CHuyên mục Đông Hà thành phố hôm nay 24.4
Danh mục
Đông Hà TP hôm nay
NỘI DUNG
Lời dẫn : Theo kế hoạch và yêu cầu tuyên truyền của Thành phố Đông Hà, chuyên mục tuần này xin dành trọn thời lượng để giới thiệu đến quý vị và các bạn về một không gian văn hóa đậm nét cộng đồng làng xã ngay trung tâm thành phố, đó là Làng Điếu Ngao. Lấy ngôi đình làng làm hình ảnh trung tâm, chuyên mục sẽ chuyển tải một số lễ hội, nét kiến trúc cũng như tổ chức hoạt động và công tác lưu giữ văn hóa truyền thống ở Điếu Ngao.

 

 

Chuyên mục Đông Hà thành phố hôm nay 24.4.2018

Nội dung: Theo kế hoạch và yêu cầu tuyên truyền của Thành phố Đông Hà, chuyên mục tuần này xin dành trọn thời lượng để giới thiệu đến quý vị và các bạn về một không gian văn hóa đậm nét cộng đồng làng xã ngay trung tâm thành phố, đó là Làng Điếu Ngao. Lấy ngôi đình làng làm hình ảnh trung tâm, chuyên mục sẽ chuyển tải một số lễ hội, nét kiến trúc cũng như tổ chức hoạt động và công tác lưu giữ văn hóa truyền thống ở Điếu Ngao.

Đề cương nội dung

Tên: DIẾU NGAO LÀNG GIỮA PHỐ

Đình làng Điếu Ngao thuộc phường II thành phố Đông Hà, toạ lạc trên một khu đất khá rộng, ở vị trí phong cảnh hữu tình; phía tiền án quay về hướng bắc - nơi có dòng Hiếu Giang trong xanh, hiền hòa chảy qua, hậu chẩm tựa vào xóm làng trù phú.

Nhìn tổng thể, kiến trúc đình làng Điếu Ngao chỉ có một toà đại đình nằm ngang, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống tường thành thấp và các trụ biểu; phía trước có cổng vòm cuốn mở một lối đi. Tổng diện tích khuôn viên của đình làng là 7.000m2, trong đó, diện tích của đình làng là 557m2 còn diện tích miếu Thành Hoàng là 46m2.

Tương truyền, ngôi đình được xây dựng từ khá sớm, ở vào thời kỳ mà làng Điếu Ngao đã định hình trên vùng đất mới (khoảng thế kỷ XVI - XVII). Ban đầu, đình làng được xây dựng bằng cột đồ (ván xẻ ghép lại), mái lợp tranh; về sau này dần dần thay đổi, đình làng được xây bao bằng tường gạch, vôi, mái lợp ngói liệt. Cho đến trước chiến tranh chống Mỹ, ngôi đình đã qua hai lần đại trùng tu; sau đó bị hư hại phần lớn trong chiến tranh.  Hiện trạng của ngôi đình ngày nay là sản phẩm của lần trùng tu gần đây nhất vào năm 1996.

Toà đại đình hình chữ nhất, được cấu trúc bởi một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái như thường thấy ở vùng đất Quảng Trị. Bộ khung gỗ được kết cấu theo kiểu vài luôn; phân bố cột 4 hàng chân. Tức là chỉ có hệ thống cột hàng nhất và cột hàng 2 tiền và hậu; hệ thống cột hàng 3 tiền và hậu đều được cắt ngắn để gác lên tường. Hệ thống cột đấm, cột quyết, kèo đấm, kèo quyết được tạo bởi dạng đấm/ quyết thiệt (đấm/ quyết kép) để mở rộng lòng nhà từ 5 gian thành 7 gian nhưng những cột đấm, quyết hàng hai cũng đều đã bị cắt ngắn để gác lên tường. Vì thế tường gạch bao quanh các phía có tác dụng chịu lực. Kèo hiên được tạo dáng kiểu kèo cù; cột hiên xây bằng gạch, xi măng.

Phối trí thờ tự trong đình trải dài cả 3 gian. Đây là nơi thờ thần linh và những người có công với làng nước. Bên trong đình có một bức hoành phi khắc 3 chữ Hán lớn:"Điếu Đài Cao" và một câu đối được làm vào mùa đông năm Tân Tỵ dưới thời Bảo Đại (1931) do ông Trương Đình Tường phụng cúng:

                   "Thổ vũ khuông phù nhân vật khang minh biền giả lạc

                   Giang sơn ủng hộ thanh danh phẩm giá Điếu đài cao"

                   (Thổ vũ nâng đỡ nhân vật khang minh người hiền thục

                   Giang sơn ủng hộ, thanh danh phẩm giá, đài Điếu cao).

 

Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình làng Điếu Ngao còn được ghi nhận là một di tích lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đông Hà.

Năm 1930 - 1931, Đình làng là địa điểm liên lạc của các cán bộ Cộng sản đầu tiên ở thành phố Đông Hà. Trong những năm 1936 - 1939, đây là nơi tập hợp lực lượng để chuẩn bị đón Gaudart. Cũng trong thời gian này tại đình làng đã diễn ra vụ kiện lý trưởng chiếm đất của dân nghèo. Sau vụ kiện, nông dân nghèo làng Điếu Ngao đã giành được thắng lợi. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, khu vực xung quanh đình làng đã diễn ra các hoạt động như: rải truyền đơn, treo cờ Đảng. Đây cũng là trung tâm liên lạc của các chiến sĩ cách mạng.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nơi đây thường diễn ra các buổi lễ tiễn đưa con em lên đường tham gia kháng chiến; nơi để tập luyện võ nghệ của lực lượng dân quân, du kích xã; đồng thời là nơi đặt trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng thôn lúc bấy giờ.

Với những bề dày văn hóa, lịch sử được vun đắp qua sự hình thành, phát triển của một làng cổ ở vùng đất Quảng Trị và qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, đình làng Điếu Ngao là niềm tự hào của các thế hệ con cháu trên quê hương.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Lê Ngọc Tú 18/04/2018 22:08 Lâm Thị Hạnh 20/04/2018 14:35
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà