Phóng sự: Âm nhạc vân kiều pa cô
Danh mục
Phóng sự - Tài liệu
NỘI DUNG

Phóng sự:

Giữ lửa cho âm nhạc truyền thống Vân Kiều,  Pa Cô

Thưa Qv & các bạn! Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở miền tây Quảng Trị thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân. Âm nhạc của hai dân tộc này tuy chưa phong phú và kỹ nghệ chế tác nhạc cụ chưa cao, nhưng nền âm nhạc ấy đã giúp tạo nên những bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào người Vân Kiều, Pa Cô và trường tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Phóng sự hôm nay mời QV & và các bạn cùng đến với xã Tà Rụt, một nơi còn lưu giữ lại nhiều làn điệu dân ca của người Pa Cô và cùng thưởng thức một số làn điệu do đội văn nghệ xã Tà Rụt biểu diễn.

Giữ lửa cho âm nhạc truyền thống Pa Cô

Có thể nói, hai dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có một kho tàng văn nghệ dân gian, kết tinh qua bao đời lao động sáng tạo của cha ông. Kho tàng ấy đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống trong quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của bà con dân tộc thiểu số trong các bản làng. Và dân ca Pa Cô - loại hình văn hóa dân gian hình thành trong quá trình lao động sản xuất vẫn được những nghệ nhân, những người con Pa Cô yêu mến làn điệu của dân tộc mình gìn giữ cho đến ngày nay.

Bên ô cửa nhỏ giữa căn nhà sàn đơn sơ dưới chân đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nhịp đàn của nghệ nhân Hồ Xuân Nam - thành viên Đội văn nghệ xã Tà Rụt hòa quyện âm thanh núi rừng vang xa, khiến cho bất cứ một ai đến với núi rừng miền tây Quảng Trị, nghe thanh âm ấy cũng phải dừng chân để thưởng thức.

( Trích đoạn nhạc Tiếng ve trên đồi núi )

Đàn Ta lư có nguồn gốc lâu đời, nó gắn bó với cuộc sống tinh thần của người Pa Cô, là một nhạc cụ không thể thiếu được trong các buổi văn nghệ, lễ hội, nam nữ giãi bày tình cảm…. Thông qua cây đàn, người Vân Kiều, Pa Cô có thể tỏ tình cảm buồn, vui với nhau. Và dù chỉ mới học đánh đàn Ta Lư được vài năm nay nhưng anh Hồ Văn Nam đã say mê và yêu thích giai điệu, thanh âm réo rắt, trong trẻo của tiếng đàn Ta Lư.

Phỏng vấn

Anh HỒ XUÂN NAM

Thôn A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

(Tôi thích nhất đàn Ta Lư vì nó là nhạc truyền thống của người Pa Cô, khi đi sim, đi chơi với bạn bè thì mang đàn ra đánh rất vui. Học đàn Ta Lư rất khó và ai muốn học được thì phải có niềm đam mê, phải nghe và thấm tiếng đàn mới học được. Hiện tại thì thanh niên trong làng thích nhạc hiện đại hơn nhưng bản thân em thì em vẫn yêu thích tiếng đàn Ta Lư và mong muốn sẽ là một nghệ nhân giỏi để dạy lại cho các bạn trẻ người Pa Cô biết đàn và biết hát làn điệu của dân tộc mình. )

Đàn Ta Lư gắn bó với đời sống của người Vân Kiều, Pa Cô là vậy, thế nhưng hiện nay rất ít người trẻ như anh Nam còn yêu mến, say mê thanh âm và làn điệu của tiếng đàn này, anh cũng là một trong những người trẻ tuổi nhất của đội văn nghệ xã Tà Rụt do nghê nhân ưu tú Mai Hoa Sen và Kray Sức sáng lập. Khi nói về xuất xứ của cây đàn Ta lư, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức cho biết, qua tìm hiểu từ các bậc cao niên thì hiện nay còn tồn tại câu chuyện về xuất xứ cây đàn Ta lư của đồng bào dân tộc Pa Cô. 

Pv

Nghệ nhân ưu tú KRAY SỨC

Xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

(Từ thuở lập bản, lập làng, có người phụ nữ dân tộc Pa Cô sang lấy chồng bản khác. Khi sinh được đứa con gái đầu lòng thì chồng cô đột ngột mất sớm. Người phụ nữ Pa Cô mang đứa con gái nhỏ về bản để sống cùng cha mẹ ở chòi lá trên rẫy. Ngày ngày, người phụ nữ ấy lên nương, lên rẫy, để lại đứa con gái cho ông ngoại chăm sóc. Ông ngoại lấy một đoạn tre, tước cật làm dây để đánh cho cháu nghe. Lúc ấy, đoạn tre cũng chỉ là thứ đồ chơi để ông ngoại dỗ dành cháu. Sau đó một thời gian, ông dùng sợi tơ cây đoác trên rừng xe thành sợi, rồi dùng sợi đoác căng lên đoạn tre. Ông đánh thử thì phát ra âm thanh vui tai… Ông tiếp tục căng thêm một sợi dây nữa lên đoạn tre, rồi vừa đánh đàn, vừa ngân nga câu hát bằng tiếng Pa Cô. Về sau, ông dần hoàn thiện cây đàn Ta lư…)

Trong căn nhà nhỏ của mình, nghệ nhân ưu tú Kray Sức vẫn còn lưu giữ lại nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Pa Cô, các thành viên của đội văn nghệ xã Tà Rụt cũng thường xuyên đến nhà ông để cùng tập luyện và chia sẻ với nhau tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống của đồng bào mình. Âm thanh của đàn Ta Lư, của tiếng sáo, tiếng khèn hòa cùng tiếng hát, lời ru vang vọng khắp bản làng lúc lảnh lót, trong trẻo, lúc trầm ấm nhẹ nhàng. Mỗi giai điệu tựa như lời tâm tình thủ thỉ, giãi bày tâm trạng buồn, vui, yêu thương, thể hiện tình yêu tha thiết với quê hương, bản làng….

Trích đoạn hát ru

(Con ơi con hỡi ngủ cho ngoan/ Mẹ mong con khôn lớn từng ngày/ Sau này con lớn trưởng thành/ Cùng nhau xây đắp bản làng mình con ơi…. )

 Ngoài luyện tập họ còn cùng nhau sáng tác lời mới dựa trên làn điệu truyền thống để phù hợp hơn với cuộc sống hiện tại. Có thể nói, đội văn nghệ xã Tà Rụt đã trở thành mái nhà chung, trở thành cầu nối để thế hệ đi trước truyền lửa cho những lớp người đi sau, với tâm nguyện có được sự kế tục trong bảo tồn âm nhạc truyền thống độc đáo của người Pa Cô.

Pv

Nghệ nhân ưu tú KRAY SỨC

Xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

(Làn điệu dân ca của đồng bào người Pa Cô rất nhiều, hiện nay chúng tôi mới sưu tầm được trên 10 làn điệu. Các làn điệu dân ca này thường thường được biểu diễn trong các ngày lễ như A Da, Ariêu Pling (lễ bốc mả), giao duyên… Ngày xưa mỗi làn điệu dân ca mỗi lúc, mỗi nơi mỗi khác tùy theo lời hát của mỗi người sáng tác nên, có khi nói về tình yêu, về lao động, khi thì nói về núi rừng…. Ngày nay đại đa số lớp trẻ ít biết về các làn điệu truyền thống hoặc nếu biết thì cũng không thể tự sáng tác được mà hát dựa trên những làn điệu được chúng tôi ghi chép lại. Quá trình sưu tầm các làn điệu cũng hết sức khó khăn tuy nhiên may mắn là xã Tà Rụt là một xã có truyền thống, có cái nôi văn nghệ từ xưa nên khi kêu gọi, tập hợp mọi người vào một đội để lưu giữ các làn điệu dân gian thì được mọi người hưởng ứng.)

          Anh MAI TRUNG

          Đội văn nghệ xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

          ( Tôi tham gia vào đội văn nghệ này từ năm 2004, tôi rất tự hào khi mình được tham gia vào đội và góp phần vào việc bảo tồn văn hóa của đồng bào mình, quan trọng hơn hết là tôi đã được học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân như Mai Hoa Sen, Kray Sức để nâng cao trình độ của mình. Tôi cũng rất buồn khi hiện nay nhiều bạn trẻ họ không còn yêu thích các làn điệu dân gian của đồng bào mình nữa, tôi mong muốn sẽ bảo tồn được các làn điệu của đồng bào mình không bị mai một, vào các dịp lễ làng sẽ có các đội văn nghệ hát lên các làn điệu truyền thống để thu hút các bạn trẻ và nếu được thì mỗi thôn nên có 1 đội văn nghệ để sinh hoạt cùng nhau.)

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở miền núi tỉnh Quảng Trị được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm. Bên cạnh sự tâm huyết của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tích cực sưu tầm những làn điệu dân ca nguyên bản thì việc thành lập các đội văn nghệ dân gian tại các địa phương là hết sức quan trọng để tránh cơ thất truyền và mai một loại hình nghệ thuật truyền miệng đặc thù này.

Hiện tại rất ít người lớn tuổi ở Tà Rụt am hiểu tường tận ý nghĩa sâu xa trong từng lễ hội hay còn thuộc, còn nhớ những làn điệu dân ca của đồng bào Pa Cô. Mai này chẳng may những con người ấy mất đi, e rằng những nét đẹp văn hóa ấy sẽ bị mai một. Bao trăn trở bấy lâu nay may sao được Nghệ nhân ưu tú Kray Sức "mồi lửa” bằng trái tim đầy nhiệt huyết, luôn mong muốn giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống về văn hóa của đồng bào Pa Cô nên đã cần mẫn sưu tầm và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Vốn tâm huyết với văn hóa truyền thống, đặc biệt là âm nhạc dân gian, những nghệ nhân như Kray Sức, Hồ Văn Việt, Hồ Văn Thiêm luôn đau đáu về sự kế thừa, tiếp nối, anh rất buồn khi một bộ phận giới trẻ Pa Cô thờ ơ với âm nhạc truyền thống.

Ông HỒ VĂN THIÊM

Xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

(Dân ca của dân tộc Pa Cô rất hay và phong phú nhưng càng ngày càng mất đi một phần vì nhiều người bây giờ không thích, một phần vì các đội văn nghệ khi thành lập không có kinh phí để tập luyện, mọi người phải lo lên nương rẫy để kiếm sống. Bây giờ chúng tôi già rồi, cũng buồn và sợ rằng mai này các làn điệu này mất đi, mong sao sẽ có nhiều đội văn nghệ như ở xã Tà Rụt để xây dựng lại phong trào, gìn giữ lại văn hóa cho con cháu về sau )

Nghệ nhân ưu tú KRAY SỨC

Xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

(Hiện nay, tôi hay dịch thuật, ghi chép lại các bài hát của các cụ ngày xưa, tập luyện cho các bạn trẻ biết đàn, biết hát nhạc của người Pa Cô. Để gìn giữ nét văn hóa độc đáo, đặc biệt là âm nhạc dân gian của người Vân Kiều, Pa Cô thì cần sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta phải xem đây là một chương trình dài hơi như chương trình xóa đói giảm nghèo, có sự hỗ trợ hợp lý để bà con yên tâm tập luyện, biểu diễn. Bên cạnh đó muốn bảo tồn văn hóa dân gian thì cần phải có sự đào tạo bài bản, có chuyên môn, chuyên sâu chứ không lồng ghép như hiện nay nữa, phải thành lập các câu lạc bộ và phải duy trì được các câu lạc bộ, có sự hỗ trợ cho các nghệ nhân để họ phấn khởi và có động lực trong truyền dạy.)

Dân ca cùng với các điệu múa là điểm nhấn, là yếu tố không thể thiếu trong các dịp lễ hội tạo nên bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Mà văn hóa chỉ “sống được”, tồn tại được đến muôn đời sau chỉ khi “bám rễ sâu” vào chính cộng đồng dân tộc ấy chứ không phải được dàn dựng biểu diễn trên sân khấu hay nỗ lực bảo tồn của số ít nghệ nhân. Nói một cách hình tượng như Kray Sức đã nói rằng muốn gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền dân ca cho thế hệ mai sau thì phải làm sao đó để dân ca Vân Kiều, Pa Cô cũng như cây rừng bám rễ vào đất rừng mới tạo nên màu xanh của đại ngàn Trường Sơn./.

 

                                                Trích đoạn biểu diễn của đội văn nghệ Tà Rụt

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 04/09/2023 08:13 Lê Vĩnh Nhiên 13/09/2023 15:07
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà