Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 3
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 14/3/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 15/3/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau: Chuyển đổi mô hình chăn nuôi bò quảng canh sang mô hình nuôi nhốt tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa. Mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng. Tiếp đó chúng tôi sẽ có phóng sự phát huy Quyền trẻ em thông qua việc thành lập Hội đồng đội trẻ em ở huyện miền núi Hướng Hóa. Thời lượng còn lại chúng tôi sẽ có phóng sự về chân dung một công an viên thôn bản làm kinh tế giỏi và một số ghi nhận về hiệu quả đạt được từ mô hình nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi.

Kính mời đồng bào và các bạn quan tâm đón nghe.

Dẫn đầu:

Xin kính chào đồng bào và các bạn, đồng bào và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn những nội dung sau: Chuyển đổi mô hình chăn nuôi bò quảng canh sang mô hình nuôi nhốt tại xã Thanh huyện Hướng Hóa. Mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng. Tiếp đó chúng tôi sẽ có phóng sự phát huy Quyền trẻ em thông qua việc thành lập Hội đồng đội trẻ em ở huyện miền núi Hướng Hóa. Thời lượng còn lại chúng tôi sẽ có phóng sự về chân dung một công an viên thôn bản làm kinh tế giỏi và một số ghi nhận về hiệu quả đạt được từ mô hình nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi.

Sau đây sẽ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và quý vị cùng lắng nghe.

Dẫn 1:

Thưa đồng bào và các bạn. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, những năm qua phong trào chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã được người dân địa phương vùng Lìa huyện Hướng Hóa thực hiện một cách tích cực. Tại xã Thanh, mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo là mô hình được người dân lựa chọn làm mô hình chuyển đổi. Từ một vài mô hình nhỏ lẻ ban đầu, sau hơn bốn năm xây dựng mô hình đã được nhân rộng ra trên toàn địa bàn, giúp người dân nâng cao thu nhập và khẳng định đây là mô hình phù hợp, giúp thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con.

Chuyển đổi mô hình chăn nuôi tại xã Thanh

Năm 2018, hộ gia đình anh Hồ Y May, thôn Thanh Ô, xã Thanh bắt đầu thử ngiệm mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo. Ngày bắt tay vào xây dựng mô hình, gia đình anh gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ. Vốn đầu tư không có, kiến thức về chăn nuôi bò vỗ béo còn thiếu, hình thức chăn nuôi khác xa với truyền thống chăn nuôi quãng canh ở địa bàn. Để thực hiện mô hình, thông qua kênh vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hướng Hóa, anh Hồ Y May đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo. Với số tiền ban đầu gia đình anh đã xây dựng chuồng trại và đầu tư mua ba con bò giống. Vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, sau hơn 5 năm chăn nuôi đến thời điểm hiện tại gia đình anh đã có 10 con bò thịt, hai con bò giống sinh sản. một năm trước, gia đình anh đã bán hai con bò thương phẩm, trả đủ gốc và lãi cho ngân hàng.

Đến nay gia đình anh có tổng cộng 8 con bò thịt, hai con bò giống sinh sản, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, giúp kinh tế gia đình anh vươn lên thoát nghèo bền vững. Với mô hình này, gia đình anh Hồ Y May là một trong những hộ đi đầu trong việc thay đổi mô hình chăn nuôi, từ chăn nuôi quãng canh truyền thống chuyển sang mô hình nuôi vỗ béo hiệu quả cao. Từ thành công của gia đình anh đến thời điểm hiện tại đã có 10 gia đình trong thôn Thanh Ô tìm đến học hỏi và thực hiện theo mô hình chăn nuôi của gia đình.

Anh Hồ Y May

Thôn Thanh Ô, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Đọc phỏng vấn) “Chúng tôi rất mong nhận được sự đầu tư của Nhà nước để làm chuồng trại chăn nuôi, giúp chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH dành cho người nghèo để gia đình đầu tư mô hình chăn nuôi. Đến nay đời sống kinh tế đã đỡ hơn nhiều. Hiện tại mong muốn của gia đình là tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để mở rộng mô hình, đầu tư xây dựng chuồng trại chắc chắn hơn. Bên cạnh đó cũng mong muốn được chính quyền cấp trên hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật trồng cỏ voi chất lượng cao, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho đàn bò.”

Với đặc điểm diện tích đất đai hẹp, nhiều đồi núi, hiện tại đa số diện tích đất tự nhiên của xã Thanh đã được người dân khai thức hết để canh tác sắn, cao su và cây cà gai leo. Từ việc diện tích đất bị khai thức tối đa, kéo theo đó là diện tích chăn thả bị thu hẹp, mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê theo hình thức thả rông, quãng canh truyền thống đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi truyền thống từ lâu đã không mang lại hiệu quả kinh tế, tốn nhiều công chăm sóc nhưng thu nhập thấp. So với hình thức chăn nuôi thả rông mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo như thế này đỡ công chăm sóc, chủ động được nguồn thức ăn bằng cách khai thác nguồn thức ăn từ cây chuối, cây cỏ voi và các sản phẩm phụ từ sản xuất nông nghiệp. Từ kinh ngiệm nuôi bò nhốt vỗ béo của những gia đình đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình, để đàn bò phát triển tốt, ít bị anh hưởng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng vùng núi, thì trước tiên người dân cần phải chú ý cách làm chuồng trại. Chuồng trại phải mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông và tránh được hướng gió Đông Bắc; phải có sân chơi cho bò. Bên cạnh việc tận dụng nguồn thức an thô xanh thì phải bổ sung thức ăn tinh cho bò. Thuận lợi của nuôi bò nhốt chuồng là dễ kiểm soát dịch bệnh hơn so với nuôi chăn thả... ngoài ra, do chủ động được nguồn thức ăn nên bò lớn nhanh hơn, giảm được chi phí chăm sóc.

Với đặc điểm tự nhiên của xã Thanh, trong lĩnh vực chăn nuôi thì nuôi bò nhốt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì thế, hiện nay chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nông dân tập trung vào việc khai thác có hiệu quả đất đai nhàn rỗi, đất gò đồi để trồng cỏ, chăn nuôi bò. Đây là mô hình chăn nuôi an toàn vì vừa quản lý được vật nuôi, phòng dịch bệnh tốt, quá trình chăm sóc đảm bảo, vừa tranh thủ được thời gian nông nhàn. Đặc biệt với thành công của mô hình, chính quyền địa phương và người dân đã có thêm một sự lựa chọn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển hướng phát triển kinh tế từ canh tác tự nhiên sang sản xuất hàng hóa hiệu quả cao.

Anh Hồ Văn Chung

Thôn Thanh Ô, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

( Đọc phỏng vấn) “So với chăn nuôi thả rông thì nuôi nhốt hiệu quả hơn nhiều. Chăn nuôi theo kiểu nhốt vỗ béo này vừa đỡ công chăm sóc vừa chủ động được nguồn thức ăn. Tôi thấy chăn nuôi theo hình thức mới này cho hiệu quả kinh tế cao hơn, chăn nuôi số lượng lớn hơn.

Trước thì gia đình tôi nuôi 14 con bò, đã xuất bán 3 con, nên hiện nay chỉ còn 11 con. Nhận thấy giá cả khá cao nên chúng tôi mới quyết định bán. Trung bình mỗi con bán được 19 triệu đồng.”

Mô hình nuôi bò nhốt kết hợp trồng cỏ ở xã Thanh là hướng làm ăn không mới nhưng qua thời gian đã khẳng định hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân. Mô hình nuôi bò nhốt chuồng đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho hội viên, nông dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, cán bộ địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, trong thời gian qua, qua năm bắt, theo dõi tại cơ sở và lắng nghe nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương đã kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ, các đơn vị hảo tâm hỗ trợ cây con giống cho người dân, trong đó chú trọng đến việc kêu gọi các đơn vị hảo tâm hỗ trợ bò giống và xây dựng mô hình nuôi bò nhốt cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hướng Hóa hỗ trợ phát triển chăn nuôi, chính quyền xã Thanh đã vận động kêu gọi được sự hộ trợ của Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 hỗ trợ 28 con bò giống. Toàn bộ số con giống này được bố trí cho các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt. Bên cạnh đó, địa phương tích cực chỉ đạo các đơn vị khuyến nông, thú y xã xuống địa bàn hỗ trợ người dân phương pháp phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc bò sinh sản trong mùa đông, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại.; chỉ đạo xây dựng các vùng nguyên liệu cung cấp nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc.

Ông Hồ Văn Them

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Từ thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại xã Thanh, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo theo hình thức nuôi nhốt là hướng đi đúng, giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, từ thực tế hiện nay, diện tích đất đai ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi gia súc lớn, do vậy việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi như đã và đang thực hiện tại xã Thanh là hướng đi đúng đắn trong mục tiêu phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Đây cũng là cơ sở để Hướng Hóa đưa ra chủ trương xây dựng đề án phát triển chăn nuôi, trong đó đưa nghề nuôi bò nhốt trở thành nghề sản xuất chính.

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

 

Dẫn 2:

Thưa đồng bào và quý vị khán giả! Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã thực hiện có hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng. Các thôn bản trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng Quy ước quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng, phát huy tính tự quản của nhân dân thông qua các tổ bảo vệ rừng cộng đồng trong phòng cháy, chữa cháy và phát triển rừng.

Quản lý bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng

 

Nếu như những năm trước đây các xã như Hướng Linh, Hướng Sơn và Hướng Phùng của huyện Hướng Hóa là điểm nóng xâm hại rừng thì nay các xã đã làm tốt việc bảo về rừng nhờ tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng, tổ bảo vệ rừng của thôn triệu tập từ 8 đến 10 người cùng kiểm lâm địa bàn, nhân viên rừng phòng hộ, khu bảo tồn tổ chức tuần tra rừng. Vì vậy, các thông tin liên quan đến hiện trạng rừng hoặc phát hiện người lạ, rừng có dấu hiệu bị xâm phạm, tổ tuần rừng sẽ ngăn chặn, báo cáo kịp thời với lực lượng chức năng.

 

Anh Hồ Sa Vẳn

 Tổ bảo vệ rừng thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

 

Toàn huyện Hướng Hóa có trên 51 nghìn héc ta rừng, gần 242 tổ quần chúng bảo vệ rừng tại 15 xã với trên 2.000 lượt người tham gia. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng Quy ước quản lý rừng cộng đồng đến từng khu dân cư. Quy ước cũng góp phần duy trì an ninh thôn bản, ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân có thu nhập chính đáng từ rừng.

 

Ông Lê Văn Quốc

Hạt Phó hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, Chi cục kiểm lâm Quảng Trị

Có thể thấy, việc quản lý rừng thông qua các tổ bảo vệ rừng trong cộng đồng ở huyện Hướng Hóa không chỉ nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng mà còn bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dẫn 3:

Thưa đồng bào và các bạn. Huyện Hướng Hóa vừa thành lập Hội đồng trẻ em giai đoạn 2021 – 2025. Đây là hoạt động nhằm phát huy hơn nữa quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030; tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực trẻ em; để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất thiết thực của thiếu nhi trong việc học tập, vui chơi, giải trí.

Hội đồng trẻ em Hướng Hóa phát huy Quyền trẻ em miền núi

Hướng Hóa là huyện miền núi, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, với diện tích tự nhiên là 115,086 ha; tổng dân số là 94.132 người (đầu năm 2022), trong đó tổng số trẻ em (dưới 16 tuổi) là 36.658 trẻ, chiếm tỉ lệ 39,84% tổng dân số, riêng trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số là 17.324 trẻ chiếm gần 47% tổng số trẻ em; toàn huyện có 351 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 17.803 trẻ em sống trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong thời gian qua, Cấp ủy chính quyền và toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã tập trung đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ quyền và lợi ích, chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em, động viên, khích lệ các em thiếu nhi rèn luyện, phấn đấu học tập, qua đó tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện. Nhiều mô hình, diễn đàn, sân chơi bổ ích  được tổ chức đã góp phần hình thành nên kỹ năng sống, giúp các em m ạnh dạn hơn trong bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến việc học tập, sinh hoạt, vui chơi và giải trí của các em.  Đặc biệt, ngày 11/8/2021 UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 421/KH-UBND về thực hiện “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em” trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó xác định Quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong thời gian tới. Điều đó khẳng định rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện đã và đang được cấp uỷ, chính quyền quan tâm và ngày càng đi vào chiều sâu.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song với đặc thù là huyện miền núi, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận trẻ em dân tộc thiểu số còn gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp; Đa số trẻ em vùng sâu vùng xa gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, thiếu địa điểm vui chơi giải trí, điều kiện học tập hạn chế cũng như ít có cơ hội tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng sống. Mặt khác, khái niệm “Quyền trẻ em” nhất là quyền tham gia của trẻ em vẫn còn rất mới mẻ, chưa có môi trường riêng biệt để các em được bày tỏ ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mình.

Thực tế đó đòi hỏi phải có một mô hình, tổ chức làm chức năng đại diện cho cho trẻ em, có vai trò truyền thông về quyền trẻ em, thu thập thông tin về việc thực hiện quyền trẻ em, các chương trình chính sách của Đảng, nhà nước về trẻ em, đồng thời đại diện cho trẻ em trên địa bàn huyện đưa ra các ý kiến với các cấp có thẩm quyền; giám sát việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về trẻ em trên địa bàn huyện, theo sát việc phản hồi của các cơ quan chức năng với các ý kiến trẻ em đã phản ánh, đó là mô hình Hội đồng Trẻ em.

Để đẩy mạnh việc thực hiện Quyền trẻ em có chiều sâu hơn, ngày 16/11/2022, UBND huyện đã phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Trị, Tổ chức Plan Việt Nam tại Quảng Trị tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về thành lập Hội đồng Trẻ em giai đoạn 2022 – 2025. Tại Hội thảo các cơ quan, ban ngành, đại diện các đơn vị giáo dục phổ thông trên địa bàn và tập thể cán bộ Đoàn toàn huyện đã tham gia góp ý vào các nội dung của Đề án để xây dựng Đề án thành lập Hội đồng trẻ em huyện Hướng Hóa đảm bảo khoa học, sát với yêu cầu thực tiễn cũng như đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.

Sau khi Đề án thành lập Hội đồng Trẻ em huyện Hướng Hóa được UBND huyện ban hành tại Quyết định số 4309/QĐ-UBND ngày 23/1/2023, UBND huyện đã giao cơ quan Huyện đoàn là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án.

Anh Nguyễn Anh Cư

Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa, Quảng Trị

Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ được giao, Cơ quan Huyện đoàn Hướng Hóa đã tổ chức tuyển chọn thành viên tham gia Hội đồng Trẻ em. Bên cạnh cơ cấu đại biểu do các cơ sở Đội trên địa bàn huyện giới thiệu, BTV Huyện Đoàn đã xây dựng cơ cấu đại biểu ứng cử để các em tự nghiên cứu, chủ động đề đạt nguyện vọng và tham gia ứng cử HĐTE. BTV Tỉnh Đoàn đã thành lập Hội đồng xét chọn, qua đó các em được trình bày chương trình hành động, nói lên những hiểu biết của mình về HĐTE, kiến thức Luật trẻ em và xử lý các tình huống liên quan đến trẻ em do Hội đồng đưa ra. Qua quá trình ứng cử và đề cử, BTV Huyện Đoàn đã lựa chọn 37 trẻ em xuất sắc nhất đại diện cho hơn 18 ngàn trẻ em trong toàn tỉnh tham gia HĐTE huyện Hướng Hóa giai đoạn 2022 - 2025.

Em Hồ Thị Ánh Tuyết

Thành viên Hội đồng đội trẻ em huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021 – 2025

Sáng ngày 12/02/2023, BTV Huyện Đoàn đã tổ chức phiên gặp mặt Hội đồng đội trẻ em huyện Hướng Hóa, tại chương trình các em được tham gia các trò chơi vận động, giao lưu chia sẻ những sở trường, năng khiếu của bản thân, được các anh chị phụ trách giới thiệu về mô hình Hội đồng Trẻ em, vai trò và nhiệm vụ của thành viên Hội đồng Trẻ em, thảo luận quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng đội trẻ em giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời tại buổi làm việc, các em đã ứng cử, đề cử và bầu cử chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐTE huyện Hướng Hóa giai đoạn 2022 - 2025.

Em Nguyễn Trần Khánh Chi

Chủ tịch Hội đồng đội trẻ em huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Anh Nguyễn Anh Cư

Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa, Quảng Trị

Với sự năng nổ, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Trẻ em cùng sự quan tâm từ chính quyền địa phương và đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía gia đình, nhà trường cùng sự định hướng, hỗ trợ của Ban Tham phấn, tin tưởng răng HĐTE huyện Hướng Hóa giai đoạn 2022 - 2025 sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, tâm huyết của mình để đồng hành, hỗ trợ thiếu nhi huyện nhà được bày tỏ nguyện vọng, nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề liên quan đến trẻ em, thúc đẩy trẻ em phát triển toàn diện./.

 

Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

 

 

 

 

 

Dẫn 4:

         

Không chịu khuất phục trước cái đói, cái nghèo, anh Hồ Văn Phở, công an viên thôn Thôm Mới, xã Thanh, huyện Hướng Hóa quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát nghèo, nuôi con cái ăn học. Ngoài ra, , với vai trò là công an viên thôn, anh có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn.

Công an viên làm kinh tế giỏi

          Đối với nhiều người dân tại thôn Mới, xã Thanh, anh Hồ Văn Phở là tấm gương đáng để học tập về tinh thần siêng năng, cần cù, làm kinh tế giỏi. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Dù sở hữu diện tích đất hơn 2 hecta song do chưa tình được hướng làm kinh tế nên cuộc sống của 2 vợ chồng với 4 đứa con luôn luẩn quẩn với  nghèo khó. Một thời gian, được sự tư vấn, hướng dẫn làm kinh tế của các cấp ngành, đồng thời với tinh thần ham học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, anh đã dần đưa gia đình thoát nghèo. Hiện tại, gia đình sở hữu có 10 con bò, 2hecta đất phủ xanh bởi sắn, cao su, bời lời.

Ạnh Hồ Văn Phở

Thôn Mới, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

          Thôn Thanh Mới là thôn biên giới 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, đời sống người dân còn khó khăn. Với vai trò là công an viên của thôn, anh luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trong thôn, xã.  Anh thường xuyên  tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền, vận động các đối tượng thanh thiếu niên gây rối, mất trật tự xã hội, nghiện ma túy từ bỏ nghiện ngập, lao động và sống có ích… Nhờ vậy, an ninh trật tự ở thôn Thôn Mới luôn được giữ ổn định.

Ông Hồ Văn Them

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

          Siêng năng, làm kinh tế giỏi, vượt khó nuôi các con ăn học thành người, anh Hồ Văn Phở là tấm gương đáng để nhiều người dân học hỏi. Bên cạnh đó, người công an viên này luôn sát cánh cùng lực lượng công an địa phương đảm bảo ANTT trên địa bàn, mang đến sự bình yên cho Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

HIỆU QUẢ MÔ HÌNH NHÓM CHA MẸ TỪ 0 ĐẾN 10 TUỔI

Thưa đồng bào và các bạn! Lâu nay, với quan điểm ‘Trời sinh voi, trời sinh cỏ’, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, trẻ em tự thích nghi với cuộc sống và lớn lên.  Để thay đổi nhận thức của các ông bố, bà mẹ người đồng bào, mô hình ‘Nhóm cha mẹ từ 0 –10 tuổi” đã được thành lập, từ đó góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ cho các bậc phụ huynh nơi miền Tây Quảng Trị.

Một tháng một lần, các thành viên nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi tại thôn Thanh Ô, xã Thanh, huyện Hướng Hóa tổ chức sinh hoạt định kỳ. Tại đây, các các ông bố, bà mẹ được gặp gỡ, trao đổi các kiến thức mình áp dụng trong thời gian qua để nuôi dạy con cái, đồng thời được các tình nguyện viên hướng dẫn các kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc và phát triển trẻ dựa vào các mốc phát triển từ 0-10 tuổi cũng như tổ chức thăm các hộ gia đình có con nhỏ. Từ đó, các chị em cùng được hỗ trợ cách chế biến dinh dưỡng, hướng dẫn chăm trẻ theo các mốc thời gian khác nhau, đặc biệt là gia đình trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Các hoạt động này đã góp phần tăng cường sự học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con giữa các thành viên một cách hợp lý và khoa học.

Chị Hồ Thị Xuân

Xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Tham gia nhóm từ năm 2020, tôi đã được các chị trong nhóm hỗ trợ và chia sẻ rất nhiều các kiến thức chăm sóc con sao cho khoa học, hợp lý và phù hợp với điều kiện gia đình. Từ cách chế biến thức ăn, chăm con hàng ngày đến những dấu hiệu đau ốm tôi đều được các chị chia sẻ. Con tôi sức khỏe tốt, nhanh nhẹn và hoạt bát, tôi rất vui.)

Từ năm 2021 đến nay, xã Thanh đã phát triển được 10 nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi với gần 260 thành viên tham gia các hoạt động. Vượt qua những khó khăn ban đầu trong quá trình thay đổi nhận thức của các ông bố, bà mẹ người đồng bào dân tộc thiểu số với quan niệm ‘Trời sinh voi trời sinh cỏ”, cho đến nay, các mô hình nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi đã hoạt động thường xuyên, liên tục với sự tham gia đều đặn của các thành viên để cùng tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.

Chị Hôc Thị Phức

Chi hội phụ nữ thôn Thanh Ô, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị

( Chị em tham gia nhóm từ năm 2020 đến nay cũng đã có một số chị em, cha mẹ thay đổi về cách nuôi dạy con, họ biết cách giữ gìn  khi mình có thai, biết con mình khi sinh ra được chăm sóc và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều ở biên giới cũng làm quen với cách nuôi dạy con hiện đại, sau thời gian bú mẹ, tập cho con ăn dặm)

Những năm đầu đời của trẻ là những năm đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, sự nâng cao kiến thức, kỹ năng, quan tâm hơn về giáo dục thể chất, tinh thần cho trẻ trong nhóm cha mẹ từ 0 đến 10 tuổi tại các huyện miền núi sẽ góp phần rất lớn, để đảm bảo trẻ em nơi đây có sự phát triển tốt và phù hợp, góp phần tạo nền tảng tốt về dinh dưỡng, kiến thức cho sự phát triển của các em. Thông qua mô hình“ nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi” nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ sống an toàn, lành mạnh, không có trẻ em bị bạo lực, không có trẻ em bị xâm hại và bị ngược đãi, không để trẻ em lao động sớm và thất học. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giúp cho chị em cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, đặc biệt là hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức cơ bản, từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cũng như kỹ năng trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ, để trẻ phát triển toàn diện.

 

 

Đến đây thì thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình BTV Hồ Thới cùng các PTV Như Hòa,…, KTV Khắc Nam xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe.

Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 12/03/2023 12:06 Lê Vĩnh Nhiên 13/03/2023 09:05
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà