Tạp chí VNCN 26.2
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật 26.2.2023

PTV: Kính chào Quý thính giả đang đến với chương trình Tạp chí VNCN tuần này. Trong  chương trình hôm nay, chúng tôi xin gửi đến Quý thính giả những nội dung chính sau đây:

- Hát xiêng- làn điệu dân ca độc đáo của đồng bào vùng cao Quảng Trị

- GIẤC MƠ TRONG NHỮNG TÁC PHẨM CỦA CÂY BÚT TRẺ NGÔ DIỆU HẰNG

-Ý nghĩa của tác phẩm “Mẹ và những người lính Trường Sơn”

- TẾT CƠM MỚI CỦA NGƯỜI PA CÔ

- Tiểu mục dọc đường VN có bài viết:

+ MỐI LƯƠNG DUYÊN GIỮA VĂN HỌC VỚI ĐIỆN ẢNH.

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1.Thưa Quý vị và các bạn!  Nhằm khởi động mùa du lịch nội địa 2023, Hội lữ hành Quảng Trị (thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh) sẽ tổ chức miễn phí tour du lịch đêm Quảng Trị cho 500 khách du lịch ngoại tỉnh đầu tiên đăng ký tham gia chương trình.

Tour được tổ chức vào ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng. Dự kiến, tour đầu tiên diễn ra vào 5.3,  bắt đầu tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị. Du khách sẽ dâng hương, dâng hoa các liệt sĩ ở thành cổ Quảng Trị, tìm hiểu về lịch sử của sự kiện 81 ngày đêm đỏ lửa vào năm 1972. Thuyền đưa du khách ra giữa dòng Thạch Hãn, thả bè hoa và hoa đăng tưởng niệm các liệt sĩ; tham gia các hoạt động tại tuyến phố đi bộ ở thị xã Quảng Trị.

3. Hệ thống các công trình giếng cổ Champ ở miền Trung nói chung và tại Quảng Trị nói riêng là sản phẩm văn hóa đặc sắc, độc đáo. Trải qua bao thăng trầm dâu bể và chiến tranh tao loạn, đến nay nhiều giếng cổ Champa nguyên vẹn, vẫn phát huy tốt chức năng cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

Hiện nay, người dân tại nhiều làng, xã có giếng cổ trên địa bàn Quảng Trị vẫn cùng nhau chung tay góp sức giữ gìn, bảo tồn và tôn tạo, phục hồi nhiều giếng cổ bị hư hỏng để giữ gìn cho mai sau. Để phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Hệ thống khai thác nước cổ vùng Quảng Trị”, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2020, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã có chuyến điều tra, khảo sát sơ bộ các giếng cổ trên địa bàn toàn tỉnh nhằm có phương án phục hồi và bảo vệ các giếng cổ tại một số địa phương.

3. Hát xiêng là lối hát giao duyên của nhiều chàng trai, cô gái Pa Cô, đó là những lời hẹn hò, thề ước với nhau rất lãng mạn mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao Quảng Trị.

Hát xiêng được cất lên trong những ngày hội lớn của đồng bào Pa Cô như: Tết cổ truyền, mừng lúa mới, cúng Giàng, đón thần mặt trời thường kèm theo âm điệu của các nhạc khí như: khèn, xar, thanh la, chiêng, trống.. Đây là lối hát thể hiện được nhiều cung bậc về tâm trạng của người hát: vui, buồn, giận dỗi, yêu thương; là lối hát ví von, có giai điệu rõ ràng để giãi bày tình cảm, nhắc về kỷ niệm, tâm sự lỗi lầm, hàm ý trách móc, mượn cảnh vật và sự việc để nói lên những vấn đề xảy ra trong cuộc sống gia đình, cộng đồng và xã hội. Ngày nay, các chàng trai, cô gái Pa Cô vẫn yêu mến làn điêu hát xiêng truyền thống của cha ông đã được trao truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Nhạc cắt

PTV: PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển và đổi mới của văn học tỉnh nhà, một đội ngũ người viết trẻ đông đảo, với sức viết dồi dào đã xuất hiện và đang dần thoát khỏi mọi trói buộc cũ để sáng tác ngày càng đa dạng và phong phú, với đúng mục đích hướng thiện, giữ vững định hướng của chủ nghĩa nhân văn, hướng tới cái đẹp và cái cao thượng.  Ngô Diệu Hằng- hiện là một trong những cây bút trẻ của tỉnh nhà; cô sáng tác với với nhiều thể loại khác nhau. Với những ai yêu mến văn chương sẽ nhận ra cây bút trẻ Diệu Hằng có một cách nhìn riêng biệt. Tâm hồn của cô luôn trong trẻo và tinh khiết thể hiện khát khao thánh thiện như trong những giấc mơ…

GIẤC MƠ TRONG NHỮNG TÁC PHẨM CỦA NGÔ DIỆU HẰNG

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của tỉnh nhà những năm trở lại đây, qua phác thảo diện mạo các cây bút trẻ như Hoàng Hải Lâm, Diệu Ái, Hoàng Công Danh, Ngô Diệu Hằng, Yên Mã Sơn… có thể thấy mỗi người đều có một phong cách sáng tác khác nhau nhưng đều tự tin khẳng định vị trí nghệ thuật của mình. Đối với cây bút trẻ Ngô Diệu Hằng, chị đến với văn chương từ sớm và bắt đầu sáng tác bắt nguồn từ những ước mơ. Chính những ước mơ thôi thúc Diệu Hằng cầm bút thể hiện, và dần dần vun đắp thành hình tượng trong thế giới nghệ thuật của mình. Với các tác phẩm đa phong cách, đa góc nhìn, gần gũi, mang hơi thở cuộc sống của một người trẻ tuổi… Ngô  Diệu Hằng luôn có một cách nhìn riêng biệt, tất cả đều bắt nguồn từ tâm hồn của một cô gái vô cùng trong sáng, tinh khiết và hồn hậu thể hiện khát khao chuyển tải cái đẹp trong từng tác phẩm văn chương của mình.

P/v: Cây bút trẻ Ngô Diệu Hằng chia sẽ:

Trích băng

Diệu Hằng sáng tác bắt nguồn từ những ước mơ. Chính những ước mơ thôi thúc tác giả cầm bút thể hiện, và dần dần vun đắp thành hình tượng trong thế giới nghệ thuật. Dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, Ngô Diệu Hằng cũng cố gắng xây dựng cho mình những không gian rất riêng. Nơi đó có sự giao hòa giữa thế giới thực và mộng. Những giấc mơ là bối cảnh khá quen thuộc trong sáng tác của cây bút trẻ này. Trong bối cảnh không có thực ấy, cô luôn khéo léo thể hiện quan điểm của mình về con người cùng những giá trị nhân văn. Nói như vậy không có nghĩa là văn của Diệu Hằng xa rời hiện thực. Một số sáng tác trong các truyện ngắn " Giấc mơ tường vi, Phút giao thừa lặng lẽ, Cánh bướm của tình mẫu tử…, tập truyện ngắn Cỏ" của cô mang đậm hơi thở đời sống, phản ánh những mặt trái của xã hội phát triển. Nhưng tác giả không dùng một cốt truyện bình thường để truyền tải thông điệp, cô thích phiêu lưu trong thế giới tưởng tượng của mình.

Dù ở  đề tài và thể loại nào đi nữa, Ngô Diệu Hằng vẫn luôn tìm cách thể hiện thế mạnh về ngôn từ của mình. Trong khi một số tác giả đầu tư xây dựng cốt truyện, lớp lang nhịp nhàng, cài cắm những nút thắt đầy bất ngờ để gây ấn tượng với độc giả thì Diệu Hằng thu hút bạn đọc bởi giọng văn mượt mà, nhiều màu sắc với cách sử dụng từ ngữ linh hoạt đầy biến hóa. Là một cây bút mạnh về miêu tả, trong văn của Ngô Diệu Hằng không thiếu những chi tiết đặc tả, gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc. Từng ngọn cỏ, lá cây hiện lên trong bức tranh ngôn từ của cô đều chân thực và có sức lay động lạ kỳ. Câu văn của cô thường có vần điệu,  tác động được tới xúc cảm của độc giả khiến con người ta buồn vui theo trang viết. Bởi vậy, dù sáng tác của Ngô Diệu Hằng ít có tình tiết bất ngờ, kịch tính nhưng vẫn lôi cuốn bạn đọc theo một cách riêng.

Trích bài hát: Về Quảng Trị nghe anh

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Nguyễn Văn Hùng là nhà điêu khắc trẻ, hiện đang sinh sống và lập nghiệp tại Hướng Hóa. Là một người trẻ tuổi đam mê với NT điêu khắc trên chất liệu bằng gỗ, Nguyễn Văn Hùng đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa và luôn dành được các giải thưởng tại các cuộc thi. Nổi bật lên trong các sáng tác của anh là chủ đề gắn với hình ảnh của người dân vùng cao Quảng Trị. Gần đây nhất tp “Mẹ và những người lính Trường Sơn” của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hùng đã đạt giải B triễn lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung và đạt giải A- giải thưởng VHNT Quảng Trị năm 2022. Chúng ta cùng đến với tác phẩm này qua những chia sẽ của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hùng cùng pv Ánh Tuyết.

1. Thưa nhà điêu khắc NVH,  tp " mẹ và những người lính Trường Sơn" của anh đã đạt giải đạt giải B triễn lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung và gần đây nhất cũng đã dành  giải A- giải thưởng VHNT Quảng Trị năm 2022. Xin anh chia sẽ một chút về tác phẩm này ạ?

2. Để mang đến thành công cho tp " mẹ và những người lính TS" thì ý tưởng của tp này đc anh lấy từ cảm hứng sáng tác nào ạ?

 3. Chất liệu và đường nét dfc anh khắc họa trong tp nayg ra sao để làm nổi bật câu chuyện mà anh muốn gửi gắm?

 4. Trong quá trình tạo ra tp này, điều gì với anh là khó nhất ạ?

5. Vâng! Với tp này, điều mà anh muốn gửi gắm là gì ạ? 

Trích bài hát: Tiếng đàn Ta lư- Huy Thục

PTV: Thưa Quý vị và các bạn!

TẾT CƠM MỚI CỦA NGƯỜI PA CÔ

Người Pa Cô là một trong số những tộc người có nguồn gốc bản địa, cư trú lâu đời trên dãyTrường Sơn. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, người Pa Cô sinh sống tập trung ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Trong những lễ thức nông nghiệp của người Pa Cô thì Tết cơm mới là một trong những truyền thống văn hóa đặc sắc- một cái tết của đồng bào khi kết thúc vụ mùa, là cái tết tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, chuẩn bị cho mùa vụ mới.

TẾT CƠM MỚI CỦA NGƯỜI PA CÔ

Như đa số các dân tộc ít người sinh sống ở Trường Sơn, người Pa Cô là cư dân làm nông nghiệp nương rẫy ở trình độ thấp, được hay mất mùa thường không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ, vì vậy họ phải dựa vào thần linh: trời, đất, sông, nước qua các nghi thức cúng tế để cầu mong cho bản thân đất đai và mùa màng tươi tốt. Cũng như vai trò của cây lúa, các lễ thức nông nghiệp được người Pa Cô coi trọng hàng đầu, từ các bước như xin đất, gieo một khoảnh lúa tượng trưng để báo cáo với Giàng, đến lúc lúa chín, trước khi tuốt lúa, thu hoạch... đều được tổ chức cúng Giàng một cách thận trọng, thành kính, với đầy đủ nghi thức thủ tục.

Tết cơm mới một năm được tổ chức một lần vào những ngày chẵn trăng tròn của tháng 11 hoặc 12 âm lịch. Với đồng bào Pa Cô đây là dịp để tạ ơn các thần linh đã phò trợ cho cộng đồng làng/bản trong vụ mùa đã qua đồng thời cầu mong nương rẫy xanh tươi, mùa màng bội thu, nhà cửa bình an, mọi người trong nhà khỏe mạnh, không ốm đau, năm mới phát đạt, no ấm, con cái học hành tiến bộ hơn hoặc cũng để giải tỏa những bất hòa giữa 2 làng, hai họ tộc với nhau.... Tết cơm mới cũng là tết đoàn tụ, người Pa Cô dù làm ăn, sinh sống ở đâu cũng cố gắng về quê, sum họp cùng gia đình, cùng bản làng.

Tết cơm mới gồm cả phần lễ và phần hội. Thường là người đàn ông chuẩn bị các con vật nuôi phục vụ các nghi lễ cúng, phụ nữ kiếm sản vật từ rừng như măng tre, nứa, các loại lá cây rừng như đọt mây, đoác… để chế biến các món ăn truyền thống. Trong lễ hội Tết cơm mới phải có các sản vật cúng Giàng như cơm lam, gà nướng ống, thịt lợn, chim, ếch, cá…

Theo quan niệm của người Pa Kô, thời gian để cúng lúa mới, cúng thần linh là vào buổi sáng, bởi vào lúc đó khí trời tốt nhất trong ngày. Lễ hội bắt đầu rộn rã khi những khách mời đến. Khách quý đi từng đoàn mang theo nào lợn, bò; gà, vịt, cá… đến góp vui cùng lễ hội. Trong buôn, gia đình nào cũng phải chuẩn bị ba mâm đồ để cúng tạ ơn các Giàng: Giàng xứ Núi (Thần núi), Giàng Tro (Thần Lúa), Giàng A ưm, Adủa, Atoong (Thần bắp, kê, đậu). Trong nghi lễ cúng tế thần linh, ngoài mâm cúng dành cho các Giàng, thì mỗi gia đình còn chuẩn bị các mâm cơm dành cho khách quý gọi là “Khơi” và họ hàng, dân các bản làng khác được mời dự lễ hội.

Sau phần nghi lễ cúng là phần hội tạo nên sự rộn ràng, hấp dẫn cho lễ hội. Trong phần hội diễn ra những hình thức vui chơi, hát múa với các làn điệu dân ca tự ứng tác như: Chachấp, ba-bói, câr-lơi... Các điệu múa, điệu nhảy lả lơi với tiếng đệm của các loại nhạc cụ cồng, chiêng… càng thu hút nhiều người trong bản và các bản lân cận cùng đến lễ hội chung vui.

Người dân Pa Cô quan niệm rằng, Tết cơm mới là dịp để họ được quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả và cùng nhau đoàn kết, nỗ lực phấn đấu cho một mùa màng bội thu trong năm mới… Cho nên, mặc dù cuộc sống đã nhiều thay đổi, nhưng lễ hội Tết cơm mới vẫn được người Pa Kô xác định là tài sản văn hóa vô giá nên luôn hết lòng bảo tồn và gìn giữ.

Trích bài hát: Trăng rằm Khe Sanh- ST: Võ Thế Hùng

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN.Kính thưa Quý vị! ! Những ai quan tâm đến mối liên hệ mật thiết và thú vị giữa văn học và điện ảnh hẳn sẽ hào hứng khi tiếp cận cuốn sách “Những thế giới song hành từ truyện ngắn đến điện ảnh" của TS Nguyễn Văn Hùng, giảng viên Đại học Khoa học Huế, NXB Đại học Huế.  Tiểu mục Dọc đường văn nghệ tuần này, chúng ta cùng tìm hiểu cuốn sách này qua bài viết sau đây của Xuân Nguyên.

MỐI LƯƠNG DUYÊN GIỮA VĂN HỌC VỚI ĐIỆN ẢNH.

           Nếu thơ phổ nhạc là một cuộc hôn phối nghệ thuật thường khá dịu êm thì chuyển thể từ truyện ngắn thành phim phần lớn diễn ra không mấy dễ dàng, nhiều khi sóng gió, kể cả để lại tiếng bấc tiếng chì, nhưng hai bên lại vẫn hay tìm đến nhau như một định mệnh tình duyên không thể khác, đôi lúc bất chấp cả chuyện bảy nổi ba chìm.

   Và nếu độc giả-khán giả đọc truyện, xem phim có thể khen chê theo cảm xúc thẩm mỹ của công chúng đại trà thì với nhà nghiên cứu, sự quan tâm thường là khó khăn, phức tạp hơn nhiều khi mổ xẻ những mối lương duyên nghệ thuật. Điều này càng đáng trân trọng hơn khi người viết nỗ lực kiếm tìm một một lối đi cho riêng mình. Đây là trường hợp ứng với cuốn sách nói trên của tác giả Nguyễn Văn Hùng.

   Khẳng định truyện ngắn và điện ảnh hai thế giới song hành, tác giả xác tín hai loại hình nghệ thuật này hoàn toàn độc lập, dù là chuyển thể thì không hề có chuyện điện ảnh "ăn theo" truyện ngắn, và song hành mà không phải song song không bao giờ gặp nhau mà chẳng thể song trùng, chồng khít lên nhau. Qúa trình chuyển hóa từ truyện ngắn sang điện ảnh là một quá trình phức hợp, dích dắc, thú vị và sáng tạo đối với những bộ phim truyện thành công. Người viết muốn thâm nhập, mô tả và lý giải hành trình này từ những phương diện và công cụ khác nhau.

   Chương 1: "Truyện ngắn chất liệu của điện ảnh" như là "Cô bé Lọ Lem của văn học", lý giải tiềm năng của một thể loại văn học có dung lượng không lớn nhưng đó chính là cái "bé hạt tiêu" cần khai thác để chuyển thể thành phim truyện...." Bởi dung lượng ngắn gọn, tinh giản của nó, truyện ngắn "gợi ra, để lại những khoảng trống, khoảng lề mà người đọc tùy ý lập đầy. Chính vì vậy các nhà biên kịch ưa thích nó hơn tiểu thuyết để đưa lên màn ảnh rộng." Và  "Không chỉ bởi những khoảng trống, độ mở cho tiếp nhận và sáng tạo, truyện ngắn còn chứa đựng tinh chất quý, một mỏ quặng có thể khai thác và gia công. Truyện ngắn ôm trùm những vấn đề của thời hiện tại trong một hình thức ngắn. Nó tạo nên sự hối hả, gấp rút, độ căng cần thiết cho một bộ phim". Nghệ thuật thứ bảy đã mang lại cho văn học (cụ thể ở đây là truyện ngắn) một gương mặt mới có tên là điện ảnh với cảm hứng mới, diện mạo mới trong nỗ lực sáng tạo của các nhà làm phim, trước hết là vai trò số một của đạo diễn.

 Bảy chương tiếp theo mô tả cách thức chuyển truyện ngắn thành phim như là những giải pháp kỹ thuật/nghệ thuật để đi hết một cách trọn vẹn nhất con đường đã chọn từ hệ thống ký hiệu này sang hệ thống ký hiệu khác. Ví như chương 2 "Tái cấu trúc đường dây cốt truyện" sau khi nhấn mạnh đặc trưng cơ bản: cốt truyện văn học và điện ảnh, tương đồng và khác biệt, diễn dịch những biến hóa trong quá trình làm phim, tác giả kết luận : "Mỗi tác phẩm là một giá trị độc lập, biểu đạt, biểu nghĩa thế giới và  con người bằng thứ ngôn ngữ riêng. Tài năng của tác giả điện ảnh, giá trị của bộ phim cải biên không phụ thuộc vào việc họ trung thành với tác phẩm văn học như thế nào mà ở việc họ lựa chọn sự kiện, cấu trúc lại ra sao, cách họ kể câu chuyện sao cho hấp dẫn người xem. Điều này sẽ giúp làm rõ ý nghĩa , tô đậm chủ đề, thậm chí mở rộng, bổ sung thêm ý nghĩa cho tác phẩm văn chương trên màn ảnh".

   Truyện ngắn chuyển thể thành phim truyện, là sự bắt tay giữa hai lĩnh vực nghệ thuật vừa tương đồng lại vừa khác biệt. Và chính điện ảnh đã bắc cầu cho tác phẩm văn học đến với công chúng rộng rãi. Đó chính là đóng góp đáng kể của nghệ thuật thứ bảy.

Trích bài hát: Xinh tươi Việt Nam

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 20/02/2023 22:24 Lê Vĩnh Nhiên 22/02/2023 15:24

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà