Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 4
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 21/3/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 22/3/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau: Thay đổi phương thức hỗ trợ để giảm nghèo bền vững. Tiếp đó chúng tôi có phóng sự về công tác nâng cao khám chữa bệnh ở huyện miền núi Đakrông. Và phần cuối chương trình là những ghi nhận ở huyện Đakrông về việc đổi mới và đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức ATGT, Phòng chống ma túy cho người dân ở vùng sâu vùng xa.

Kính mời đồng bào và các bạn quan tâm đón nghe.

 

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn những nội dung sau: Phần đầu chương trình là phóng sự thay đổi phương thức hỗ trợ để giảm nghèo bền vững. Tiếp đến chúng tôi có phóng sự về công tác nâng cao khám chữa bệnh ở huyện miền núi Đakrông. Và phần cuối chương trình là những ghi nhận ở huyện Đakrông về việc đổi mới và đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức ATGT, Phòng chống ma túy cho người dân ở vùng sâu vùng xa.

Sau đây sẽ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và quý vị cùng lắng nghe.

 

THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ ĐỂ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

 

Thưa đồng bào và các bạn! Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với các giai đoạn trước, đặc biệt việc áp dụng đánh giá theo tiêu chuẩn đa chiều có thể khiến số lượng hộ nghèo, cận nghèo các địa phương tăng lên. Áp lực về nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo cũng vì thế mà tăng theo. Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, việc hỗ trợ gì cho người nghèo, cách thức hỗ trợ thế nào để thật sự hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 14,93%. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo gồm 26.961 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo: 9,14% (16.512 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 5,79% (10.449 hộ). Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, có người do hoạn nạn, ốm đau, thiên tai, dịch bệnh, già cả neo đơn không còn sức lao động; có người thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, chưa biết cách tính toán nên đầu tư sản xuất thua lỗ, mất cả vốn, đặc biệt vẫn còn một bộ phận có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nên không muốn thoát nghèo. Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, khả năng của mỗi người khác nhau nên cần có sự hỗ trợ khác nhau.

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính và dịch vụ đầu vào cho sản xuất, nâng cao năng lực và cải thiện các kỹ năng cần thiết để phục hồi và duy trì sinh kế cho các hộ dân, đặc biệt là phụ nữ dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh trao sinh kế cho chị em bị ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19. Để triển khai dự án được thuận lợi, ngay từ khi thực hiện, Tổ chức Care và  Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã được hưởng lợi tổ chức họp dân, bình xét tiêu chí các hộ để đưa vào danh sách cũng như khảo sát nhu cầu, mong muốn hỗ trợ của người dân, từng nhóm khảo sát đã đến tận các thôn, bản, tìm hiểu thêm về đời sống của bà con, cách thức hỗ trợ cần thiết và hiệu quả để người dân có thêm động lực phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Nhận giống cây trồng và các con nuôi như gà, ngan …là phương án được rất nhiều hộ dân lựa chọn bởi nó phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của hộ gia đình và có tình lâu dài.

Bà Hồ Thị Hai, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

(Đọc phỏng vấn) Gia đình tôi lựa chọn nuôi đàn gà vì trước đây cũng đã có nuôi rồi, rất dễ chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Tôi sẽ cố gắng phát triển đàn gà thật tốt để có kinh tế, trang trải cuộc sống gia đình và chuyện học hành của con cháu).

Sau nhiều năm thực hiện, chính sách giảm nghèo bền vững đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều làng quê. Điều đó một phần là nhờ cách tiếp cận giảm nghèo bền vững hơn, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không. Chính cách làm này đã giúp người dân phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo.

Tại xã A Ngo, huyện Đakrông, mỗi hộ tham gia mô hình nuôi dê quay vòng sẽ tự chọn mua con giống, hội phụ nữ trả tiền trực tiếp cho người bán với số tiền là 4 triệu đồng/hộ. Nếu các hộ chọn mua con giống có giá trị cao hơn so với định mức quy định, phần chênh lệch các hộ phải đóng góp thêm, ngược lại con giống có giá trị thấp hơn so với định mức thì phần còn lại gửi cho các hộ để hỗ trợ xây dựng chuồng trại hoặc mua thức ăn. Cách làm này thực sự mang lại hiệu quả, bởi người dân biết được nguồn gốc con giống, có cách thức chăm sóc phù hợp để phát triển con nuôi của gia đình mình.

Anh Hồ Vai, Xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

(Đọc phỏng vấn) Từ con dê được nhận để nuôi quay vòng, gia đình tôi đã phát triển thêm đàn dê và chăm sóc tốt để trang trải mọi chi phí trong gia đình, Tôi mong muốn được hỗ trợ để phát triển thêm đàn lợn, cải thiện kinh tế để đảm bảo đời sống)

Chị Hồ Thị Thu Nhường

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa cho biết thêm:

Để giúp bà con thoát nghèo một cách bền vững, những năm qua, ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ có điều kiện, người dân, các tổ chức cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện các chương trình giảm nghèo đã giúp xóa bỏ tư tưởng "trông chờ, ỷ lại". Nhờ đó, người dân cũng phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm trong việc giảm nghèo cho chính mình và xã hội.

Trao “cần câu” hay trao “xâu cá” - thay đổi phương thức hỗ trợ cho người nghèo là vấn đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua. Tại Quảng Trị, đã có một số địa phương triển khai mô hình hỗ trợ thoát nghèo bước đầu mang lại hiệu quả như mô hình thí điểm hỗ trợ 30 hộ dân người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở 3 xã Mò Ó, A Ngo, Hướng Hiệp của huyện Đakrông thoát nghèo bền vững. Việc ràng buộc, hỗ trợ có điều kiện bằng cam kết thoát nghèo của đối tượng thụ hưởng đã hạn chế phần nào tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng thời phát huy tính chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiệu quả của cách làm này được khẳng định khi các hộ được hỗ trợ đều đã thoát nghèo. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chưa được nhân rộng do thiếu kinh phí thực hiện. Cũng thực hiện chính sách giảm nghèo, tại 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà của huyện Vĩnh Linh, sau nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo không mang lại hiệu quả, huyện chuyển sang hình thức hỗ trợ theo nhu cầu của hộ dân. Việc lựa chọn hộ để hỗ trợ không chỉ dành cho người nghèo như trước mà vẫn dành một số mô hình hỗ trợ cho hộ có nhu cầu, tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thao

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Ngoài hộ nghèo, cận nghèo còn có cán bộ xã, thôn, bản hoặc hộ có điều kiện được lựa chọn tham gia xây dựng mô hình điểm. Việc tự mình lựa chọn xây dựng mô hình mang tính tiên phong trong chuyển dịch kinh tế, không phụ thuộc quá nhiều vào Nhà nước để chủ động sản xuất sẽ truyền cho những người khác khát vọng, ý chí vươn lên. Đây là cách làm mới rất cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Dù có nhiều phương thức hỗ trợ nhưng để phát huy hiệu quả bền vững cần tìm hiểu cụ thể từng hoàn cảnh, nhu cầu, khả năng của đối tượng thụ hưởng. Để làm tốt điều này, cần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể ở địa phương bởi họ gần dân, sát dân, hiểu điều kiện của từng hoàn cảnh cụ thể nên sẽ hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng nhu cầu và hướng dẫn, đôn đốc, giám sát quá trình thoát nghèo một cách hiệu quả nhất. Việc đầu tư các dự án xóa đói, giảm nghèo cần hình thành cơ chế hỗ trợ vốn theo hướng kịp thời hỗ trợ cho địa phương làm tốt, cắt giảm đối với địa phương làm chưa tốt để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng

PCT Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

 

Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn cần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm sản xuất cũng như cách sử dụng, quản lý vốn vay hoặc số tiền thu được từ mô hình đã đầu tư một cách phù hợp, bền vững nhằm tránh nguy cơ tái nghèo. Cần có chính sách khuyến khích người nghèo vươn lên phát triển kinh tế; xây dựng các mô hình hợp tác xã, tăng cường liên kết hộ nghèo với doanh nghiệp...Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sinh kế đơn lẻ của từng hộ gia đình, cần cân nhắc mở rộng phạm vi hỗ trợ các nhóm hộ liên kết cùng sản xuất một sản phẩm với quy mô lớn hơn, có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, sạch cung cấp cho thị trường mang đến hiệu quả bền vững, lâu dài.

 

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM, CHỮA BỆNH Ở HUYỆN ĐAKRÔNG

Thưa đồng bào và các bạn!Quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ; nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp… là những giải pháp quan trọng mà Trung tâm Y tế huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện có hiệu quả thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhờ đó, tỉ lệ người dân đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngày càng tăng, mức độ hài lòng về chất lượng khám, chữa bệnh được đánh giá cao.

Những năm qua, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng dân tộc thiểu số luôn được huyện Đakrông quan tâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, đội ngũ cán bộ y tế được kiện toàn nên chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao. Để chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền và Trung tâm Y tế huyện Đakrông đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách đồng bộ; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ với BHXH để thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh; nâng cấp điều kiện phục vụ bệnh nhân ở các khoa lâm sàng; cung cấp chế độ ăn cho bệnh nhân nghèo. Các khoa lâm sàng tiếp nhận bệnh nhân đã chỉ định cấp cứu, điều trị kịp thời; phát triển y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe của người dân; lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng, nâng cao sức khỏe với khám, chữa bệnh; phát triển mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và cấp cứu tại cộng đồng…

Bác sỹ Đinh Quang Nhật

GĐ Trung tâm Y tế huyện Đakrông, Quảng Trị

Bà Hồ Thị Mun năm nay đã ngoài 80 tuổi, tuổi già, thường hay đau ốm nhưng nhà xa trạm y tế, vấn đề đi lại khó khăn nên thời gian qua, mỗi khi bà bị bệnh, trạm y tế xã Mò Ó luôn cử đội ngũ bác sỹ đến tận nhà để thăm khám và cấp phát thuốc. Sự quan tâm, tận tình chăm lo sức khỏe của đội ngũ y bác sỹ ở trạm y tế xã đã được người dân ghi nhận, họ yêu thương những người khoác áo blouse trắng và yên tâm hơn về vấn đề sức khỏe của bản thân.

Bà Hồ Thị Mun

Xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

(Đọc phỏng vấn) Bác sỹ ở trạm rất nhiệt tình, tôi đi lại khó khăn nên họ đã đến tận nhà để thăm khám rồi tuyên truyền cho mình các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, dịch tả…các bác sĩ thật sự rất quan tâm, mẹ thì hay đau ốm nhưng lần nào đến cũng được chăm sóc nhiệt tình. Cám ơn các bác sỹ đã quan tâm đến đời sống và sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già)

Theo thống kê từ trạm y tế xã Mò Ó, mỗi năm đơn vị đã khám, chữa bệnh cho hơn 2000 lượt người, bên cạnh đó, trung bình mỗi năm trạm y tế tổ chức hơn 50 lượt về thôn bản để truyền thông công tác phòng chống dịch bệnh, dân số, kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí…Để làm tốt công tác khám chữa bệnh tại cơ sở, trạm y tế xã đã chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ của ngành, nếu trước đây một số bệnh nặng thường phải vượt tuyến thì nay rất ít, việc xử lý bước đầu được thực hiện tốt hơn ở cơ sở, giúp bà con giảm bớt các chi phí khi phải điều trị xa.

Bà Hồ Thị Hoa

Thôn Đồng Đờn, Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

(Đọc phỏng vấn) Bà con đồng bào ở đây được các y, bác sỹ trong trạm quan tâm rất nhiều. Mình đau cái chi cũng đến trạm y tế xã để khám, phải đến trạm mới biết được là mình đau bệnh gì mà chữa, chứ cứ chữa ở nhà thì bao giờ mới hết bệnh, đến đây các bác sỹ rất tốt, họ tận tình khám bệnh, cho thuốc để uống, rồi tuyên truyền cho mình biết về các biện pháp phòng trừ dịch bệnh như rửa tay trước khi ăn uống, vệ sinh nhà của sạch sẽ, không nuôi gia súc trong nhà, nhờ thế mọi người ít bị bệnh hơn trước).

Bà Lê Thị Kim Liên

Trạm trưởng trạm y tế xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị.

Là một huyện miền núi, biên giới với gần 80% là đồng bào Vân Kiều – Pa Cô; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%. Những năm trước đây, công tác khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là người nghèo, dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Khi ốm đau đồng bào không đến cơ sở y tế mà thường tự tìm cách chữa trị một phần do tập tục lạc hậu, một phần khác do hoàn cảnh gia đình không đủ tiền để trang trải chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống cơ sở y tế xã được đầu tư xây dựng đồng bộ, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ được tăng cường cả về số lượng lẫn trình độ chuyên môn, chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh ngày một nâng lên. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm y tế dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh giúp đồng bào yên tâm đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.

Chị Hồ Thị Tám

Thôn Ra Lu, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

Anh Lê Quốc Tuấn

Trạm trưởng trạm y tế xã Húc Nghì, Đakrông, Quảng Trị

 

     Với những giải pháp thiết thực trên, đến nay huyện Đakrông có 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; t lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; tỉ lệ tiêm chủng mở rộng hằng năm đạt trên 95% với 10 loại vắc xin; 100% trạm y tế xã, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 85%…Để tiếp tục làm tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, thời gian tới huyện Đakrông tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Bác sỹ Đinh Quang Nhật

GĐ Trung tâm Y tế huyện Đakrông, Quảng Trị

     Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi; khám, chữa bệnh cho người nghèo. Mở rộng và triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và nâng cao sức khỏe cho người dân…

 

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

ĐAKRÔNG ĐỔI MỚI VÀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NHẬN THỨC ATGT, PHÒNG CHỐNG MA TÚY CHO NGƯỜI DÂN VÙNG SÂU, VÙNG XA.

    Nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng chống ma túy, ATGT cho người dân vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa .. những năm qua huyện Đakrông đã đẩy mạnh công tác truyền thông đến tận người dân, bằng những hình thức phong phú và đa dạng. Ps được thực hiện tại xã Tà Rụt huyện Đakrông.

     Đây là một buổi truyền thông về công tác phòng chống ma túy và ATGT thông cho người dân xã Tà Rụt, được Trung tâm VHTT-TDTT huyện Đakrông phối hợp với UBND xã Tà Rụt thưc hiện. Thay vì truyền thông bằng phương pháp cũ là nói- nghe, người dân không mấy mặn mà, hứng thú. Thì nay, Trung tâm VHTT- TDTT huyện Đakrông đã xây dựng 2 phim ngắn “Ma túy và những hệ lụy ở vùng cao Đakrông” và “Tai nạn giao thông- hiểm họa khôn lường cho người đi đường”. Lồng ghép vào đó là các tiết mục văn nghệ. Bà con đến xem rất đông và rất hứng thú. Đặc biệt, khi xem 2 bộ phim ngắn, những hình ảnh trực quan, người thật việc về những hệ lụy từ ma túy mang lại, những thảm họa do tai nạn giao thông … đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân.

   *P/v: Ông Hồ Văn Quang,  Thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, huyện Đakrông

       Hiện nay, tình trạng buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện Đakrông diễn biến phức tạp. Toàn huyện Đakrông hiện có 5 người nghiện ma túy và 66 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có người nghiện các chất ma túy. Đây chính là mục tiêu mà các đối tượng tội phạm về ma túy hướng đến để tạo ra các mắt xích, mở rộng các đường dây mua bán ma túy. Và thực tế đã có nhiều đối tượng có hành vi phạm tội liên quan đến mua bán tàng trữ và sử dụng các chất ma túy, bị lực lượng công an huyện phát hiện bắt giữ. Trong 5 năm  qua công an huyện Đakrông đã chủ trì, phối hợp phát hiện và triệt phá thành công 42 vụ buôn bán và tàng trữ ma túy trái phép với 55 đối tượng. Riêng trong năm 2022, đã triệt phá thành công 17 vụ.  Tang vật thu giữ 31.112 viên ma túy tổng hợp  và 12kg ma túy đá. Tình hình tội phạm về ma túy ở Đakrông vẫn có những diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, manh động hơn.

      Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, Công an huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về tội phạm và tệ nạn ma túy; chú trọng tuyên truyền đến các nhóm nguy cơ cao như: Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tổ chức tuyên truyền được các buổi tại các xã, thị trấn với hàng nghìn lượt người tham gia, với các hình thức thông qua băng-rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích... Mặt khác, lực lượng phòng chống ma túy Công an huyện đã tập trung triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, biện pháp; mở đợt cao điểm đấu tranh, tấn công trấn áp có hiệu quả với tội phạm ma túy, triệt phá được các đường dây tội phạm về ma túy… Đặc biệt, mỗi năm Trung tâm Văn hóa thông tin – thể dục thể thao huyện cũng đã phối với các địa phương tổ chức những buổi truyền thông như thế này có ý nghĩa rất lớn đối với bà con nhân dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng.

*P/v: Anh HỒ VĂN DÀO, Bí thư chi đoàn thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông

       Tình trạng TNGT cũng đáng báo động, Theo số liệu thống của công an huyện Đakrông.  Trong 5 năm vừa qua đã xảy ra 52 vụ TNGT, làm chết 63 người và bị thương 46 người. Riêng trong năm 2022 tai nạn giao thông trên tuyến đường thuộc huyện quản lý: Xảy ra 07 vụ làm chết 05 người, bị thương 10 người, thiệt hại tài sản gần 50 triệu đồng.  Trong đó TNGT nghiêm trọng: xảy ra 06 vụ, chết 03 người, bị thương 09 người; TNGT rất nghiêm trọng: xảy ra 01 vụ, chết 02 người, bị thương 01 người. Nguyên nhân các vụ tai nạn là do  Đi không đúng phần đường;  Không làm chủ tốc độ, Không nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau…. Nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, thời gian qua Lực lượng CSGT Công an huyện đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên địa bàn, tuyến đường đã được phân công, phân cấp. Tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch cao điểm trong công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT. Trong năm 2022, lực lượng Công an huyện đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến, tập trung xử lý các lỗi vi phạm như:  vi phạm nồng độ cồn, người điều khiển, người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe; xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải, dừng đổ xe trái quy định... Công tác xử lý vi phạm hành chính về TTATGT thông qua phiếu chuyển vi phạm được phát hiện từ thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Công an các đơn vị, địa phương chuyển đến; thông qua điều tra, xử lý tai nạn giao thông và công tác đăng ký xe là 22 trường hợp, với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là gần 69 triệu đồng. Tổng số xử lý VPHC về TTATGT năm 2022 là 537 trường hợp, xử phạt với số tiền là 1.121.700.000đ (Một tỷ, một trăm hai mốt triệu, bảy trăm nghìn đồng).

PV: Ông Nguyễn Lý Tưởng, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đakrông

       Những năm qua, với quyết tâm của huyện, các cơ quan, ban, ngành và các xã trên địa bàn huyện đã áp dụng nhiều cách làm hay, mới lạ đem lại hiệu quả cao, giúp nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước nói chung và góp phần đẩy lùi phòng chống ma túy, đảm bảo trật tự ATGT nói riêng. Trong đó, thông qua các đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự ATGT, phòng chống ma túy với nhiều hình thức sinh động đã tác động tích cực và từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào DTTS miền núi.

*P/v: Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, Đakrông

*P/v: BÀ Hồ Thị Kim Cúc - Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Đakrông.

       Để tiếp tục phấn đấu kéo giảm TNGT cũng như đẩy lùi ma túy ra khỏi cuộc sống của người dân trong thời gian tới, thiết nghĩ ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục vận dụng nhiều phương pháp mới, ứng dụng “truyền thông số” trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trong đó, công tác tuyên truyền cần sát với thực tế cuộc sống, phong tục tập quán để người dân dễ nắm bắt, vận dụng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kết hợp công tác tuyên truyền với xây dựng gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là các già làng, người có uy tín tại địa phương để kịp thời động viên, khen thưởng. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ nắm tình hình, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ tuyên truyền viên để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

 

Đến đây thì thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình BTV Hồ Thới cùng các PTV Đỗ Hằng,…, KTV Khắc Nam xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe.

Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 17/03/2023 08:33 Lê Vĩnh Nhiên 17/03/2023 09:51
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà