Các vấn đề xã hội 25 7 2019 – Phòng chống bạo lực gia đình
Danh mục
Các vấn đề xã hội
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Các vấn đề xã hội của Đài PTTH Quảng Trị, chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz sóng phát thanh, quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên trang web www.quangtritv.vn Chị Như Hòa này, xã hội ngày càng phát triển nhưng hiện nay vấn nạn bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Đâu đó quanh cuộc sống của chúng ta, nạn bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra mà chính những người trong cuộc cũng đang rất khó tìm cách để giải quyết. Vâng đúng rồi, Thúy Hằng, Chính bản thân tôi cũng thấy bạo lực gia đình hiện đang là vấn nạn không còn mới lạ ở mỗi địa phương, vùng miền trong cả nước cũng như đối với tỉnh Quảng Trị. Nhiều người nghe hai từ bạo lực cứ nghĩ rằng đó là đánh đập, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay giữa các thành viên trong gia đình. Nhưng thực tế, bạo lực gia đình còn là bạo lực về kinh tế, tinh thần hay cả sự ép buộc về tình dục cũng được xem là bạo lực gia đình Thúy Hằng ạ. Chính vì vậy mà sự lên tiếng của mỗi cá nhân hay sự vào cuộc giúp sức của gia đình, hàng xóm, cộng đồng xã hội và Đảng ủy, chính quyền các địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng phòng chống bạo lực gia đình. Chuyên mục Các vấn đề xã hội hôm nay sẽ giành thời lượng đề cập đến vấn nạn bạo lực gia đình và cách phòng chống. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Các vấn đề xã hội 25 7 2019 – Phòng chống bạo lực gia đình

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi gặp lại quý vị và các bạn trong chuyên mục Các vấn đề xã hội của Đài PTTH Quảng Trị, chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz sóng phát thanh, quý vị và các bạn có thể nghe lại chương trình trên trang web www.quangtritv.vn

Chị Như Hòa này, xã hội ngày càng phát triển nhưng hiện nay vấn nạn bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Đâu đó quanh cuộc sống của chúng ta, nạn bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra mà chính những người trong cuộc cũng đang rất khó tìm cách để giải quyết.

Vâng đúng rồi, Thúy Hằng, Chính bản thân tôi cũng thấy bạo lực gia đình hiện đang là vấn nạn không còn mới lạ ở mỗi địa phương, vùng miền trong cả nước cũng như đối với tỉnh Quảng Trị. Nhiều người nghe hai từ bạo lực cứ nghĩ rằng đó là đánh đập, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay giữa các thành viên trong gia đình. Nhưng thực tế, bạo lực gia đình còn là bạo lực về kinh tế, tinh thần hay cả sự ép buộc về tình dục cũng được xem là bạo lực gia đình Thúy Hằng ạ.

Chính vì vậy mà sự lên tiếng của mỗi cá nhân hay sự vào cuộc giúp sức của gia đình, hàng xóm, cộng đồng xã hội và Đảng ủy, chính quyền các địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng phòng chống bạo lực gia đình. Chuyên mục Các vấn đề xã hội hôm nay sẽ giành thời lượng đề cập đến vấn nạn bạo lực gia đình và cách phòng chống. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Bài 1 – Bạo lực gia đình và những hệ lụy

Thưa quý vị và các bạn! Hiện nay, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông đang có xu hướng gia tăng. Cùng với vấn đề kết hôn sớm ở trẻ, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra tại các gia đình đồng bào vùng cao của tỉnh Quảng Trị. Và nạn nhân thường là những phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình. Trong mỗi nếp nhà sàn, không ít chị em phụ nữ cam chịu vì không dám lên tiếng bởi sợ bao điều tiếng, dị nghị. Bài viết sau sẽ cho chúng ta thấy rõ về thực trạng bạo lực gia đình tại các địa phương vùng núi của tỉnh Quảng Trị. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Xã A Ngo, huyện Đakrông là địa phương có tới hơn 90% đồng bào dân tộc PaKo sinh sống. Nơi đây, trong mỗi gia đình, người phụ nữ vẫn luôn là lao động chính. Sau mỗi buổi lên nương làm rẫy, chị em phải chăm lo cho gia đình, chồng con. Không ít người chồng ít quan tâm đến gia đình, con cái, gặp gỡ bạn bè, uống rượu và về đánh đập, cãi vã với vợ con. Không khí trong các gia đình như vậy ngày càng nặng nề thêm. Không ít chị em phải cam chịu và không dám lên tiếng. Trước đây, chị Hồ Thị Hậu, thôn Pi Rao, xã A Ngo, huyện Đakrông thường xuyên bị chồng đánh mắng mỗi lần uống rượu. Sau nhiều lần thấy quá thiệt thòi, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và con cái, chị Hậu đã tìm biện pháp để khuyên chồng. Cũng nhờ mưa dầm thấm lâu, và hiểu ý chồng nên tình trạng đánh nhau, cãi vã trong nhà ngày càng hạn chế dần. Chị Hậu chia sẻ:

Trích băng:

PTV đọc dịch: (Mỗi lần chồng uống rượu về là đều gây lộn với tôi. Khi tôi nói lại anh sẵn sàng đánh tôi. Nhiều lần như vậy, tôi biết mình cần phải tránh khi anh uống rượu, sau vài tiếng mới dám về nhà vì lúc đó anh đã ngủ. Khi anh tỉnh tôi cũng nói cho anh biết làm như vậy không được, có ngày không còn vợ nữa... dần dần anh cũng ít uống hơn, ít cãi vã hơn. Giờ anh rất chăm chỉ làm ăn, phụ giúp tôi lên nương làm rẫy và cùng chăm con)

Ngược lên xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, chúng tôi nghe câu chuyện của bà Hồ Thị Hiên, thôn Miệt, xã Hướng Linh kể về tình trạng bạo lực của một người dân trong bản của mình. Ví lý do cá nhân nên bà Hiên xin được phép giấu tên của người đàn ông này. Đó là vấn nạn uống rượu của người đàn ông này, mỗi lần uống rượu là gây gổ, đánh nhau với những người khác trong thôn bản. Lấy rựa chặt cây cối, dọa nạt những người xung quanh, rồi chửi hết người này người khác. Người dân ở đây cảm thấy rất phiền phức và bực bội nhưng cũng không có cách gì giúp cho người đàn ông này giảm bớt tật uống rượu, giảm bớt đánh đập người khác. Mỗi lần thấy vậy họ chỉ biết tránh phiền phức. Bà Hồ Thị Hiên, thôn Miệt, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa chia sẻ thêm:

Trích băng:

PTV đọc dịch: Dân bản ở đây ai cũng quen rồi nên mỗi lần thấy như vậy đều tránh thôi, cũng không biết cách nào để cho ông này hết uống rượu, hết dùng bạo lực như vậy. Cũng mong các đoàn thể, địa phương có cách nào đó giúp đỡ gia đình ông. Cứ kéo dài tình trạng này vợ con ông khổ lắm)

Thực tế thì không phải gia đình nào ở vùng cao cũng được như của chị Hậu ở xã A Ngo, huyện Đakrông. Theo báo cáo từ Ban vận động vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, hàng năm, toàn tỉnh có trên 200 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ từ 15- 59 tuổi, chiếm gần 88%. Mặt khác, trong nhận thức của cộng đồng thì bạo lực gia đình vẫn được xem là vấn đề riêng tư của mỗi gia đình, chỉ đến khi nào mức độ bạo lực quá nghiêm trọng, gây nhiều thương tích thì các cơ quan chức năng mới can thiệp, giải quyết.

Nhạc cắt

Bài 2 – Cần hiểu rõ như thế nào là bạo lực gia đình

Thưa quý vị và các bạn! Hiện nay, bạo lực gia đình xuất phát từ cả hai phía vợ và chồng đang ngày càng phát triển và gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân của hiện tượng này rất nhiều, ngoài vấn đề tâm lý còn phải kể đến vấn đề đạo đức, kiến thức giải quyết mâu thuẫn gia đình…Cần hiểu như thế nào cho đúng về bạo lực gia đình, chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng nghe bài viết sau.

Hiện nay, bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể thấy là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Hành vi người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất, đây là dạng dễ nhận thấy và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sỡ dĩ đa phần người đàn ông sử dụng “nắm đấm” để dạy vợ là do họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi bạo lực của người chồng đều là bạo lực về thể chất mà có những lúc, họ dùng tới nhiều cách khác để gây ra những tổn thương về tâm lý cho người vợ: mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm danh dự…; hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế…Nhưng trong xã hội ngày nay, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng cũng không phải là hiếm. Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ chửi bới, những cách ứng xử thô bạo mà họ còn trực tiếp gây ra những tổn thương về thể chất hoặc tính mạng của người chồng. Chia sẻ về tình trạng bạo lực của địa phương, ông Nguyễn Ngọc Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cho biết:

Trích băng:

Ngoài ra hiện nay còn có tình trạng bạo lực giữa cha mẹ và con cái. Với tâm lý, truyền thống, thói quen của người Việt, thì vấn đề bạo lực giữa cha mẹ với con cái  được xã hội chấp nhận và khá phổ biến. Có thể dễ dàng nhận thấy đó là những hành động “dạy bảo” con cái xuất phát từ cái quan niệm gọi là “Yêu cho roi cho vọt – Ghét cho ngọt cho bùi” và giáo dục thì cần phải nghiêm khắc. Rất nhiều ông bố bà mẹ coi việc đánh đập, chửi mắng con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết để chúng nhận ra sai lầm và sửa chữa; hay coi việc trách móc là động lực để chúng phấn đấu. Trên thực tế chúng ta đều có thể nhận thấy, cách làm này phần nào phù hợp với tâm lý của người Việt và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi những chuẩn mực tiến bộ về quyền con người đã và đang phổ biến trên thế giới thì những tư tưởng, cách làm này cần được sớm loại bỏ. Đặc biệt, là những trường hợp bạo lực với con cái vượt ra ngoài phạm vi giáo dục - một tình trạng ngày càng gia tăng thì cần phải bị trừng trị nghiêm khắc.

    Bên cạnh những hành vi từ phía cha mẹ đối với con cái, thì bạo lực gia đình xuất phát từ người con đối với cha mẹ mình cũng đang ngày càng gia tăng. Một số trường hợp người trẻ tuổi gây ra những tổn thương về cả vật chất, tinh thần cho cha mẹ do sự thiếu kiềm chế, do đua đòi hư hỏng hoặc một vài lý do khác. Tuy nhiên, không thể bào chữa, biện hộ cho những người con đã khôn lớn trưởng thành dưới bàn tay yêu thương, nuôi dạy của cha mẹ nhưng lại bỏ bê, không chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, thậm chí hơn là đánh đập, chửi mắng, sỉ nhục những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình.

      Bạo lực gia đình giữa các thành viên khác trong gia đình với nhau cũng đã tồn tại từ lâu nhưng chiến tỷ lệ không lớn, vì mức độ phụ thuộc giữa các thành viên này không cao như giữa vợ chồng hay cha mẹ với con. Nạn nhân chủ yếu của loại bạo lực này là phụ nữ và trẻ em khi mà các thành viên này muốn tham gia vào sự “giáo dục” những người làm dâu, làm con trong gia đình. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong gia đình không tìm được cách giải quyết cũng dẫn tới nạn bạo lực giữa các thành viên khác: anh em, chú cháu đánh nhau vì xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống, vì tranh chấp tài sản, chị em mắng chửi, nói xấu nhau….

Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Xét về hình thức, có thể chia bạo lực gia đình thành các hình thức chủ yếu sau:

Bạo lực về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm  tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình

Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình. Bạo lực về tình dục: là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.

Như vậy phần nào chúng ta đã hiểu rõ hơn về vấn nạn bạo lực gia đình đã và đang diễn ra trong xã hội ngày nay. Làm gì để góp phần phòng chống nạn bạo lực gia đình, chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn trong ít phút nữa, mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình.

Nhạc cắt

Bài 3 – Làm gì phòng chống bạo lực gia đình

Thưa quý vị và các bạn!

Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự,..và đặc biệt Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi và chưa có những chuyển biến tích cực. Làm gì để góp phần phòng chống bạo lực gia đình, mời quý vị và các bạn cùng nghe bài viết sau.

Theo thống kê từ vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên cả nước xảy ra khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình và khoảng 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực trong đời. 27% số vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng tại các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn…; 80% vụ ly hôn trên toàn quốc có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Đây thực sự là những con số đáng báo động.

Để phòng chống bạo lực gia đình, cần có các giải pháp chủ động, căn cơ để ngăn chặn từ gốc. Các cơ quan chức năng cần kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục bằng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức với sự vào cuộc có trách nhiệm từ nhiều phía. Khi hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, cần giải quyết gắn với pháp luật để nghiêm trị, răn đe, chứ không đặt “nặng” tính hòa giải. Tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, một trong những địa phương đang xây dựng nông thôn kiểu mẫu của tỉnh Quảng Trị, hiện nay tình trạng bạo lực gia đình hầu như ít xảy ra. Chia sẻ thêm về giải pháp của mình, ông Nguyễn Ngọc Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cho biết:

Trích băng:

Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt kết quả như mong muốn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng như các chính sách, chương trình hành động phải lan tỏa tới từng thôn, xóm. Ngành Văn hóa cần coi trọng công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức cho mọi người để họ chủ động, có trách nhiệm hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý nghiêm người vi phạm. Điều quan trọng không kém là sự vào cuộc có trách nhiệm từ nhiều phía để kịp thời ngăn chặn mầm mống bạo lực; bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân khi bạo lực gia đình xảy ra. Và chính mỗi thành viên trong gia đình cần phải có những giải pháp mềm dẻo để giữ gìn hạnh phúc trước khi bạo lực xảy ra. Bà Nguyễn Thị Tố Như, thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cho biết thêm:

Trích băng:

Chủ đề truyền thông và Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ năm 2019 là “Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”. Với chỉ tiêu mỗi tỉnh, thành có trên 95% hộ gia định được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ. Đặc biệt tập trung nguồn lực thực hiện tuyên truyền dịp Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ từ ngày 1 - 30.6 hằng năm và hưởng ứng Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25.11. Điều này thêm một lần nữa khẳng định sự vào cuộc của toàn xã hội trong vấn đề phòng chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, hạnh phúc hơn./.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 23/07/2019 21:52 Nguyễn Thị Bảo 23/07/2019 21:52
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà