Tạp chí DT&MN Hành trình gieo yêu thương
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 3 tháng 8

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Cảm ơn đồng bào và các bạn đang theo dõi chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin chuyển đến quý vị và các bạn những nội dung đáng chú ý sau: Mở đầu chương trình là phóng sự:  Kết nghĩa bản- bản: Son sắt nghĩa tình. Tiếp đến là ghi nhận về hành trình gieo yêu thương, khám chữa bệnh cho bà con dân bản ở A Bung của Hội thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh. Phần cuối chương trình là phóng sự Thu nhập khá từ mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

Kết nghĩa Bản- Bản: Son sắt nghĩa tình

Dẫn: Bản La Lay A Sói (Lào) và bản La Lay (Việt Nam) là hai bản đối diện, tiếp giáp hai bên trên đoạn biên giới dài hơn 10 km. Tuy 2 bản thuộc 2 nước Lào và Việt Nam, nhưng lại có nhiều mối quan hệ dòng họ, thân tộc từ lâu đời, có hiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán.

Sau khi 2 bản tổ chức kết nghĩa thì nghĩa sự gắn kết giữa bà thân tộc càng sâu nặng, tình đoàn kết được tăng cường hơn nữa. 2 bản cùng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, văn hóa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới mỗi quốc gia. Nhân dịp sơ kết 15 năm hoạt động kết nghĩa giữa bản La Lay A sói (Lào) và bản La Lay (Việt Nam) kính mời quý vị và các đồng chí theo dõi phóng sự sau .

Cách nhau mấy quả đồi, cùng chung tiếng gà gáy sáng, từ bao đời nay, nhân dân bản La Lay A Sói/ Lào và bản La Lay/ Việt Nam luôn gắn bó mật thiết, ngọt bùi có nhau. Nghĩa tình ấy càng được thể hiện sâu sắc và nâng lên tầm cao mới kể từ sau khi hai bản kết nghĩa từ tháng 1-2007. Kể từ đây, nhân dân hai bản Bản La Lay A Sói/ Lào và bản La Lay/ Việt Nam đã trở thành anh em một nhà, nghĩa nặng tình sâu.

Sau khi kết nghĩa, hai bên đã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của nhân dân hai bản, góp phần vào xây dựng tình đoàn kết đặc biệt hữu nghị  Việt - Lào, như lời Bác Hồ đã dạy “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng hà cửu long”. Thông qua hoạt động của các phong trào kết nghĩa 2 bản đã tăng cường giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh trật tự thôn bản.

Thượng tá Nguyễn Xuân Linh:

Trong 15 năm qua, việc kết nghĩa bản bản giữa bản La Lay- A Sói, nước bạn Lào với bản La Lay của Việt Nam mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, hai bên thường xuyên giao lưu, trao đổi thông tin, xử lý câc vụ việc phát sinh, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, dịch bênh; tích cực giúp đỡ lực lượng bộ đội biên phòng trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ và an ninh, trật tự thôn bản.

Để bảo vệ vững chắc đoạn biên giới tiếp giáp giữa hai bản. Quần chúng, nhân dân 2 bên biên giới đã tự giác chấp hành nghiêm các quy chế kết nghĩa đã được cam kết; nắm và tự giác thực hiện tốt Hiệp định về biên giới giữa Việt Nam và Lào. Nhân dân hai bên biên giới đã thường xuyên trao đổi tình hình hai bên để giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới và cư dân hai bản.

Thông qua hoạt động kết nghĩa đã góp phần thúc đẩy phong trào “Quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản” đi vào hoạt động có hiệu quả cả bề rộng lẫn chiều sâu. 15 năm qua, nhân dân hai bản đã phối hợp các lực lượng chuyên trách mỗi bên tổ chức 51 đợt, với gần 800 lượt người tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Tổ chức giao ban hàng quý và đột xuất. Qua đó, góp phần ổn định trật tự trị an khu vực dân cư hai bên biên giới; tình trạng xuất nhập cảnh, xuất nhập biên trái phép, xâm canh, xâm cư, kết hôn hai bên biên giới trái pháp luật đã giảm rõ rệt.

Hồ Văn Thủy trưởng thôn La Lay A Ngo:

Từ khi kết nghĩa bản bản 2 bên La Lay- A Sói, nước bạn Lào và La Lay, Việt Nam, cùng với đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng bộ đội biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay đã xử lý được nhiều vụ việc. Thứ nhất là hai bên đã thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân từ đó ý thức của nhân dân trong chấp hành luật pháp 2 nước được nâng lên; Thứ hai là tuyên truyền hướng dẫn cách làm ăn kinh tế, tuyên truyền bà con giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông; tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người dân hai bên biên giới; tuyên truyền luật biên giới, bảo vệ chủ quyền cột mốc biên giới quốc gia… hàng năm, quý hàng năm đều có sự sơ kết, tổng kết việc tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Chung lưng đấu cật, tối lửa tắt đèn có nhau là truyền thống tốt đẹp được chính quyền, nhân dân hai bản La Lay A Sói/ Lào và bản La Lay/ Việt Nam luôn gìn giữ, phát huy. Trong 15 năm qua mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, 2 bên đã giúp đỡ nhau, cùng nhau phát triển kinh tế, xã hội, trong bất cứ điều kiện hoạn nạn, khó khăn. Từ đó, thể hiện bản chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Lào anh, em.

Trong quá trình kết nghĩa, tùy vào khả năng, điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, hai bản với sự giúp đỡ của BĐBP đã có nhiều sáng tạo trong cách giúp nhau như: Hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hoạt động kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới đã tạo ra môi trường an ninh ổn định tại địa bàn vùng biên để người dân hai bản yên tâm lao động sản xuất, cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế, vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Từ khi mô hình kết nghĩa được triển khai, việc phát triển kinh tế tại địa bàn càng thêm thuận lợi. Từ năm 2011 đến nay bản La Lay Việt Nam đã giúp bà con Nhân dân bản La Lay A Sói trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả, năng suất cao. Đưa những loại cây trồng này trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.

Ông Côn Thân:

Trước đây, dân bản La Lay A Sói còn nhiều khó khăn, đất đai thì rộng nhưng còn bỏ hoang vì thiếu kỹ thuật trồng cũng như các loại cây giống nhưng từ khi kết nghĩa, 2 bản đã giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, khai hoang, nâng cao diên tích canh tác, thay đổi cơ cấu cây trồng để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống của nhân dân 2 bản có nhiều đổi thay, trong đó, rõ  nhất là sự đổi thay về đời sống kinh tế. Nhiều hộ gia đình của bản La Lay A Sói đã biết cách làm trang trại, trồng rừng, chuối để nâng cao thu nhập, góp phần làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra, hai bản sẵn sàng giúp đỡ nhau; cũng như khi mùa màng thất bát, kỳ giáp hạt, hai bên san sẻ cho nhau từng hạt lúa, củ khoai, trên tinh thần “Lá rách ít đùm lá lách rách nhiều”. Năm 2009, khi bản La Lay A Sói gặp thiên tai bão, lũ, nhân dân bản bản La Lay/ Việt Nam đã sang giúp dựng lại nhà cửa, quyên góp ủng hộ cho bản La Lay A Sói hàng tấn gạo, Mì tôm; áo quần và nhiều nhu yếu phẩm khác để kịp thời giúp đỡ nhân dân bản La Lay A Sói kịp thời khắc phục thiệt hại do lũ lụt, mưa bão.

Trận mưa lũ lịch sử tháng 10/2020 đã khiến cho hệ thống tưới tiêu của 15 ha ruộng lúa bản La Lay A Sói bị san lấp, bà con nhân dân bản La Lay A Sói gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế. Thấu hiểu những khó khăn đó, bà con nhân dân bản La Lay Việt Nam và Đồn BP CKQT La Lay đã thuê máy múc cùng gần 100 ngày công để đắp lại đập, nạo vét, khơi thông dòng nước tưới cho cho 15 ha ruộng lúa của bản La Lay A Sói, đồng thời cũng đã dành sự quan tâm và giúp đỡ rất tận tình bằng vật chất, như nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm giúp bà con nhân dân bản La Lay A Sói vượt qua khó khăn.

 Không những giúp nhau về phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp nhau về phát triển văn hoá. 2 bản đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, bóng chuyền; tuyên truyền vận động bà con nâng cao nhận thức, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, mê tính dị đoan, ma chay đồng bóng, đau ốm tổ chức cúng bái. Bản La Lay đã đề xuất với UBND xã A Ngo và Đồn Biên phòng La Lay tổ chức nhiều đợt khám cấp thuốc miễn phí cho nhân dân La Lay - Lào. Kiến nghị với Trạm Kiểm soát Biên phòng CKQT La Lay tạo điều kiện cho nhân dân bản La Lay sang khám, cấp cứu điều trị bệnh tại các trung tâm y tế, Bệnh viện của Việt Nam.

ông Xom Chay cum phó cụm…:

Hiện nay, tình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lãnh đạo chính quyền và lực lượng chức năng hai bên cho phép nối lại hoạt động giao ban, trao đổi kết nghĩa Bản – Bản bà con nhân dân ai cũng vui mừng lắm, nhân dân 2 bên được qua lại, thăm hỏi nhau, được sang khám bệnh, giao lưu bóng chuyền, văn nghệ cùng nhau trao đổi về những mô hình, cách làm ăn, cùng nhau trao đổi, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi bên”. Qua đó cúng tôi nhận thấy việc kết nghĩa bản bản là 1 chủ trương đúng đắn của 2 đảng, 2 nhà nước, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân 2 bên.

Đại tá Ngô Xuân Thường:

Từ những kết quả đã đạt được, chúng tôi xác định để việc kết nghĩa Bản- Bản hiệu quả hơn nữa, chúng tôi tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, mặt trận các địa phương biên giới phía nước ta phối hợp chặt chẽ với phía bạn Lào, bằng mọi biện pháp tập trung nỗ lực huy động các nguồn lực để tiếp tục nâng cao nhận thức về quốc gia, biên giới; nâng cao ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật của nhân dân hai bên biên giới; tạo sự đồng thuận cho các lực lượng bảo vệ biên giới của hai bên, thông qua qua hai bên sẽ có sự giao lưu, hỗ trợ để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đặc biệt là chuyển giao những tiến bộ khoa hoc kỹ thuật của mỗi bên, tạo tiền đề để khai thác tối đa những thế mạnh của mỗi bên, qua đó nâng cao chất lượng quản lý an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt là phòng chống các loại tội phạm xuyên biên giới, tội phạm nguy hiểm đến đời sống kinh tế của nhân dân và chống lại các hoạt động chống phá tình đoàn kết của nhân dân hai nước Việt- Lào.

Trong 15 năm qua, việc kết nghĩa bản La Lay /Việt Nam và bản La Lay A Sói/ Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng, thực sự đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của Nhân dân hai bản, tăng cường gắn kết hơn mối quan hệ truyền thống, thắt chặt hơn tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt hai nước, hai dân tộc; cùng nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc chủ an ninh biên giới.

Gieo yêu thương ở miền tây Quảng Trị

Nhằm hỗ trợ trong việc chăm sóc sức khỏe và đời sống cho bà con vùng đồng bào miền núi huyện Đakrông, Đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM phối hợp với UBND xã A Bung tổ chức chương trình 'Hành trình gieo yêu thương' năm 2022 với rất nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.

Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân ở xã A Bung đã có mặt ở trường tiểu học và trung học cơ sở A Bung khi biết được thông tin có đoàn thầy thuốc trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh đến khám và chữa bệnh miễn phí cho bà con. Anh Hồ Văn Nghĩa bị đau đầu đã mấy ngày nay, gia đình tính đưa anh ra bệnh viện huyện để khám và kiểm tra, nhưng vì công việc nương rẫy bận rộn nên anh Nghĩa cứ chần chừ mãi. Rất may hôm nay có đoàn hội thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh đến khám, tư vấn và điều trị bệnh, anh Nghĩa đã được các bác sỹ kiểm tra tình hình, cho thuốc uống và hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh khác.

Anh Hồ Văn Vui

Thôn La Hót, A Bung, Đakrông, Quảng Trị

( Bệnh của tôi là vừa tức ngực, vừa đau vai gáy, gai cột sống, nhưng tôi may mắn là hôm nay có rất nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nên tôi được khám bệnh rất kỹ, tôi đã biết được bệnh của mình, sẽ hạn chế lao động nặng và tập trung điều trị bệnh để có sức khỏe chăm lo cho gia đình mình)

Chị Hồ Thị Cởi

Xã A Bung, Đakrông, Quảng Trị

( Hôm nay có đoàn bác sỹ từ thành phố Hồ Chí Minh đến khám bệnh cho bà con trong xã, chúng tôi rất vui. Ở đây có máy móc hiện đại để khám chữa nên bà con rất yên tâm )

Tại chương trình, người dân trên địa bàn xã A Bung được khám tổng quát, tim mạch, mắt, cơ xương khớp, tiêu hóa, hô hấp, hậu Covid-19, phụ sản, phục hồi chức năng. Đồng thời, tầm soát ung thư cổ tử cung cho gần 100 phụ nữ và tư vấn sức khỏe sinh sản, các biện pháp điều trị đối với một số bệnh thường gặp.  Với những người già đi lại khó khăn, bà mẹ Việt Nam anh hùng thì đoàn đã đến tận nơi, tận tình thăm hỏi sức khỏe, khám, cấp thuốc và tặng những phần quà ý nghĩa.  Có thể thấy rằng, bà con vùng sâu, vùng xa ngoài việc được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa sâu, tiên tiến, hiện đại nhằm phát hiện sớm các bệnh nặng để có biện pháp điều trị, can thiệp kịp thời thì thông qua hoạt động tình nguyện, vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được phát huy, đặc biệt với người già, trẻ em ở những địa bàn khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hải Liên

Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh

( Khi mà mình đi đến khám, phát thuốc thì Hội thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh mong muốn bà con được chăm sóc về sức khỏe và có sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình. Cần phải đi khám thường xuyên để phát hiện bệnh để bác sỹ có thể kê thuốc chữa hết một bệnh ngắn hạn nào đó. Chúng tôi mong rằng khi tư vấn cho bà con thì bà con có thêm kiến thức để nâng cao sức khỏe của mình, tự chăm sóc sức khỏe về ăn uống, về thói quen sinh hoạt, tập luyện thể dục…Nhoài việc khám bênh, bác sỹ có thể chỉ định để chụp X-quang, siêu âm, làm điện tim, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm đường huyết…thông qua đó sẽ tầm soát sức khỏe cho bà con để chúng ta đưa ra được những cái cảnh báo phát hiện những bệnh lý của mình )

Một trong những hoạt động thiết thực của Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh mang đến cho trẻ em vùng cao A Bung trong đợt này đó là chương trình trao cho trường tiểu học và trung học cơ sở A Bung một thư viện khủng long với hơn 1000 đầu sách, bao gồm các thể loại như hạt giống tâm hồn, sách thám hiểm, truyện tranh, truyện cổ tích. Với các em học sinh ở vùng cao, trong mỗi năm học, tuy nhà trường đã đầu tư và bổ sung thêm đầu sách cho thư viện trường học, tuy nhiên số lượng đầu sách không nhiều và không phong phú, ngoài sách học tập và tham khảo ít có các đầu sách mới, sách nghiên cứu …nhất là đối với các điểm trường lẻ, học sinh thiếu sách học cũng như sách tham khảo, vì vậy, với hơn 1000 đầu sách được trao tặng, nhà trường sẽ tiến hành luân chuyển và trao đổi sách học giữa các điểm trường, giúp các em tiếp cận nguồn thông tin và làm giàu thêm vốn đọc, hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Hải Liên

Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh

( Chúng tôi mong rằng những quyển sách này sẽ góp phần mang lại thế giới tâm hồn, thế giới tinh thần và kiến thức cho trẻ em ở A Bung. Không phải tốn quá nhiều tiền, không phải tốn nhiều công sức, các em có thể tự học được thông qua những quyển sách này, qua đó vốn sống và cuộc sống của các em sẽ tốt đẹp hơn)

Chương trình “Hành trình gieo yêu thương” năm 2022 tại Quảng Trị nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ ngành y tế trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, vì an sinh xã hội. Với các bạn đoàn viên thanh niên của Sở Y tế Quảng Trị thì một trong những hoạt động chung sức với hội thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh lần này đó là hoạt động truyền thông, nâng cao ý thức của bà con trong việc giữ gìn vệ sinh, môi trường sống xung quanh và phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Từng thành viên đã đi đến tân từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hướng dẫn người dân cách vệ sinh nhà cửa, chuống trại, phòng chống bệnh sốt xuất huyết thông qua việc nằm ngủ phải móc màn, đổ hết nước trong các chai, lọ, lu nước không sử dụng xung quanh nhà để muỗi không còn nơi sinh sôi, phát triển, thông qua những buổi truyền thông như thế này, người dân đã hiểu và làm theo hướng dẫn, góp phần hạn chế xãy ra những ổ dịch bệnh lớn trên địa bàn.

Bà Hồ Thị Vân

Xã A Bung, Đakrông, Quảng Trị

( Trước đây thì vấn đề vệ sinh bà con không chú ý nhưng bây giờ được các cháu tuyên truyền nhiều rồi nên ai cũng có ý thức, luôn lau dọn nhà cửa, vệ sinh chuồng trại. Biết cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng cách không để nước bẩn đọng quanh nhà, các đồ chứa nước nếu không dùng đến thì đem cất, không để muôi phát triển)

Anh Trần Thái Dương

Bí thư Đoàn cơ sở Sở Y tế Quảng Trị

( Trong thời gian tới, với tinh thần xung kích vì cuộc sống cộng đồng, tuổi trẻ sở Y tế Quảng Trị sẽ phối kết hợp với các tổ chức, đơn vị trên địa bàn và trong cả nước thực hiện thêm các chương trình, đặc biệt là tổ chức các chương trình khám, tư vấn, phát thuốc cho người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tổ chức các chương trình truyền thông, lồng ghép với các đơn vị để tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh để người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch bệnh)

A Bung là xã biên giới, hiện có trên 95% bà con dân tộc thiểu số. Hiện nay, đời sống kinh tế-xã hội của người dân đang rất khó khăn, phần đông là hộ nghèo. Người dân không có nhiều điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Đặc biệt, giao thông cách trở, người dân nơi đây càng khó tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Thông qua chương trình khám chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc miễn phí này, các thầy thuốc mong muốn được sẻ chia những khó khăn, tạo điều kiện cho dân bản được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Ông Lê Quang Thạch

Chủ tịch UBND xã A Bung, Đakrông, Quảng Trị

( Được sự quan tâm của đoàn thanh niên sở Y tế đã kết nối với Hội thấy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh, với một đội ngũ đông đảo là các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành về khám chữa bệnh cho bà con. Phải nói rang, đây là cơ hội rất tốt để cho bà con khám, tầm soát bệnh tật, đảm bảo sức khỏe của mình. Thông qua đây, thay mặt cho lãnh đạo xã và bà con nhân dân, xin gửi lời cám ơn đến đoàn thanh niên sở Y tế, Hội thấy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện một hành trình gieo yêu thương hết sức ý nghĩa, để khám chữa bệnh, tăng cường sức khỏe cho bà con nhân dân trên vùng biên giới)

Sau 01 ngày với những hoạt động gieo yêu thương của mình, đoàn Hội thầy thuốc trẻ thành phố Hồ Chí Minh và đoàn viên thanh niên Sở Y tế Quảng Trị  đã khám bệnh cho trên 400 lượt người; cấp phát thuốc miễn phí cho trên 400 lượt người; cấp phát quà cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; điện tim, chụp X-quang kỹ thuật số cho gần 100 lượt người; thực hiện xét nghiệm máu; siêu âm.… Việc thăm khám, chữa bệnh tình nguyện của các bác sĩ đã giúp cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế, có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe của bản thân, đồng thời góp phần nâng cao chăm lo đời sống xã hội, sức khỏe của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa Cô tại các xã vùng sâu, vùng xa ở Quảng Trị.

Thu nhập khá từ mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa thành công trong việc linh động xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hồ Thị Mươn, thôn Chênh Vênh là một điển hình trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm hiểu thị trường kỹ càng nên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, nhận thấy điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương thuận lợi, thị trường tiêu thụ các loại vật nuôi rộng lớn, nên chị Hồ Thị Mươn quyết định đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Hệ thống chuồng trại được gia đình chị xây dựng hợp lý, đa dạng theo thực tế diện tích đất đồi sẵn có và bố trí từng khu vực riêng cho từng loại vật nuôi. Sau hơn 2 năm đầu tư, mô hình gia trại của gia đình chị Mươn bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo động lực để chị mở rộng quy mô qua từng năm.

 Chị Hồ Thị Mươn

Thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

“Tận dụng được nhiều yếu tố thuận lợi về đất đai, nguồn nước, thị trường… nên mô hình gia trại tổng hợp của gia đình chúng tôi phát triển thuận lợi. Mô hình kinh tế này đem lại nguồn thu nhập khá, giúp chúng tôi sửa sang nhà cửa và nuôi các con ăn học tử tế. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để duy trì và nhân rộng đàn vật nuôi, phát huy hiệu quả của mô hình”.

 

Đến nay, gia trại của gia đình chị có tổng đàn dê trên 20 con, đàn heo bản với 3 nái và 9 con giống, đàn trâu, bò 8 con kết hợp trồng 2 ha cà phê. Con giống, nguồn thức ăn cho các loại vật nuôi phần lớn được chị chủ động sản xuất tại gia trại nên đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, gia trại nằm tách biệt và xa khu dân cư nên đảm bảo vệ sinh môi trường. Các loại vật nuôi tại gia trại đều phát triển thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trên địa bàn xã Hướng Phùng nên ổn định. Bình quân mỗi năm, gia trại tổng hợp đem lại nguồn thu nhập cho gia đình chị Mươn gần 100 triệu đồng.

Chị Hồ Thị Lý

Chi hội Phụ nữ thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Chị Mươn sinh ra và lớn lên ở thôn Chênh Vênh. Quá trình khai hoang, lập nghiệp, gia đình chị Mươn đã tìm hiểu và áp dụng cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chị Mươn là một hội viên phụ nữ rất tích cực trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, là mô hình điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của địa phương...

Không cam chịu đói nghèo, chị Hồ Thị Mươn quyết tâm đổi mới phương thức phát triển kinh tế bằng cách đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi kinh nghiệm làm giàu của những người đi trước, từ một hộ gia đình sản xuất chỉ đủ ăn, cuộc sống còn nhiều thứ phải lo toan, đến nay, gia đình chị Mươn đã có cuộc sống ổn định, có phần khá giả hơn trước. Chị được Hội LHPN xã chọn làm điển hình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ở địa phương.

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 18/08/2022 07:22 Lê Vĩnh Nhiên 18/08/2022 09:32
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà