ĐẤT RỪNG CAM LỘ: NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI
Danh mục
Mỗi tuần một chuyện
NỘI DUNG
Lời dẫn : MỘT TUẦN MỘT CHUYỆN: ĐẤT RỪNG CAM LỘ: NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI GẦN ĐÂY. (Xuân Dũng-Hồng Quân) -Đón xem: ptv đọc Chuyện đất rừng Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã từng là điểm nóng và thu hút dư luận trong suốt mấy năm qua. Tâm điểm câu chuyện liên quan mật thiết và chủ yếu đến trách nhiệm của Công ty lâm nghiệp Đường 9 mà tiền thân là Lâm trường Đường 9. Cho đến thời điểm này thì mọi việc vẫn đang ngổn ngang và càng không thể nói là kết thúc suôn sẻ, trong khi người dân địa phương vẫn lo lắng về chuyện mưu sinh từ đất rừng trồng như đang đứng giữa ngã ba đường vì kết quả trong tranh chấp đất đai phía bắc sông Hiếu với doanh nghiệp này vẫn chưa rõ ràng và dứt điểm. Nhìn lại câu chuyện này với những diễn biến mới ngay trong tháng 4 này mang tính thời sự rất đáng quan tâm; vấn đề trên sẽ được phản ánh và phân tích trong ps điều tra phát sóng trong c.m MTMMC của đài truyền hình Quảng Trị vào ngày chủ nhật 22/4, vào lúc 6g, 11g15 và 20g20. Mời quý vị và các bạn đón xem. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Chuyện đất rừng Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phía bắc sông Hiếu cũng như những vấn đề liên quan giữa người dân địa phương với Công ty lâm nghiệp Đường 9 đã từng được đài PT-TH Quảng Trị phản ánh không chỉ một lần trong những năm qua. Tuy nhiên cho đến nay thì mọi chuyện vẫn ngổn ngang và càng không thể gọi là kết thúc. Trong lúc đó có những diễn biến mới, những tình tiết mới rất đáng quan tâm về những điều tưởng chừng đã cũ nhưng vẫn mang tính thời sự, có cả những diễn biến mới và phát hiện mới ngay trong tháng tư này, ngay trong tuần này và vẫn đang tiếp diễn. Trước tình hình như vậy, nhằm tiếp tục cập nhật thông tin một cách khách quan và phân tích từ góc độ truyền thông, c/m MTMC kỳ này sẽ làm mới một câu chuyện vẫn chưa hề cũ. Từ đó đề xuất một góc nhìn ngày càng đầy đủ hơn về thực trạng tình hình và phương án giải quyết cũng như xử lý trách nhiệm những bên liên quan. Đây có thể coi là ps điều tra tiếp theo mà pv chúng tôi đã dày công theo dõi Mời quý vị và các bạn cùng xem .

-Lời:

Trước khi đề cập những diễn biến và phát hiện  gần đây của pv khi theo dõi vấn đề, cũng cần phải tóm lược một vài thông tin chính về đất rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ liên quan trực tiếp đến vai trò chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Đường 9 .

Tháng 9/2016 trong cuộc họp liên ngành ở Cam Lộ, doanh nghiệp nhà nước là Công ty lâm nghiệp Đường 9 đã có báo cáo rất đáng báo động rằng đơn vị đã thất thoát 1000 ha rừng và đất rừng do nhà nước giao cho chính công ty này quản lý, nguyên nhân  cũng theo báo cáo của doanh nghiệp là do người dân địa phương xâm lấn, cần phải thu hồi lại theo chỉ đạo của nhà nước trước khi cổ phần hóa. Lập tức thông tin này đã thu hút sự quan tâm của công luận và người dân. Sau khi đài PTTH Quảng Trị phát sóng, một loạt tờ báo từ địa phương đến trung ương đã lên tiếng suốt một thời gian dài về vấn đề này. Theo đó thì trách nhiệm trước hết và chủ yếu thuộc về Công ty lâm nghiệp Đường 9, các cơ quan truyền thông qua đó cũng đề xuất rằng cấp có thẩm quyền cần quan tâm đến lịch sử của vấn đề tranh chấp đất đai, bóc tách từng sự việc để giải quyết theo căn cứ của pháp luật, vì rằng qua tìm hiểu thực tế thì nhiều người dân đã khai thác đất ông cha để lại hàng chục năm nay, và cho dù tình trạng xâm lấn đất trái phép có xảy ra thì cũng do Công ty lâm nghiệp Đường 9 buông lỏng quản lý trong nhiều năm, để nhiều người làm càn nên mới xảy ra hậu quả  hiện có khiến dư luận bức xúc và chính quyền địa phương phải vào cuộc lo toan công việc đáng ra là của chủ rừng; rồi giữ nguyên phép nước  nhưng phải quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân địa phương, đồng thời phải làm rõ và xử lý nghiêm minh  trách nhiệm của chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Đường 9. Cần có một cách nhìn toàn diện và thấu đáo để xử lý thực trạng đã nêu một cách hợp tình hợp lý, tránh những động thái giản đơn, một chiều để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà nước nhưng cũng không xem nhẹ quyền lợi chính đáng của công dân. Quan tâm đến vấn đề này, HĐND và UBND các cấp, các ngành liên quan đã tổ chức họp dân, tiếp xúc xử tri để ghi nhận thông tin từ cơ sở, kể cả việc xem xét đơn kêu cứu khẩn cấp của 38 hộ dân thuộc xã Cam Thành, để  từ đó tìm hướng giải quyết thích hợp. Từ đó đến nay gần hai năm trôi qua, câu chuyện vẫn tiếp diễn và rõ ràng là chưa hề kết thúc, càng không phải đã kết thúc một cách  xuôi chèo mát mái.

Trong tuần theo chân bà con chúng tôi lại đến với khu vực thượng nguồn sông Hiếu mà phía nam con sông này thuộc địa bàn xã Cam Thành, phía bắc sông lại thuộc địa bàn xã Cam Tuyền. Chúng tôi cùng bà con lội sông vào rừng trồng phía bắc sông Hiếu để lần nữa mắt thấy tai nghe những diễn biến mới nhất của tình hình và cập nhật những thông tin quan trọng mà chúng tôi vừa nắm được.

*Pv Xuân Dũng dẫn hiện trường (trong tay chúng tôi là tài liệu, chứng cứ về danh sách các hộ dân xâm lấn, bản danh sách này nói lên nhiều điều...)

Bản danh sách này có thể chưa thật đầy đủ nhưng đã có tới tên 400 hộ dân xâm lấn theo cách gọi của Công ty lâm nghiệp Đường 9. Điều đáng nói là ngoài những hộ dân có hộ khẩu và sinh sống trên địa bàn huyện Cam Lộ còn có những hộ dân ở các địa phương khác trong tỉnh như Gio Linh, Vĩnh Linh, Đakrong và cả ở thành phố Đông Hà; trong đó có những hộ mới khai thác vài năm, có nhiều hộ khai thác đã gần 10 năm theo báo cáo này. Càng kỳ lạ và khó hiểu hơn là có đến hơn 70 cá nhân là cán bộ công nhân viên của Công ty lâm nghiệp Đường 9 cũng có tên trong bản danh sách xâm lấn đất rừng phòng hộ và đất sản xuất; điều này đã lộ diện và khẳng định bằng văn bản chính thức những tin tức mà dư luận đồn đoán và bức xúc lâu nay về chuyện rất nhiều người của công ty này sai phạm xà xẻo đất nhà nước. Một câu hỏi không thể không đặt ra, tại sao cả ngàn ha đất rừng phòng hộ và sản xuất của nhà nước giao cho lâm trường Đường 9, sau này là Công ty lâm nghiệp Đường 9 quản lý làm chủ rừng mà tài nguyên lại thất thoát lớn đến mức như vậy và kéo dài nhiều năm như vậy? Cho nên thông tin cập nhật từ danh sách này càng củng cố  yêu cầu của dư luận là cần làm rõ và truy cứu trách nhiệm của chủ rừng  là hoàn toàn có căn cứ pháp lý và chính đáng.

Trong một diễn biến khác của chuyện thất thoát tài nguyên của Công ty lâm nghiệp Đường 9, không thể không nhắc đến tiểu khu rừng phòng hộ 775 thuộc địa bàn thôn Thương Lâm, xã Cam Thành mà chúng tôi trong quá trình điều tra đã có những tư liệu hình ảnh làm bằng chứng. Đây là đất rừng mà ông Đào Văn Lưu cùng nhiều hộ nhận chăm sóc rừng đã có nhiều năm gắn bó nhưng rồi chỉ còn lại quyền lợi thiệt thòi và tâm trạng bức xúc khi thấy rằng rừng và đất rừng đã mất mát một cách khó hiểu, chưa thể tỏ tường.

*Ông Đào Văn Lưu, thôn Cam Phú 1, Cam Thành, nói

Cũng trong tháng 3 và tháng 4/2018 một số bà con trú tại khu vực 3 thôn Cam Phú và Thượng Lâm thuộc xã miền núi Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có nhu cầu giải quyết bán rừng trồng khi đã đến thời kỳ thu hoạch phục vụ nhu cầu trả vốn vay và sinh sống hàng ngày thì vấp phải điều kiện phải cam kết kết trả đất rừng mới được phép khai thác rừng trồng của chính mình. Điều đáng nói bà con tuy là dân xã  Cam Thành nhưng lại đang canh tác trên đất xã Cam Tuyền.

*Anh Lê Văn Khê, thôn Cam Phú 2, Cam Thành, Cam Lộ, nói

*Anh Trần Mùi, thôn Cam Phú 3, Cam Thành, nói

*Ông Mai Văn Pháp,nt, nói

Làm việc với chính quyền xã Cam Tuyền nhằm có thêm thông tin giải tỏa dư luận của nhiều người dân Cam Thành  đang lo lắng, hoang mang về số phận đất đai mà họ đang trồng rừng từ bao năm nay.

*Ông Hoàng Liên Sơn, chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, nói

Và nói gì thì nói những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, trong đó có 38 hộ dân ở xã Cam Thành đã có đơn kêu cứu khẩn cấp, mong muốn có đất để sản xuất, để xóa đói giảm nghèo, an cư lạc nghiệp là được quan tâm giải quyết đúng mức.

*Ông Mai Văn Pháp, nói

*Ông Lê Văn Khê, nói

*Ông Trần Chiến, trưởng thôn Cam Phú 3, Cam Thành, nói

Bài học về thất thoát tài nguyên từ trường hợp cụ thể này vẫn là phải xử lý nghiêm minh những kẻ vi phạm pháp luật, dù họ là ai. Cách đây chưa lâu đã có khởi tố vụ án hình sự hai người dân trên địa bàn vì đã xâm phạm đất rừng nhà nước một vài chục ha. Điều này được cho là có lý vì có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh kịp thời. Tuy nhiên bên cạnh đó chủ rừng như Công ty lâm nghiệp Đường 9 làm thất thoát cả ngàn ha rừng, trong đó có hơn 200 ha rừng phòng hộ mà nếu không bị xử lý nghiêm minh, không bị truy cứu trách nhiệm thì thật là khó hiểu và không công bằng. Đó là điều dư luận đã và đang mong chờ câu trả lời thỏa đáng bên cạnh việc thu hồi đất rừng và quan tâm lợi ích chính đáng của người dân địa phương.

-Ptv chào cuối:

Qúy vị và các bạn thân mến! Trước hết câu chuyện an dân vẫn là câu chuyện hàng đầu cần được đặc biệt quan tâm. Thứ nữa,câu chuyện thất thoát tài nguyên rừng nhìn từ Công ty lâm nghiệp Đường 9 là một ps dài kỳ với nhiều bài học đắt giá. Có một điều khó lòng chấp nhận được là không thể để tình trạng một số  cơ quan, đơn vị như doanh nghiệp Đường 9 làm sai, vi phạm pháp luật rồi hậu quả lâu dài  phó mặc cho chính quyền địa phương đứng ra giải quyết và nhân dân thì phải mỏi mắt chờ đợi, không thể yên tâm làm ăn sinh sống. Trong lúc doanh nghiệp được nhà nước giao cho đứng mũi chịu sào lại chưa chịu trách nhiệm đúng mức. Còn nếu chỉ rút kinh nghiệm hoặc xử lý xuê xoa rồi mọi chuyện qua đi thì sai phạm vẫn có thể hoàn toàn tái diễn, còn dư luận  thì không thể yên tâm và tin cậy vào pháp luật công minh.

Chương trình đến đây là hết. Thân ái chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 17/04/2018 17:56 Võ Nguyên Thủy 28/04/2018 08:25
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà