Người yêu thơ Quảng Trị 26/10
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 26/10 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, chúng ta cùng nhìn lại và điểm thơ trên phương tiện thông tin của hội văn nghệ địa phương. Bài của An Thái. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả thân mến ! Tiếp nối ct, khi nhìn lại những sáng tác của một nhà thơ nổi tiếng từng một thời gắn bó trận mạc với QT, Hiếu Giang có bài bình thơ sau. Chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct là tiếp tục cuộc trò chuyện giữa pv với NSND Kim Qúy, một tác giả thơ đã có nhiều sáng tác thi ca gần đây ở vùng quê Quảng Trị. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct; người yêu tho QT, CT này do Xuân Dũng biên soạn và thực hiện với sự tham gia...thân ái chào tạm biệt.

Điểm thơ:

 

Mục điểm thơ tuần này chúng ta cùng đến với tác phẩm của tác giả Đào Trường San trên trang thông tin điện tử Hội VHNT tỉnh Quảng Trị.

Trong bài thơ “Trở lại Cồn Cỏ” tác giả viết rằng:

  Cồn Cỏ ơi, hôm nay ta trở lại

Tháng bảy về giọt nắng lung linh

Vẫn con sóng thân quen vỗ mãi

Chở tôi đi con tàu nhỏ quê mình

 

Ôi buổi sáng trong như hạt ngọc

Em cười con nước cũng vui lây

Ui cha cái giọng quê lơ lớ

Nghe chứa chan tình cảm vơi đầy

 

Thể thơ bảy chữ theo một khuôn mẫu truyền thống nhưng lời lẽ ý tứ vẫn có dáng vẻ của thời nay khi mô tả Cồn Cỏ ngày trở lại. Là nắng vàng lung linh, là con sóng như quen thuộc với người viết. Cảnh tượng đẹp hùng vĩ và tâm trạng thì hứng khởi với những gì thân thuộc của quê hương nơi hòn đảo tiền tiêu của quê hương đất nước. Cả giọng nói cũng chứa chan tình cảm thân thương của quê mình.

Và mạch cảm xúc tứ tuôn trào như con nước ngoài khơi:

   Kia rồi Cồn Cỏ in trước mắt

Dáng hình con hổ nhỏ nằm phơi

Thích ghê một màu xanh trong vắt

Lẫn vào trong màu nước mây trời

 

Nói sao hết niềm vui trở lại

Gặp người quen, gặp lại cảnh quen

Và Cồn Cỏ vẫn như trẻ mãi

Đẹp mê hồn trong con mắt em

 

Từ xa đến gần Cồn Cỏ hiện ra trong nỗi háo hức của ngày quay trở lại. Và tác giả đã thốt lên trước cảnh đẹp mê hồn. Biển đảo thân yêu của chúng ta như báu vật truyền đời của cha ông để lại để hom nay cháu con tự hào, đắp xây và gìn giữ. Đó cũng là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Bài thơ kết thúc bằng nỗi niềm tạm biệt hòn đảo thân yêu của Quảng Trị, của Tổ quốc chúng ta:

   Tạm biệt nhé, Cồn Cỏ ơi tạm biệt

Ta về mang nỗi nhớ trong tim

Đêm có lẽ ta nằm nghe sóng hát

Sóng trong mơ, sóng Cồn Cỏ quê mình

       

Bài thơ không tân kỳ, không có những đột phá bất ngờ nhưng vẫn làm ta xúc động. Đó là vì nó được hình thành nên từ một tình cảm sâu nặng và chân thực, được thể hiện giản dị và đầy cảm xúc bật ra từ chính trái tim, nên nó đã trở thành thơ tự nhiên và được nhiều người đồng cảm.

 

         MỘT NHÀ THƠ TỪNG GẮN BÓ VỚI QUẢNG TRỊ.

                                                                        (Xuân Dũng)

   Nguyễn Trọng Tạo (25/8/1947 - 7/1/2019) là nhà thơ, nhà văn, kiêm nhạc sĩ, hoạ sĩ, sinh tại Diễn Châu, Nghệ An, đi lính năm 1969, học Đại học viết văn Nguyễn Du khoá 1, làm thơ từ năm 14 tuổi. Ông là Uỷ viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng ban biên tập báo Thơ (2003–2004), từng được các giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969, và giải thơ của các báo Văn nghệVăn nghệ quân độiNhân dân (1978), hai lần được Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi. Thơ và truyện ngắn của ông dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha...
   Ngoài thơ, ông còn là nhạc sĩ, công tác tại Tạp chí Âm nhạc và Thời đại của Hội nhạc sĩ Việt Nam.

   Riêng với Quảng Trị sau ngày tái lập tỉnh năm 1989, anh cùng hai nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập theo sự phân công của Hội VHNT tỉnh Bình Trị Thiên sáng lập tạp chí Cửa Việt. Đóng góp quan trọng nhất của anh là phần mỹ thuật của tạp chí này. 

   Thơ Nguyễn Trọng Tạo được công chúng đón nhận và các nhà thơ phê bình, các nhà thơ cũng đánh giá cao vì anh đã tạo được cách nói riêng, giọng điệu riêng trong dòng chảy thi ca. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đánh giá : “Thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt... Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi, và, lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt..” , còn nhà thơ Vũ Cao thì ghi nhận :Nếu người đọc muốn tìm thấy ở thơ Nguyễn Trọng Tạo câu trả lời chức năng của thơ là gì thì khó mà có một lời giải đáp cụ thể. Ta thấy thơ anh không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại.
Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút anh thoải mái với những điều không phải dễ nói ra...”

   Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ có phong cách sáng tác thơ vừa dân dã lại vừa hiện đại, vừa duy lý nhiều khi đến mức nghiêm ngặt, lại vừa duy tình và duy mỹ đến tận cùng bản ngã. Thơ anh xông xáo trên nhiều đề tài, lĩnh vực của cuộc sống từ thơ tình đến thơ thế sự, từ những riêng tây đến nỗi niềm chung, nhất là tránh được sự dễ dãi, mòn cũ trong thể hiện của một nhà thơ đã có tiếng trên thi đàn. Đặc biệt, giọng thơ trữ tình-thế sự của anh đã tạo nên nhiều tác phẩm được dư luận quan tâm, các nhà phê bình cũng phải chú mục. Có thể kể tên nhiều bài thơ có sức lan tỏa dài lâu như “Tản mạn thời tôi sống”, “Cây gậy Nguyễn Quang Lập”, “Đồng dao cho người lớn”...Các nhà phê bình thường nhắc đến hai câu thơ có tính chất cột mốc  trong lập ngôn thơ của Nguyễn Trọng Tạo như một năng lực biểu hiện của thi ca khi gắn liền với thế sự, một tuyên ngôn thi rất riêng của nhà thơ: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/Câu trả lời thật không dễ dàng chi” (Tản mạn thời tôi sống).

   Thơ Nguyễn Trọng Tạo thường năng trĩu nỗi suy tư, trăn trở và  chiêm nghiệm khiến mọi dao động của con sóng thơ không chỉ trượt trên bề mặt của hiện tượng, sự vật mà còn tạo nên những cơn sóng ngầm dai dẳng trong cảm xúc tiếp nhận ngay cả những đề tài có vẻ  xa vời thời cuộc chẳng hạn  như khi “Đồng dao cho người lớn”:

   có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời

có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

   Để rồi khi trở về với cái tôi riêng mình thì niềm riêng thi sĩ vẫn hiện về trong xao xác tài hoa và ngay cả khóc cười cũng khác:

     chia cho em một đời tôi
một cay đắng
 một niềm vui
  một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai

chia cho em một đời say
một cây si
       với
               một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô

chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
       một dại khờ
               một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm...

  Nhiều người đọc chuyên nghiệp cũng đồng tình với ý kiến rằng thơ Nguyễn Trọng Tạo nhiều sắc màu, giàu nhạc điệu có lẽ vì nhà thơ còn là một nhạc sĩ, một họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật nên góc cảm, góc nhìn đa diện trong sáng tạo thi ca. Điều này tạo nên sự sinh động nhiều vẻ, vượt qua sự đơn điệu, lặp lại dễ nhàm chán mà thi ca hiện đại đang muốn lột xác để đồng hành với công chúng văn học hôm nay. Những suy tưởng, triết lý trong thơ anh không khô hạc, trái lại xanh tươi, sống động bật dậy thành thơ, thành lời từ những cảnh ngộ và tâm trạng cụ thể rất người trong muôn nẻo nhân sinh. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ chấm phá một chân dung thơ Nguyễn Trọng Tạo đa thanh, đa sắc và lấp lánh tài hoa.

   Nhà thơ sinh thời có một đời sống sôi động, hào sảng, yêu và lao động hết mình, sống một cuộc đời bằng nhiều cuộc đời, để lại cho nhân gian nhiều tác phẩm văn nghệ có giá trị cả về nội dung lẫn nghệ thuật và rất nhiều những tiếc thương, tưởng niệm của những người yêu văn học nghệ thuật. Thì nói theo cách nói của nhà thơ khi hát “Đồng dao cho người lớn” : Có thương có nhớ có khóc có người/Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”.



  

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 20/10/2019 15:14 Nguyễn Việt Hà 31/10/2019 14:11

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà