Thanh niên( phát thanh): giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn
Danh mục
Thanh niên
NỘI DUNG

TRANG THANH NIÊN

MC1: Xin kính chào quý vị và các bạn! Giải quyết việc làm cho thanh niên ở vùng nông thôn là một trong những vấn đề quan tâm của toàn xã hội.

MC2: Trong thời gian qua, các vùng nông thôn ở Quảng Trị cũng đã có những kế hoạch cũng như hoạt động để giúp cho thanh niên có việc làm ngay tại địa phươn, cũng như tạo điều kiện để đi xuất khẩu lao động.

MC1: Vậy các địa phương ở nông thôn đã triển khai giải quyết việc làm cho thanh niên như thế nào? Nội dung này chúng tôi sẽ được đề cập trong chương trình tuần này. Mời các đồng chí và các bạn cùng lắng nghe.

Nhạc cắt

MC1: Thanh niên là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thời gian qua, công tác hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên luôn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị quan tâm thực hiện. Qua đó, tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm ổn định, phù hợp với nghề nghiệp cũng như khả năng của mình. Bài viết “ quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho thanh niên” của PV Ngọc Diệp sẽ phản ánh cụ thể hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

MC2: Theo thống kê, thanh niên ở Quảng Trị độ tuổi lao động chiếm gần 50%. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn đã tích cực tham mưu cho tỉnh các nội dung liên quan đến chế độ chính sách, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề.

MC1: Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH và các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh phối hợp tổ chức chương trình “Tư vấn mùa thi và định hướng nghề nghiệp” tại các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX.

MC2: Đồng thời, hoạt động dạy nghề phổ thông ở các trường THPT, THCS thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Song song, công tác đào tạo nghề cho thanh niên cũng được các địa phương chú trọng thực hiện. Nhờ vậy, đối với thanh niên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất phấn khởi khi được tham gia vào học nghề. Anh Hồ Văn Hai- xã Húc, huyện Hướng Hóa nói:

Băng: Nói về bản thân được tham gia học nghề.

MC1:  Quảng Trị cũng chú trọng xây dựng, hoàn thiện các cơ sở đào tạo nghề nhằm tạo môi trường dạy nghề chuyên nghiệp, chất lượng. Nhiều cơ sở kinh doanh là thanh niên khởi nghiệp cũng được tạo điều kiện vay vốn phát triển mô hình kinh tế tại địa phương, như mở trang trại, gia trại, sửa chữa ô tô, xe máy...

 MC2: Đối với việc hỗ trợ thanh niên nông thôn đi làm ăn xa, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu tập trung cho việc hỗ trợ thanh niên đi xuất khẩu lao động.

MC1: Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, tư vấn được phía tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị chức năng như Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động  có uy tín tổ chức thường xuyên. Việc tạo mọi điều kiện về thủ tục vay vốn xuất cảnh, đồng thời tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh dành cho người đi xuất khẩu lao động cũng đã đến với từng thanh niên để họ nắm bắt được thông tin.

MC2: Hiện thanh niên của trong tỉnh đã đi  lao động  xuất khẩu, tập trung ở các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc... Mỗi năm, từ nguồn thu nhập có được của người đi XKLĐ gửi về, các gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

MC1: Theo đó, người lao động được hỗ trợ vay vốn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng và đào tạo nghề. Đồng thời tuyên truyền pháp luật cho thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, nhằm giúp họ có ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành vi phù hợp với môi trường làm việc của từng quốc gia khi đến lao động.

MC2: Để đạt mục tiêu trên, các cấp, ngành chức năng cũng đang từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên bằng các giải pháp cụ thể. Đồng thời tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách, gắn với công tác đào tạo nghề, giúp thanh niên nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật, thị trường để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Nhạc cắt

MC1: Thưa các đồng chí và các bạn! Xuất khẩu lao động được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập đặc biệt cho thanh niên vùng biển. Mời quý vị và các bạn cùng đến với bài viết “ huyện đoàn Vĩnh Linh tạo việc làm cho thanh niên” của PV chuyên mục.

MC2: Tại huyện Vĩnh Linh, với sự vào cuộc tích cực của Ban Thường vụ Huyện đoàn cùng các đơn vị liên quan, trong những năm qua công tác xuất khẩu lao động cho thanh niên  đã có nhiều khởi sắc, trở thành một điểm sáng về xuất khẩu lao động trong thanh niên toàn tỉnh.

MC1: Hiện nay trên địa bàn huyện, xuất khẩu lao động đã và đang là xu hướng “hot” được nhiều thanh niên lựa chọn để làm nền tảng khởi nghiệp của bản thân với mong muốn được tiếp cận thị trường lao động giàu tiềm năng để học tập, rèn luyện kỹ năng, tay nghề và nâng cao trình độ, đồng thời tích lũy vốn liếng, chuẩn bị bước đệm để phát triển tương lai.

MC2: Đây cũng là giải pháp thiết thực để giải quyết thực trạng thất nghiệp đang ngày một phổ biến nhất là các địa phương ven biển. Đặc biệt, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua, số thanh niên vùng biển đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại huyện Vĩnh Linh có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 700 lao động làm việc ở nước ngoài. Riêng các xã vùng biển, mỗi địa phương có vài chục người xuất ngoại làm việc.

MC1: Từ những hiệu quả thiết thực của công tác xuất khẩu lao động, trong năm qua Huyện đoàn Vĩnh Linh đã tích cực tham gia triển khai Đề án giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động Vĩnh Linh giai đoạn 2016-2020 với nhiều nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn.

MC2: Bên cạnh đó, Huyện đoàn cũng đã chủ động phối hợp, làm việc với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và học nghề.

MC1: Trong 2 năm qua, toàn huyện đã tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của gần 1.100 đoàn viên thanh niên, 595 đoàn viên thanh niên tìm kiếm được việc làm và học nghề, 196 đoàn viên thanh niên phỏng vấn trực tiếp tại phiên giao dịch, 128 đoàn viên thanh niên được hẹn phỏng vấn lần 2 và 204 đoàn viên thanh niên đăng ký gián tiếp chờ kết nối việc làm sau phiên giao dịch.

MC2: Nguồn vốn làm chi phí, thủ tục xuất cảnh là một trong những khó khăn lớn đối với đa phần thanh niên vùng biển có nhu cầu xuất cảnh, vì vậy, trong những năm qua Huyện đoàn Vĩnh Linh đã trực tiếp làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cho thanh niên, qua đó không chỉ giúp cho hàng trăm đoàn viên thanh niên phát triển các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế mà còn góp phần tích cực đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu lao động tại địa phương. Đến nay toàn huyện đã thành lập và quản lý 22 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ hơn 20 tỷ đồng. Đồng chí Võ Thị Hoài Thu-Bí thư huyện đoàn Vĩnh Linh nói:

Băng: Nói về những hiệu quả từ các mô hình của thanh niên được vay vốn

MC1: Bắt tay vào khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, Anh  Nguyễn Văn Lâm ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh được sự hỗ trợ vay vốn từ huyện đoàn Vĩnh Linh 30 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Lâm  đã đầu tư nuôi chim bồ câu. Sau một quá trình nuôi, anh đã nhân giống với hơn 300 con bồ câu lấy thịt. Chính từ mô hình nuôi bồ câu này đã giúp cho anh có thêm việc làm, phát triển cuộc sống gia đình. Anh Nguyễn Văn Lâm nói:

Băng: Trước đây gia đình khó khăn, nhờ sự hỗ trợ của đoàn đã giúp cho bản thân có được mô hình nuôi bồ câu và bây giờ thực sự đã mang lại hiệu quả cho nguồn thu nhập cho gia đinh.

MC2: Hầu hết những thanh niên ở vùng quê đều rất muốn tìm được công việc ngay tại quê hương. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng vốn không có vì thế muốn tạo ra một công việc để làm cũng rất khó khăn đối với họ.

MC2: Song, nếu được hỗ trợ về vốn bản thân mỗi thanh niên cũng tự tìm cách để tìm việc để làm. Bên cạnh đó nguốn vốn còn giúp cho những thanh niên để họ có điều kiện đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài làm việc.

MC1: Từ những thanh niên nông thôn, thanh niên vùng biển vốn chỉ biết sản xuất nông nghiệp nhưng sau một thời gian làm việc ở những dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại ở Hàn Quốc, Nhật Bản... những lao động trẻ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã học được tác phong làm việc hiện đại, kỷ luật, từ đó nâng cao tay nghề và hoàn thiện bản thân.

MC2: Với việc đem lại mức thu nhập cao, xuất khẩu lao động đang là hướng đi thiết thực góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để thanh niên các xã vùng biển huyện Vĩnh Linh vươn lên làm giàu chính đáng.

MC1: Xác định giải quyết việc làm là tiền đề quan trọng để KT - XH của xã phát triển. Vì vậy, huyện đoàn đã tăng cường tuyên truyền để thanh niên nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, nhất là các tầng lớp thanh niên chưa có việc làm ổn định.

MC2: Thời gian tới, huyện đoàn Vĩnh Linh  tiếp tục chú trọng việc tuyên truyền cho người người dân hiểu rõ ý nghĩa, hiệu quả của học nghề và xuất khẩu lao động tại thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo.

Nhạc cắt

MC1: Qúy vị và các bạn đang lắng nghe chương trình trang thanh niên, chương trình được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Thưa quý vị và các bạn! Thời gian gần đây, nhiều thanh niên ở vùng biển của  tỉnh Quảng Trị đi xuất khẩu lao động với mong muốn thu nhập cao, có cuộc sống sung túc hơn. Vì có kinh nghiệm khai thác nuôi trồng thủy sản, các lao động xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản được bố trí công việc trong ngành ngư nghiệp. Việc thanh niên xuất ngoại vừa có thu nhập cao mà nhiều người còn chọn được việc phù hợp với khả năng và kinh nghiệm làm nghề biển vốn có của mình. Bây giờ, mời quý vị và các bạn cùng đến với bài viết “ thanh niên vùng biển xuất khẩu lao động” của Nguyên Hương

MC1: Lao động biển dù ở Việt Nam hay ở các nước khác đều vất vả, tuy nhiên mức thu nhập cao đã thu hút nhiều thanh niên vùng biển sang xứ người làm ngư nghiệp. Anh Nguyễn Mạnh Hùng,  ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng quyết định xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm ngư nghiệp vì cuộc sống ở quê đang gặp nhiều khó khăn. Tháng 6/2017, anh Hùng làm ngư dân ở tỉnh GyeongsangNam, Hàn Quốc. Chị Hoàng Thị Thúy, vợ anh Hùng cho biết, chồng đi xuất khẩu lao động khiến chị ở nhà vất vả hơn. Bù lại sau vài năm sẽ tích góp được một khoản tiền để xây dựng nhà cửa, chăm lo cuộc sống tốt hơn. Chị Thúy chia sẻ:

Băng: Hy vọng trước tiên sang bên kia làm thì sức khỏe ổn định, công việc phù hợp. Sau đó sẽ xây dựng một vốn liếng ở nhà cho chồng tôi về có nghề để làm. Mong muốn răng Bộ Lao động Thương binh Xã hội bên mình kết hợp với bên kia theo dõi sát sao, đừng để xảy ra bạo lực, thất nghiệp, phải bảo vệ quyền lợi của người xuất khẩu lao động.

MC2: Sự cố môi trường biển khiến cuộc sống của vợ chồng anh Trần Văn Tải và chị Nguyễn Thị Bảy,  ở thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng gặp nhiều gặp khó khăn. Gia đình anh Tải vốn làm nghề đánh bắt hải sản nhưng thu nhập bấp bênh. Khi thì anh đánh bắt gần bờ, khi thì đi bạn cùng chủ tàu lớn đánh bắt xa bờ. Sau khi bàn bạc, anh Tải đã đăng ký tham gia xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với mong muốn đổi đời. Tháng 3/2017 anh Tải đã được một cơ sở nuôi trồng thủy hải sản tại Hàn Quốc tiếp nhận hợp đồng làm việc. Chị Bảy vợ anh Tải cho biết công việc của chồng không quá vất vả và được trả lương tháng bình quân được 25- 30 triệu. Chị Nguyễn Thị Bảy tâm sự:

Băng: Sau sự cố môi trường biển, công việc đánh bắt ở đây gặp khó khăn hơn. Vợ chồng tôi quyết định để chồng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Sang bên đó sau vài tháng thì công việc ổn định hơn, chuyển tự đánh bắt sang nuôi trồng, thu nhập cao hơn rất nhiều so với ở nhà. Tiết kiệm và tích góp ở bên đó gửi về thì tôi có thể trả nợ và trang trải cuộc sống.

MC1: Ông Trần Văn Trung, cán bộ phụ trách Thương binh- Xã hội xã Hải Khê cho biết, phong trào xuất khẩu lao động những năm gần đây tại địa phương đã trở nên sôi động. Đa số các lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản và chủ yếu làm nghề ngư. Thu nhập khi xuất khẩu lao động làm nghề biển bình quân từ 27-35 triệu đồng/người/tháng. Ông Trung nói:

Băng: Các ban ngành đoàn thể đến vận động, tuyên truyền các chủ trương chính sách, đi xuất khẩu lao động sẽ xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Thông qua xuất khẩu lao động có nhiều nhà cũng xây nhà, mua sắm trang thiết bị và nuôi con cái ăn học.

MC2: Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có gần 600 lao động vùng biển đi xuất khẩu lao động. Bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, công tác xuất khẩu lao động mang lại hiệu rất quả lớn, mang một nguồn ngoại tệ về giúp gia đình, quê hương. Bà Yến cho biết thêm:

Băng: Việc xuất khẩu lao động sẽ giúp làm giàu rất chính đáng vì mức lương ở bên kia rất hấp dẫn. Công tác xuất khẩu lao động mang lại hiệu quả rất lớn, người lao động sẽ mang một nguồn ngoại tệ về để giúp gia đình, quê hương. Họ mang kiến thức tiếp thu được ở các nước có nên kinh tế phát triển để về xây dựng quê hương.

MC1: Việc xuất khẩu lao động sẽ giúp làm giàu nhanh chóng và chính đáng, mức lương ở các nước bên kia rất hấp dẫn. Đối với lao động vùng biển sang các nước khác làm ngư nghiệp thì rất phù hợp. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động cũng nãy sinh ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống tại địa phương như thiếu lao động đi biển, thiếu nhân lực tại chổ.

                                                Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị và các bạn! Với những cách làm tương đối khác nhau, các địa phương cần xây dựng chương trình việc làm trên cơ sở gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

 MC2: Từ những chính sách ưu đãi trên thanh niên mới có điều kiện để tham gia phát triển kinh tế, làm giàu một cách chính đáng ngay trên chính quê hương của mình.

Chào cuối: Trang thanh niên tuần này xin được kết thúc tại đây, những người thực hiện chương trình Ngọc Diệp xin kính chào và hẹn gặp lại các đồng chí và các bạn trong chương trình tuần sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 24/10/2018 07:57 Lê Vĩnh Nhiên 24/10/2018 14:41
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà