Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 6
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 4/4/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 5/4/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Mở đầu chương trình là phóng sự: Đưa ánh sáng văn hóa về với bản làng. Tiếp đến chúng tôi có phóng sự về niềm đam mê khởi nghiệp từ làm nông nghiệp sạch và triển vọng phát triển cây cam. Phần cuối của chương trình là phóng sự về niềm vui từ những con đường nối bản mà chúng tôi ghi nhận được được ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa.

Kính mời đồng bào và các bạn quan tâm đón nghe.

 

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn những nội dung sau: Mở đầu chương trình là phóng sự: Đưa ánh sáng văn hóa về với bản làng. Tiếp đến chúng tôi có phóng sự về niềm đam mê khởi nghiệp từ làm nông nghiệp sạch và triển vọng phát triển cây cam. Phần cuối của chương trình là phóng sự về niềm vui từ những con đường nối bản mà chúng tôi ghi nhận được được ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa.

Sau đây sẽ là nội dung chi tiết của chương trình, kính mời đồng bào và quý vị thính giả cùng lắng nghe.

PS1:  Thưa QV&CB! Miền Tây Quảng Trị là vùng đất mà các thế hệ những người làm công tác chiếu phim miền núi Quảng Trị gắn bó nghĩa tình, chung thủy. Một cách thầm lặng, từ năm này sang năm khác, các anh vẫn miệt mài vượt núi cao, suối sâu để đưa phim về với bản làng, mang lại niềm vui, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho bà con, và góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi trên tuyến biên giới ngày mỗi ấm no, đẹp giàu. 

Đưa ánh sáng văn hóa về với bản làng

Miền Tây Quảng Trị, những cung đường hiểm trở gian nan, những bản làng xa xôi, hẻo lánh… Cuộc sống của người dân vẫn còn đó không ít nhọc nhằn, vất vã…Nơi đây cũng chính là vùng đất mà bao thế hệ những người làm công tác chiếu phim miền núi Quảng Trị chúng tôi đã xuôi ngược, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi với đồng bào, nhất là vào những lúc khó khăn, hoạn  nạn, mưa rừng thác lũ.

Lê Thị Việt Hà- Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh Quảng Trị

Đây là cung đường vào bản Cát của xã Hướng Sơn, chúng tôi đang đi dưới lòng suối cạn thấp hơn mặt đường cũ ước chừng gần 10 mét. Năm 2020, tuyến đường bị cơn lũ cuốn trôi và chia cắt tại nhiều điểm, hiện tại vẫn chưa biết đến bao giờ mới có thể khôi phục. Điều đó cũng đồng nghĩa, vào mùa mưa là bản Cát và Trỉa sẽ lại bị cô lập …

Trích tiếng nhân vật.

Sau một khoảng thời gian dài xảy ra thiên tai, khu vực miền núi Quảng Trị vẫn chồng chất khó khăn. Nhiều nơi như ở Hướng Sơn, Hướng Việt, Húc… vẫn ngổn ngang, nhiều thửa ruộng là nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều gia đình vẫn bị đất đá vùi lấp, nhiều cung đường vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở vào mùa mưa …

Chúng tôi phải cố gắng thật nhiều mới có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm của mình, suốt 9 trong một năm, cả 2 đội chiếu phim miền núi với 8 thành viên của chúng tôi luôn đảm bảo hoàn thành 336 buổi chiếu trên hầu khắp địa bàn các xã miền núi,  từ vùng đất Vĩnh Hà xa xôi nơi thượng nguồn dòng Bến Hải, và các xã Vĩnh Khê, Vĩnh Ô thuộc huyện Vĩnh Linh, cho đến các xã trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, từ khu vực phía Bắc như Hướng Lập, Hướng Việt bên dòng Sê Băng Hiêng, các xã Hướng Sơn, Hướng Linh dưới chân dãy Pa Thiên hùng vĩ, và tiếp theo là các xã vùng Lìa trải dài theo dòng sông biên giới Sê Pôn về phía nam Hướng Hóa như Pa Tầng, A Dơi, Xy, Lìa, Thanh, Thuận, Hướng Lộc, Húc… Xuôi về phía Đông, chúng tôi lại đến với vùng đất Đakrông như A Bung, A Ngo, Tà Rụt , A Vao…

Vượt qua những khó khăn trở ngại của yếu tố thời tiết khí hậu và địa hình, của điều kiện kinh tế, xã hội ở miền núi còn nhiều hạn chế, phần thưởng thật ý nghĩa đối với chúng tôi là sự đón nhận của đồng bào Vân kiều, Pa Kô với tình cảm luôn ấm áp chân tình, là những buổi chiếu phim luôn có đông đảo người dân, từ em thơ cho đến người già… 

Anh Lê Hà – Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Quảng Trị

Những chương trình phim phục vụ đồng bào Vân kiều, Pa Kô luôn được chúng tôi lựa chọn công phu với nội dung thật phong phú để đáp ứng sự mong đợi của người xem thuộc nhiều thế hệ khác nhau.  Đó là phim về đề tài chiến tranh cách mạng, về gương người tốt, việc tốt, và có sự lồng ghép của một số chương trình tuyên truyền về phòng chống các loại dịch bệnh,  phòng chống tội phạm, về xây dựng biên giới hòa bình và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc…

Anh Hồ Văn Tùng, Bí thư chi bộ thôn Ro Ró – xã A Vao, huyện Đakrông.

Vượt qua những dãy núi cao, phía bắc dòng Sê Băng Hiêng là xã Hướng Lập. Từ trung tâm xã ở bản A Xóc vào đến bản Cù Bai phải vượt qua quảng đường hơn 10 cây số, đường đi vẫn còn lắm gian nan. Nhận tin báo tin báo có đội chiếu phim đang trên đường đến với Cù Bai, chính quyền xã Hướng Lập và già làng bản Cù Bai liền cử thanh niên kịp thời giúp sức cùng đội chiếu phim vượt dòng Sê Băng Hiêng để về bản.

Hồ Thị Ven - Chủ tịch UBND xã Hướng Lập – huyện Hướng Hóa- Quảng Trị

 

Hồ Văn Thới - Thôn Cù Bai - Hướng Lập - Hướng Hóa - Quảng Trị

Từ xã Hướng Lập thuộc huyện Hướng Hóa  trên tuyến biên giới Việt - Lào và tiếp giáp với vùng đất Quảng Bình, vượt chặng đường gần hai trăm cây số, chúng tôi lại có mặt ở bản Pire 1 và Pire 2 của xã A Bung.

Đây là lần đầu tiên những người làm công tác chiếu phim miền núi Quảng Trị đến với Pire 1 và Pire 2, chúng tôi đã được đông đảo bà con Pa Kô ở đây đón tiếp chu đáo và nồng hậu.

Chương trình của chúng tôi hôm nay cũng mang đến cho bà con điều đặc biệt, đó là phim về nỗi lòng thương nguồn nhớ cội của đồng bào Vân kiều, Pa Kô nơi miền tây Quảng Trị, cùng một số hoạt động lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức đẩy lùi các tệ nạn trong đời sống xã hội.

Hồ Văn Hiền - Phó chủ tịch UBND xã A Bung – huyện Đakrông - Quảng Trị

Bước chân của những người làm công tac chiếu phim miền núi đến với bản làng xa xôi đang góp phần xua đi những đói nghèo, đẩy lùi lạc hậu, giúp cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô giữa vững niềm tin với  Đảng để dựng xây cuộc sống mới.  Và những đổi thay của bản làng cũng là động lực thôi thúc các anh vượt lên gian nan, thử thách để nối dài những chuyến đi, để cống hiến thật nhiều cho quê hương…

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

 

PS2: Thưa Quý vị và các bạn! Tốt nghiệp trường Cao đẳng kinh tế, song không chọn công việc ổn định như bao bạn bè, chàng trai trẻ Trần Văn Quốc (Sinh năm 1992) ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa quyết định sống với đam mê sản xuất nông nghiệp của mình. Về quê khởi nghiệp, tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu cùng nhiều trăn trở, đam mê, sau 2 năm, Trần Văn Quốc đã bước đầu thành công với ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Khởi nghiệp từ đam mê làm nông nghiệp

Đầu năm 2021, Quốc quyết định về quê để khởi nghiệp với niềm đam mê làm nông nghiệp của mình. Trên diện tích đất gần 2hecta được cha mẹ để lại, Quốc quyết định cải tạo một nửa diện tích đất cà phê già cỗi sang trồng chanh leo. Diện tích còn lại trồng chanh leo xen canh với cà phê. Sau gần một năm xuống giống, 120 gốc chanh leo Quốc trồng cho thu hoạch. Do được chăm sóc khéo léo, kỹ lưỡng nên mỗi năm chanh leo Quốc trồng cho thua hoạch đều 2 vụ, thu về 18 tấn quả tươi với nguồn thu nhập khoảng 180 triệu đồng.

Anh Trần Văn Quốc - Thôn Xa Re, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Bên cạnh trồng chanh leo là hướng thu nhập chính, chàng trai trẻ này cũng có thể làm mọi ngành nghề để tạo thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu, học hỏi kiến thức từ thực tế, Quốc tự trồng và sản xuất tinh bột nghệ, trồng và nuôi thêm các loại cây, con đem lại thu nhập. Sau 2 năm về quê, khởi nghiệp từ làm nông nghiệp, mỗi năm Quốc thu về hơn 300 triệu đồng từ các mô hình nông nghiệp.

Anh Hồ Văn Cao - Bí thư xã đoàn Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Hiện tại, từ nguồn vốn tích lũy sau 2 năm về quê cùng nguồn vay vốn ưu đãi qua kênh Đoàn Thanh niên, Quốc quyết định đầu tư, mở rộng quy mô làm nông nghiệp, thuê gần 5hecta đất đồi để xuống giống trồng thêm chanh leo và các loại cây ăn quả chất lượng cao. Trong các loại hình khởi nghiệp, khởi nghiệp từ nông nghiệp là khó nhất, đắt nhất và tốn nhiều thời gian nhất, nhận thức rõ điều này, Quốc luôn tâm niệm “Khởi nghiệp từ nông nghiệp dứt khoát phải có đam mê. Nhưng đam mê không vẫn chưa đủ, cái cần nhất vẫn là kiến thức và sự kiên định mục tiêu để theo đuổi đến cùng ước mơ của mình”.      

 

PS3: Thưa quý vị và các bạn! Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đã quyết định đưa các giống cây mới vào sản xuất, trong đó có cây cam và bước đầu mang lại nguồn thu nhập khá.

Triển vọng từ mô hình trồng cam ở xã Hướng Tân

Năm 2020, trên diện tích 1 ha cà phê già cỗi, gia đình chị Bùi Thị Hương, thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đã quyết định chuyển đổi sang trồng  400 gốc cam Canh và cam V2. Với phương thức canh tác hữu cơ, không phun hóa chất, không bón nhiều phân mà chủ yếu giữ chất dinh dưỡng cho cây bằng phương pháp cân bằng sinh học. Sau 3 năm xuống giống, vườn cam của gia đình chị Hương đã cho thu hoạch bói, quả to, mọng nước, ngọt thanh, quả khá nhiều. Bình quân mỗi gốc cam cho thu hoạch từ 15 - 20 kg trái. Sản phẩm chủ yếu được bán ngay tại vườn nhà và qua facebook, zalo, giá bán lẻ 25 nghìn đồng/kg. Biết được đây là nguồn trái cây sạch nên nhiều khách hàng trong xã, huyện đặt mua.

Chị Bùi Thị Hương - Thôn Trằm, Hướng Tân, Hướng Hóa, Quảng Trị

Hiện nay, trên địa bàn xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa có khá nhiều hộ nông dân trồng cam các loại như cam Vinh, cam Canh, cam V2… với diện tích từ 4 sào đến 2ha. Thông thường cam sẽ ra trái vào tháng 5 và cho thu hoạch vào tháng 12 dương lịch. Mỗi năm, cho thu hoạch 1 vụ. Sau mỗi vụ thu hoạch, mang lại thu nhập cho bà con trồng cam khoảng vài chục triệu đồng.

Ông Hồ Văn Lữ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Tân, Hướng Hóa, Quảng Trị

Mặc dù, mô hình trồng cam mới được người dân trên địa bàn xã chọn trồng trong thời gian gần đây, nhưng qua thực tế cho thấy mô hình mang lại hiệu quả khá cao. Đây là hướng đi mới, giúp người dân tận dụng tốt nguồn tài nguyên đất để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào việc phát triểnkinh tế gia đình và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

PS 4: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, nhiều công trình đường giao thông nối trung tâm với các thôn, bản vùng khó khăn  đã đầu tư xây dựng , tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH), góp phần giảm nghèo bền vững. Ghi nhận tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa.

Niềm vui từ những con đường nối bản

Từ đầu năm 2022, tuyến đường Quốc phòng Thanh – Xy nối từ các thôn bản vùng khó của xã Thanh đến xã Xy được đầu tư xây dựng. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 10km, do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư. Sau hơn 1 năm xây dựng, con đường mà người dân ở đây mong đợi suốt mấy chục năm qua đã dần hiện hữu. Những ổ trâu, ổ voi chằng chịt, ngày nắng thì bụi mịt mù, ngày mưa thì lầy lội giờ chỉ còn trong ký ức. Có đường xây dựng kiên cố, khoảng cách giữa vùng gian khó này với trung tâm xã, huyện như ngắn lại, đời sống của người dân được cải thiện.

Ông Pả Xê - Thôn Thanh 4, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Cùng với tuyến đường Quốc phòng đang được đưa vào sử dụng, tại xã Thanh, trong  những năm trở lại đây, những con đường bê tông đến các khu sản xuất cũng được đầu tư xây dựng. Riêng trong năm 2022, có 3 con đường đượng đầu tư, xây dựng tại địa phương này. Nhờ giao thông thuận lợi, kinh tế đời sống người dân vùng khó đã được cải thiện, những ngôi nhà khang trang mọc lên.. Bên cạnh đó, hệ thống trường lớp đã được mở rộng 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường… Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe đều được chú trọng.

Ông Hồ Văn Phở - Trưởng thôn Mới, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Ông Hồ Văn Them - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Với việc hoàn thành và xây dựng các tuyến đường ở những xã biên giới, khó khăn đã và đang góp phần tạo nên một diện mạo mới cho mảnh đất biên cương Hướng Hóa. Giao thông thuận lợi tạo điều kiện để nâng cao thu nhập cho người dân từ những cây công nghiệp có giá trị như sắn, chuối..., giúp cho không ít hộ gia đình vùng khó vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Có đường mới, ước mơ ấm no, hạnh phúc chắc chắn sẽ sớm trở thành hiện thực nơi mảnh đất biên cương Hướng Hóa.

 

Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình BTV Hồ Thới cùng các PTV Thúy Hằng,…, KTV Khắc Nam xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe.

Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 31/03/2023 12:54 Lê Vĩnh Nhiên 04/04/2023 21:07
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà