Giai điệu quê hương 24.4
Danh mục
Giai điệu quê hương
NỘI DUNG

Chương trình Giai điệu quê hương: 24.4.2022

Trích hò đối đáp giao duyên

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung và BTT nói riêng, Hò là một trong những thể loại gắn bó mật thiết với sinh hoạt lao động của người dân Việt. Hò có thể chỉ là một làn điệu duy nhất, nhưng cũng có khi là một tập hợp nhiều làn điệu có chung thuộc tính về nội dung cũng như hình thức biểu hiện nghệ thuật và gắn bó mật thiết với sinh hoạt, lao động của cha ông ta ngày trước.

Trích

Với vùng đất BTT ngày trước, đã có một thời, những điệu hò được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Từ miền sơn cước với bao thác ghềnh hiểm trở, đến miền đồng bằng phì nhiêu, bao la bát ngát, cho tới tận những nơi cửa biển hay ngoài khơi xa sóng to gió cả, đâu đâu cũng vang vọng những giọng hò. Hò bảng lảng dọc triền sông, hò lãng đãng trên những cánh đồng lúa chín mùa thu hoạch, hò xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày ở mỗi miền quê… tất cả đã góp phần tạo nên một kho tàng phong phú và đa dạng các loại hò.

 Nghệ nhân Lê Văn Trọng cho biết:

Trích băng

Trích hò hụi

Hò phần nhiều là sinh hoạt mang tính diễn xướng tập thể và các điệu hò được chia thành 2 lớp rõ rệt, một lớp gọi là XƯỚNG - do một người hát, lớp còn lại gọi là XÔ- do vài người hoặc cả một nhóm đồng thanh phụ họa đáp lại, tất cả được kết nối liên tục. Trong đó, lớp XƯỚNG là phần lời ca - nội dung chính của điệu hò, thường rất phổ biến là thơ lục bát và lục bát biến thể. Một bài hò dài hay ngắn hoàn toàn tùy thuộc vào dung lượng lời ca. Những câu thơ thường được phân ngắt thành nhiều dạng khác nhau tùy vào sở thích nghệ thuật vùng miền với phương pháp điệp từ, đảo từ và thêm những hư từ chen giữa.

Trích Hò mái nhì Huế

PTV: Kính thưa Quý vị và các bạn! Trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đại đa số các làn điệu âm nhạc sinh ra thường gắn bó hữu cơ với một sinh hoạt cụ thể, với một công việc lao động nào đó trong cuộc sống.  Với vùng đất BTT ngày trước cũng vậy.  Các điệu hò ra đời gắn với một bối cảnh trong sinh hoạt đời thường. Chẳng hạn: Hát ru dùng để ru con ngủ,  các đôi trai gái  tỏ tình thì dùng điệu hò đối đáp giao duyên, chèo thuyền trên sông gắn với điệu hò mái nhì mái đẩy, lao động sản xuất thì dùng điệu hò giã gạo, việc tang lễ thì hát điệu hò đưa linh…Như vậy, có thể thấy các điệu hò BTT như là phương tiện để người dân giãi bày tâm trạng của mình. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trọng nói thêm.

Trích băng

Trích hò giã gạo

Thưa Quý vị và các bạn! Ngày nay, đời sống hiện đại, làn sóng công nghiệp hóa cùng biết bao thăng trầm của thời cuộc đã làm lãng quên rất nhiều sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Thẩm mỹ, nhu cầu nghệ thuật của thế hệ trẻ đã thay đổi cơ bản với khá nhiều những nét văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng. Và, cũng như nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác, các điệu hò dường như chỉ còn tồn tại trong ký ức của những thế hệ đi trước. Tuy vậy, để bảo tồn những giá trị của thể loại âm nhạc này, ngành văn hóa các địa phương cũng đang nỗ lực phục dựng, bảo lưu một vài điệu hò có tính nghệ thuật cao, nhằm tạo dựng một bức tranh khái quát về Hò; giúp những thế hệ sau có thể tìm hiểu được những nét độc đáo nhất về một thể loại âm nhạc đã từng có thời gian gắn bó thân thiết với cuộc sống của biết bao thế hệ người dân Việt Nam.

Trích hò đối đáp giao duyên

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 20/04/2022 10:17 Lê Vĩnh Nhiên 20/04/2022 16:42
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà