Chuyên mục Hướng Hóa phát triển và hội nhập
Danh mục
Hướng Hóa phát triển và hội nhập
NỘI DUNG

Chuyên mục Hướng Hóa phát triển và hội nhập

MC: Xin kính chào quý vị và các bạn đã đến với chuyên mục Hướng Hóa phát triển và hội nhập. Trong chương trình kỳ này, mời quý vị và các bạn cùng đến với những nội dung sau:

-Đặc sản rượu cần của núi rừng Hướng Hóa

-Hướng Hóa chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở.

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

MC: Thưa quý vị và các bạn! Rượu cần là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Vân Kiều, Pa Kô. Giữa bao đổi thay của cuộc sống truyền thống này ít nhiều có phần mai một. Tuy nhiên, tại Hướng Hóa vẫn có một người phụ nữ Vân Kiều nhiều năm nay đã chung thủy với nghề làm rượu cần, sống với nghề  và mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa này cho thế hệ mai sau.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nấu rượu cần, Bà Hồ Thị Van, Khóm Ka Tăng, TT Lao Bảo đã nắm rõ trong tay từng khâu, từng chi tiết để có thể nấu ra một ché rượu cần thơm ngon. Lúc nhỏ, Bà đã theo mẹ lên rừng lấy lá cây làm men ủ rượu. Khi là thiếu nữ, bà đã ủ được những ché rượu thơm ngon có tiếng, vị ngọt đậm đà, thơm nồng hương men nên được nhiều bà con trong bản rất thích. Để có chất lượng rượu ngon, Bà Van luôn giữ nghiêm ngặt các công đoạn, theo một quy trình nhất định.

PV Già làng Hồ Thanh Bình, Khóm Ka Tăng, TT Lao Bảo, huyện Hướng Hóa ( Nói về việc nấu rượu truyền thống của người Vân Kiều, Pa Cô)

Rượu cần truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô muốn ngon thì điều cốt yếu phải có men tốt. Men truyền thống ủ rượu cần được làm từ củ, thân, lá của rất nhiều loại cây rừng. Tất cả được giã nhuyễn thành bột trộn với bột gạo thành nắm nhỏ, phơi sấy khô rồi dùng dần. Bà Van cho biết men quyết định mùi vị và chất lượng của rượu, nên phải làm thật cẩn thận.

Công đoạn làm cơm rượu cũng rất quan trọng. Gạo nấu cơm ủ rượu là loại gạo dẻo, được nấu chín thật đều. Sau đó trộn men theo đúng tỷ lệ, nếu nhiều men quá, rượu sẽ chua hoặc đắng, nếu ít sẽ không thành rượu. Sau khi ủ cơm rượu từ 7-10 ngày, cho hỗn hợp vào ché, ủ hơn một tháng là dùng được. Ché rượu cần ngon khi uống sẽ có vị ngọt, thơm nồng, sảng khoái.

PV Bà Hồ Thị Van, KHóm Ka Tăng, TT Lao Bảo, huyện Hướng Hóa: Nói về quy trình sản xuất rượu cần

Ngày nay, dù các loại đồ uống nhiều và đa dạng nhưng đặc sản rượu cần vẫn là một nét đẹp văn hóa, một giá trị truyền thống trong đời sống, sinh hoạt của người Vân Kiều, Pa Kô. Rượu cần thường được dùng trong các dịp Lế Tết. Khi đó, mọi người lại quây quần bên ché rượu và cùng thưởng thức hương vị đậm đà của rượu cần. Chính vì vậy, rượu cần của đồng bào nơi đây đã phản ánh tinh thần cộng đồng, là sợi dây liên kết mọi người. Đồng thời đây cũng được xem như món quà quý biếu khách, chứa đựng tình cảm chân thật của con người Hướng Hóa.

Nhạc cắt

MC: Thưa quý vị và các bạn! Thiếu nhân lực, cơ sở vật chất là tình trạng chung của ngành y tế các huyện vùng cao. Điều này trở thành rào cản lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Xác định được những vấn đề trọng tâm này, những năm gần đây huyện Hướng Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở. Bước đầu đã có những hiệu quả nhất định và được người dân tin tưởng tìm đến khám chữa bệnh.

Hơn 3 năm công tác tại trạm Y Tế xã A Túc, bác sỹ người Pa Kô Đinh Văn Bảo luôn thấu hiểu những thiếu thốn và khó khăn trong công tác khám chữa bệnh tại địa phương. Với mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người dân thôn bản được tốt hơn, bác sĩ Bảo luôn tận dụng các khóa đào tạo nâng cao do đơn vị cử đi để ngày một hoàn thiện tay nghề. Đến nay,bác sĩ Bảo là một trong 03 bác sỹ có tay nghề giỏi của trạm y tế xã A Túc. Tuy áp lực công việc khá lớn, được giao nhiều trọng trách quan trọng, trong đó có việc theo dõi, điều trị cho 6 bệnh nhân lao phổi  nhưng bác sĩ Bảo luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

PV Bác sĩ Đinh Văn Bảo, Trạm Y Tế xã A Túc, huyện Hướng Hóa ( Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bản thân tôi vẫn luôn nổ lực để hoàn thành nhiệm vụ của người thầy thuốc.)

Trạm y tế xã A Túc, là một trong những trạm đạt chuẩn và có chất lượng khám chữa bệnh tốt trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Hiện toàn trạm có 07 cán bộ,nhân viên, trong đó có 3 bác sỹ đa khoa. Ngoài thực hiện các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, truyền thông giáo dục sức khỏe...hàng tháng, trạm A Túc thực hiện khám chữa bệnh cho trên 300 người dân. Đồng thời thực hiện kỹ thuật chuyên môn về chăm sóc sức khỏe, bà mẹ trẻ em. Vì vậy, việc đào tạo chuẩn hóa đội ngũ luôn được trạm thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, công tác đảm bảo hoạt động hiệu quả của 100% đội ngũ y tế thôn bản là một yếu tố quan trọng được trạm duy trì tốt. Với đội ngũ y bác sỹ có tay nghề, trách nhiệm với công việc nên hầu hết người dân trong xã khi đau ốm không phải đi xa, được khám chữa bệnh, cấp phát thuốc ngay tại trạm.

PV Chị Hồ Thị Pa Lai, Thôn Ba Linh, xã A Túc, huyện Hướng Hóa ( Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được đội ngũ y bác sĩ ở đây tận tâm và nhiệt tình)

Bên cạnh công tác nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại Trạm A Túc cũng được đầu tư đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Nhà trạm, phòng bệnh  được tu sửa, nâng cấp. Hiện trạm đã có 1 máy siêu âm, 1 máy điện tim, máy đo đường huyết và nhiều thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

PV Bác sỹ Ngô Văn Phúc, Trạm trưởng Trạm Y Tế xã A Túc, huyện Hướng Hóa( Trạm cũng đã cố gắng để thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, vì thế việc đầu tư trang thiết bị được trạm đầu tư)

Huyện Hướng Hóa hiện có 21/22 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong đó 100% trạm có bác sỹ. Đối với một huyện vùng cao với gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đây là những con số khá ấn tượng. Để đạt được những kết quả vượt bậc trên, UBND huyện và ngành y tế luôn tập trung cân đối và lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống các trạm trên toàn huyện. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ với các chương trình, dự án của chính phủ và phi chính phủ để trang cấp thiết bị khám chữa bệnh. Cùng với đó, thường xuyên tuyển mới đội ngũ y bác sỹ trẻ, có chuyên môn và tăng cường đào tạo nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

PV Ông Lâm Chí Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa ( Huyện Hướng Hóa chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân vì thế huyện cũng đã đầu tư đầy đủ các cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu cho công tác chăm sóc sức khỏe)

Việc đầu tư cho y tế cơ sở là bảo đảm công bằng hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế của người dân khắp các vùng miền, dân tộc. Song, muốn đạt được mục tiêu này thì ngoài vấn đề kinh phí, rất cần sự phối hợp và có những chính sách đồng bộ khác, nhất là chính sách đào tạo, thu hút nhân lực để giúp cho công tác y tế ngày càng nâng cao. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn bản, từng hộ dân nâng cao ý thức bảo vệ chăm sóc sức khỏe bản thân, xóa bỏ các hủ tục ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề sức khỏe. Từ đó, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở toàn huyện trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy, luôn hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và giảm tải cho cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.

Chào cuối: Chuyên mục Hướng Hóa phát triển và hội nhập xin kết thúc tại đây, cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 06/02/2018 14:57 Lê Vĩnh Nhiên 07/02/2018 13:20
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà