DT&MN Phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTm
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí DT&MN ( CN, 6/6/2021)

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Đồng bào và các bạn đang theo dõi tạp chí dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình hôm nay, chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn phóng sự: Hội Nông dân Đakrông thi đua phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp đó là phóng sự ghi nhận về sự đổi thay ở Bản Luồi, xã Mò Ó. Cuối chương trình là phản ánh về tình trạng gia tăng phạm tội về ma túy ở huyện Hướng Hóa. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

Hội Nông dân Đakrông

phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới

Dẫn 2: Thưa đồng bào và các bạn! Những năm qua, công tác hội và phong trào nông dân trên địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã có những bước phát triển mới, có nhiều đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng Nông thôn mới, khẳng định rõ nét vai trò định hướng, dẫn dắt nông dân trên toàn huyện thực hiện tốt Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Qua đó, tạo nên nhiều khởi sắc về KT-XH tại địa phương.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân xã Triệu Nguyên đã phát động mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau và giảm nghèo bền vững đến 100% chi hội trên địa bàn với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, các lớp tập huấn, Hội đều lồng ghép tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy vai trò chủ thể, chung tay xây dựng nông thôn mới.  Qua đó, nhiều cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chị Hồ Thị Xoang trước đây là một hộ nghèo của xã, nhờ được Hội Nông dân đứng ra tín chấp, chị Xoang được vay 20 triệu đồng để phát triển đàn dê và chăn nuôi gà, nhờ chăm sóc tốt nên đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt, qua đó giúp gia đình chị Xoang cải thiện thu nhập.

Chị Hồ Thị Xoang

Xã Triệu Nguyên, Đakrông, Quảng Trị.

( Khi được vay vốn để phát triển kinh tế, tôi vừa mừng vừa lo, cũng may nhờ các cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn rồi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng bệnh cho dê, gà nên đến nay các vật nuôi đều phát triển tốt, khi có việc cần gia đình có thể bán một con dê để trang trải các chi phí và lo cho con cái học hành. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia hiến đất để xây dựng các công trình công cộng, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới)

Bà Nguyễn Thị Lượng

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông, Quảng Trị

(Về vấn đề chung tay xây dựng nông thôn mới, cùng với địa bàn của tỉnh nói chung và huyện Đakrông nói riêng thì mặt bằng chung của huyện còn nhiều khó khăn, nhưng Hội cũng đã tập trung tuyên truyền cán bộ, hội viên, ngoài vấn đề thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước,  thì các tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng được hội tập trung chỉ đạo các hội cơ sở, tuyên truyền từng tiêu chí để làm sao cho mỗi một hộ gia đình, mỗi một cán bộ, hội viên thực hiện tốt từng tiêu chí một, để đồng hành với địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân huyện và Hội Nông dân các xã, thị trấn thì tập trung mô hình bảo vệ môi trường, làm các con đường nông thôn xanh, sạch, đẹp, cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, thực hiện tốt tiêu chí văn hóa và các tiêu chí khác mà địa phương đề ra để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình)

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, Hội nông dân huyện Đakrông tích cực vận động nông dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cấp hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo. Đặc biệt chú trọng đến việc định hình, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng đất đai, lợi thế của từng địa phương; đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và giá trị sản phẩm. Nổi bật nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” được các cấp hội phát động sâu rộng, mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng tích cực và đã trở thành động lực thúc đẩy hội viên, nông dân đổi mới tư duy, cách làm hiệu quả.

Giai đoạn 5 năm 2015-2020, toàn huyện có gần 270 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm… Cũng qua phong trào, đến nay, toàn huyện đã trên 26.500 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp công nhận.

Anh Lê Quang Thao ở xã Ba Lòng là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giỏi của huyện. Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế vùng đồi của gia đình, anh Thao đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trang trại tổng hợp với chăn nuôi lợn, gà, phát triển trồng rừng và nuôi ong lấy mật. Vượt qua những khó khăn ban đầu, nhờ chăm chỉ làm ăn và được sự quan tâm, đồng hành của cán bộ, hội viên Hội nông dân trong huyện, trang trại của gia đình anh đến nay đã cho thu nhập khá, làm giàu cho gia đình cũng như sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Anh Lê Quang Thao

Xã Ba Lòng, Đakrông, Quảng Trị

(Trong thời gian tới, trang trại rất cần được vay thêm nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để mở rộng quy mô, mua thêm nhiều giống cây, con mới để đa dạng mô hình. Đồng thời tôi cũng muốn đầu tư thêm hệ thống tưới nước để trồng cỏ voi vì ở đây thời tiết rất nóng, nắng hạn nhiều nên cỏ voi không phát triển, ngoài ra tôi cũng mong được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về thú y để tiện cho việc chăm sóc, quản lí đàn vật nuôi của mình có hiệu quả)

Chính từ việc triển khai có hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi mà tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo được phát huy. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên tích cực giúp nông dân nghèo bằng nhiều cách khác nhau như: khoa học kỹ thuật, cây con giống, ngày công lao động hay giải quyết việc làm , hổ trợ dạy nghề cho nông dân... Cùng với đó, đã vận động giúp đỡ cho 241  hộ vươn lên thoát nghèo, ngoài ra Hội còn làm tốt vai trò cầu nối, tín chấp, giúp hơn 4.000 lượt hội viên, nông dân các tổ vay vốn, tiết kiệm… tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi khác của Trung ương, tỉnh hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng CSXH huyện với tổng số tiền trên 240 tỷ đồng.

Với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, để có được giá trị cao trong sản xuất, đòi hỏi nông dân ngoài việc nâng cao trình độ nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn phải biết liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo tính bền vững. Nhờ vậy, nhiệm kỳ qua, các cấp hội luôn tích cực trong việc định hướng, vận động nông dân chuyển từ sản xuất đơn lẻ, manh mún sang tham gia các tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, thích ứng với cơ chế thị trường và bước đầu, mang lại hiệu quả rất tích cực như các mô hình VACR cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.  

Ông Đặng Hữu Hát

Thị trấn Krong Klang, Đakrông, Quảng Trị

( Vấn đề chăn nuôi thỏ có hai đặc điểm cần lưu ý, thứ nhất là đảm bảo vệ sinh chuồng trại, kể cả nước uống và thứ hai là điều trị ghẻ, nếu là tốt thì hiệu quả  về kinh tế rất khả quan, tuy nhiên mô hình này hiện tại tình hình cung cầu tại địa phương và dịch bệnh covid 19 nên các nhà hành hạn chế nhập, cho nên qua đợt dịch bệnh này, nếu nguồn cung cầu mở rộng ra được thị trường thì chúng tôi sẽ vay thêm vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi, tang thêm nguồn thu cho gia đình)

Xác định rõ vai trò của nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền 19 tiêu chí NTM, nhất là các chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM đến hội viên, nông dân. Các phong trào như ra quân làm sạch đường thôn, ngõ xóm, thu gom võ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi; xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn đã được người dân hưởng ứng, qua đó ý thức của người dân được nâng cao, giúp các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí còn thiếu như tiêu chí về môi trường, y tế, thu nhập…

Chị Hồ Thị Thoa

Xã Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị

(Thông qua các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thu gom rác thải trên đồng ruộng, chúng tôi ý thức hơn đến vấn đề sức khỏe của bản thân và gia đình. Hiện nay trên các cánh đồng đã có sự thay đổi rõ nét, vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không còn vứt tràn lan như trước, qua đó người nông dân đã bắt đầu thấy được hiệu quả của mô hình ngoài bảo vệ đồng ruộng mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính mình, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nông dân)

Bà Nguyễn Thị Lượng

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông, Quảng Trị

(Trong thời gian tới, ngoài thực hiện tốt các chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội Hội Nông dân các cấp đề ra, Hội sẽ cùng với huyện và các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân về việc xây dựng các mô hình kinh tế hộ, phát triển kinh tế để giúp địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường, sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung xây dựng các nhãn hiệu, nhãn mác của các thương hiệu theo chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm, giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình)

Đakrông là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh, tuy nhiên với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã đem lại những chuyển biến tích cực cho huyện Đakrông trong thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn huyện có 138 tiêu chí đạt chuẩn, tăng 17 tiêu chí so với năm 2020; phấn đấu có 3 thôn, bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 thôn, bản thuộc 5 xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Đakrông sẽ tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền, vận động về chương trình xây dựng NTM đảm bảo thường xuyên, rộng khắp và chất lượng. Riêng trong phát triển kinh tế, địa phương sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, các mô hình đã được kiểm chứng trên địa bàn, đặc biệt là mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến theo nhóm sản phẩm chủ lực. Quan tâm đầu tư chuyên sâu cho các cây trồng có giá trị nông sản hàng hóa, lĩnh vực sản xuất giống, quy trình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân…

Đổi thay ở Khe Luồi

Dẫn 3: Thưa đồng bào và các bạn! Những năm trước đây, Khe Luồi, xã Mò Ó, huyện Đakrông là thôn đặc biệt khó khăn, bức xúc nhất là tình trạng giao thông cách trở. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để người dân đi lại, phát triển sản xuất thuận lợi… đến nay bộ mặt nông thôn miền núi ở Khe Luồi đổi thay tích cực, có thêm động lực để người dân chung sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bản Khe Luồi thuộc xã Mò Ó, huyện Đakrông, nằm dưới chân dãy núi Trường Sơn, bao bọc xung quanh là những ngọn đồi, những con đường nhỏ quanh co. Đây là bản làng của người Vân Kiều sinh sống, cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm nương, rẫy...

Sống giữa núi rừng, để chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt bà con phải đoàn kết cùng nhau để dựng xây cuộc sống. Cũng vì vậy mà bản Khe Luồi còn giữ được những nét văn hóa đặc sắc, từ không gian sinh sống cho đến phong tục, tập quán. Cùng với sản xuất và chăn nuôi, nhiều người dân của bản Khe Luồi còn giữ được nghề đan lát truyền thống của ông cha. Những sản phẩm của họ chủ yếu để phục vụ cho cuộc sống thường ngày nhưng vẫn mang những đường nét tinh xảo. Điều ấy bắt nguồn từ chất liệu đảm bảo, kết hợp sự tỉ mẩn, cần cù và đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của những con người yêu lao động nơi đây.

Ông Hồ Văn Xuân

Bản Khe Luồi, Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

(Nghề đan lát này tôi làm lâu rồi, mình tự học, kiên trì để theo đuổi nghề nên bây giờ làm ra sản phẩm ngoài để dùng trong nhà thì còn đem bán, kiếm thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Hiện nay thì con em mình ít ai theo nghề này, mình muốn truyền lại nghề này cũng khó )

 Những năm gần đây, phát huy thế mạnh của địa phương, người dân bản Khe Luồi đã tích cực chuyển đổi như trồng rừng, trồng cây lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển du lịch. Đời sống của nhiều hộ gia đình nhờ phát triển kinh tế đúng hướng nên đã ổn định hơn, giảm nhiều những cảnh đói kém, giáp hạt. Đặc biệt từ khi cây cầu Krông Klang được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa; thúc đẩy mở rộng không gian thị trấn Krông Klang; phục vụ công tác tránh lũ, cứu hộ cứu nạn cho nhân dân. Bên cạnh đó, kết nối, phát triển các khu du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội khu vực này, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Ông Hồ Văn Thanh

Già làng Khe Luồi, Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

( Người dân Khe Luồi có truyền thống cần cù, siêng năng, đặc biệt có nhiều hộ vượt khó vươn lên để làm giàu chính đáng. Trước đây do cách sông, trở đò nên việc phát triển kinh tế cũng như giao lưu với bên ngoài của bà con bị hạn chế rất nhiều. Giờ có cầu, có đường rồi, ai cũng phấn khởi tìm kiếm cách thức làm ăn phù hợp, quyết tâm đoàn kết để thoát nghèo).

Khe Luồi hôm nay đã có nhiều thay đổi. Từ công việc làm ăn của bà con trong công cuộc mưu sinh cho đến hệ thống cơ sở hạ tầng; hệ thống điện, đường, trường, trạm cho đến nhà cửa nương vườn đã có nhiều chuyển động đáng mừng. Cùng với sự thay đổi trong đời sống vật chất cơm áo thì một điều đáng mừng là chuyện trồng người ở vùng cao cũng đã được địa phương tiếp tục chú trọng. Tỉ lệ trẻ đến trường ngày một nâng cao, các điều kiện phục vụ cho việc dạy và học ở các trường học được quan tâm, nâng cấp, đảm bảo cho việc dạy và học của cô và trò ở vùng khó.

Ông Hồ Văn Xuân

Bản Khe Luồi, Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

( Hiện nay cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rõ rệt, vấn đề học hành của con em được quan tâm nhiều hơn. Có được cuộc sống ấm no hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và địa phương đã chăm lo cho đồng bào trong nhiều năm qua.)

Cùng với sự đổi thay của quê hương, bản làng, thời gian gần đây, xã Mò Ó đã tập trung phát triển và khai thác du lịch từ Thác Luồi. Thác Luồi nằm sâu trong rừng của bản Khe Luồi. Muốn đi đến thác phải vượt qua những con đường quanh co như sợi chỉ vắt qua những sườn núi, qua những cánh rừng tươi xanh càng tô thêm vẻ đẹp thơ mộng mà hoang sơ của bản làng.

Hòa với khung cảnh thiên nhiên thuần khiết. Dọc bờ thác, những dãy đá chen chúc bên những hàng cây xanh tỏa bóng mát. Đến đây, du khách có thể được hòa mình vào dòng nước mát rượi, thỏa tầm mắt giữa cánh rừng đại ngàn còn nguyên nét hoang sơ, nướng gà, câu cá, bắt ốc rừng, tham gia các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng người Vân Kiều của bản Khe Luồi. Gần đây, đã có nhiều đoàn du khách tìm về Khe Luồi khám phá nét hoang sơ, chiêm ngưỡng phong cảnh, tắm thác và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.

Ông Nguyễn Đức Thanh

Huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

(Đây là thác nước tự nhiên, có từ lâu rồi, nguồn nước ở đây vừa sạch, vừa mát, không khí trong lành nên du khách đến đây tham quan và tắm suối rất thích, cảm giác thoải mái hơn)

Anh Nguyễn Đức Hoành Sơn

Xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

(Suối này rất là đẹp, khách ở các nơi như Đông Hà, Gio Linh, Vĩnh Linh đều đến đây vào mùa hè để tắm suối, chúng tôi thấy trong tương lai cần được chú trọng đầu tư để phát triển du lịch)

Qua bao thời gian, bao năm tháng, dòng Thác Luồi trong vắt vẫn rì rào tuôn chảy giữa núi rừng hoang sơ, những bãi đá thơ mộng chạy suốt cả đôi bờ, những bản làng và mái nhà sàn soi bóng. Sự quyện hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống con người đã làm nên vẻ quyến rũ của dòng thác Luồi và các bản làng nơi đây. Được biết, xã Mò Ó cũng như huyện Đakrông đang có kế hoạch bảo tồn không gian văn hóa, gìn giữ và khai thác hợp lý vẻ đẹp hoang sơ của Thác Luồi để phát triển du lịch sinh thái. Đây là một hướng đi hợp lý, bởi thác Luồi hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn du khách, từ vẽ đẹp thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành, bãi tắm đẹp, những người dân mến khách, những món ăn dân dã do chính những người dân bản địa chế biến...  

Ông Nguyễn Văn Do

Chủ tịch UBND xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

(Trong nghị quyết của Huyện ủy cũng như nghị quyết của Đảng ủy xã chúng tôi đã đưa vào nghị quyết vấn đề này, thứ nhất là tuyên truyền đến người dân bảo vệ cảnh quan ở thác Khe Luồi này, không phát những cây to xung quanh, vấn đề thứ hai nữa là đảm bảo vệ sinh môi trường. Thời gian vừa qua đã có nhiều du khách, đến tắm và tham quan, tuy nhiên công tác bảo vệ và đảm bảo vệ sinh môi trường còn xãy ra, chưa có sự quản lí của người dân nên trong thời gian tới về phía chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền bà con để đảm bảo vấn đề về môi trường ở khu du lịch sinh thái.)

Với khí hậu ôn hòa, mát mẻ, không khí lại vô cùng trong lành, thoáng đãng. Thác Luồi sẽ là điểm đến cho những ai muốn khám phá, muốn trải nghiệm. Hòa mình vào giữa núi rừng, lắng nghe tiếng nước chảy, tiếng chim muông, con người ta thấy tâm hồn thật thư thái và tạm gác lại những lo toan của cuộc sống đời thường.

Hướng Hóa gia tăng phạm tội về ma túy

Dẫn 4: Thưa đồng bào và các bạn! Tại địa bàn huyện Huớng Hóa, thời gian gần đây, số đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy nhỏ lẻ phát triển mạnh, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Đặc biệt, đã xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện sử dụng trái phép chất ma túy và có hoạt động phạm tội về ma túy.

Đây là gia đình đối tượng Hồ Văn Ninh, sinh năm 2004, trú tại thôn Kỳ Nơi, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, bị bắt về tội tàng trữ và mua bán ma túy vào tháng 7 năm 2020. Gia đình đối tượng thuộc diện khó khăn của xã, bỏ học sớm theo sự lôi kéo của bạn bè cùng sự buông lỏng của bố, mẹ đã khiến Ninh sớm đi vào con đường phạm pháp. Thực trạng cho thấy, lợi dụng đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn và sự hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, các đối tượng buôn bán ma túy đã tìm mọi cách lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số làm tay chân trong những chuyến vận chuyển và mua bán ma túy.

Bà Hồ Thị Xanh

Xã Lìa, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Khi biết tin con mình phạm tôi và bị bắt về ma túy. Gia đình tôi thấy rất buồn. Do gia đình tôi chưa quan tâm, giáo dục con đến nơi đến chốn. Gia đình tôi mong con vào đó cải tạo tốt để sớm được trở về, làm lại cuộc đời).

Đại úy Nguyễn Minh Tùng

Trưởng Công an xã Lìa, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến vấn đề ma túy gia tăng gồm thứ nhất do bố mẹ thiếu sự quan tâm dẫn đến con em bỏ học sớm và dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo dẫn đến vi phạm pháp luật. Thứ hai, là địa bàn tiếp giáp với các khu vực biên giới, thuận lợi cho các đối tượng giao lưu, giao thương với các đối tượng ở bên Lào để buôn bán, vận chuyển, đặc biệt là ma túy).

Theo báo cáo của Công an huyện Hướng Hóa, hiện trên địa bàn huyện có 700 người sử dụng trái phép chất ma túy thuộc địa bàn của 19/21 xã, thị trấn; tập trung chủ yếu là ở khu vực giáp biên giới, có nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới Việt Nam - Lào như thị trấn Lao Bảo, các xã Tân Thành, Tân Long, Thanh, Thuận, Lìa và các xã, thị trấn trên Quốc lộ 9… Đặc biệt, xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở các địa bàn nội địa có hoạt động phạm tội về ma túy. Số người sử dụng trái phép chất ma túy phần lớn ở lứa tuổi thanh thiếu niên không có công ăn, việc làm ổn định và một số học sinh ở các trường THCS, PTTH trên địa bàn, chiếm tỷ lệ cao 69,3%; người nghiện ma túy trong đồng bào dân tộc ít người, chiếm 47,2%. Số đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy nhỏ lẻ có xu hướng gia tăng…

Trung Tá Cao Hải Sơn

Đội Trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Hướng Hóa

(Trước tình hình người dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy có nguy cơ gia tăng, lực lượng công an cũng đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện cũng như các ban ngành liên quan các chỉ thị, nghị quyết, các đề án để tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cùng chung tay phòng chống tệ nạn này. Tuy nhiên, từ thực trạng địa bàn, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp cụ thể từ việc tranh thủ già làng, trưởng bản, người có uy tín, người đứng đầu dòng họ vận động gia đình có con em sử dụng, buôn bán chất ma túy. Đặc biệt, tập trung triệt xóa các điểm bán lẻ ma túy cho số đối tượng đặc biệt nổi lên ở vùng Lìa).

          Hiện nay, tình hình người dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy trên địa bàn huyện Hướng Hóa vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Do đó, để làm tốt công tác phòng, chống ma túy đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an cần tham mưu tốt cho cấp ủy địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động của các loại tội phạm, kịp thời có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn đạt hiệu quả, nhất là tội phạm ma túy, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn toàn huyện.

Chào kết

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 02/06/2021 16:36 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:40
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà