Trang thanh niên( phát thanh): an toàn giao thông trong trường học
Danh mục
Thanh niên
NỘI DUNG

TRANG THANH NIÊN

MC1: Xin kính chào các đồng chí và các bạn! Để giải quyết vấn đề an toàn giao thông quốc gia thì giáo dục an toàn giao thông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là công tác đang được ngành giáo dục coi trọng. Từ đó sẽ sớm hình thành cho các em có ý thức hơn khi tham gia giao thông, góp phần hình thành văn hóa giao thông.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục ATGT cho học sinh, trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị đã sớm triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong và ngoài giờ lên lớp cho các em học sinh. Bước vào năm học mới 2018-2019 với nhiều cải cách trong học tập và thi cử, bởi vậy bên cạnh những phương pháp đổi mới giáo dục tri thức thì việc tăng cường triển khai thực hiện giáo dục ATGT cho học sinh sẽ giúp các em hoàn thiện một cách toàn diện nhân cách sống của mình .

MC2: Đây sẽ là nội dung mà chúng tôi muốn chuyển đến các đồng chí và các bạn trong chương trình trang thanh niên tuần này, mời các đồng chí và các bạn cùng theo dõi.

Nhạc cắt

MC1: Thưa các đồng chí và các bạn! Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua ngành GD và ĐT tỉnh luôn quan tâm đến công tác giáo dục an toàn giao thông trong các nhà trường, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh.

MC2: Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đạt hiệu quả, ban giám hiệu các nhà trường đã đưa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông là nhiệm vụ hằng kỳ, tháng, tuần; trong đó lồng ghép giáo dục pháp luật về giao thông vào các tiết học của môn giáo dục công dân, nghiêm cấm học sinh sinh viên không có giấy phép lái xe điều khiển xe gắn máy khi tham gia giao thông,  khi tham gia giao thông, đồng thời phát huy hiệu quả của các mô hình phong trào “Tổ tự quản về trật tự ATGT”, “Em yêu đường sắt quê em”, “Cổng trường an toàn”…, góp phần làm giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) hằng năm.

MC1: Bên cạnh đó, các nhà trường tổ chức để phụ huynh, học sinh ký cam kết nghiêm túc chấp hành luật lệ ATGT. Giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm giáo dục pháp luật về giao thông cho học sinh vào các buổi sinh hoạt cuối tuần, coi đây là một trong những tiêu chí để xếp loại thi đua của giáo viên và xếp loại hạnh kiểm học sinh cuối kỳ và cuối năm. Các nhà trường đều xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ. Nhiều trường đã tổ chức được các hoạt động tuyên truyền giáo dục ngoại khoá như: Thi tìm hiểu pháp luật về giao thông, phát động học sinh tham gia cuộc thi “Giao thông thông minh trên internet” do Bộ GD và ĐT phối hợp với Uỷ ban ATGT quốc gia, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

MC2: Gần đây, với chủ đề giáo dục kỹ năng sống “Đi đường an toàn cho bạn cho tôi”, ngành GD và ĐT có 4 đơn vị tổ chức phát động; các đơn vị, trường học khác cũng đang triển khai cho học sinh dự thi cho đến hết năm học.  

MC1: Ngoài ra, các đơn vị, nhà trường còn thường xuyên phối hợp với ban đại diện cha mẹ, phụ huynh học sinh thường xuyên nhắc nhở con em tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Vì hiện nay, có nhiều học sinh ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao như cố tình đi dàn hàng ngang, không đội mủ bảo hiểm…điều này đã gây nguy hiểm đến tín mạng cũng như những người khi đang tham gia giao thông ở trên đường. Chị Nguyễn Thị Hà -, phường 1, thành phố Đông Hà nói:

Băng ( Tôi có hai cháu một cháu học lớp 8 và một cháu học lớp 5 khi tham gia giao thông tôi đều ý thức cho con đội mủ bảo hiểm cẩn thận, đồng thời dặn cháu khi tham gia giao thông phải nhắc nhở cháu đi đúng làn đường…)

MC2: Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) tổ chức các buổi tuyên truyền cho học sinh. Nhiều cơ sở Đoàn ở các trường đã lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh vào các buổi sinh hoạt đầu tuần, với những hình thức hấp dẫn như: Hái hoa dân chủ, tìm hiểu về ý nghĩa các biển báo giao thông, xử lý những tình huống giao thông... để cuốn hút học sinh tham gia.

MC1: Đối với học sinh nhỏ tuổi ở các trường mầm non, các em được làm quen với một số phương tiện giao thông, ngồi trên xe máy hay đi bộ an toàn, nhận biết tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo…; học sinh bậc tiểu học cũng được giáo dục đi bộ trên đường, đi bộ qua đường, đi xe đạp an toàn, ngồi trên xe máy nghiêm chỉnh chấp hành việc đội mũ bảo hiểm…Bà Lê Thị Hương – giám đốc  Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị nói:

Băng: Nói về những giải pháp để đẩy mạnh việc tuyên truyền luật an toàn giao thông trong trường học.

 MC2: Để tiếp tục tăng cường giáo dục an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên, Ban an toàn giao thông tỉnh và Sở giáo dục và đào tạo tiếp tục chương trình phối hợp tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học cho học sinh, sinh viên. Trong đó tập trung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo các nhà trường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự ATGT; đẩy mạnh cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông”, nhân rộng mô hình “Cổng trường ATGT”… Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT tích cực thực hiện kế hoạch công tác giáo dục ATGT trong trường học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông trong học sinh, sinh viên, giảm thiểu vi phạm ATGT, tai nạn giao thông./.

Nhạc cắt

MC1: Thưa các đồng chí và các bạn! Xác định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tuyên truyền trật tự ATGT và các tệ nạn xã hội trong đoàn viên thanh niên và học sinh; đồng thời tiếp tục hưởng ứng, tổ chức các hoạt động cao điểm của năm ATGT, thời gian vừa qua, Huyện đoàn Triệu Phong phối hợp với Công an huyện triển khai nhiều giải pháp phù hợp, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của đoàn viên thanh niên và học sinh. Qua đó, góp phần làm giảm các tiêu chí về giao thông trên địa bàn.

MC2: Thời gian qua, tại các trường học trên địa bàn huyện Triệu Phong, các em học sinh đã được cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện tuyên truyền phổ biến những kiến thức cơ bản về tệ nạn xã hội, Luật ATGT đường bộ và các quy định khi tham gia giao thông như không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi quy định, nguy cơ gây tai nạn giao thông và hậu quả do uống rượu bia khi lái xe. Đồng thời, nêu lên những giải pháp để hạn chế các lỗi vi phạm về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm và đi không đúng phần đường quy định. Em Nguyễn Thị Ánh Hồng-trường THPT Chu Văn an, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong chia sẻ:

Băng (Em thấy đây là một hoạt động rất thiết thực và bổ ích, riêng em có thêm kiến thức và kỹ năng trong việc tham gia giao thông và phòng chống các tệ nạn xã hội, góp phần cùng các đoàn viên thanh niên góp phần xây dựng trường học lành mạnh.

MC1: Trong hơn 3 năm qua, Huyện đoàn Triệu Phong đã phối hợp với Công an huyện tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền Luật ATGT tại các trường học trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với Đoàn cơ sở các xã, thị trấn ra quân phát quang bụi rậm, cây cối che khuất tầm nhìn, giải tỏa hành lang ATGT tại các trục đường chính, các tuyến đường liên thôn. Đặc biệt, hàng năm thông qua hội thi “Đoàn viên thanh niên với ATGT” tổ chức tại các trường THPT, THCS, các xã, thị trấn đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong nhận thức và hành động về thực hiện Luật ATGT đối với đông đảo đoàn viên thanh niên và các em học sinh.

MC2: Công tác tuyên truyền giáo dục Luật ATGT và những quy định khi tham gia giao thông trong những năm qua đã được các cấp, các ngành ở huyện Triệu Phong triển khai sâu rộng, phù hợp với từng đối tượng. Có thể thấy, việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật ATGT đối với đoàn viên, thanh niên và học sinh đang góp phần rất lớn trong việc xây dựng văn hóa giao thông tại cộng đồng./. 

Nhạc cắt

MC1: Thưa các đồng chí và các bạn! Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thì đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chính là một giải pháp hiệu quả góp phần kiềm chế tai nạn và những vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhất là ở trong trường học.

MC2: Theo Phòng Cảnh sát giao thông -Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông luôn chủ động nắm chắc tình hình trật tự an toàn giao thông, tham mưu kịp thời cho Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh đề ra các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở trong trường học.

MC1:  Xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, thu hút hàng nghìn lượt giáo viên và học sinh tham gia…

MC2: Đặc biệt, khi đang ở thời điểm của năm học mới thì việc đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông là cần thiết. Qua đó, giúp các em học sinh nắm bắt được luật giao thông và thực hiện tốt. Thiếu tá Lê Mạnh Hùng- Đội trưởng đội CSGT công an thành phố Đông Hà nói:

 

Băng: Sự phối hợp với nhiều hình thức để tổ chức tuyên truyền luật giao thông.

 

MC1: Chính vì thế, thời gian qua, Ban an toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền tại các thôn, bản, lồng ghép phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự giao thông đường bộ - đường thủy trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt và thông qua các cuộc vận động “Toàn dân tham gia đảm bảo TTATGT”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Tỉnh đoàn tổ chức ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”, thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu kiến thức phát luật về trật tự an toàn giao thông trong thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh… 

MC2: Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, mặc dù có nhiều cố gắng song công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa thật đổi mới, thời lượng tuyên truyền còn hạn chế, hình thức và nội dung tuyên truyền chưa phong phú….

MC1: Trong đó, đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ chủ yếu tập trung ở lứa tuổi thanh niên (từ 18 tuổi – 30 tuổi) song thực tế đây lại là nhóm đối tượng ít tiếp nhận được thông điệp tuyên truyền. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông thường lồng ghép trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt tại các thôn, xóm.

MC2: Mặc dù được triển khai qua nhiều kênh thông tin, song công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Điều này thể hiện rõ qua tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn ở mức cao, tai nạn giao thông trên địa bàn vẫn chưa thể kiềm chế. Chính vì vậy, ngoài nhà trường thì đoàn thanh niên ở từng khu phố, từng thôn, xã cũng phải cần đẩy mạnh đến tuyên truyền về luật giao thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của học sinh ở trong độ tuổi đoàn viên thanh niên về an toàn giao thông. Đồng chí Dư Quang Tài-bí thư đoàn phường 5, thành phố Đông Hà nói:

 

Băng: Nói về công tác tuyên truyền an toàn giao thông cho đoàn viên thanh niên

MC1: Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả việc phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân nhằm kéo giảm tai nạn và giảm vi phạm trật tự an toàn giao thông là điều cần thiết.

MC2: Đây cũng chính là yêu cầu mà UBND tỉnh đặt ra trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về an toàn giao thông giai đoạn 2017 – 2020. Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2020, có 97% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn giao thông, 95% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe, 100% lãnh đạo các cấp chính quyền được tuyên truyền về an toàn giao thông, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.

MC1: Để đạt mục tiêu nói trên, mỗi ngành và địa phương cần có nội dung và phương pháp tuyên truyền khác nhau, phù hợp với thực tế địa bàn, không nên rập khuôn máy móc. Đổi mới hình thức tuyên truyền, xác định rõ về nội dung cho phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, chồng chéo.

MC2:  Các hình thức, loại hình tuyên truyền cần cụ thể, sâu sắc về nội dung, sinh động hấp dẫn trong cách thể hiện và mang giá trị nghệ thuật nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự giao thông cho mọi đối tượng. Có như vậy, mới đạt hiệu quả trong việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông, là biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững nhất./.

 

Chào cuối: 15 phút của chương trình trang thanh niên tuần này xin được kết thúc tại đây, những người thực hiện chương trình Ngọc Diệp….cám ơn các đồng chí và các bạn đã quan tâm theo dõi.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 06/09/2018 10:29
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà