ct thơ 9/11
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Thơ 9/11 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, mục điểm thơ sẽ đến với sáng tác trên tạp chí văn nghệ địa phương, bài của Hiếu Giang, chúng ta cùng theo dõi -Qúy thính giả thân mến! tiếp nối ct, với mong muốn nhìn nhận về một nhà thơ và những sáng tác gắn bó với Quảng Trị, An Thái có bài viết sau, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Phần cuối ct, là tiếp tục cuộc trò chuyện giữa pv với nhà thơ Lãng Hiền Xuân, hiện sống và sáng tác ở Huế. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: người yêu thơ QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

-Chúng ta cùng đến với tác phẩm thơ đăng tải trên tạp chí Cửa Việt.

  Nữ tác giả Nguyễn Thị Minh Thùy có mặt trên trang thơ với bài thơ “Một nửa”, mở đầu thật nhẹ nhàng, đằm thắm:

  Cổng nhà mình mẹ chỉ đóng một nửa

Nửa còn lại mẹ chờ tiếng xe máy quen thuộc

Khi ba đi làm về

Lúc ấy bão giông với mẹ chẳng là gì nữa…

 

  Rất phụ nữ, mà là một người phụ nữ, dịu dàng, từng trải, cứ lặng lẽ, chờ con, lặng lẽ đời chồng như thể sinh ra để chăm lo gia đình, để lặng thầm hy sinh cho những gì là thân yêu nhất. Bài thơ mô tả một nét sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống đời thường nhưng lại khiến người đọc yêu mến và trân trọng.

  Bài thơ tiếp tục như một lời thủ thỉ, tâm tình :

   Cửa sổ mẹ chỉ khép một cánh

Cánh còn lại mẹ muốn con cảm nhận những tia nắng ấm

Và bước ra hòa nhịp

Đừng giam mình trong bốn bức tường…

 

Chuyện thị phi mẹ chỉ nghe một nửa

Nửa buồn mẹ để lại thiên hạ

Chỉ mang vui về

Bữa cơm nhà mình bao giờ cũng ấm áp…

 

  Từ Những chuyện nhỏ như khép cánh cổng một nửa, chuyện thị phi cũng chỉ nghe một nửa, chỉ mang nửa vui về tổ ấm của mình, cho đến tất thảy mọi điều với mẹ chỉ như là một nửa. Có cái một nửa nhưng vẹn nguyên, đầy đặn nhưng dường như có cái một nửa vẫn dở dang, chưa trọn vẹn thì phải, khiến người đọc không khỏi âu lo và phấp phỏng đợi chờ.

   Bài thơ kết thúc bằng khái quát cũng nhẹ nhàng từ những chi tiết của đời thực mà nói chuyện lớn hơn, xa hơn và sâu hơn:

   Với mẹ điều gì cũng một nửa

Chỉ tình thương dành cho chúng con luôn vẹn tròn

Dù chúng con còn những cuộc vui

Còn nặng nợ cơm áo

Mẹ vẫn cho chúng con điều tốt đẹp nhất

Còn mẹ

Âm thầm một nửa riêng mình…

 

   Thì ra với mẹ rất nhiều điều chỉ là một nửa, nửa vui, nửa mừng, nửa hạnh phúc, ấm êm...mẹ dành cho gia đình còn mẹ nhận hết một nửa còn lại những lo buôn, xót xa, vất vả cho riêng mình. Hy sinh mà lặng lẽ, hy sinh mà cảm nhận mình được hạnh phục, hạnh phúc vì được hy sinh. Đó chính là ngươi mẹ Việt Nam.

   Bài thơ không hề dao to búa lớn mà vẫn khiến ta xúc động và suy ngẫm, Một nửa nhưng là tất cả, tất cả lại nhiều khi chỉ chứa đựng trong một nửa, nghe như nghịch lý mà lại rất có lý, có tình, mang đầy chất thơ và chất nhân văn của một bài thơ đáng đọc.

 

        CÓ MỘT NHÀ THƠ NHƯ THẾ

                                                                                (Xuân Dũng)

  Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An. Bút danh khác còn có Ly Sơn. Thể loại sáng tác: thơ, dịch, truyện ký. 1964-1972 dạy trường Trung cấp và Đại học Thương nghiệp, 1971-1973 là lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị, 1973-1979 là phóng viên báo Quân đội nhân dân, từ năm 1979 là biên tập viên, cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ quân đội. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1980).
Thơ:
- Hương đất màu cờ
- Ngàn dặm và một bước
- Sông Mê Kông bốn mặt 
- Điệp khúc vô danh
- Thơ tình rút từ nhật ký
- Sông núi trên vai
- Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi
Truyện ký:
- Ba cuộc đời một trái bóng
Dịch:
- Độc thoại của Marilyn Monroe (thơ Nga nhiều tác giả)
- Những kẻ tủi nhục (Fedor Dostoievski)

 Nhà thơ Anh Ngọc từng là người lính chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ. Ở giai đoạn này trong những sáng tác của ông, người đọc biết nhiều đến bài thơ “Cây xấu hổ”.

  Bài thơ “Cây xấu hổ” bắt đầu câu chuyện có vẻ giản đơn ít người để ý trong không khí trận mạc:

   Bờ đường 9 có lùm cây xấu hổ
Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười 

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Tất cả lộ nguyên hình trần trụi
Cây xấu hổ với màu xanh bối rối
Tự giấu mình trong lá khép lim dim

   Giữa một vùng trận mạc, tất cả như bị hủy diệt, màu xanh sự sống thực sự hiếm hoi. Nên từ một hiện tượng thiên nhiên nhỏ bé, rất đỗi bình thường lại trở thành sự lạ trong không khí chết chóc của chinh chiến. Và câu chuyện hé mở thêm một điều thú vị, đáng yêu ở chiến trường Quảng Trị:

   Chiến sĩ qua đây ai cũng bước rất êm
Khi bất chợt thoảng một bàn chân lạ
Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá
Nhựa dồn lên cành khẽ ngả như chào

Người ra rồi bóng dáng cứ theo sau
Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm
Cây đã hé những mắt tròn chúm chím
Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo

  Những anh lính trẻ và lùm cây xấu hổ hay còn gọi là cây chết giả hoặc còn có tên rất hoa mỹ là “hoa trinh nữ” trong cái nhìn của nhà thơ áo lính đã trở nên sinh động như có một sự giao cảm không thành lời giữa cây với người và ngược lại. Âm thầm nhưng rất đáng yêu, rất đáng trân trọng trong không khí bức bối của chiến tranh. Và câu chuyện đã diễn biến trong sự cảm nhận tinh tế của người lính tẻ, của nhà thơ với phát hiện khá bất ngờ:

  Phút lạ lùng trời đất trong veo
Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ
Nhiều dáng điệu thoáng qua trong trí nhớ
Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Cây hiện lên như một niềm ấp ủ
Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ
Ướp vào trong trang sổ của mình

Và chuyện này chỉ cây biết với anh.

  Đó là tình yêu thiên nhiên, là tình yêu mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh.

   Anh Ngọc còn có những mảng thơ khác cũng rất đáng chú ý, như mảng thơ tình, chẳng hạn với bài thơ “Có lẽ nào anh lại sợ tình yêu” được nhiều người yêu thích:

   Có lẽ nào anh lại sợ tình yêu
Như sợ hãi lòng người quay quắt
Sợ sáng nắng chiều mưa
Sợ có rồi lại mất
Sợ nước chảy hoa trôi trơ lại bọt bèo

Có lẽ nào anh lại sợ tình yêu
Như sợ cảnh xây nhà trên cát
Sợ bắt tép nuôi cò
Khi cò lớn cò dò bay mất
Khổ thân ai công cốc dã tràng

  Tên của bài thơ như một câu hỏi tu từ, như một phản đề tình cảm, lại là thứ tình cảm phong phú, phức tạp, rắc rối nhất của con người trong kiếp nhân sinh. Sợ bóng, sợ gió, sợ thực lòng, sợ điều gì nữa mông lung khó lòng nắm bắt, khó lòng diễn tả, nhưng mà nỗi sợ là có thật. Vậy thì tình yêu là thế nào trong góc quy chiếu tình cảm của nhà thơ:

   Ôi tình yêu ngươi là thứ vết thương
Phủ đầy gấm vóc
Lời ân ái với ngươi là thuốc độc
Giấu gươm dao sau đường mật ngọt ngào

Có lẽ nào anh lại sợ tình yêu
Cái vẻ đẹp làm bằng đau đớn
Anh như kẻ sợ ma nên hết lớn:
Sợ gì ma, ta chỉ sợ con người.

  Thì ra những lúc bối rối, thậm chí hoang mang trong tình cảm mà hầu như làm người ai cũng có thì rồi người thơ cũng bình tâm lại sau những chao đảo ái tình để nhận chân sự thật: không sợ gì hồn ma bóng quế trong tình yêu, nếu có sợ thì đó chính là sợ con người. Thế mới biết nếu như người ta vẫn nói: nhận thức là một quá trình thì nhận thức tình yêu có khi không chỉ một mà số nhiều của những quá trình. Nhưng hình như lại không mấy ai từ chối sự nhọc nhằn nhận thức này, kể cả nhà thơ và thơ của họ như trường hợp của Anh Ngọc với bài thơ “Có lẽ nào anh lại sợ tình yêu”.



 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 07/11/2019 07:22 Nguyễn Việt Hà 09/12/2019 07:53

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà