TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THIẾU NHI 28-4
Danh mục
Văn nghệ thiếu nhi
NỘI DUNG

 

Tạp chí văn nghệ thiếu nhi

Phát sóng CN ngày 28-4-2019

MC: Chào các em thiếu nhi! Chào một chủ nhật nữa lại đến. Các em thân mến! Chúng ta đang tận hưởng một kỳ nghĩ dài nhân dịp 30-4 và 1-5. Không biết các em cùng gia đình có đi du lịch nghỉ ngơi ở đâu không nhỉ? Nếu không đi đâu cả thì hãy đón nghe chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài PTTH QT với những ca khúc thiếu nhi dễ thương các em nhé!  Và ca khúc đầu tiên là một sáng tác của nhạc sĩ Hàn ngọc Bích. Các em hãy nghe xem bài hát này có quen không nhé!

Bài hát: Đưa cơm cho mẹ đi cày

Các em thân mến! Bài hát Đưa cơm cho mẹ đi cày mà chúng ta vừa nghe là một trong những bài hát ra đời khá lâu được NS hàn Ngọc Bích sáng tác vào năm 1970, khi ông sơ tán về Hà Tây gặp các em thiếu nhi đi đưa cơm cho mẹ đi cày nên đã xúc động viết thành bài hát. Và chúng ta hãy cùng nghe tâm sự của một bạn nhỏ sau đây: “ Bài hát này (Đưa cơm cho mẹ đi cày) làm mình nhớ một kỷ niệm với mẹ. Kỷ niệm đó giống bài hát ở đoạn đầu và đoạn kết bài:

Mặt trời soi rực rỡ, gió đùa tóc em bay,

Bước chân thêm nhanh, em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày.…

Rằng con bước lon ton

Khi con đưa cơm cho mẹ vui đi cày.…

Mẹ mình bán tạp hóa tại một chợ cách nhà khoảng hơn một cây số. Hồi nhỏ, mình và ba thường mang cơm cho mẹ ăn trưa. Khi mình học cấp 1, cấp 2, chẳng nhớ từ hồi nào, chỉ nhớ những buổi trưa trời cũng năng nắng, ba nấu cơm xong, bới cơm vào cặp lồng inox, thêm thức ăn và nước canh vào các ngăn, chằn dây thun lại, rồi ba hối mình chuẩn bị nhanh lên, để ba chở ra chợ, để mẹ ăn kẻo trưa. Tới chợ, ba dừng xe ở ngoài, còn mình xách cặp lồng chạy vào chợ, đưa cho mẹ rồi về lên xe ba chở về. Trên đường đến chợ, mình cố gắng giữ cho cặp lồng được thẳng. Cặp lồng nóng, mình giữ để nó không chạm vào người mình và ba. Cặp lồng dù chằn dây thun nhưng cũng dễ xộc xệch nên cần giữ thẳng để không đổ thức ăn ra ngoài. Đường nhà mình đến chợ qua hai con dốc cao (bây giờ hai con dốc này đã được làm thấp xuống nhiều rồi). Mỗi lần xe lên dốc hay xuống dốc là mình bị trôi về phía sau hay phía trước. Sau này mình phát hiện ra là phải bấm ngón chân ở chỗ để chân của xe thì người mới không trôi đi. Bây giờ mẹ mình ăn cơm tại chợ hoặc cơm chuẩn bị từ lúc sáng, để ba và mình khỏi phải đưa cơm trưa nắng vất vả.Mình thì chẳng thấy vất vả gì. Mình lúc đó chỉ phụ ba cái này cái kia, rồi khi ba chở đi thì ngồi trên xe ngắm mây trời. Thỉnh thoảng mình đang làm việc đó hấp dẫn mà đến giờ đưa cơm cho mẹ, phải dừng ở đó thì cũng tiêng tiếc. Nhưng tiếc một chút rồi lại quên ngay. Mình thích đi đưa cơm cho mẹ. Nhưng mẹ thích mình ở nhà hơn thì mình ở nhà để mẹ vui lòng”. Các em thấy tâm sự của bạn nhỏ vừa rồi có dễ thương không nào? Còn sau đây là cảm nhận của bạn Khánh Hồng về bài hát Đưa cơm cho mẹ đi cày:

PV: Hồng

Các em thân mến! Mỗi bạn một cảm nhận khác nhau về bài hát nhưng tựu trung lại thì vẫn là tình yêu bao la giành cho mẹ kính yêu của chúng ta phải không naog? Hãy cùng nghe bài hát này một lần nữa các em nhé

Bài hát: Đưa cơm cho mẹ đi cày

MC: Các em thân mến! Bài hát Đi học là một bài hát rất nổi tiếng của NS Bùi Đình Thảo, phổ thơ Minh Chính. Bài hát này tác giả viết cho các em thiếu nhi miền núi, nhưng mức độ phổ biến sau đó của nó đã vượt quá khoảng không gian trong dự định của người sáng tác. NS Bùi Đình Thảo đã khéo léo lựa chọn những đoạn thơ giầu hình ảnh và cô đọng nhất của Minh Chính để phổ nhạc.

“Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối reo thầm thì

Cọ xoè ô che nắng

Râm mát đường em đi

Chim đùa reo trong lá

Cá dưới khe thì thào

Hương rừng thơm chen hương cốm

Em tới trường hương theo…”

Bài hát: Đi Học

Với chất liệu âm nhạc mang âm hưởng của dân ca miền núi phía Bắc, bằng một giai điệu khoan thai, nhẹ nhàng, trong sáng, có những nốt luyến láy  duyên dáng, âm nhạc của ca khúc “Đi học” đã làm cho lời thơ bay bổng. Bài hát được câu tạo ở thể 3 đoạn. Trước khi vào đoạn thứ nhất có nét nhạc dạo đầu, nét nhạc này mang âm hưởng Tính Tẩu – một loại nhạc cụ quen thuộc của đồng bào Tày, Viêt Bắc. Nét nhạc đó như một  sợi chỉ xuyên suốt bài, nó vang lên ở giữa đoạn nhạc thứ nhất với đoạn nhạc thứ hai, tiếp tục làm cầu nối sang đoạn thứ ba để kết thúc.Dùng thủ pháp sử dụng một nét nhạc “gian tấu” xen kẽ giữa các đoạn nhạc chính trong khúc thức, tác giả gắn liền toàn bộ bài hát thành một khối thống nhất. Đường nét giai điệu của bài hát  được tiến hành chủ yếu bằng những quãng hẹp, rất ít những quảng nhảy do đó tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, diễn tả được tính cách hồn nhiên, trong sáng vô tư và lạc quan của các em nhỏ trên đường tới lớp. Mặt khác, việc sử dụng chất liệu dân gian một cách nhuần nhuyễn làm cho giai điệu đậm đà tính dân tộc, mang rõ phong cách miền núi nhưng không bị trùng lặp. Với những bài dân ca hoặc những giai điệu miền núi quen thuộc khác  cũng là một ưu điểm của bài hát. Bạn Hồng Tươi chia sẻ cảm nhận của mình về bài hát này như sau:

PV: Tươi

Các em biết không? Hàng năm, cứ đến năm học mới lại có bao em nhỏ lần đầu tiên cắp sách đến trường. Em bước đi trong dáng điệu rụt rè, ngỡ ngàng, nắm chặt tay mẹ và líu ríu bước theo sau. Những em nhỏ ấy hẳn hồi hộp và xúc động lắm.  “Đi học” là một bài hát đã ghi lại cảm xúc đó của các em nhỏ và được đông đảo thiếu nhi cũng như người lớn ưa thích.Cùng với các ca khúc khác viết cho thiếu nhi như: “Em đi giữa biển vàng”, “Sách bút thân yêu ơi”, “Chúng em làm cô Tấm”… Đi học” cũng là một bài hát hay của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (1931 – 1997) - một ca khúc tạo nên ấn tượng đẹp trong tâm hồn mọi người và trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Bài hát: Đi học

MC: Các em thiếu nhi thân mến! Phần cuối của tạp chí VNTN tuần này chị mười các em cùng nghe bài hát Vui đến trường của nhạc sĩ Nguyễn văn Chung với tiếng hát của bạn Huệ Nhi. Đây là một bài hát vui tươi thể hiện sự hồn nhiên nhí nhảnh của các bạn học sinh. Niềm vui mỗi ngày đến lớp cùng bạn bè và cặp sách thân yêu.

Bài hát: Vui đến trường

MC: Các em thiếu nhi thân mên! Các em yêu thích bài hát nào? Hâm mộ ca sĩ nhí nào? Đừng ngại ngần chia sẻ với chị Thái Hiền nhé. Trong khả năng có thể chị sẽ đáp ứng yêu cầu của các em. Các em có thể gửi email về địa chỉ: tapchivannghethieunhiquangtri@gmail.com. Còn bây giờ chị phải nói lời chào tạm biệt các em rồi. Chúc các em có một kỳ nghĩ lễ thật vui nhé! Tạm biệt các em và hẹn gặp lại vào chủ nhật tuần sau!  

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 22/04/2019 15:02 Lê Vĩnh Nhiên 25/04/2019 13:22
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà