Tạp chí Dân tộc và miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

 

Tạp chí dân tộc ngày 24.7.22

PS1: Lớp xóa mù chữ cho bà con vùng cao

Phần 1 (15p) 

PTV: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang đón xem Tạp chí Dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Trong 30 phút ngày hôm nay, mời đồng bào và các bạn cùng đến với một số nội dung sau: Lớp xóa mù chữ cho bà con vùng cao. Tiếp đó là phóng sự: Khi phụ nữ làm kinh tế giỏi. Tiếp theo là ghi nhận của phóng viên về Nâng cao hiệu quả sản xuất cây chanh leo. Cuối cùng, mời đồng bào và các bạn cùng đến với nội dung: Gương Đảng viên Vân Kiều sản xuất giỏi ở Hướng Lộc. Sau đây mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết của chuyên mục.

PTV: Thưa đồng bào và các bạn. Nhiều năm qua, mỗi tuần 3 buổi, lớp học đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị phối hợp với Hội LHPN xã Thanh lại sáng đèn bên những sườn đồi ở vùng cao biên giới. Với mong muốn đem cái chữ đến với các mẹ, các chị, những người phụ nữ vốn tảo tần, chịu nhiều thiệt thòi, xưa nay chỉ biết đến cái nương, cái rẫy, những người lính quân hàm xanh đã miệt mài, tận tâm triển khai công tác xóa mù chữ trên địa bàn biên giới huyện Hướng Hóa. Từ đó, nâng cao trình độ nhận thức, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng xã hội học tập tại khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị.

Giữa những ngày nắng của tháng 7, lớp học đặc biệt tại điểm trường thôn A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn vang lên giọng đọc chưa rõ tiếng phổ thông của các chị, các mẹ. Gọi là lớp học đặc biệt, bởi đối tượng học lớp xóa mũ chữ chỉ có phụ nữ, nhưng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Từ trước đến nay, các mẹ, các chị hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương, cuộc sống hàng ngày gắn liền với củ sắn, củ khoai, nương ngô chứ không quen cầm bút, cầm sách. Và đặc biệt hơn nữa, lớp học lại được hướng dẫn bởi người lính mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị.

Cuộc sống đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở xã Thanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chủ yếu dựa nương rẫy nên bao nhiêu năm nay việc học con chữ là điều rất khó thực hiện. Thấu hiểu điều đó, các cán bộ, chiến sĩ tại đồn biên phòng Thanh và thành viên Hội LHPN xã Thanh đã nỗ lực không biết mệt mỏi để tổ chức lớp học xóa mù chữ cho đồng bào. Nhưng để làm được điều đó thật chẳng mấy dễ dàng. Từ những ngày đầu mở lớp, các chiến sĩ đã phải phối hợp với các ban ngành địa phương miệt mài gõ cửa từng nhà vận động dân bản đến lớp. Chia sẻ về lớp học đặc biệt ở xã biên giới Thanh xa xôi, Trung úy Nguyễn Văn Hoàng - cán bộ Đồn biên phòng Thanh, Chủ nhiệm lớp tại điểm trường thôn A Ho cho biết, lớp học phụ trách có 35 học viên, đa số đều là phụ nữ người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, ở nhiều độ tuổi khác nhau, người lớn nhất cũng hơn 60 tuổi, người ít tuổi nhất 15-16 tuổi, phần lớn là lao động trụ cột trong gia đình, nên việc vận động học viên đến lớp học tập đều đặn cũng gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm của người lính Biên phòng, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã vận động được hầu hết các học viên tham gia lớp xóa mù chữ. Chị Hồ Thị Tê, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh cho biết, đây là lần thứ 2 đơn vị phối hợp mở lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Lớp học này đi vào hoạt động từ tháng 10/2021 và đã thu hút khoảng 60 người là các chị, các mẹ trên địa bàn tham gia, đa phần học vào buổi tối từ 19h các ngày thứ 3, 5, 7. Lúc đầu vận động khó khăn nhưng sau đó các chị, các mẹ đã tham gia rất nhiệt tình, hăng hái. Một số chị em dù ở xa nhưng chưa lần nào vắng mặt, đến muộn. Bản thân tôi muốn các học viên ai cũng biết đọc, biết viết, biết nhận diện được mặt chữ và mặt số, sớm thông thạo tiếng Việt áp dụng vào cuộc sống thường ngày.

Chị HỒ THỊ TÊ

Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Hiệu quả từ lớp học thứ nhất cho thấy rất hiệu quả. Chị em lúc trước chưa biết đọc, biết viết, nhưng sau lớp học xóa mù chữ thì đã biết viết, biết đọc, biết tính toán những phép tính đơn giản. Thông qua khóa thứ nhất thì Hội đã mở rộng ra lớp thứ 2. Trong quá trình chuẩn bị giáo án, tài liệu và chuẩn bị cả giáo viên để dạy thì cũng khá vất vả vì chị em không có nghiệp vụ sư phạm. Trước tình hình đó, chúng tôi đã trao đổi với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên Phòng Thanh để cùng giúp sức. Chúng tôi mong muốn rằng, chị em có những kiến thức cơ bản về đọc, viết và tính toán để thuận lợi trong cuộc sống hơn.

Lớp học xóa mù và chống tái mù chữ cho chị em phụ nữ ở thôn A Ho đa số là lao động chính của gia đình. Vốn quen công việc nặng nhọc trên nương rẫy, nên lần đầu cầm bút đôi tay cứ lóng ngóng. Giáo viên phải nắm tay đưa nét chữ cho từng người. Trung úy Nguyễn Văn Hoàng – Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Thanh - người trực tiếp đứng lớp, chia sẻ: “Đời sống của các chị còn vất vả nhưng tinh thần học tập luôn cao. Dù bận đến mấy, các chị cũng sắp xếp thời gian để đi học nên lớp rất ít khi vắng. Khát vọng học chữ của các chị, các mẹ là nguồn động lực cho chúng tôi vượt qua khó khăn, thu xếp công việc chuyên môn để dành thời gian giảng dạy thật tốt”. Tổ giáo viên của Đồn biên phòng Thanh gồm trung úy Nguyễn Văn Hoàng - Đội trưởng Đội vận động quần chúng làm tổ trưởng và bốn đồng chí cùng đơn vị. Dù công việc bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 bận rộn nhưng các anh không quên giờ lên lớp. Cùng đứng lớp còn có Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh là chị Hồ Thị Tê và chị Hồ Thị Nghiêm, Phó chủ tịch. Nói về thái độ học tập của chị em ở lớp xóa mù, chị Hồ Thị Tê rất vui: “Các chị rất ham học và đến lớp đều đặn. Mỗi tiết dạy học cùng các chị đều rất hào hứng. Tôi rất vui khi chị em nhiệt tình học tập, tìm hiểu kiến thức. Điều đó không chỉ giúp nâng cao dân trí vùng biên mà mỗi hội viên của chúng tôi đều có thêm kiến thức để nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế”.

Chị HỒ THỊ LỢI

Thôn A Ho, Thanh, Hướng Hoá, Quảng Trị

Đọc dịch:

Chị HỒ THỊ HỌC

Thôn A Ho, Thanh, Hướng Hoá, Quảng Trị

Đọc dịch:

Xã Thanh là vùng giáp biên giới Việt - Lào. Đời sống của bà con còn thấp, kinh tế khó khăn. Trước đây, nhiều chị em không được đến trường nên tỷ lệ mù chữ khá cao. Từ khi lớp học được mở trên địa bàn, chị em rất ham học. Nhu cầu được học chữ lớn nên Hội lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ cùng Đồn biên phòng Thanh mở lớp. Thời gian học mỗi lớp dạy học sẽ kéo dài ba tháng, đảm bảo cho chị em biết đọc, biết viết. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và xây dựng xã hội học tập ở khu vực biên giới. Các giáo viên đứng lớp không chỉ dạy con chữ, phép tính, để tạo sự hứng thú cho buổi học, họ còn kể những câu chuyện về nỗ lực học tập của chính mình. “Việc học không bao giờ muộn. Cần ham học hỏi, biết nhiều kiến thức để có cuộc sống tốt hơn”, trung úy Hoàng thường động viên chị em như thế vào những lúc không khí lớp học có phần chùng xuống.  Sinh ra trong gia đình thuần nông, đời sống kinh tế khó khăn, để được đến trường, trung úy Hoàng từng trải qua rất nhiều vất vả. Tham gia quân ngũ, trở thành học viên của Học viện Biên phòng với Hoàng là cả một hành trình gian nan, đầy nỗ lực. Vì vậy, mỗi khi đứng lớp, anh thường tìm cách truyền cảm hứng tích cực cho học viên. Không chỉ dạy chữ, các giáo viên còn lồng ghép các bài học giáo dục công dân, tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, xóa đói giảm nghèo. Các thầy giáo biên phòng còn “miệng nói tay làm”, giúp nhiều hộ trồng lạc trên đất cát, trồng cây cà gai leo bán cho công ty dược liệu để cải thiện đời sống. 

Chị PỈ HẬU

Thôn A Ho, Thanh, Hướng Hoá, Quảng Trị

Đọc dịch:

Lớp học xóa mù và chống tái mù chữ ở thôn A Ho là lớp học thứ hai được đơn vị phối hợp với Hội LHPN xã Thanh tổ chức, dành cho phụ nữ trên địa bàn xã. “Để tạo thuận lợi cho các học viên và việc học có kết quả, lớp học sẽ luôn phiên mở tại các thôn. Chúng tôi nỗ lực để bà con không chỉ biết chữ, có thể tự cầm bút ký tên mình và làm các phép tính đơn giản thường ngày trong đời sống mà còn có thể tiếp cận thêm các kiến thức làm kinh tế, cải thiện đời sống. Lớp học không chỉ giúp cho người dân nơi biên cương có kiến thức, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà có thêm các kỹ năng sống. Từ đó, tự tin, mạnh dạn hơn trong ứng xử, giao tiếp, không sợ bị đối tượng xấu lừa gạt. Đặc biệt, biết được chữ sẽ giúp bà con có thêm động lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế vào lao động, sản suất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi vận động, tuyên truyền cho bà con thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trung tá Ngô Trường Khôi

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị

Đọc dịch: Qua khảo sát từng hộ gia đình tại xã Thanh, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ người tái mù chữ vẫn còn nhiều nên Đảng ủy Ban chỉ huy đã chỉ đạo Đội vận động quần chúng phối hợp với hội phụ nữ của xã để mở lớp xóa mù chữ. Lớp có 35 thành viên. Sau thành công lớp học khóa thứ nhất, chúng tôi đã tiếp tục mở lớp học khóa 2 cho chị em phụ nữ thôn A Ho. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khảo sát và mở các lớp xóa mù chữ tại các điểm còn lại trên địa bàn xã Thanh. Chúng tôi cũng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm từ lớp học khóa thứ nhất với mong muốn chị em sẽ biết viết, biết đọc và tính toán chi tiêu hợp lí cho gia đình. Từ đó cuộc sống sẽ cải thiện hơn.

Ông Hồ Văn Bông

Phó chủ tịch UBND xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch:

Mặc dù không qua đào tạo về kỹ năng sư phạm, nhưng với tâm huyết tất cả vì nhân dân phục vụ, những người thầy giáo khoác trên mình màu áo lính đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, ân cần chỉ bảo, uốn nắn từng nét chữ, từng con số cho học viên. Các anh thực sự đã trở thành những tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường, được nhân dân kính trọng, thu hút được đông đảo học viên, duy trì được sĩ số ổn định.

 

KHI PHỤ NỮ LÀM KINH TẾ GIỎI

MC: Thưa đồng bào và các bạn! Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa thành công trong việc linh động xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hồ Thị Mươn, thôn Chênh Vênh là một điển hình trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm hiểu thị trường kỹ càng nên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

 

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, nhận thấy điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương thuận lợi, thị trường tiêu thụ các loại vật nuôi rộng lớn, nên chị Hồ Thị Mươn quyết định đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Hệ thống chuồng trại được gia đình chị xây dựng hợp lý, đa dạng theo thực tế diện tích đất đồi sẵn có và bố trí từng khu vực riêng cho từng loại vật nuôi. Sau hơn 2 năm đầu tư, mô hình gia trại của gia đình chị Mươn bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo động lực để chị mở rộng quy mô qua từng năm.

Chị HỒ THỊ MƯƠN

Thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa:

Đọc dịch:  Mô hình kinh tế này đem lại nguồn thu nhập khá, giúp chúng tôi sửa sang nhà cửa và nuôi các con ăn học tử tế. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để duy trì và nhân rộng đàn vật nuôi, phát huy hiệu quả của mô hình.

Đến nay, gia trại của gia đình chị có tổng đàn dê trên 20 con, đàn heo bản với 3 nái và 9 con giống, đàn trâu, bò 8 con kết hợp trồng 2 ha cà phê. Con giống, nguồn thức ăn cho các loại vật nuôi phần lớn được chị chủ động sản xuất tại gia trại nên đảm bảo chất lượng.  Bình quân mỗi năm, gia trại tổng hợp đem lại nguồn thu nhập cho gia đình chị Mươn gần 100 triệu đồng.

Chị HỒ THỊ LÝ

Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa

Đọc dịch:

Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi kinh nghiệm làm giàu của những người đi trước, từ một hộ gia đình sản xuất chỉ đủ ăn, cuộc sống còn nhiều thứ phải lo toan, đến nay, gia đình chị Mươn đã có cuộc sống ổn định, có phần khá giả hơn trước. Chị được Hội LHPN xã chọn làm điển hình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ở địa phương.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 18/07/2022 10:26 Lê Vĩnh Nhiên 18/07/2022 17:52
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà