Các vấn đề xã hội 7 3 2019 – Phát triển rừng bền vững
Danh mục
Các vấn đề xã hội
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Các vấn đề xã hội trên tần số 92,5Mhz, sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritv.vn. Chị Thúy Hằng này, chị có thấy rằng, những năm gần đây, việc phát triển rừng của tỉnh Quảng Trị đã có bước tiến vượt bậc không? Vâng, theo tôi được biết thì những năm qua ngành Lâm nghiệp Quảng Trị không ngừng phát triển và có những chuyển biến tích cực theo hướng lâm nghiệp xã hội, tạo điều kiện cho người làm nghề rừng có thu nhập ngày càng cao và vươn lên làm giàu từ rừng. Phát triển rừng đã thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hàng ngàn hộ gia đình tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản. Một vấn đề đang được đặt ra ở đây là, từ độ che phủ chỉ 19,5% năm 1989 đã tăng lên hơn 50% năm 2018, tỉnh Quảng Trị cần phải làm gì để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, để giữ được tỷ lệ độ che phủ rừng. Phát triển rừng gắn với bền vững là nội dung sẽ được chúng tôi đề cập trong chuyên mục Các vấn đề xã hội tuần này, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Các vấn đề xã hội 7 3 2019 – Phát triển rừng bền vững

Kính chào quý vị và các bạn!

Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Các vấn đề xã hội trên tần số 92,5Mhz, sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên địa chỉ trang web www.quangtritv.vn.

Chị Thúy Hằng này, chị có thấy rằng, những năm gần đây, việc phát triển rừng của tỉnh Quảng Trị đã có bước tiến vượt bậc không?

Vâng, theo tôi được biết thì những năm qua ngành Lâm nghiệp Quảng Trị không ngừng phát triển và có những chuyển biến tích cực theo hướng lâm nghiệp xã hội, tạo điều kiện cho người làm nghề rừng có thu nhập ngày càng cao và vươn lên làm giàu từ rừng. Phát triển rừng đã thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hàng ngàn hộ gia đình tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản.

Một vấn đề đang được đặt ra ở đây là, từ độ che phủ chỉ 19,5% năm 1989 đã tăng lên hơn 50% năm 2018, tỉnh Quảng Trị cần phải làm gì để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, để giữ được tỷ lệ độ che phủ rừng. Phát triển rừng gắn với bền vững là nội dung sẽ được chúng tôi đề cập trong chuyên mục Các vấn đề xã hội tuần này, mời quý vị và các bạn cùng nghe. 

Nhạc cắt

Bài 1: Phát triển rừng chứng chỉ FSC bền vững

Thưa quý vị và các bạn! Quảng Trị hiện là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng cũng như rừng được cấp chứng chỉ FSC. Sau 10 năm tham gia thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững, đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 22.000 héc ta rừng được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 11% diện tích của cả nước. Rừng FSC có lợi thế rất nhiều so với rừng trồng theo cách truyền thống, ngoài việc đem lại nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, bảo vệ đất, rừng FSC có giá trị kinh tế cao hơn. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp nhằm không ngừng phát triển rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC. Bài viết của PV chuyên mục, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Gần 10 năm trước, nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật và kinh phí của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững FSC, ông Lê Biên Hòa, ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đã nhận hơn 30 héc ta đất rừng để thực hiện mô hình này. Đến nay, gia đình ông Hòa đã 2 lần thu hoạch 15 héc ta rừng FSC, với tổng lợi nhuận gần 3 tỷ đồng. Ông Lê Biên Hòa cho biết, chọn trồng rừng FSC là một trong những yếu cố quan trọng để ông có thành quả như hôm nay. Ông Lê Biên Hòa, thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh chia sẻ thêm:

Trích băng: (Năm 2010 tôi chọn dự án FSC, chúng tôi rất hài lòng vì trong một thời gian có lợi nhuận gấp 2, 3 lần so với gỗ dăm. Góp phần bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với xã hội)

Tại Quảng Trị, sau 10 năm triển khai trồng rừng FSC, ngoài 3 đơn vị gồm công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bến Hải, công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9 và công ty TNHH MTV lâm nghiệp Triệu Hải, thì hiện có hơn 560 hộ dân với hơn 1.700 héc ta rừng của các hộ dân được cấp chứng chỉ FSC. Các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng FSC phải tuân thủ nguyên tắc rừng trồng 10 năm mới có thể thu hoạch. Chứng nhận tiêu chuẩn rừng FSC được thực hiện thông qua các Tổ chức chứng nhận được FSC công nhận. Nhìn một tầm xa hơn, rừng FSC phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam, đến năm 2020 phải có 30% rừng trồng được cấp FSC.

HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đã kết nối, vận động xã viên phát triển mô hình trồng rừng chứng chỉ FSC đã nâng cao chất lượng rừng, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Qua nhiều lần thu hoạch, người dân đã thấy rõ lợi ích của việc tham gia trồng rừng bền vững, đó chính là đất đai được bảo vệ, hạn chế xói mòn đất, môi trường được cải thiện. Chính vì vậy, sau thu hoạch, HTX đã tiếp tục trồng lại rừng FSC và hiện đang mở rộng diện tích lên 177 héc ta với sự tham gia của 12 hộ dân. Hiện nay, HTX đang tiếp tục vận động người dân trồng rừng chứng chỉ FSC với định hướng bao tiêu gỗ rừng trồng liên kết nguyên chuỗi từ đầu vào, khai thác, chế biến và xuất khẩu. Ông Nguyễn Thể, Giám đốc HTX Phú Hưng, Hải Phú, Hải Lăng chia sẻ:

Trích băng:  (Sau của cớt đầu - Trước đây đây chúng tôi làm gỗ dăm, do đó thu nhập 60 – 70 triệu 1 héc, giờ chúng tôi làm gỗ xẻ, chứng chỉ FSC, nhằm phát huy hiệu quả nông dân... tham gia đóng góp tích cực vào phát triển nông thôn mới...trang trại hộ gia đình ngày càng phát triển)

Điều cốt lõi để phát triển rừng FSC một trong những yếu tố quan trọng vẫn là việc nâng cao nhận thức cho chính người dân. Cùng với đó, sự vào cuộc của ngành chức năng, của chính quyền địa phương hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận với các tổ chức đánh giá chứng chỉ rừng sẽ góp phần quan trọng để diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt 25.000 héc ta vào năm 2020. Với những lợi ích của rừng FSC, phát triển rừng bền vững có chứng chỉ FSC là một trong những ưu thế để gỗ Quảng Trị có thể vươn ra thị trường thế giới với giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển KT – XH của địa phương.

Nhạc cắt

Bài 2: Dịch vụ môi trường rừng góp phần phát triển rừng bền vững

Thưa quý vị và các bạn! Cùng với việc đẩy mạnh phát triển rừng bền vững FSC thì việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang góp phần quan trọng trong việc phát triển rừng bền vững tại các địa phương. Thời gian qua, Quảng Trị đã được Bộ NN và PTNT đánh giá là địa phương làm tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc quản lý bảo vệ rừng cũng như trồng rừng hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bài viết của PV chuyên mục, mời quý vị và các bạn cùng nghe.

 

Anh Hồ Văn Đàm, thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông là một trong những hộ dân nơi đây gắn bó với việc chăm sóc bảo vệ rừng. Trong 2 năm trở lại đây, từ việc bảo vệ, chăm sóc rừng, gia đình anh đã được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ vậy giúp cho đời sống gia đình anh ngày một phát triển và đi lên, anh đã nhận thức được và tuyên truyền bà con cùng làm theo là không phá rừng mà có ý thức bảo vệ rừng. Anh Hồ Văn Đàm, thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông chia sẻ:

Trích băng:

Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã thu từ các doanh nghiệp là các Cty, nhà máy thủy điện trên địa bàn sử dụng DVMTR với số tiền xấp xỉ 54 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ đã chi trả hết gần 30 tỷ đồng cho 2.100 hộ gia đình, cá nhân và 13 cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ gia đình là chủ rừng. Số tiền còn lại Quỹ đang tiếp tục phối hợp với địa phương chi đến tận tay các chủ rừng và các hộ dân nhận khoán theo đúng quy định của nhà nước. Mục đích của chính sách chi trả DVMTR là thực hiện xã hội hoá nghề rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đảm bảo nguồn nước cho thuỷ điện và các nhu cầu sử dụng nước khác.

Tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông từ khi có chính sách chi trả DVMTR đã tạo lòng tin và sự khích lệ cho người dân. Cùng với đó Quỹ đã góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người trên địa bàn rừng núi, góp phần thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bà Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long, huyện Đakrông chia sẻ thêm:

Trích băng:

Hiện tại diện tích được hưởng chính sách chi trả DVMTR hơn 50 ngàn ha rừng, tập trung chủ yếu ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Quảng Trị đang tiếp tục thống kê, điều tra bổ sung các chủ rừng trên các lưu vực của một số thủy điện mới La Tó, Đakrông 1 và 4, Khe Nghi… Khi các nhà máy thủy điện này đi vào sử dụng DVMTR thì diện tích rừng được tỉnh Quảng Trị giao khoán cho người dân tăng lên hơn 3.000 ha nữa, số quỹ thu được cũng tăng lên và số gia đình được nhận tiền từ nguồn chỉ trả DVMTR cũng tăng lên, vì thế rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn. 

Nhạc cắt

Bài 3 – Lợi ích từ Luật lâm nghiệp với phát triển rừng

Thưa quý vị và các bạn! Luật Lâm nghiệp được thông qua ngày 15/11/2017 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, bao gồm 12 chương, 108 điều. Trong đó luật quy định về quy hoạch lâm nghiệp, bảo vệ, phát triển rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng, dịch vụ môi trường rừng, hoạt động tài chính trong lâm nghiệp, khoa học và công nghệ về lâm nghiệp, quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Với các quy định của Luật sẽ góp phần quản lý các hoạt động về lâm nghiệp hiệu quả, phát huy những lợi thế về rừng. Tỉnh Quảng Trị triển khai Luật lâm nghiệp như thế nào chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn qua bài viết sau.

Phương án quản lý rừng bền vững là nội dung mới của Luật Lâm nghiệp năm 2017, quy định tại Điều 27, là nguyên tắc xuyên suốt của hoạt động lâm nghiệp bảo đảm rừng được quản lý bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, chủ rừng là tổ chức phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; khuyến khích chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Nói về lợi ích của Luật, ông Phạm Hồng Thanh, thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cho biết:

Trích băng:

Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới các giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản. Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, có liên quan đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc của Luật. Cụ thể, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Ông Lê Văn Hưởng, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Phong chia sẻ:

Trích băng:

Để Luật lâm nghiệp đi vào cuộc sống, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp phù hợp với thực tiến. Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm:

Trích băng:

Với Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã khắc phục được những hạn chế của luật hiện hành và sẽ có tác động lớn, tích cực đến đời sống người trồng rừng, chủ rừng và công tác quản lý, bảo vệ, xuất khẩu lâm nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh kế thừa những thành tựu của Luật hiện hành thì Luật lâm nghiệp còn đáp ứng tình hình thực tế cũng như các dự báo sắp tới. Đáng chú ý, Luật lâm nghiệp đã thể chế hóa 3 chủ trương lớn của Đảng, đó là thể chế hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, Nghị quyết 24 của Trung ương Đảng, trong đó khẳng định lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội vừa thực hiện việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho những người gần rừng, sống được nhờ rừng, cùng với đó phát huy giá trị xã hội là thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội từ rừng./.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 04/03/2019 00:29 Lê Vĩnh Nhiên 07/03/2019 15:33
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà