tôi lặng nhìn Ô Lâu mà chẳng biết sông chảy về đâu nữa. Vâng, sẽ về biển thôi ! Nhưng sao nước sông cứ phân vân đến thế. Phải nơi này ngày xưa Huyền Trân gạt nước mắt theo chồng để rồi : " Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi..." ? Có phải nơi này người con gái xứ Hải Sơn là Trần Thị Dương xin phép chồng để đội tang đi lấy đầu danh tướng Thái Phiên, Trần Cao Vân bị Pháp chém ở An Hòa để đem về chốn viên tịch. Tôi xin cúi lạy các anh chị, lạy Ô Lâu đã cho tôi biết thế nào là TÌNH YÊU ! Hình như hư vô ghé tai tôi bảo : Dòng sông đang chảy ! Về thôi !"

Trích bài hát: Bên dòng sông Ô Lâu

PTV: Quý vị và các bạn vừa thưởng thức bài hát Bên dòng sông Ô Lâu. Kính thưa Quý vị! Quảng Trị vốn có những dòng sông gắn bó với văn hóa, lịch sử của mảnh đất này. Ắt hẳn mỗi chúng ta đều có lần được nghe những câu thơ quen thuộc:

“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ. Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Vâng! Đó chính là dòng sông Bến Hải gắn liền với cây cầu Hiền Lương lịch sử mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi đặt chân đến bên bờ Nam con sông Bến Hải trong thời kháng chiến chống Mỹ đã từng thốt lên: “… một con sông kỳ lạ của Vĩnh Linh. Sông gì mà chỉ có “một bờ”, tồn tại như một nỗi đoạn tuyệt của lịch sử, ròng rã mấy mươi năm…”. Phần cuối chương trình hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những vần thơ giới tuyến một thời qua bài viết sau đây:

NHỮNG VẦN THƠ MỘT THỜI GIỚI TUYẾN.

  Bà Nguyễn Thị Bích Hường, vốn là giảng viên đại học, con gái đầu của ông Nguyễn Xuân Liên, nguyên là chiến sĩ công an vũ trang từng nhiều năm công tác tại đồn công an giới tuyến Hiền Lương trước năm 1975 vừa mới kể cho chúng tôi nghe nhiều chi tiết thú vị liên quan đến người cha và chiếc cầu Hiền Lương.

Thật bất ngờ khi bà cho hay: “Tôi đã xem vở kịch của ba mình. Anh biết ở đâu không, ngay tại thị trấn Hồ Xá đấy. Hồi đó tôi còn bé lắm, chưa đi học lớp 1. Thấy ba mình diễn kịch trên sân khấu vui lắm, trẻ con mà. Nhưng vui nhất là ba tôi lại hóa trang thành một vai diễn nữ. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ấy cho đến bây giờ”.

Ấy là bà Hường đang nói đến một sự kiện rất đáng nhớ về một vở kịch thơ có cái tên nghe thật mềm mại Chiếc nón trôi sông, do cha mình sáng tác và biểu diễn, dù ông chỉ là người lính gác cầu chứ không phải nhà văn, nghệ sĩ chuyên nghiệp. Câu chuyện lại cầm tay chúng tôi ngược về quá khứ.

Ông Nguyễn Xuân Liên vốn là người Huế tập kết ra Bắc, lấy vợ người Chợ Cầu thuộc huyện Gio Linh, cùng sống với nhau tại Hồ Xá. Ông làm nhiệm vụ của một chiến sĩ công an vũ trang, hằng ngày thấy bao đồng đội, đồng bào người này thì chồng Bắc vợ Nam, người thì chồng Nam vợ Bắc. Nhiều khi cách mấy nhịp cầu, cách một đoạn sông mà bờ này bờ kia không thể gặp nhau, không được về bên nhau, thật vô cùng xót xa, uất nghẹn. Tình cảm lứa đôi, tình thân máu thịt ai nỡ chia lìa? Vậy là ông Liên nung nấu phải viết nên một vở kịch để nói hộ tâm sự bao người. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng cũng không hình dung mình sẽ viết như thế nào.

Rồi những vần thơ mộc mạc nhưng chan chứa ân tình cứ bật ra trong tâm tưởng:

Không ai có thể vá trời lấp biển

Thì đừng hòng dùng vĩ tuyến ngăn ta

Bắc - Nam chung một mái nhà

Nam - Bắc chung một ngọn cờ vàng sao.

Một hình ảnh cứ ám ảnh người lính gác cầu Hiền Lương bao ngày là chiếc nón của người phụ nữ miền Nam xoay giữa dòng sông như nhớ thương, nhắc nhở, như nguyện thề với người nơi phương Bắc, dù hai người cách nhau có một con sông.

Hình tượng này đã lớn dần khi ông thai nghén đứa con tinh thần. Ấp ủ bao ngày ông đã sáng tác nên vở kịch thơ Chiếc nón trôi sông. Vở kịch với những câu thơ:

Cách một dòng sông mà đó đây thương nhớ

Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa.

Chiếc cầu Hiền Lương vẫn là tâm điểm cảm xúc của người chiến sĩ công an vũ trang đa cảm và yêu văn nghệ. Ông Nguyễn Xuân Liên viết những điều mà chính bản thân mình cũng như nhiều người trải nghiệm và xúc cảm về không gian ngăn cách:

Chiều nay ta đến Hiền Lương

Nhớ nhà ta gọi băng sông ơi đò

Tre làng đã thấy mờ xa

Tiếng ta gọi đó mà đò không sang.

Vở kịch đã tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng toàn quốc và đoạt huy chương vàng. Tiếp đó vào năm 1957, tiết mục này được diễn phục vụ đại hội văn nghệ toàn quốc ở Hà Nội.

Trong dịp này, một vinh dự lớn lao là tác giả đã được gặp Bác Hồ và được nghe những lời ân cần của Người cố gắng công tác để góp phần làm cho nước nhà mau thống nhất và phát triển. Ông Nguyễn Xuân Liên mang lời dặn dò của Bác theo suốt cuộc đời mình cho đến khi giã biệt trần gian cách đây gần tám năm.

Trích bài hát: Bên ven bờ Hiền Lương

PTV: Chào cuối

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 30/11/2022 10:03 Lê Vĩnh Nhiên 30/11/2022 15:46

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà