Thơ 13/12
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 14/12 -Thưa quý thính giả! Mở đầu ct như thường lệ là mục điểm thơ đã đăng tải trên tạp chí văn nghệ địa phương, bài của An Thái, chúng ta cùng theo dõi. -Tiếp nối ct, với mong muốn có một cái nhìn phê bình văn chương về tập thơ mới ra đời của nhà thơ, nhà văn Hồ Sĩ Bình, Hiếu Giang có bài viết sau. Chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct, mời quý thính giả cùng tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện giữa pv viên ct với một nhà thơ gốc Phan Thiết, trưởng thành từ đại học Đà Lạt. Chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa nghe ct: người yêu thơ QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Điểm thơ:

 

Chúng ta cùng đến với tác giả Ngô Thanh Vân với tác phẩm được đăng tải tạp chí Cửa Việt.

“Giắc mơ quê” là một bài thơ thuộc dạng ở phố nhớ làng, mở đầu bằng sự liên tưởng, so sánh:

  Một chút quê ở trong lòng phố

Nơi góc sân mẹ nhóm củi ngo

Sợi khói mảnh làm nhòe đôi mắt

Bụi tro bay vương vít mái đầu.

 

Nồi nước vối thơm lừng cha uống

Tiếng mời nhau đầu ngõ hôm nào

Ba mươi năm ngỡ là chớp mắt

Nỗi nhớ nhà đau đáu chưa nguôi.

  Đó là tâm trạng lưỡng phân, dễ hiểu nhưng lại nhiều khi khó giải thích rành rọt mà rất nhiều người từ quê ra phố thường có và nó ngày càng lớn dần lên trong cảm xúc của con người ta khi tuổi tác ngày càng cao và ký ức thường nhớ về nguồn cội. Cho nên tác giả viết tiếp:

  Bởi cuộc sống tảo tần hôm sớm

Rời xa quê tìm kế mưu sinh

Cha đem cả hình hài mưa nắng

Chút sông quê gọi giấc mơ về.

 

Con biết lắm mẹ buồn nhớ tiếc

Cánh diều chao nghiêng cả triền đê

Nên mỗi chiều củi ngo toả khói

Mắt mẹ nhìn đắm đắm sau hè...

   Không có điều gì to tát cả, và đôi khi cũng không hiện hữu rõ rệt nhưng có thật, cả khi cảm giác mơ hồ cũng là có thật, có thật một nỗi nhớ nhẹ nhàng mà sâu lắng, nó cứ như ngấm vào người như rượu gạo. Đó là tình cảm có thực và rất đáng trân trọng.

  Còn trong một bài thơ khác cũng của tác gỉa  này, bài thơ “Mong manh ngày cũ” mở đầu như sau:

  Tay lỡ chạm mong manh ngày cũ

nghe chênh chao rớt xuống đời buồn

vài giọt rượu mà say như thể

chuỗi xa sau ngồi cụng cùng nhau

 

Ly hạnh ngộ nghĩ lòng nguội lạnh

sóng luênh loang mình cũng ngỡ ngàng

ta chắt bóp từng chiều trống vắng

ru mình mà như đang ru ai?

 

Cũng chông chênh, cũng mông lung hơn nhiều nỗi nhớ làng quê nguồn cội khi ra phố. Ấy vậy mà rất thực vì nó được chưng cất như rượu gạo của làng từ những kỷ niệm vui buồn như máu thịt đời người để rồi cảm xúc bồi hồi theo nỗi nhớ:

  Tay lỡ chạm lưng chừng mây trắng

Mà nắng mưa vần vũ trên đầu

có những điều tưởng chừng giản dị

mà nghe nhức buốt tận xưa sau...

 

Bài thơ kết thúc như một tự tình tưởng chừng nhẹ nhàng mà nặng trĩu của một tâm hồn đa cảm, đa mang.

 

    ÁM ẢNH THỜI GIAN TRONG THƠ HỒ SĨ BÌNH.

                                                                         (Phạm Xuân Dũng)

   (Nhân đọc tập thơ “Mưa nắng lưng đèo” của Hồ Sĩ Bình, NXB Hội Nhà văn)

 

   Theo tôi, có lẽ nét nổi trội nhất trong thơ cựu nhà giáo, thi sĩ Hồ Sĩ Bình (quê gốc Quảng Trị, từng dạy học nhiều năm ở Tây Nguyên, hiện sống và công tác tại Đà Nẵng) chính là ám ảnh thời gian.

  Điều này thực ra không hề mới trong thi ca, nếu không nói đó còn là  một trong những đặc trưng phổ biến của nhiều giai đoạn sáng tác, của  nhiều nhà thơ, tập thơ, bài thơ. Nhưng với mỗi thi nhân thì biểu hiện có khác nhau.

  Trong thời hiện đại, nhờ những phương tiện giao thông tân tiến nên việc rút ngắn khoảng cách không gian đã trở nên đơn giản, hơn nữa cùng với sự phát triển của Internet đã làm cả trái đất trở thành môt “thế giới phẳng”.  Sự xa cách về mặt không gian, vị trí địa lý hình như không còn “làm khó” con người, kể cả các nhà thơ. Điều này cho thấy dòng thơ lữ thứ giang hồ thịnh hành một thời nay cũng không còn thời thượng, dù rằng thời nào thi nhân muôn đời vẫn là thi nhân, cũng thất tình lục dục. Còn riêng với hằng số thời gian thì hầu như không thay đổi trong đời sống thường nhật, hơn nữa đời người hữu hạn thường được tính bằng đại lượng thời gian, rồi những vui buồn trải nghiệm, sinh ly tử biệt thì không thể có gì thay thế. Nên thời gian vẫn là hiện hữu ưu tiên trong rất nhiều tác phẩm văn chương, trong đó có thơ Hồ Sĩ Bình mà chúng ta đang nói đến.

  Mang tâm trạng hồi cố nói như nhà văn Pháp Marxel Proust (Mác xen prut) “Đi tìm thời gian đã mất” nên thời gian nghệ thuật trong thơ Hồ Sĩ Bình là thời gian hoài niệm, thời gian tâm trạng. Mặt khác cũng mang tâm thế không mấy khi bằng lòng trước thực tại nên dù chạm mặt “thời gian tìm thấy” lẽ ra phải hoan hỉ  thì vẫn có cảm giác một Hồ Sĩ Bình gồng gánh u buồn từ tiền kiếp.

Ngay những bài thơ mà tên gọi đã là một địa danh cụ thể, nói những điều rất giản dị đời thường trong một không gian cố định thì ý niệm thời gian cứ như muốn bật ra từ vô thức:

   ngôi nhà gỗ thông nằm trên dốc

   ngã ba giao lộ cái quan 14

   chiều ra đứng trông theo những chuyến xe về xuôi

   vội vã ầm ào xe lao nhanh như lưỡi dao đâm vào nỗi nhớ

   về phía ấy ngong ngóng niềm đau

                                            (Buôn Hồ)

 “...lưỡi dao đâm vào nỗi nhớ”  chính là hoài niệm về quá khứ sinh viên Huế. Cách dùng động từ mạnh và cách ví von khá lạ khi để cái cụ thể hữu hình (chiếc xe) đâm như lưỡi dao xuyên qua cái trừu tượng vô hình (nỗi nhớ). Vì vậy đoạn thơ và cả bài thơ thoạt nghe như khẩu ngữ hội thoại đời thường lại có chất thơ từ câu chữ như thế.

    Một hôm nào đó về lại quê nhà Quảng Trị nghe cảnh vật và cả thời gian như thể chiêm bao khi lắng nghe “mộng mị quanh đời” :

   hoa cái vàng nghìn thu

          cũng một màu thảng thốt

   mưa bui bay tháng giêng ơi

   một chiều không đổi

 

  vẫn là một màu sương ấy bập bùng trong trái tim

  rung như quả lắc mập mờ một điều rất mới

  hiu hắt triền đê bóng chiều hấp hối

  chợt ngại ngần muốn hỏi

  khế trong vườn hoa tím chưa em?

   Dường như bất lực trong tâm thế muốn cố định hóa những gì đã qua, muốn đóng đinh kỷ niệm trên cây thập giá thời gian. Nhưng vô ích nên nhà thơ đành mượn thơ trong một nỗi niềm gần như tuyệt vọng như kẻ sắp chết đuối trên dòng sông của thì-quá-khứ. Lớp sương mù tâm trạng như vây bủa  cảm thức triết học về “thân phận lưu đày” trước một hiện thực dù là hiện thực tâm trạng cũng quá đỗi mong manh.

   Thời gian biểu hiện trong thơ Hồ Sĩ Bình theo nhiều sắc thái và cung bậc cảm xúc. Có thể hiện hữu như cách tính số học về một hiện tượng nghiêng theo chiều siêu thực :”ta ngồi đếm bóng chiều se sắt nắng/đếm vàng phai trong biếc đẫm hanh hao” rồi bất chợt thời gian lại co giãn theo tâm trạng :”góc phố nhiều khi không có điện/đêm bỗng dài hơn tiếng nguyệt trầm/có ai hát níu mùa thu ở lại/chớm mưa về bóng núi đã mênh mang...” (tưởng như...)

  Đại lượng thời gian và cách đo đếm theo cung bậc cảm xúc nhiều khi không còn nặng chuyện chính xác hay không hoặc nếu có cũng  chỉ là giả định. Nhưng không phải vì thế mà xúc cảm, đặc biệt là nỗi lòng đối với mẹ và cố hương Quảng Trị vô vàn yêu dấu lại có thể nhạt nhòa:

   chiếc cầu mới như một vầng trăng khuyết

   hay trăng non cũng thế thôi mà

   tôi tìm mẹ về nơi không có mẹ

   chỉ để tìm nỗi thương nhớ xa xưa

                            (quê ngoại)

  Về lại cố hương ai mà chẳng muốn nhưng ngay cả điều này nói như Xuân Diệu : “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” nên Hồ Sĩ Bình vẫn mang nỗi niềm của Lưu Nguyễn trần hoàn, lắm lúc thấy thấm một nỗi cô đơn không dễ gì chia sẻ và nỗi buồn dù chưa gặp đã thấy trước rồi phải chia tay, người viết như đứng trước một nghịch lý trớ trêu nhưng đó lại là chân lý không thể khước từ. Nhà thơ như muốn kêu lên:

   quê quán ơi

   bao lần trở lại

   trở lại bao lần

   cũng chỉ để mà đi

  Và thi nhân thường tiếc nuối thời gian, vật vã với thời gian rất nhiều khi người thơ muốn phân thân, hóa thân trong các chiều kích thời gian khác nhau để ao ước sống hết với những cảnh giới khác nhau của một kiếp người:

  người về nói với ngày xưa

  tiếng chim đã khản bên bờ ruộng dâu

 

  người về có biết mai sau

  chuông ngân đã rụng đêm sâu giếng vàng...

                                  (lục bát xuống hàng)

  Nhưng cảm thức thời gian đầy đủ nhất, cô đặc cảm  xúc Hồ Sĩ Bình và khá tiêu biểu cho thơ anh về mặt này là thi phẩm “mới đây” :
   sớm mai chưa kịp cầm tay

   hoàng hôn níu bóng một ngày đã qua

  

   mùa xuân mới chạm tay ngà

   đã nghe sương khói nhạt nhòa nỗi xa

 

   một người mới nhấm hoàng hoa

   chén nghiêng chưa kịp đã qua đông rồi

 

   mới đây rồi cũng một đời

   tóc thơm buổi trước cũng lời tà huy

 

   thôi rồi em với ngày xưa

   mai tôi về nhớ ngày mưa trên ngàn

    Đương nhiên thơ Hồ Sĩ Bình còn những điều đáng nói khác nữa. Tuy vậy ám ảnh thời gian vẫn là hiện hữu đặc trưng nhất trong thơ của một người quê Quảng Trị, có khi vài câu, có khi cả đoạn, thậm chí cả bài. Nhiều bài đọc từng câu có vẻ không thấy dấu vết thời gian rõ nét nhưng tổng thể cả đoạn, cả bài lại thấy nao nao cảm xúc và hiện hữu một thời –gian-tâm-trạng rót đầy tâm trạng thời gian. Ví như những bài thơ :”ngoài nớ trong ni”, “bảng tên trường”, “ngày bão rớt”, “ký ức phố huyện”,”thư cũ”, “vết cắt”, “uống rượu rừng biên”,“hương xưa mẹ và em”...

   Thành thực mà nói, theo tôi thơ Hồ Sĩ Bình nhiều bài, nhiều câu không mới, nhiều từ dùng đã cũ. Nhưng những bài thơ, câu thơ của anh dành được cảm tình và sự chia sẻ của người đọc chính nhờ ám ảnh thời gian gần như thường trực trong cảm xúc thi ca được viết nên bằng một tâm trạng âu lo, muộn phiền và sốt sắng gặp gỡ, sốt sắng chia ly. Và dù thường xuyên ăn ngủ, vui buồn với kỷ niệm đã qua và chưa tới, với mỗi thời khắc  nhưng anh không quên nỗ lực sống và làm việc hết mình để có được những tác phẩm văn chương bắc cầu đến cả với những người không quen biết, và đôi khi- vì một lý do nào đó, vẫn còn hờ hững với thời gian.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 10/12/2019 11:32 Nguyễn Việt Hà 13/01/2020 08:37

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà