Khám phá thế giới - Nước Nga hoang dã - Bắc cực - Phần 1
Danh mục
Khám phá thế giới
NỘI DUNG

KHÁM PHÁ THẾ GIỚI: NƯỚC NGA HOANG DÃ – BẮC CỰC – PHẦN 1

Các vùng hoang dã của nước Nga…bao la…đa dạng và ít được biết đến…. giờ đây đã được tiết lộ. Phía bắc nước Nga là Bắc cực. Một vùng đất đặc biệt khắc nghiệt, và cần nhiều năng lực để có thể sinh tồn. Và khu vực này cũng khó khăn đến đáng sợ. Ở đây, thiên nhiên luôn thay đổi, các loài động vật phải chống lại mọi yếu tố. Một cuộc sống ở Bắc cực không hề dễ dàng một chút nào.

 

NƯỚC NGA HOANG DÃ – BẮC CỰC – PHẦN 1

 

Nga – đất nước rộng nhất thế giới…. với những vùng đất nguyên sơ đa dạng, từ những cánh rừng rộng lớn đến các sa mạc trợ trọi, hay những dãy núi cao và các vùng biển lấn sâu vào đất liền. Ở phương Bắc là một nước Nga đặc biệt và biệt lập. Đất liền và biển cả như hòa làm một khi mọi thứ đóng băng. Đó chính là Bắc cực. Vào mùa đông lạnh giá, không còn giới hạn giữa nước và đất liền. Biển Bắc Cực bị băng bao phủ một vùng lớn gấp đôi Australia. Các loài động vật phải thích nghi với đời sống trên và dưới lớp băng không ổn đinh. Vào đầu tháng ba, xa về phía tây, các biển băng bắt đầu nứt. Hàng ngàn con hải cẩu Greenland thường sống đơn độc, nay tập trung lại bắt đầu mùa sinh sản. Có đến 40 con cái cùng chia nhau một lỗ băng để ngoi lên thở, và bên cạnh là những con hải cẩu con. Chùng phân biệt con mình bằng mùi và nếu có kẻ lạ thì chúng sẽ biết ngay. Lúc mới sinh hải cẩu con chỉ nặng khoảng 10kg, nhưng chỉ sau hai tuần, chúng sẽ gần bằng trọng lượng đứa bé 10 tuổi. Dù dây rốn vẫn còn trên bụng, hải cẩu con vẫn háo hức khám phá ngôi nhà băng tuyết của mình. Con mẹ ngửi để xác định là con mình. Hải cẩu luôn có cuộc sống khó khăn ngay từ đầu. Nó chỉ được bú mẹ trong 12 ngày. Chúng phải tăng được 2kg mỗi ngày nhờ vào nguồn sữa mẹ chứa đến 45% chất béo. Do vậy, không được bú mẹ sau đó là cả một khó khăn. Một khi bị mẹ bỏ rơi, hải cẩu con phải sống độc lập, phải phát triển một lớp lông không thấm nước trước khi bắt đầu cuộc sống ở biển. Giờ đây nó vẫn là một đứa trẻ, vẫn còn rất lâu nữa mới tự lo cho bản thân. Trong những ngày đầu, dù vẫn còn ở trong nước, hải cẩu mẹ cũng không đi xa khỏi con mình. Nếu không cẩn thận nó có thể sẽ mất con do trôi theo những tảng băng. Xung quanh luôn có những người mẹ đang đi tìm những đứa con của mình. Nó cần phải nỗ lực hơn nữa. Hải cẩu bố cũng ở bên. Cai sữa xong cũng là mùa giao phối, bắt đầu một chu kỳ mới của loài hải cẩu. Nhưng vẫn còn sớm để con hải cẩu mẹ đồng ý….và giờ nó sẽ không thay đổi suy nghĩ.

 

Giữa tháng ba, dù không muốn nhưng hải cẩu con phải tự lập. Với trọng lượng khoảng 35kg, chúng phải sống một mình, thay lớp lông bằng một bộ đồ lấp lánh. Khi những con hải cẩu con xuống biển, kẻ thù của chúng cũng bắt đầu dạo trên băng.  Gấu Bắc Cực thường sống theo bầy và thích săn hải cẩu. Phía đông bắc vùng biển Chukchi của nước Nga là một đảo nhỏ Wrangel. Đây là điểm đến của hầu hết các quần thể gấu Bắc Cực. Có khoảng 25,000 con gấu đến đây. Chúng đến đây để mong có một cuộc sống biệt lập tại một hòn đảo có băng vây quanh. Hàng năm 500 con gấu có thai đến đây đào hang để chuẩn bị sinh con. Đây là nơi tập trung gấu bắc cực lớn nhất trên thế giới. Gấu Bắc Cực không thực sự trắng. Chúng ta thấy như vậy là do nó phản ánh ánh sáng trên bề mặt. Bên dưới là lớp da màu đen hấp thu nguồn nhiệt từ tia nắng mặt trời.

 

Có diện tích 7.000km², đảo Wrangel bằng với đảo Crete…. Có ngọn núi cao bằng tòa nhà cao 350 tầng. Hòn đảo này có sự đa dạng sinh học lớn. Với hơn 100 loài chim di cư đến làm tổ. Vào tháng năm hàng năm, 150,000 cặp ngỗng tuyết đến đây từ lục địa Bắc Mỹ. Đây là nơi ngỗng tuyết tập trung giao phối. Một con cáo Bắc Cực lặng lẽ tiến đến. Nó đến bờ biển này để kiếm thức ăn. Nhưng ngỗng tuyết rất mạnh và biết cách bảo vệ mình. Con cáo không tìm thấy thứ gì nên đi kiếm ăn ở nơi khác. Vào tháng năm, mặt trời chiếu mạnh, nhưng các thung lũng và núi vẫn còn bao phủ bởi băng tuyết. Những con chim tìm kiếm các bãi đất trống để tập trung. Quá trình di cư đã khiến những con chim nhỏ kiệt sức, chúng cần phải ăn. Số lượng chim ngày càng tăng, một số khu vực thành đấu trường cho những chú chim trống cố giành con mái. Chúng phô diễn vẻ đẹp của mình, và con đực nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Bất chấp các nỗ lực, chim mái vẫn tỏ vẻ thờ ơ.

 

Dù xuân đã đến vùng Bắc Cực Nga, nhưng mùa đông vẫn không chịu buông tha vùng đất này. Thời tiết ở vùng cực thường thay đổi nhanh chóng. Nhiệt độ giảm xuống -10°C và tuyết bắt đầu rơi. Mùa đông nhanh chóng trở lại và mạnh mẽ hơn. Cuối cùng mặt trời cũng xuất hiện. Băng trên các sườn dốc bắt đầu tan. Bên dưới vẫn còn một lớp băng. Do không thể tan hết, nên nước chảy thành dòng xuống các vùng thấp hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, những con sông hình thành. Cuối cùng mặt đất ở nơi bầy ngỗng tuyết cũng lộ ra. Nhưng chúng vẫn chưa hết gặp nguy hiểm. Đó chính là sự xuất hiện của con cáo. Nó cần ăn 3kg thức ăn mỗi ngày. Và một cặp ngỗng là quá đủ. Do vậy, ngỗng rất cẩn thận trước mối đe dọa này. Bỏ qua những bất đồng thường ngày, bầy ngỗng chung sức chống lại kẻ thù. Kẻ đi săn lại bị săn. Một bầy chim giận dữ như thế con cáo không dám mạo hiểm. Bầy ngỗng vẫn còn cảnh giác cao. Không con thú săn mồi nào có thể đe dọa chúng. Nhưng những con cáo thường tấn công ổ trứng. Ngỗng trống thường canh giữ trứng. Nhưng con cáo với lớp áo mùa đông, băng qua dễ dàng. Với cái lạnh dữ dội, một số ngỗng tuyết lơ là khiến tổ của nó thành mục tiêu dễ dàng cho cáo. Khi thức ăn dư thừa chúng sẽ để dành một ít lúc khó khăn. Nó có thể đào hằng chục nơi cất giữ thức ăn này, một nơi một quả trứng, hoặc có nơi nhiều quả. KHi đất lạnh đóng băng, trứng có thể giữ để ăn được trong vài tháng. Nhưng sau khi cướp trứng, con cáo đi đâu cũng bị cảnh giác. Nó thách thức với các con ngỗng trống. Chỉ một giây lơ là nó sẽ ra tay hành động. Chiến thắng!

 

Vào cuối tháng sáu, mùa hè đã đến vùng Bắc Cực Nga và biến đổi nó. Hơn 400 loài thực vật phát triển tươi tốt ở đảo Vranghel, gấp đôi so với số lượng trên đồng bằng lạnh lẽo. Mùa hè là mùa sinh sản bùng nổ, khi động và thực vật đua nhau tận hưởng ánh sáng của một ngày không bao giờ tắt. Vài động vật săn mồi của đảo Vranghel phụ thuộc vào loài chuột Lemming, nặng chỉ 80g, và là động vật có vú nhỏ nhất của Bắc Cực. Chúng có tuổi đời khoảng 4 năm. Sau một đợt bùng phát mạnh, số lượng của chúng đã giảm dần, có lẽ do sự hạn hẹp thức ăn và môi trường sống. Các loài đi săn cũng bị ảnh hưởng. Đây là một năm không mấy tốt đẹp với loài chuột này, nhưng khó khăn lớn nhất là sự thay đổi khí hậu. Mưa với những đợt tuyết rơi nặng, làm chôn vùi mùa hè. Nhiều loài chim không rời bỏ tổ, và kiên cường bám trụ. Khi tuyết rơi dày cũng là lúc bắt đầu sự thử thách với những con chim mẹ. Thậm chí cả loài Bò xạ hương rất giỏi chịu đựng. Chúng thích nghi tốt với cái giá lạnh, nhưng tuyết ẩm làm bộ lông của chúng thêm nặng nề. Nhóm nhỏ này với một con đực già làm đầu đàn vẫn bám trụ ở đây. Từ phía thung lũng, một con đực khác tiến đến thách thức. Đây là một dấu hiệu không mấy khả quan. Chấp nhận thách thức, con đực già sẵn sàng ở tư thế chiến đấu. Mở đầu bằng những đợt hăm dọa. Nhưng có vẻ không đe dọa được kẻ mới đến. Nó tiến đến một con cái, dù mùa giao phối đến mãi cuối tháng tám. Con đực già không chịu đựng được nữa! Nó phải bắt đầu cuộc chiến. Trong vòng vài tháng, những trận chiến như thế luôn diễn ra.

 

Băng tuyết không thể tồn tại lâu trong cái nóng của tháng 7. Khi tuyết tan chảy, vùng đồng bằng Wrangel để lộ những dấu tích của quá khứ. Đôi ngà của voi Mammoth. Khi Wrangel tách khỏi lục địa và trở thành một thiên đường độc lập. Voi Mammoths đã đến hòn đảo này 6,000 năm trước và sau đó bị tuyệt chủng ở một nơi nào đó trên trái đất. Ngày nay lang thang trên vùng đất này là một loài động vật khác. Loài tuần lộc. Có hơn 1/5 số tuần lộc trên toàn thế giới, đang sống ở vùng đất này ở Bắc Cực Nga. Đây là loài tuần lộc duy nhất mà cả hai con đực và cái đều có gạc. Đi tìm thức ăn dẫn chúng đến lãnh địa của bầy chim. Đó là những đàn ngỗng tuyết. Trứng của chúng bắt đầu nở. Quả đầu tiên đã nở vài giờ, nhưng vẫn còn 4 quả trứng chưa nở. Khi con cáo xuất hiện, bầy ngỗng quyết tâm giữ tổ. Nhưng hôm nay, con cáo bận đi săn con mồi khác. Nó đang lùng sục bụi cây tìm con mồi, chuột Lemming Siberia. Đôi mắt và cặp chân nhanh nhẹn đã giúp nó. Năm nay chuột Lemming không nhiều. Tình hình đã khá yên ổn, nhưng tốt hơn là thư giản đã...

 

Ngay cả thú săn mồi khác cũng không muốn động đến chồn chân ngắn hung dữ. Rất may là nó chỉ tập trung tìm kiếm những quả trứng mà cáo giấu chứ không để ý đến bầy ngỗng. Cơ hội tốt để chợp mắt một lúc. Khi tất cả trứng đều nở, cả gia đình ngỗng sẽ hướng đến đồng bằng nơi có nước, thức ăn và được an toàn. Có những gia đình ngỗng tuyết di chuyển hơn 70km đối diện với nhiều loại thời tiết. Một hành trình dài và đầy nguy hiểm với những con ngỗng con. Loài chim di trú di chuyển nhanh. Chúng đến vào tháng năm trước khi sinh ngỗng con và trở lại vào tháng tám. Vào tháng sáu, tháng ấm nhất ở Bắc Cực, cả vùng đồng bằng được bao phủ một màu xanh, thức ăn dồi dào. Thực vật không đủ thời gian để lớn, trong 50 đến 60 ngày trước khi tuyết rơi đông cứng cả mặt đất. Động vật phải nắm bắt cơ hội. Những con bố mẹ phải nhanh chóng cho con ăn được nhiều nhất có thể.

 

Tại vùng núi, cáo Bắc Cực không may mắn cho lắm. Nơi lẽ ra 6 cáo con vui đùa, giờ chỉ còn có hai đang chờ người mẹ ốm đói trở về. Số lượng chuột Lemming giảm vào mùa hè ảnh hưởng đến cáo. Chỉ còn lại các loại quả, xác chết, côn trùng và thậm chí là phân động vật. Cáo mẹ vận dụng mọi khả năng có được để kiếm thức ăn cho con. Con cú tuyết cũng cảm thấy thiếu thốn. Có thời điểm nó bắt được 5 con chuột mỗi ngày. Nhưng năm nay không được như vậy. Nó chỉ sinh được hai cú con thay vì như thường lệ là 10 con. Những con cú con luôn đói, nhưng thức ăn thì lại không đủ. Những năm thiếu chuột Lemming, nhiều con cú tuyết còn không thể sinh con. Cú con em yếu hơn và khó chăm sóc hơn người anh của nó..... Con lớn hơn luôn đe dọa và tranh thức ăn. Nhưng mọi việc chỉ tốt khi người mẹ tìm đủ thức ăn.

 

Trên vùng đồng bằng, mọi việc có vẻ tốt đẹp hơn. Những con cáo con này mới 4 tháng tuổi, chúng lớn lên khá nhanh nhờ được ăn thịt ngỗng. Cáo Bắc Cực có đàn con đông đúc nhất trong các động vật có vú: tới 22 con. Một nhóm trung bình 11 cáo con có thể ăn 30 con chuột Lemming mỗi ngày và số lượng này sẽ tăng lên 100 trước khi rời hang. Tuy nhiên khi không có nhiều chuột Lemming, ngỗng là món chính trong thực đơn hằng ngày. Dù lứa này ít con, nhưng sự cạnh tranh giữa 3 anh em cũng mạnh không kém. Cha mẹ chúng và cả những con cái không sinh đẻ sẽ nhường thức ăn cho con. Với tốc độ phát triển của chúng, ngỗng càng ngày càng khó kiếm. Khi hai con mãi tranh giành, con thứ 3 nhanh chóng lấy thức ăn đi. Khi được 10 tháng tuổi, chúng thực sự đã trưởng thành nặng bằng một con mèo nhà. Vào thời điểm khó khăn, chúng không đi xa khỏi nhà. Khi đã no nê, con thứ ba trở về như không có gì. Sau mọi chuyện, chúng ôm nhau ngủ chờ bố mẹ về.

 

Trên các dãy núi, những con cú mẹ vẫn tìm thức ăn. Từ trên cao, đôi mắt nhạy bén của nó có thể dễ phát hiện con mồi. Trong bụi cỏ, một con chuột đang ngóc đầu hít thở. Cú không thể di chuyển nhãn cầu nhưng nó vó thể xoay đầu 270 độ, để có thể thấy toàn cảnh. Điều này giúp nó có thể phát hiện bất kỳ âm thanh nào. Con cú mẹ bắt đầu lặng lẽ tấn công, còn những đứa con vẫn ở nhà chờ đợi trong cái đói lạnh. Thành công! Thức ăn cuối cùng đã đến. Khi chuột được thả xuống, con cú con lớn hơn liền giành lấy. Con yếu hơn không thể cử động được. Thấy được chuyện đó, cú mẹ bắt đầu giúp đỡ. Nhưng tất cả đã quá muộn.

 

Chú thích duyệt

chương trình đã được phòng Bt duyệt, nội dung đảm bảo. Đề nghị lãnh đạo xem và cho thực hiện

File đính kèm: nuoc-nga-hoang-da-tap-3-p1.docx
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thiện Quốc Huy 12/02/2019 16:16 Lê Vĩnh Nhiên 14/02/2019 16:33
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà