ct thơ 23/11
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 23/11 -Thưa quý thính giả ! Mở đầu ct thơ hôm nay, chúng ta sẽ đến với mục điểm thơ trên tạp chí văn nghệ địa phương, bài của An Thái. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Thưa quý vị và các bạn! Tiếp nối ct, với mong muốn tái hiện phần nào không khí lịch sử đặc biệt ở vùng giới tuyến một thời qua những kỷ niệm thi ca, chúng ta cùng đến với bài viết sau của Hiếu Giang. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Phần cuối ct là cuộc trò chuyện giữa pv chương trình với KTS, nhà thơ Cao Việt Dũng hiện đang sống, làm việc và sáng tác tại thủ đô Hà Nội. Chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa nghe tạp chí người yêu thơ QT, ct do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

   Trong số này, chúng ta cùng đến với thơ của hai tác giả đã đăng trên tạp chí Cửa Việt, đó là Thi Sảnh và Lê Đàn.

   Tác giả Thi  Sảnh với bài thơ "Miền cát bay" mà tên gọi lại gợi đến miền Trung, trong đó có vùng quê Quảng Trị:

   Vục bàn tay vào trảng cát trắng bạc nỗi niềm

Ta nao nao ôm vào lòng mình năm tháng

Vùi trong cát như mặt trời ấm nóng

Và tươi trong như tiếng gió gặp lại tuổi thơ mình

   Cát trong bài thơ không  phải hiện lên với vẻ khắc nghiệt, dữ dằn của những tiểu trường sa, đại trường sa đe dọa cuộc sống con người như thường thấy mà có vẻ thân thiện, hiền hòa nhất là qua hoài niệm của thi nhân.

    Không lộng lẫy sắc màu không ngang dọc khối hình

Trảng cát đơn sơ và dịu êm như lòng mẹ

Thương nhớ đến tận cùng dẫu là một lời hát khẽ

Lạc vào đêm đánh thức chiêm bao

Dẫu có phôi pha những dấu ấn thuở nào

   Cát được ví với lòng mẹ, với những gì thân thương và thiêng liêng nhất trong một đời người, thậm chí cát còn đi vào giấc ngủ, cát đã trở thành một phần máu thit, không thể xa rời, không thể nguôi ngoai.

   Còn nhà thơ Lê Đàn, một người hiện dang sống và sáng tác tại Đông Hà lại có những thể nghiệm qua bài thơ "Trăng bát nhã".

   Mặc

Nhịp sống

Đi nhanh

Ngày hối hả

Thôi bôn ba

Thư thả

Nguyệt buông rèm

   Bài thơ lấy nhan đề và tứ từ kinh bát nhã của nhà Phật. Thơ kiệm ngôn, hàm súc, chịu ảnh hưởng của thơ thiền và thơ hai ku của Nhật Bản. Nếu đọc liền mạch sẽ có cảm giác như đang đọc thơ tự do một câu bảy, tám chữ nhưng nếu ngắt nhịp như tác giả thì bài thơ được hiểu theo cách khác, dồn nén và thú vị, mở ra một cách hiểu mới, cách cảm mới.

   Trăng bát nhã

Lung linh

Lan miền hạ

Mở

Đường thơ

Hoa nở

Bước chân sen.

 Bài thơ "Trăng bát nhã" rất ngắn gọn, hình tượng tao nhã, ý tại ngôn ngoại cũng là một lao động thi ca cần được trân trọng và ghi nhận.

 

   NHỮNG VẦN THƠ DA DIẾT MỘT THỜI.

                                                                                     (Xuân Dũng)

  Bà Nguyễn Thị Bích Hường, vốn là giảng viên đại học, con gái đầu của ông Nguyễn Xuân Liên, nguyên là chiến sĩ công an vũ trang từng nhiều năm công tác tại đồn công an giới tuyến Hiền Lương trước năm 1975 vừa mới kể cho chúng tôi nghe nhiều chi tiết thú vị liên quan đến người cha và chiếc cầu Hiền Lương.

Thật bất ngờ khi bà cho hay: “Tôi đã xem vở kịch của ba mình. Anh biết ở đâu không, ngay tại thị trấn Hồ Xá đấy. Hồi đó tôi còn bé lắm, chưa đi học lớp 1. Thấy ba mình diễn kịch trên sân khấu vui lắm, trẻ con mà. Nhưng vui nhất là ba tôi lại hóa trang thành một vai diễn nữ. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ấy cho đến bây giờ”.

Ấy là bà Hường đang nói đến một sự kiện rất đáng nhớ về một vở kịch thơ có cái tên nghe thật mềm mại Chiếc nón trôi sông, do cha mình sáng tác và biểu diễn, dù ông chỉ là người lính gác cầu chứ không phải nhà văn, nghệ sĩ chuyên nghiệp. Câu chuyện lại cầm tay chúng tôi ngược về quá khứ.

Ông Liên vốn là người Huế tập kết ra Bắc, lấy vợ người Chợ Cầu thuộc huyện Gio Linh, cùng sống với nhau tại Hồ Xá. Hoàn cảnh gia đình ông như thế là tốt rồi, vợ chồng con cái bên nhau.

Nhưng ông làm nhiệm vụ của một chiến sĩ công an vũ trang, hằng ngày thấy bao đồng đội, đồng bào không được như vậy.

Người này thì chồng Bắc vợ Nam, người kia thì chồng Nam vợ Bắc. Nhiều khi cách mấy nhịp cầu, cách một đoạn sông mà bờ này bờ kia không thể gặp nhau, không được về bên nhau, thật vô cùng xót xa, uất nghẹn. Tình cảm lứa đôi, tình thân máu thịt ai nỡ chia lìa?

Ông nung nấu trong người phải viết nên một vở kịch để nói hộ tâm sự bao người. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng cũng không hình dung mình sẽ viết như thế nào.

Rồi những vần thơ mộc mạc nhưng chan chứa ân tình cứ bật ra trong tâm tưởng:

Không ai có thể vá trời lấp biển

Thì đừng hòng dùng vĩ tuyến ngăn ta

Bắc - Nam chung một mái nhà

Nam - Bắc chung một ngọn cờ vàng sao.

Một hình ảnh cứ ám ảnh người lính gác cầu Hiền Lương bao ngày là chiếc nón của người phụ nữ miền Nam xoay giữa dòng sông như nhớ thương, nhắc nhở, như nguyện thề với người nơi phương Bắc, dù hai người cách nhau có một con sông.

Hình tượng này đã lớn dần khi ông thai nghén đứa con tinh thần. Ấp ủ bao ngày ông đã sáng tác nên vở kịch thơ Chiếc nón trôi sông. Vở kịch với những câu thơ:

Cách một dòng sông mà đó đây thương nhớ

Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa.

Chiếc cầu Hiền Lương vẫn là tâm điểm cảm xúc của người chiến sĩ công an vũ trang đa cảm và yêu văn nghệ. Ông viết những điều mà chính bản thân mình cũng như nhiều người trải nghiệm và xúc cảm về không gian ngăn cách:

Chiều nay ta đến Hiền Lương

Nhớ nhà ta gọi băng sông ơi đò

Tre làng đã thấy mờ xa

Tiếng ta gọi đó mà đò không sang.

Vở kịch đã tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng toàn quốc và đoạt huy chương vàng. Tiếp đó vào năm 1957, tiết mục này được diễn phục vụ đại hội văn nghệ toàn quốc ở Hà Nội.

Trong dịp này, một vinh dự lớn lao là tác giả đã được gặp Bác Hồ và được nghe những lời ân cần của Người cố gắng công tác để góp phần làm cho nước nhà mau thống nhất và phát triển. Ông Liên mang lời dặn dò của Bác theo suốt cuộc đời mình cho đến khi giã biệt trần gian cách đây gần tám năm.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 21/11/2019 09:30 Nguyễn Việt Hà 09/12/2019 07:52

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà