TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI TUẦN 2 THÁNG 9
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và Miền núi 11/9

(Hiệu quả sáng kiến tạo nguồn nước sạch cho Hướng Sơn; Thực hiện đồng bộ chương trình kinh tế để giảm nghèo ở Hướng Hóa; Cựu Chiến binh vùng cao Hướng Hóa phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ; Hiệu quả Chính sách tín dụng đối với người nghèo ở Đakrông)

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn. đồng bào và các bạn đang theo dõi Tạp chí Dân tộc và Miền núi của đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay chúng tôi xin mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi một số nội dung sau: Hiệu quả từ sáng kiến tạo nguồn nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số Hướng Sơn; Thực hiện đồng bộ chương trình kinh tế để giảm nghèo ở Hướng Hóa; Cựu Chiến binh vùng cao Hướng Hóa phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ; Hiệu quả Chính sách tín dụng đối với người nghèo ở Đakrông.

Sau đây là nội dung chương trình.

Dẫn 1:

Nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa hơn 30km, với 100% dân số là dân tộc Vân Kiều, Ra Ly – Rào được biết đến là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Sau trận lũ lịch sử năm 2020, toàn bộ hệ thống nước sạch tại thôn bị phá hủy hoàn toàn, người dân đứng trước cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Trước thực trạng đó, với sự vào cuộc hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam, các hộ dân ở đây được tiếp cận nguồn nước, cải thiện tình trạng thiếu nước sạch lâu nay.

Hiệu quả sáng kiến tạo nguồn nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số Hướng Sơn

 

Trận lũ lịch sử năm 2020, tại Ra Ly – Rào, toàn bộ hệ thống nước sạch bị phá hủy hoàn toàn. Hơn 1 năm sau trận lũ lịch sử đi ngang địa phương, mọi sinh hoạt của người dân ở đây phải trong chờ vào nguồn nước sông suối. Mỗi ngày, những người phụ nữ ở đây phải bỏ ra nhiều thời gian để đi lấy nước ở các con sông con suối về sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ em cũng được mẹ đưa đi theo để tắm rửa, vệ sinh.

Ông Hồ Văn Ngân

Trưởng bản Ra Ly – Rào, Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

 (Từ những khó khăn thôn chúng tôi đang đối mặt là thiếu nguồn nước sạch, Ban Phât triển thôn đã tổ chức họp thôn để đề xuất lên Dự án, Ban quản lý Dự án xã hỗ trợ sáng kiến cải thiện nước sạch để giúp các hộ có đủ nguồn nướcsử dụng hợp vệ sinh.)

Để giải quyết vấn đề thiếu nước sạch, Ban phát triển thôn Ra Ly – Rào nhanh chóng triệu tập cuộc họp, bàn về thực hiện sáng kiến nước sạch. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam, họ cùng nhau thảo luận và thống nhất thực hiện sáng kiến “ cải thiện nguồn nước sạch cho các hộ gia đình’’. Để hệ thống nước sạch được nối từ đầu nguồn về tận thôn, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã hỗ trợ 1,780m ống nước, các phụ kiện lắp đặt với tổng kinh phí 47,5 triệu đồng. Người dân trong thôn đối ứng nhân công với kinh phí. Nguồn nước được lấy từ đầu nguồn trong sạch đảm bảo cho người dân sinh hoạt hàng ngày.

Niềm mong mỏi nhiều năm qua của người dân thôn Ra Ly - Rào đã thành hiện thực khi đường ống nước đã được kéo về đến thôn. Từng dòng nước trắng xóa, mát lạnh chảy từ đầu nguồn và bể nước sinh hoạt tập trung về nhà như thỏa được cơn “khát nước sạch” bao lâu nay của mỗi người dân ở đây. Cũng nhờ có nguồn nước sạch tại cụm dân cư nên trẻ em ở đây không phải gặp nguy hiểm, khi tắm sông, tắm suối giảm được nguy cơ tai nạn đuối nước.

Chị Hồ Thị Doc

Thôn Ra Ly – Rào, Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Tại thôn có một vấn đề lớn, là do không có đủ nước nên nhiều hộ gia đình không làm nhà tiêu hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiểm nguồn nước. Từ ngày có nguồn nước đảm bảo đến giờ tôi và nhiều hộ gia đình trong thôn mạnh dạn xây dựng nhà vệ sinh và thường xuyên  lau chùi, dọn dẹp nhà vệ sinh điều đó rất quan trọng, từ đó gia đình tôi có thể sinh hoạt sạch sẽ, thoải mái hơn và giảm nguy cơ bệnh tật.)

Ngoài những thay đổi ý nghĩa từ sáng kiến nguồn nước sạch Ra Ly_Rào xã Hướng Sơn, từ năm 2010 đến nay, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam đã có những tác động tích cực để nhiều hộ dân trong vùng dự án được tiếp cận nguồn nước sạch thuận lợi, cuộc sống của người dân ở đây nhờ thế mà ổn định và thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Tường

Trưởng Chương trình vùng, Tổ chức TNTG Việt Nam

(Sáng kiến cộng đồng do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam hỗ trợ đã giúp nhiều hộ gia đình có nguồn nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt hàng ngày; nhiều hộ đã tự làm nhà vệ sinh; góp phần  giúp giảm thiểu tình trạng bệnh tật, suy dinh dưỡng ở trẻ em. Niềm vui của bà con là động lực lớn của chúng tôi…)

Những gì tốt đẹp mà tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam mang lại cho cộng đồng nghèo đều rất thiết thực và ý nghĩa. Thông qua các sáng kiến cộng đồng về cải thiện nguồn nước sạch, đến nay, đã có 69 hộ dân, trong đó có 43 trẻ dễ bị tổn thương, 28 trẻ bảo trợ được tiếp cận nguồn nước thuận lợi, cải thiện tình trạng thiếu nước sạch tại các xã trong vùng dự án.

Đặc biệt, với cách tiếp cận dựa vào cộng đồng, xây dựng năng lực và trao quyền cho Ban Quản lý Dự án xã, Ban phát triển thôn, và người dân trong cộng đồng, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam  đã phát huy được vai trò chủ động của người dân trong việc xác định các vấn đề, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện giải quyết các vấn đề an sinh trẻ em và người dân một cách bền vững tại cộng đồng.

Dẫn 2:

Thưa đồng bào và các bạn! Giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng... là những nội dung quan trọng trong thực hiên các chính sách dân tộc, được huyện Hướng Hóa tập trung thực hiện bằng các chương trình kinh tế để giảm nghèo bền vững. Theo đó, chương trình giảm nghèo được gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là xây dựng và thực hiện một số nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên và trọng điểm.

Thực hiện đồng bộ chương trình kinh tế

để giảm nghèo ở Hướng Hóa

 

 Do đời sống người dân chủ yếu dựa vào rừng núi với tập quán canh tác còn lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, tập trung vào các xã Hướng lập, Hướng Việt, Hướng Linh, A Dơi, Pa Tầng, Lìa,...Tại xã A Dơi, chính quyền địa phương đã tich cực thực hiện một số chương trình phát triển kinh tế thông qua các mô hình giảm nghèo đã giúp người dân biết lựa chọn cây trồng, con nuôi phù hợp, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.  Trong đó, chú trọng phát triển một số mô hình kinh tế mới theo hướng bền vững được địa phương ưu tiên thực hiện, nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ông Hồ Văn Ngoai

Bí thư Đảng ủy xã A Dơi, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Với đặc điểm là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phương thức sản xuất truyền thống đã ăn sâu cho nên rất khó để thực hiện các định hướng phát triển kinh tế. Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình kinh tế tập trung như trồng cao su, trồng rừng rất khó khăn do bà con quen với việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Để khắc phục tình trạng này, xã cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cử cán bộ đi nghiên cứu, học hỏi các mô hình kinh tế ở nhiều nơi, từ đó truyền đạt lại cho bà con. Đến nay nhận thức của bà con cũng đã dần thay đổi và bắt đầu học hỏi và làm theo.)

Trên cơ sở các chính sách, dự án giảm nghèo, ngoài việc thực hiện đảm bảo an ninh lương thực bằng việc sản xuất lúa nước 2 vụ/ năm, hỗ trợ sản xuất,  tập huấn KHKT, huyện Hướng Hóa  đã tập trung thực hiện một số chương trình phát triển kinh tế trọng tâm như: phát triển kinh tế cây con chủ lực, phát triển kinh tế vùng; xây dựng sản phẩm thương hiệu, có giá trị kinh tế cao; ưu tiên sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với loại hình cây đặc sản – sản phẩm đặc sản....Trong đó ưu tiên mở rộng sẩn xuất bằng việc hỗ trợ vốn, mở rộng các mô hình hiệu quả phù hợp với thực tiễn địa phương.

Ông Lê Quang Thuận

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

(Trong thời gian tới huyện tập trung chỉ đạo một số nội dung cụ thể. Thứ nhất là nhân rộng các mô hình sau khi đã có đánh giá kết quả, nhằm nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi đến tận các hộ gia đình nhằm hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế; bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền bà con tham gia vào các hợp tác xã, vừa tạo mối liên kết vừa tạo ra các sản phẩm ổn định nhằm tạo việc làm tang thu nhập cho bà con. Thứ hai phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện cho bà con vay vốn sản xuất, ổn định đời sống lâu dài.)

Tổng thể hiện nay tỉ lệ hộ nghèo của Hướng Hóa vẫn đang còn ở mức cao, đến nay vẫn ở mức là 29,69%. Đảng bộ, chính quyền huyện hướng Hóa xem công tác giảm nghèo là nhiệm vụ then chốt trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất trong công tác giảm nghèo ở huyện Hướng Hóa hiện nay là mức chuẩn nghèo về thu nhập một số xã chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu, làm cho kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Vì thế cùng với những  giải pháp tích cực, những giải pháp trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội thì vấn đề căn cơ được quan tâm chính là đẩy mạnh tuyên truyền để hộ nghèo, người nghèo thực sự nỗ lực vươn lên, chủ động trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ của chính quyền, của xã hội thực sự hiệu quả.

                                                                  

Dẫn 3:

Thưa đồng bào và các bạn. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, những năm qua trên địa bàn huyện Hướng Hóa xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu, làm kinh tế giỏi. Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tân Liên, Nguyễn Văn Tường là một  là một điển hình. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình và đi đầu trong các phong trào ở địa phương, người CCB này luôn được hội viên tin tưởng, tín nhiệm.

Cựu Chiến binh vùng cao Hướng Hóa

phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ

Xuất ngũ trở về quê nhà tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh năm 1994 thì năm 1995, anh Nguyễn Văn Tường chuyển đến sinh sống tại xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa theo diện di dân kinh tế mới. Trên vùng đất mới, nắm bắt lợi thế thời tiết, khí hậu thuận lợi, vợ chồng anh chọn mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi để khởi nghiệp. Cuộc sống những ngày đầu gặp nhiều khó khăn, song phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, anh không cam chịu đói nghèo mà luôn tích cực tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tường

Tân Liên, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Bước đầu lên đây phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, rừng núi còn hoang vu, đất đai hoang hóa. Phát huy truyền thống, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tôi đã tích cực phát triển kinh tế. Đặc biệt sau khi tham gia công tác Hội, với chức trách của một Chủ tịch CCB, bản thân tôi đã phát huy đạo đức, lối sống; phát triển kinh tế, xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay để nhân rộng trong toàn Hội và toàn xã để cùng nhau đoàn kết, phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương nâng cao đời sống và cùng chung tay xây dựng Nông thôn mới.)

Những ngày đầu lên lập nghiệp, gia đình CCB Nguyễn Văn Tường sở hữu diện tích đất khoảng 0,5ha. Hầu hết diện tích này anh trồng tiêu, cà phê, đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định. Sau một thời gian tích cóp, 2 vợ chồng anh mua thêm đất để mở rộng diện tích, phát triển kinh tế gia trại. Đến nay, gia đình anh sở hữu diện tích đất 1,2 hecta. Tất cả diện tích đất được gia đình người CCB này phủ xanh bởi hồ tiêu, cà phê, ngoài ra anh chăn nuôi hơn 100 lợn thịt, 12 lợn nái, làm đầu mối trung chuyển thức ăn chăn nuôi cho các hộ trong vùng. Thu nhập mỗi năm của gia đình anh trên 400 triệu đồng.

Gương mẫu, đi đầu trong làm kinh tế, CCB Nguyễn Văn Tường còn được biết đến là người nhiệt tình, tâm huyết trong công tác Hội tại địa phương. Tham gia công tác hội đoàn thể tại địa phương từ năm 1999, năm 2019, anh Nguyễn Văn Tường được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã Tân Liên. Với vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Hội, anh luôn vận động cán bộ, hội viên phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, tích cực đóng góp cho sự phát triển của quê hương. 

Ông Ngô Xuân Xao

Thôn Tân Tiến, Tân Liên, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Ngày mới lên chúng tôi chưa có tài sản gì đáng kể, nhờ có Hội CCB cũng như cá nhân đồng chí Chủ tịch Hội giúp đỡ, hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, đẩy mạnh mô hình chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế. không chỉ riêng cá nhân tôi mà đồng chí Chủ tịch còn hỗ trợ giúp đỡ nhiều hội viên khác cùng phát triển kinh tế, đưa đời sống gia đình các hội viên ngày một đi lên.)

          Đi đầu trong làm ăn, phát triển kinh tế, năng động, nhiệt tình trong công tác hội, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nguyễn Văn Tường luôn được được hội viên tin tưởng, tín nhiệm. Đặc biệt, với những đóng góp tích cực trong công tác Hội, nhiều năm liền CCB Nguyễn Văn Tường được chính quyền địa phương, Hội CCB các cấp tặng giấy khen có nhiều thành tích trong công tác hội và phong trào thi đua ở địa phương.

Dẫn 4:

Thưa đồng bào và các bạn,  là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đakrông đã bám sát chương trình, mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ đến với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, và các đối tượng chính sách khác, được Nhân dân tin tưởng, hưởng ứng, đồng tình ủng hộ, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên trên địa bàn.

Hiệu quả Chính sách tín dụng đối với người nghèo ở Đakrông

Đây là mô hình kinh tế của ông Hồ Văn Muôi, thôn Cu Tài 1 xã A Bung huyện Đakrông, từ một hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, với nghị lực, khát vọng làm giàu, gia đình ông đã mạnh dạn đổi mới nhận thức, cách thức làm ăn, chủ động vay vốn, áp dụng khoa học, kỹ thuật để xây dựng thành công mô hình chăn nuôi và trồng rừng. Đến nay, hộ gia đình ông đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trước đây, gia đình anh Muôi là một trong những hộ nghèo khó khăn của thôn, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy. Năm 2017, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, anh đã mạnh dạn vay thêm vốn để xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Hiện tại, anh Muôi có trong tay 1 trang trại chăn nuôi 39 con dê, 4 con bò, hàng chục con gà, và lợn, 4 ha rừng tràm, 3 ha sắn và ngô. Mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hơn trăm triệu đồng.  

Anh Hồ Văn Muôi

thôn Cu Tài 1, A Bung, Đakrông, Quảng Trị

(Trước đây điều kiện gia đình rất khó khăn, không đủ điều kiện để cho con ăn học. Sau khi được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách, gia đình đầu tư xây dựng mô hình nuôi dê. Sau mấy năm đầu tư xây dựng đến nay gia đình đã có tích lũy ít nhiều, có điều kiện nâng cao đời sống, cho con ăn học.)

Để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, trên địa bàn huyện có 13 điểm giao dịch xã, thị trấn; thông qua hoạt động giao dịch xã đã giúp cho người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách thuận tiện, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay. Toàn huyện có 171 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đang hoạt động hiệu quả, tại 78 thôn, bản, thông qua 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý với số lượng hơn 7.000 thành viên, dư nợ quản lý hơn 386 tỷ đồng, huy động tiền gửi qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Thơ - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm tín dụng

Thôn Klu xã Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

(Nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng, bà con dân tộc thiểu số ở thôn Klu có điều kiện phát triển kinh tế, có vốn bà con đầu tư chăn nuôi, trồng rừng… điều kiện kinh tế ngày một khá lên. Bà con rất vui mừng, cảm ơn Nhà nước, các hội, đoàn thể đã hỗ trợ bà con để bà con có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.)

Được triển khai từ năm 2018, đến nay, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp nhiều gia đình thu nhập thấp tại huyện Đakrông, trong đó bao gồm nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có được căn nhà kiên cố, khang trang để ở. Hơn 12 năm công tác tại huyện Đakrông, vợ chồng chị Phan Thị Châu Anh, công tác tại trung tâm y tế huyện Đakrông không có điều kiện để làm nhà ở. Năm 2022, cùng với số tiền tích góp được, chị Châu Anh vay thêm Ngân hàng chính sách xã hội huyện 500 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH thông qua chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ để xây nhà. 

Sau gần 5 năm thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp nhiều gia đình có thu nhập thấp, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức ở huyện Đakrông có điều kiện để xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố. Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đakrông, toàn huyện hiện có khoảng 35 nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, trong đó chủ yếu là của cán bộ, công chức, viên chức với tổng giá trị hơn 11,5 tỉ đồng. Với mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, chỉ bằng 1/2 lãi suất vay ngân hàng thương mại và thời hạn vay dài hơn, chương trình cho vay nhà ở xã hội đã góp phần tạo điều kiện tốt nhất để người có thu nhập thấp xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang, đồng thời tích lũy trả được nợ.

Tín dụng chính sách cho vay xuất khẩu lao động đã mở ra cách cửa, chân trời mới cho con em đồng bào dân tộc huyện nhà thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, và cả cuộc sống mới. Nhiều con em đã mạnh dạn vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi để đi xuất khẩu lao động nước ngoài, tính đến nay trên địa bạn huyện có 189 lượt người đi xuất khẩu lao động, với doanh số cho vay gần 9,5 tỉ đồng.

 Em Hồ Thị Hội

Thôn A Liêng, Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị

(Hiện tại em đã học xong lớp 12, do điều kiện gia đình khó khăn cho nên em có dự định đi xuất khẩu lao động. Thông qua các kênh thông tin đại chúng, của ủy ban xã em được biết Ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để đi xuất khẩu lao động do đó em đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay để đi xuất khẩu lao động nhằm hỗ trợ kinh tế cho gia đình và cho bản thân.)

Chương trình cho vay Học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã giúp cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được vay vốn để học tập. Trong giai đoạn 2006-2022 doanh số cho vay gần 15 tỷ đồng; chương trình sóng và máy tính cho em đã giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện mua sắm máy tính để học tập được tốt hơn.

Em Hồ Thị Nhàn

Lớp 6A, Trường THCS Đakrông, Đakrông, Quảng Trị

(Từ khi được bố mua cho máy tính để học tập, thành tích học tập của em đã tốt hơn nhiều. Những ngày nghỉ em lên mạng để tìm kiếm thông tin và kiến thức về các môn học, việc học tập của cháu đã có tiến bộ hơn nhiều.)

 Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, huyện Đakrông đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay với doanh số cho vay 747.082 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 366.626 triệu đồng. Tổng dư nợ 18 chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2022 dư nợ 390.226 đồng, tăng 381.903 triệu đồng, gấp 46,9 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 229,4 %, với 7.110 hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.

Ông Ngô Văn Bảo

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đakrông, Quảng Trị

(Thực tế khẳng định rằng hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian qua được Đảng và Nhà nước đánh giá là một điểm sáng, là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới. Để thực hiện có hiệu quả nghị định 18 của Chính phủ về tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương về triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40 và kết luận số 26 vủa Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; thứ hai là tiếp tục triển khai mô hình ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội để triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân một cách hiệu quả nhất. Tiếp theo là tiếp tục triển khai mô hình giao dịch tại xã, đảm bảo cung ứng dịch vụ, nguồn vốn tín dụng, các sản phẩm liên quan đáp ứng cho các đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên  địa bàn được tiếp cận nguồn vốn chính sách một cách tốt nhất.)

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn huyện là trên 5%; Từ thói quen chủ yếu là khai thác tự nhiên hoặc đi làm thuê để sinh sống, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt, có nhiều hơn gương điển hình làm ăn kinh tế giỏi.  Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chính quyền địa phương thường xuyên quán triệt, quan tâm chủ động rà soát, bổ sung đối tượng vay vốn kịp thời, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

Đồng chí Nguyễn Trí Tuân

 Bí thư huyện ủy Đakrông, Quảng Trị

(Có thể nói rằng chính sách tín dụng đã có tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội, góp phần cùng bà con thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn của huyện miền núi. Tín dụng chính sách đã tác động đến đời sống kinh tế xã hội, là điểm sáng, là cốt lõi giúp Đảng, Nhà nước thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đakrông. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần của nghị định này, đặc biệt là chỉ thị số 40, kết luận số 06 để chính sách tín dụng trên địa bàn thực sự đi vào đời sống đồng bào, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo một cách bền vững.)

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nâng cao mức thu nhập, đời sống của nhân dân.

 

CHÀO CUỐI

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Quách Đình Long 08/09/2022 14:45 Lê Vĩnh Nhiên 09/09/2022 08:48
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà