Cuộc sống muôn màu (Lễ hội bài chòi ngày xuân)
Danh mục
Cuộc sống muôn màu
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Cuộc sống muôn màu

Ngày phát sóng 26/2

Như Hòa và …xin kính chào quý vị thính giả đã đến với 15p của chuyên mục phát thanh Cuộc sống muôn màu của Đài PTTH Quảng Trị. Chuyên mục đang được phát sóng trên tần số 90.5mkz. Mời quý vị thính giả quan tâm lắng nghe. Lời đầu tiên, xin chúc quý vị thính giả có một ngày đầu tuần với thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và có ngày làm việc hiệu quả.

Thưa quý vị thính giả, trong 15p của chuyên mục Cuộc sống muôn màu ngày hôm nay, mở đầu mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Cần thận trọng với vòng điều áp” của PV Mỹ Nhị. Tiếp đó là bài viết “Lễ hội bài chòi ngày xuân” của PV Mỹ Nhị. Cuối cùng là bài viết “Tết ấp tình hữu nghị ” của tác giả Thu Ngọc. Bây giở là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt                         

MC: Thưa quý vị thính giả, mở đầu, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Cần thận trọng với vòng điều áp” của PV Mỹ Nhị.

Tin vào chiếc vòng được quảng cáo có nhiều công dụng “thần kỳ”, đặc biệt là giúp điều hoà huyết áp, không ít người dân trên địa bàn tỉnh đã bỏ tiền mua sản phẩm này để sử dụng hoặc dành tặng người thân. Điều đáng nói là không ai rõ nguồn gốc xuất xứ, công dụng cũng như giá thành thực sự của nó.

Gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh truyền tai và đua nhau tìm mua những chiếc vòng điều áp được đồn thổi giúp ổn định huyết áp, chống đột quỵ, thiếu máu, đau lưng, mỏi cổ... Theo lời quảng cáo, sản phẩm này có xuất xứ chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, nhãn hiệu vòng đeo cổ “xách tay từ Nhật Bản” EX Pip Magneloop và Pip Magneloop được tin dùng nhất. Hiện tại, các loại vòng điều áp được bán phổ biến chủ yếu có vỏ bọc ngoài bằng cao su dẻo với nhiều màu sắc như đỏ, xanh, hồng, đen… Bên cạnh đó, một số loại khác có lớp vỏ bọc phía ngoài bằng kim loại, sắc vàng hoặc trắng. Cả hai loại vòng điều áp này có thể tháo ra và lắp vào rất thuận tiện.

Được người cháu mới đi du lịch Nhật Bản về tặng chiếc vòng điều áp, bà T.T.H. (trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá) rất vui mừng. Vốn có tiền sử huyết áp nên lâu nay bà H. luôn tuân thủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sử dụng thuốc nghiêm ngặt theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Điều đáng nói là từ ngày đeo chiếc vòng được cho là có tác dụng “thần kỳ” này, bà sao nhãng trong sinh hoạt và sử dụng thuốc. Vừa rồi, cả gia đình bà H. bị một phen hú vía khi bà lên huyết áp đột ngột, bà H. chia sẻ.

Băng “May mà các bác sĩ cứu chữa kịp thời, nếu không chẳng biết có chuyện gì đã xảy ra. Từ nay, tôi không tin vào chiếc vòng điều áp này nữa” – Bà H. khẳng định.

Nghe lời rỉ tai của các chị em sống cùng khu phố, suốt mấy ngày vừa qua, bà N.T.P.L. (trú tại phường 5, thành phố Đông Hà) thường xuyên nhắc con lên mạng đặt mua cho mình chiếc vòng điều áp. Chiều ý mẹ, con của bà L. phải lên Facebook, liên hệ với một shop online để đặng mua hàng. Hai mẹ con được giới thiệu thông tin khá cặn kẽ. Theo đó, cấu tạo chính của vòng đeo cổ là các hạt mạt thép non có chức năng giống như nam châm, phân thành hai cực Bắc – Nam, bên ngoài phủ một lớp cao su dẻo. Nam châm tạo ra từ trường nên giúp lưu thông đường máu, ổn định huyết áp. Chỉ cần đeo vòng vào cổ trong thời gian ngắn thì huyết áp cao hoặc thấp sẽ trở về mức bình thường. Cũng theo người bán hàng, chỉ cần đeo một tuần là có thể cảm nhận rõ hiệu quả mà chiếc vòng điều áp mang lại. Đặc biệt, người sử dụng không cần kiêng cữ gì. Nếu đeo liên tục thì tác dụng sẽ càng cao. Hỏi về giá cả, người bán hàng nói rõ hai mức 700 ngàn đồng đối với chiếc vòng loại 45cm và 750 ngàn đồng đối với loại 50cm. Giải thích lý do giá cao hơn một số shop online, người này khẳng định đây là hàng xách tay Nhật, còn các loại vòng được rao bán khác có thể là hàng giả, hàng nhái. Tin tưởng vào lời giới thiệu ấy, mẹ con bà L. đã đặt mua hàng với một niềm tin mãnh liệt. Thế nhưng, gần nửa tháng đeo vòng, sức khoẻ của bà L. chẳng được cải thiện.

Bà N.T.P.L cho biết: Tôi lúc đầu nghe mấy người trong xóm rỉ tai nhau nên cũng nói con gái mua thử…

Trên thực tế, những chiếc vòng được quảng cáo có chức năng ổn định huyết áp, chống đột quỵ, đau lưng, mỏi cổ, trị bệnh thiếu máu… đã xuất hiện khá lâu. Tuy nhiên, gần đây, cùng với sự phát triển rầm rộ của phong trào bán hàng online, việc mua bán vòng điều áp lại rộ lên. Thiết nghĩ trước khi mua bất cứ loại hàng hoá nào, đặc biệt là những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như tác dụng, người tiêu dùng cần phải có sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tình trạng “thiệt của, thua thân” . Về phía các cơ quan, lực lượng chức năng, cần vào cuộc nghiên cứu, tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về nguồn gốc, xuất xứ, công dụng thật của sản phẩm vòng điều áp để kịp thời định hướng người tiêu dùng, sớm có phương án giải quyết, xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm.

Nhạc cắt

Bài 2: MC: Thưa quý vị thính giả, trong thời khắc giao mùa và khởi đầu Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, hầu hết khách du xuân đi ngang qua Trung tâm Văn hóa tỉnh đều tạm dừng chân, hòa mình vào không gian rộn rã tiếng hát, tiếng cười. Lễ hội bài chòi truyền thống được tổ chức một cách quy mô tại thành phố Đông Hà để lại ấn tượng sâu đậm. Đây cũng chính là nội dung mà PV Mỹ Nhị sẽ gửi đến quý vị thính giả trong bài viết “Giữ nét bài chòi ngày xuân”.

 “Mừng ngày Nguyên đán/ Dân làng bè bạn/ Khán giả gần xa/ Vận may có sẵn đây mà/ Ghé vô nhận lấy, chậm là tuột tay/ Nhanh chân chọn một chòi bài/ Vận may ta đến hái lộc tài đầu xuân” – Những câu hò vần điệu như giục giã khách qua đường ghé vào tiền sảnh Trung tâm Văn hóa tỉnh chơi bài chòi. Trong không gian tràn ngập tiếng đàn hát, nói cười, những người tham gia trò chơi chăm chú lắng nghe câu hô thai của các anh hiệu, chị hiệu. Ai cũng thích thú khi thấy bốn người dẫn trò thay phiên nhau diễn xướng với những lời lẽ, vần điệu phù hợp, chẳng hạn nếu thông báo quân bài là “con gối” thì sẽ xướng: “Cổ tay em trắng lại tròn/ Để cho ai gối mà mòn một bên”. Cứ thế, các quân bài được công bố một cách lần lượt, ngẫu nhiên và linh hoạt. Kết thúc ván bài, người thắng, kẻ thua đều rạng rỡ nụ cười.

Lâu nay, bài chòi là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của làng quê miền Trung, kéo dài từ Quảng Bình đến Phú Yên. Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân trong các làng lại rộn ràng dựng chòi, kê ván chuẩn bị tổ chức hội bài chòi. Không chỉ xem đây là một thú vui giải trí trong ba ngày Tết, người ta đến với bài chòi còn vì muốn xem vận hên, may đầu năm ra sao. Vậy mà, làn sóng hiện đại hóa lại khiến thú vui tốt đẹp này có nguy cơ mai một. Thỉnh thoảng, trong các lễ hội lớn ở nông thôn, người ta mới bắt gặp bài chòi. Cũng chính bởi lý do đó nên khi những chiếc chòi được dựng lên tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và tiếng đàn hát cất cao, chẳng ai bảo ai, người dân thành phố đến tham gia rất đông. Trong số đó, có những người vốn biết đến bài chòi từ tấm bé nhưng ký ức đã phần nào phai nhạt.

Chị Nguyễn Thị Liên (trú tại khu phố 4, phường 5) chia sẻ: Băng: “Nghe tin hội bài chòi diễn ra ở Trung tâm Văn hóa tỉnh, tôi dẫn con cháu đến chơi. Ngồi trên chiếc chòi, cầm quân bài, hồi hộp nghe tiếng của anh hiệu, chị hiệu hô thai, tôi như được sống lại những kỷ niệm thời thơ bé. Tôi mong rằng hội bài chòi sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để những người như mình có cơ hội gặp lại, yêu hơn di sản văn hóa phi vật thể mà cha ông để lại”. Không chỉ những người đã biết đến bài chòi mà ngay cả các bạn trẻ, em nhỏ cũng cảm thấy yêu thích thú chơi đặc biệt này.

Em Lê Vinh Nguyên (học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo) vui vẻ cho biết: Băng “Đây là lần đầu tiên em chơi bài chòi và thật bất ngờ khi giành chiến thắng. Em sẽ chia sẻ với các bạn về hội bài chòi cũng như những trải nghiệm thú vị mà mình có được”.

Gặp các cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Đông Hà sau đêm hội bài chòi, trong cái tiết trời se lạnh đầu năm, chợt chạnh lòng khi thấy chiếc áo bà ba của họ đều đẫm ướt mồ hôi. Gần như lạc giọng sau gần 3 tiếng đồng hồ ca hát, ứng đối, ai cũng đều bất ngờ và vui sướng tột cùng khi thấy mọi người đến tham gia rất đông, đặc biệt là những bạn trẻ. Kết thúc đêm hội, các em chú ý nghe ngóng lịch trình tổ chức lần tới, rồi hẹn nhau tham gia. Bất chợt, tôi hiểu rằng, giữa cuộc sống xô bồ, bộn bề hiện đại, những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp vẫn có cơ hội sống, phát triển.

Nhạc cắt

Bài 3: MC: Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, người dân nước bạn Lào lại lặn lội sang các bản làng thuộc tuyến Lìa để hòa chung tiếng hát, uống ché rượu Xuân. Thói quen ấy đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp, giúp bà con ở hai triền biên giới thêm kết đoàn, yêu thương và quý trọng nhau hơn. Đây cũng chính là nội dung bài viết “Tết ấm tình hữu nghị” của tác giả Thu Ngọc.

Thời điểm này, bản làng vùng cao như khoác chiếc áo mới. Dọc tuyến đường Lìa, những ngôi nhà sàn san sát mọc lên, được tô quét sạch đẹp. Trong nắng Xuân, tiếng nói cười của đồng bào vùng cao thêm phần giòn tan, rộn rã. Năm nay, người Vân Kiều, Pa Kô đón Tết no ấm hơn nhờ được mùa sắn, chuối... Ai cũng mong thật nhiều khách quý ghé nhà để cùng sẻ chia niềm vui đầu năm. Có lẽ vì thế nên những lời mời thăm Tết được chuyển đi xa, rộng rãi hơn, vượt qua bên kia biên giới.

Đến bản Xy Ra Man (xã Xy, huyện Hướng Hóa) vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nghe câu chào “Xa bai đi! Xa bai đi” từ các vị khách ngoại quốc. Hỏi ra mới biết, bản Xy Ra Man kết nghĩa với bản Ổi (huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào) nhiều năm nay. Chỉ cách dòng Sê pôn nên bà con thường xuyên qua lại thăm thân, động viên, giúp đỡ nhau. Đến hẹn lại lên, trước tết, già làng, trưởng bản Xy Ra Man đã gửi lời mời người dân nước bạn sang chung vui. “Được lời như cởi tấm lòng”, bà con ở bản kết nghĩa đối diện bên kia biên giới đều vui mừng. Ai cũng mong ngày tháng trong lịch hẹn sẽ đến thật nhanh.

Lâu nay, người Vân Kiều, Pa Kô ở tuyến Lìa nổi tiếng hiếu khách. Vào dịp Tết Nguyên đán, bất cứ ai đến thăm nhà đều là khách quý của bà con. Vì vậy, khá nhiều gia đình đã quyết định mổ trâu, lợn, dê... để thiết đãi khách. Ở bản Troan Ô (xã Xy, huyện Hướng Hóa), gia đình Pả Chon có nhiều vị khách ngoại quốc ghé thăm nhất. Vừa nấu những món ăn truyền thống, ông Chon vừa vui vẻ cho biết: “Đến giờ, nhà mình đón gần 20 người bạn đến từ nước Lào rồi. Có người băng rừng, vượt suối cả ngày trời mới đến được đây. Mình mới mổ con bò, chế biến món ăn để đãi khách đấy”. Như một quy định bất thành văn, nhà nhà, người người ở bản Troan Ô đều dành những món ăn ngon, đặc sắc nhất dành cho khách phương xa. Đặc biệt, bà con còn xếp lịch cúng Trời vào đúng thời điểm tổ chức Tết Nguyên đán nên không khí bản làng thêm phần vui tươi, nhộn nhịp.

Ngoài mong muốn thắt chặt mối thâm giao, người dân nước bạn Lào còn háo hức tìm hiểu các phong tục, tập quán liên quan đến Tết Nguyên đán của Việt Nam. Ai cũng ngạc nhiên khi được các già làng nước bạn cho biết, người Vân Kiều, Pa Kô ở tuyến Lìa có đến hai cái Tết. Trước kia, dân bản xem lễ mừng lúa mới là cái Tết lớn của dân tộc mình. Sau khi thu hoạch mùa vụ, bà con lại mổ trâu bò, nấu rượu cần, gói các loại bánh truyền thống... chuẩn bị cho lễ. Những ngày này, bản làng vui như hội. Ai ai cũng khoác lên mình những bộ trang phục thổ cẩm cầu kỳ nhất và ăn uống, đàn hát thâu đêm. Về phần mình, sau những cái Tết lần đầu tham dự đầy bỡ ngỡ, nhiều người dân nước bạn Lào cũng đã thông tỏ phong tục, tập quán ngày Tết của người Việt Nam. Thậm chí, họ còn cẩn thận chuẩn bị những món quà giản dị, tiền mừng tuổi đầu năm... để biếu tặng gia chủ.

Sau những ngày vui Xuân, đón Tết ở tuyến Lìa, người dân nước bạn Lào lại khăn gói trở về quê hương. Phút chia tay bịn rịn, khách và chủ trao nhau cái ôm thật chặt. Họ hẹn ước về ngày hạnh ngộ để cùng nhau đón một cái Tết ấm tình hữu nghị Việt - Lào.

Chào cuối

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 24/02/2018 13:00 Võ Nguyên Thủy 04/03/2018 10:29
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà