Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 2
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

Tạp chí Dân tộc và miền núi ngày 7/3

Dẫn đầu:

Những người thực hiện chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi xin chào  đồng bào và quý khán thính giả đang nghe đài. Trong 30 phút thời lượng chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý đồng bào và các bạn những nội dung đáng chú ý sau đây: Mô hình tổ quản lý du lịch cộng đồng, một cách làm hiệu quả của người Vân Kiều trong việc quản lý và khai thác an toàn, hiệu quả điểm du lịch sinh thái Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Phóng sự Đảng trong lòng đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, phản ánh về niềm tin son sắt của những người con Vân Kiều, Pa Cô đối với Đảng, với Bác Hồ. Tiếp đó chúng tôi xin giới thiệu đến đồng bào và các bạn về hiệu quả của việc khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, để tạo sinh kế cho người dân ở vùng miền núi Hướng Hoa. Và thời lượng còn lại là ghi nhận về tính nhân văn của chương trình con nuôi biên phòng, tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay.

Sau đây sẽ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và quý vị cùng lắng nghe.

Dẫn 1:

Tổ quản lý mô hình du lịch cộng đồng thôn Trăng Tà Puồng với 22 thành viên vừa được UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa trao quyết định thành lập tại khu du lịch thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng. Nhiệm vụ chủ yếu của tổ khi đi vào hoạt động đó là tổ chức khai thác điểm du lịch thác Trăng- Tà Puồng, bao gồm các công việc: san lấp đường sá, rào chắn các điểm sạt lở trên đường vào thác, làm lán trại để du khách tham quan nghỉ ngơi, cung cấp các loại phao bơi, áo phao và cứu hộ cứu nạn khi cần thiết… Tổ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và tự chủ tài chính. Với đặc điểm là người bản địa, thông thuộc địa hình, có nhiều kinh nghiệm ứng phó khi có sự cố xảy ra, những người Vân Kiều ở Hướng Việt sẽ được kỳ vọng trở thành những hướng dẫn viên du lịch đắc lực, góp phần vào việc đưa du lịch cộng đồng vùng Bắc Hướng Hóa ngày một khởi sắc.

MÔ HÌNH TỔ QUẢN LÝ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Vừa đi vào hoạt động chưa lâu, thế nhưng Tổ quản lý mô hình du lịch cộng đồng đã được vận hành rất bài bản và quy củ. Mỗi ngày sẽ có 5 thành viên túc trực tại điểm đón du khách, tại đây các thành viên sẽ được phân công đón khách, hướng dẫn đậu đỗ xe, mang vác hành lý cho du khách, sẵn sàng phục vụ các yêu cầu của du khách như chuẩn bị áo phao, phao bơi, chuẩn bị đồ ăn thức uống. Để các thành viên biết rõ nhiệm vụ, vào đầu mỗi buổi sáng, tổ trưởng sẽ tổ chức họp, phân công nhiệm vụ và sắp xếp công việc cho các thành viên.

Từ điểm đón du khách đến thác Tà Puồng sẽ mất khoảng 15 phút đi bộ. Do nằm sâu trong các cánh rừng do cộng đồng quản lý, nên đường vào thác còn khá gập ghềnh, do vậy mỗi ngày làm việc của những người Vân Kiều này bắt đầu bằng việc kiểm tra, san lấp lại các đoạn đường khó đi, kiểm tra các đoạn rào chắn ở khu vực nguy hiểm, gia cố lại các điểm còn yếu, trong khi đó một số thành viên khác sẽ tổ chức bắt cá mắt bằng các dụng cụ truyền thống.

Sau khi hoàn thành các phần việc trên toàn bộ tuyến đường, các thành viên sẽ đến thác Tà Puồng và phân công nhau thực hiện các công việc đã được chuẩn bị. Với đặc điểm thông thuộc địa bàn, có nhiều kinh ngiệm cho việc hoạt động du lịch suối, thác, những người Vân Kiều này sẽ đảm bảo an toàn cho du khách khi đên tham quan thác Tà Puồng.

Thác Tà Puồng gồm 1 động và 2 thác nước: Động Tà Puồng có nhiều thạch nhũ đẹp và nước, động rất lớn đủ để chứa được khoảng 200 người. Trong chiến tranh, động Tà Puồng không được dùng là nơi trú ẩn của người dân trong thôn và bà con các xã vùng xung quanh đó.. Thác Tà Puồng có phong cảnh thiên nhiên rực rỡ cùng với hệ sinh thái đa dạng, đi kèm là những trải nghiệm hấp dẫn. Ẩn dưới tán rừng già âm u, rậm rạp phủ kín những những con đường là những dãy đá dựng đứng. Tại đây, mọi cảnh vật hoang sơ, những cánh rừng xanh ngát cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị. Thác Tà Puồng được ví như một viên ngọc bích trong vắt đầy bí ẩn giữa núi rừng miền Tây Hướng Hóa, Quảng Trị.

Trước đây, thác Trăng Tà Puồng không chịu sự quản lý của đơn vị nào nên du khách thường đến đây tự phát, tự tìm đường xuống thác, mang vác theo thức ăn và các vật dụng để khám phá thác nên vất vả, nguy hiểm. Để khắc phục tình trạng này tổ du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng sẽ đứng ra tổ chức dọn dẹp vệ sinh suối, san lấp đường vào khu du lịch, đặc biệt đóng những chiếc bè tự chế để phục vụ du khách tham quan thác.

-Anh Hồ Văn Thị

Tổ quản lý du lịch cộng đồng thác Tà Puồng, Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị

Khu danh thắng Trăng- Tà Puồng gồm 3 phân khu chính là: thác Tà Puồng 1, thác 2 và động thiên nhiên. Để tới được đây du khách phải băng qua cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, nơi khung cảnh vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, tán lá xanh và không khí ẩm ướt đặc trưng của rừng nhiệt đới. Thác Tà Puồng 1 là ngọn thác tự nhiên đổ từ độ cao 20m xuống thẳng khu vực lưng chừng núi, trượt qua những vách đá hiểm trợ dựng đứng. Do đó, cung đường đến thác 1 cũng hấp dẫn không ít những phượt thủ hay du khách yêu thích hoạt động du lịch mạo hiểm, gần gũi với thiên nhiên. Khu vực chân thác có nhiều tảng đá lớn với nhiều hình thù khác nhau là điểm dừng chân, tổ chức tiệc dã ngoại lý tưởng. Hồ nước tại Tà Puồng 1 tuy không rộng lắm nhưng lại có nhiều hồ to nhỏ khác nhau. Những khối đá có hình thù đa dạng, nhấp nhô có mà bằng phẳng cũng có chúng nằm xen lẫn giữa các hồ nước và nằm dọc hai bên thác. Ở vị trí các tảng đá lớn, du khách có thể ngồi ngắm trọn cảnh sắc ngọn thác đổ từ trên cao xuống, bọt tung trắng xóa. Với những hồ nước nhỏ mát lạnh bạn có thể thỏa sức bơi lội, ngâm mình giải nhiệt. Cách thác 1 khoảng 20p đi bộ đường rừng là đến thác 2, đây là điểm tắm suối được nhiều du khách yêu thích. Hồ nước ở đây rộng khoảng 5.0002, điểm sâu nhất khoảng 10m. Ngoài bơi lội thì du khách cũng có thể trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau như: chèo thuyền, chèo bè, thưởng ngoạn cảnh hồ, trải nghiệm việc đánh bắt cá suối bằng các dụng cụ truyền thống…

Những năm gần đây mô hình du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm phát triển mạnh. Những người ưa mạo hiểm và thích trải ngiệm cảnh vật hang sơ thường chọn những điểm danh thắng suối, thác để khám phá. Những chuyến du lịch như thế này sẽ giúp còn người có những trải ngiệm thú vị, gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên đi kèm với kiểu du lịch này luôn tiềm ản những nguy cơ xảy ra tai nạn như trượt ngã xuống vực sâu, lạc đường, đuối nước,… do vậy để đảm bảo an toàn cho những hành trình khám phá, du khách rất cần các hướng dẫn viên là người bản địa, am hiểu địa hình và có những kỹ năng sinh tồn trong rừng. Với những đặc thù đó, Tổ quản lý du lịch cộng đồng thác Tà Puồng sẽ đáp ứng các yêu cầu cho những chuyến du lịch khám phá.

Tổ sẽ cung cấp các dịch vụ giữ xe, ẩm thực, thuê lều trại, chèo bè giữa thác, dọn dẹp vệ sinh và đảm bảo an toàn…Tổ sẽ phục vụ du khách ẩm thực địa phương như gà nướng, thịt heo bản nướng, cơm nếp, rượu cần. Ngoài ra, ở điểm đón tiếp sẽ bày bán nhiều nông sản do người dân trồng và thu hái trên rừng. Thời gian gần đây thác Tà Puồng Quảng Trị dành được nhiều sự yêu mến của khách du lịch trong nước bởi khung cảnh thiên nhiên hữu tình, hoang sơ và mát mẻ. Dòng thác quanh năm hiền hòa chảy qua vách đá đổ xuống hồ nước màu xanh ngọc bích giữa cánh rừng nguyên sinh mang tới khung cảnh đẹp tựa bức tranh thủy mặc đầy sinh động. Với sự hỗ trợ và quảng bá của các cơ quan chức năng, những năm qua du lịch miền Tây Hướng Hóa có những khởi sắc, trong đó mảng du lịch khám phá, du lịch cộng đồng đã được đầu tư và bước đầu thu hút du khách. Tuy nhiên với đặc điểm còn hoang sơ, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, việc du lịch khám phá tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, do đó việc ra đời các tổ du lịch tại cộng đồng sẽ phục vụ tốt cho hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn để khai thác lâu dài.

-Anh Hồ Văn Giỏi

Tổ trưởng Tổ quản lý du lịch cộng đồng thác Tà Puồng, Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị

-Bà Hồ Thị Sáu. Phó chủ tịch UBND xã Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị

Trong những năm gần đây mảng du lịch cộng đồng, du lịch khám phá mạo hiểm đang dần được yêu thích, tuy nhiên gắn liền với các hoạt động du lịch này là sự mạo hiểm nhất định, bên cạnh đó, nhiều du khách, đặc biệt là các du khách trẻ còn thiếu kinh ngiệm và các kỹ năng cần thiết. Cùng với đó khi các điểm du lịch cộng đồng được khai thác một cách rộng rãi thì vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được đặt ra, do vậy việc các tổ du lịch cộng đồng ra đời sẽ đảm bảo cho việc khai thác du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng được hoạt động một cách hiệu quả, an toàn và bền vững.

 

Dẫn 2:

Thưa đồng bào và các bạn! Một mùa xuân mới no ấm nữa lại về trên những bản làng vùng cao của huyện Hướng Hóa. Có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc như ngày hôm nay, trong tâm khảm của đồng bào Pako Vân Kiều luôn biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ. Từ những ngày chiến đấu gian khổ, cho đến những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng đã đưa triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, cố gắng phấn đấu từng ngày để xứng đáng là những người con được mang họ Bác.

ĐẢNG TRONG LÒNG ĐỒNG BÀO PAKO VÂN KIỀU

Con đường nhựa phẳng lì chạy từ khối 3, qua khối 5, khối 6 của thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa rộng thênh thang. Trong nắng mới, cờ Đảng, cờ Tổ quốc phấp phới bay, băng rôn khẩu hiệu mừng Đảng, mừng Xuân rợp bóng trời. Và trong những câu chuyện đầu năm, già làng, người có uy tín nơi đây cùng nhau ôn lại những ngày tháng sát cánh cùng bộ đội giải phóng Khe Sanh. Anh em các dân tộc đồng hành trong mỗi bước gian lao, cộng khổ để tới mùa xuân vinh quang, thắng lợi như hôm nay.

-Ông Hồ Văn Xang

 Khối 6, Thị trấn Khe Sanh,  Hướng Hóa, Quảng Trị

-Ông Hồ Ta Đăng

Khối 6, Thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Tại huyện miền núi Hướng Hóa, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đang vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ các mô hình kinh tế.  Đến Hướng Hóa hôn nay, không khó để bắt gặp những ngôi nhà được xây dựng bài bản; trường học, trạm xá được đầu tư kiên cố; hạ tầng giao thông được mở rộng. Sự thay đổi lớn lao hôm nay giúp nhân dân địa phương càng trân quý hơn những thành tích đã đạt được.

-Ông Hồ A Dung

Chủ tịch UBND xã Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị

Dọc dài khắp miền tây Quảng Trị, dù ở bất cứ đâu, Đảng luôn gần gũi, hiện hữu và đồng bào Pako Vân Kiều luôn một lòng theo Đảng. Những chủ trương, quyết sách của Đảng thực sự lan tỏa đến cơ sở, được cụ thể hóa trong từng nghị quyết chi bộ thôn, bản. Dù còn lắm gian nan, nhưng miền tây Quảng Trị đang vươn mình, hòa chung nhịp đổi mới cùng quê hương.

 

Thưa đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang  nghe chương trình “tạp chí dân tộc và miền núi” được phát trên sóng tần số 92,5 mhz của đài phát thanh truyền hình Quảng Trị vào lúc 17h00 thứ 3 hàng tuần. Các bạn cũng có thể nghe lại chương trình vào lúc 10h30 sáng thứ tư hàng tuần nhé.

 

 

Dẫn 3:

Thưa đồng bào và các bạn. Trong những năm gần đây, được sự vận động tuyên truyền của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, người dân tại các xã vùng Bắc Hướng Hóa đã biết khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ để nâng cao thu nhập mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Các loại lâm sản ngoài gỗ được phép khai thác bao gồm mây, tre, đoác, đặc biệt là trái bồ kết, một loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao đang được người dân thu hái và nhập bán cho thương lái. Việc khai thác này vừa tạo ra sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là cách để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ rừng bền vững và hiệu quả.

THU GOM DƯỢC LIỆU TẠO SINH KẾ CHO NGƯỜI DÂN

Vào tầm cuối tháng 12 đến hết tháng 1 âm lịch hàng năm, người dân các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn thuộc vùng Bắc Hướng Hóa có thêm một cộng việc mới là đi thu gom trái bồ kết về phơi khô và nhập bán cho thương lái làm dược liệu. Bồ kết là cây thân gỗ, cao 10-15 m, trong đó khoảng 2-3 m dưới gốc cây chi chít gai. Quả bồ kết mọc từng chùm phía ngọn cây, quả bồ kết thường già rụng xuống bắt đầu từ tháng 12 đến hết tháng 1 âm lịch, vào thời điểm này người dân sẽ vào rừng và tìm kiếm, thu lượm quả để bán cho thương lại để có thêm thu nhập. Cách khai thác thường được người dân sử dụng là dùng sào dài để hái quả trên ngọn cao, những quả già, hạt to, chắc, màu xanh đậm được lựa chọn. Thông thường đàn ông, thanh niên sẽ hái quả từ cây cao, còn phụ nữ, người già thì nhặt, lượm quả rụng xuống xung quanh gốc.

Từ lâu quả bồ kết đã được người dân nhiều vùng miền đun nước gội đầu, nước gội đầu bằng quả bồ kết có tác dụng làm mượt tóc, giảm gãy rụng và dưỡng tóc. Đây là công dụng được biết đến từ lâu của bồ kết. Các nghiên cứu đưa ra kết luận rằng quả bồ kết có tác dụng cân bằng hoạt động của tuyến bã nhờn trên da đầu, giảm số lượng tóc bị gãy rụng và phục hồi nang tóc. Ngoài ra, loại quả này có chứa canxi, protein và các khoáng chất vi lượng giúp nuôi dưỡng chân tóc, duy trì mái tóc mượt mà và giảm số lượng tóc bị rụng... bên cạnh đó quả bồ kết còn có công dụng trị bệnh lý về da đầu, hô hấp và nhiều loại bệnh lý khác.

Với nhiều công dụng như vậy nên từ lâu quả bồ kết đã được thu mua với số lượng lớn khi vào vụ. Ở vùng Bắc Hướng Hóa, cây bồ kết mọc rải rác ven rừng, đến vụ thu hoạch người dân thường đi theo từng nhóm thu hái, mang về phơi và nhập bán cho thương lái. Bồ kết hái về phải phơi thật khô trong 5 đến 10 ngày. 50 kg bồ kết tươi cho 20 kg khô, bán 80.000 đồng/kg. Dự kiến sản lượng năm nay đạt 3-5 tấn khô, mang về cho hơn 100 hộ dân thôn Trăng - Tà Puồng khoảng 400 triệu đồng.

-Chị Hồ Thị…

Thôn Trăng- Tà Puồng, Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị

Những năm gần đây, việc khai thác lâm sản ngời gỗ tại các khu rừng do cộng đồng quản lý đã hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập. Các sản vật từ rừng như mây, tre, được khai thác để làm ra các sản phẩm mỹ nghệ như mây tre đan, các loại ly cốc có giá trị kinh tế và được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh đó những đặc sản của rừng như măng, đoác, cũng được phép khai thác và cung cấp cho các khu du lịch cộng đồng tạo nên những nguồn thu bền vững, cải thiện đáng kể cho người dân. Đặc biệt những năm gần đây, các cơ quan chức năng như kiểm lâm địa bàn, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Dự án MCNV… đã hướng dẫn, hỗ trợ tìm đầu ra cho trái bồ kết, kết nối với các cơ sở kinh doanh thu mua trái bồ kết cho người dân, qua đó đã góp phần tạo thu nhập cho người dân, tạo sinh kế lâu dài và góp phần bảo vệ rừng một cách bền vững.

-Chị Hồ Thị Heng

Thôn Trăng- Tà Puồng, Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị

Qua khảo sát sơ bộ, vùng Hướng Việt, Hướng Lập có khoảng 180 cây bồ kết, phân bố ở vùng núi đá vôi. Trong đó, khoảng 50 cây lớn, đường kính 30-40 cm, cho thu hoạch 200 kg hạt khô mỗi vụ. Bồ kết ba năm tuổi sẽ cho quả bói, ra hoa vào mùa hè, thu hái vào cuối năm âm lịch. Từ khi bồ kết được thu mua, kiểm lâm, chính quyền và người dân bảo vệ để thu hái lâu dài. Có thêm nguồn thu, người dân giảm xâm hại rừng, không phá rừng làm nương rẫy. Đây là cơ hội để trồng, phát triển cây bồ kết, tạo thêm sinh kế bền vững, lâu dài cho người dân.

 

Dẫn 4:

 

Chuyện về nữ sinh Lào với tác phẩm “Chiếc xe đạp của bố nuôi Bộ đội Biên phòng”

             Những năm qua, cùng với thực hiện tốt công tác biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, Đồn BPCKQT Lay Lay đã triển khai hiệu quả mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Hiện nay  có 24 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang được đơn vị nhận đỡ đầu.  Sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương các em vô bờ bến của những người “bố nuôi” mang quân hàm xanh nơi biên cương đã giúp nâng bước nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và chắp cánh cho những ước mơ của các em trở thành hiện thực. Chuyện về nữ sinh Lào với tác phẩm “Chiếc xe đạp của bố nuôi Bộ đội Biên phòng” thêm một lần nữa khẳng định mô hình này hết sức có ý nghĩa.

     Đều đặn mỗi tháng các cán bộ chiến sĩ Đồn BPCKQT La Lay lại sang bản La Lay A Sói (Lào) để trao số tiền 500 nghìn đồng Việt Nam cho em Hồ Thị Nghin và vài ba tháng gia đình em lại nhận được sự hỗ trợ gạo, mì tôm, muối... Vào mỗi đầu năm học, em được các chú tặng áo, quần, cặp, sách, vở, đồ dùng..., đó là nguồn động viên, khích lệ vô cùng lớn lao để cuộc đời Nghin lớn lên không còn phải chịu cảnh trên lưng gùi nặng chiếc A chói mà bên trong đựng đầy cái khó, cái khổ, để có được niềm vui được đến trường như bao đứa trẻ khác.

    *P/v: Em HỒ THỊ NGHIN, bản La Lay A Sói, Cụm II,  huyện Sa Muồi (Lào)

(Lời dịch: Em rất vui và hạnh phúc vì được các chú bộ đội biên phòng Việt Nam nhận đỡ đầu. Từ tình cảm của các chú em coi các chú như là người bố thứ 2. Khi em viết bài dự thi“Chiếc xe đạp của bố nuôi Bộ đội Biên phòng” là bằng tình cảm yêu thương mà các bố nuôi BĐBP dành cho em.  Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng các bố nuôi bộ đội biên phòng Việt Nam)

    Hồ Thị Nghin  sinh ra và lớn lên ở bản La Lay A Sói, Cụm II, huyện Sa Muồi (Lào. Con đông, bố mẹ đều bị bệnh nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 2017, khi đang học lớp 4, Nghin có nguy cơ phải nghỉ học. May mắn cho em, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động, CBCS Đồn BP CKQT La Lay đã tiến hành khảo sát và biết được hoàn cảnh của em nên đã nhận đỡ đầu Nghin cho đến khi tốt nghiệp cấp 3 với mức 500 nghìn đồng tiền Việt Nam mỗi tháng. Năm 2019, Nghin lên cấp 2, đường từ nhà đến lớp rất xa, nên việc học của em thêm một lần nữa đứng trước nguy cơ bị dang dở. Biết được điều này, Ban Chỉ huy Đồn BP CKQT La Lay đã trích quỹ đơn vị mua tặng em chiếc xe đạp mới để em ngày ngày đến trường với bạn bè, để em vững thêm niềm tin và tình yêu trên hành trình nuôi khát vọng viết lên ước mơ bằng con chữ của mình.

*P/v: Trung úy HỒ VĂN THỦ, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn BPCKQT La Lay

   Từ cảm nhận được sự giúp đỡ, tình yêu thương, đùm bọc và từ kỷ vật mà các bố nuôi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay Việt Nam tặng, em Hồ Thị Nghin - học sinh lớp 10 trường THPT  huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) đã dồn tất cả tình cảm để viết tác phẩm “Chiếc xe đạp của bố nuôi Bộ đội Biên phòng” gửi tham dự cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”, và đã đoạt đúp 2 giải: giải ba cùng giải Ấn tượng “Người trẻ tuổi nhất tham gia dự thi”.                                                                       

 

Đến đây thì thời lượng 30 phút của chương trình tạp chí dân tộc và miền núi, được phát trên sóng phát thanh của đài phát thanh truyền hình Quảng Trị xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình, PTV Như Hòa, Đỗ hằng, KTV thu âm Khắc Nam và BTV Hồ Thới xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe.

Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

 

Phát sóng 17h00 ngày thứ ba 7/3/2023

Phát lại 10h30  ngày thứ 4  8/3/2023

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 04/03/2023 21:33 Lê Vĩnh Nhiên 07/03/2023 08:45
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà