Người yêu thơ QT 8/1
Danh mục
Tạp chí người yêu thơ Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Ct thơ 8/1 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct là mục điểm thơ như thường lệ, chúng ta sẽ đến với các sáng tác qua bài viết của An Thái, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Tiếp nối ct, trong cảm hứng đầu xuân, Hiếu Giang có bài viết : "Quảng Trị-nơi cảm hứng của thi ca". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Phần cuối ct là cuộc trò chuyện giữa pv với một nhà thơ Quảng Trị, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: người yêu thơ QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Điểm thơ :

 

-Tạp chí Người yêu thơ Quảng Trị tuần này xin điểm thơ đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị.

   Nhà thơ đồng thời cũng là nhà báo Lê Văn Trâm mới đây hiện diện với hai bài thơ sau nhiều năm lăn lộn với nghề báo, đó là bài “Trăng quê” và “Đông”.

   Khi về lại làng cũ Lệ Xuyên, anh đã viết một bài lục bát có pha chút biến thể để ít nhiều làm mới một thể thơ truyền thống:

    Lại về quê cũ 
tìm trăng
Tầng tre xao xác 
mây giăng cuối trời 
Thương về cố quán
chơi vơi 
Nửa vầng trăng khuyết
gợi thời chia xa 

  Có lẽ không gì gợi nhớ đến kỷ niệm bằng hình ảnh trăng quê, nó là hình ảnh nên thơ và giàu hoài niệm, nhất là với những người đa từng trải. Trong hoài cảm của một người đứng tuổi và qua không ít thăng trầm của cuộc đời, tác giả Lê Văn Trâm đã có giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng khi khắc họa những cảnh vật tượng trưng cho hồn vía quê nhà. Bài thơ như muốn lạc vào mộng du dù đời rất thực và người thơ đã viết tiếp:

  Ngàn năm cũng ánh trăng tà
Ngập ngừng 
ký ức buồn qua ngọn nồm 
Ôm lòng 
một nỗi cô thôn
Người xưa đồng vọng thắp hồn chơ vơ.

  Bài thơ buồn, hẳn nhiên, và đầy tâm trạng dù hình tượng thơ có phần không mới.

  Trong bài “Đông” nhà thơ Lê Văn Trâm cũng với giọng thứ buồn bã trong thơ trong giai điệu nhẹ nhàng và chảy vào nội tâm da diết:

  Xào xạc lá
Vàng rơi ngày xa vắng 
Gió mưa về
Khúc hát trăm năm 
Ai gọi mãi
vầng trăng tỉnh thức
Dạt dào đêm hương gió bay về

   Có gì mông lung, có gì vô định, có gì như khó lòng nắm bắt, nhưng vẫn có thể cảm được hồn người viết khi thi nhân thốt lên rằng:

  Lạc bóng đời 
Một mình ta ngồi lại
Mưa hắt hiu 
Ngày trắng xóa triền đồi
Thương nhớ quá 
Một thời lầm lỗi 
Để ai buồn đi hết trăm năm

  Đó là những giọt mưa thơ rơi ngược về ký ức Lê Văn Trâm.

   Cũng trên trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị có tác giả Thy Lan với bài thơ “Trò chuyện với dòng Lam”. Đây là bài thơ thiên về tả thực, gắn với địa danh cụ thể là dòng sông Lam khi bạn bè gặp lại. Tác giả viết:

   Bên dòng Lam, nghe câu hò xứ Nghệ

Điệu ngọt thương dằng dặc những ngày xa

Anh cháy đỏ một mùa hoa phượng vĩ

Ánh đèn đêm còn đó dấu chân về.
 

Em háo hức những ngày còn đến lớp

Mái trường Vinh kỷ niệm vẫn nguyên màu

Trăm lối đi, lối nào mình đã hẹn?

Trăm nẻo tìm, còn đó tiếng ngày xưa!

  Thơ nhẹ nhàng, nữ tính nhắc lại những kỷ niệm cũ của một thời học hành tuy không có những tìm tòi, dụng công nhưng có được tình cảm cũng là điều đáng ghi nhận.

   Khúc dân ca da diết người về

Điệu ví dặm say lòng người ở lại

Sông ngoái mặt khúc nào xanh màu lá

Khúc nào lơ đễnh để trôi xa!
 

Sông cứ trắng, bình yên câu chuyện cũ

Sóng duềnh lên khúc giận, khúc thương

Sông cứ thẫm những điều chưa kịp biết

Chút mong manh làm khói trắng xa dần.
 

Sông như thể người nay đây mai đó

Bến Thủy bên cầu vẫn đợi trông!

  Chúng tôi vừa điểm qua một vài tác giả, tác phẩm có mặt trên trang thông tin điện tử của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị.

 

 

      QUẢNG TRỊ -NƠI CẢM HỨNG CHO NHỮNG VẦN THƠ.

                                                                                           (Xuân Dũng)

  Quảng Trị dù được mệnh danh là “Ô Châu ác địa” nhưng là địa danh khơi gợi cảm hứng cho thi ca.

Thử nhìn lại văn học dân gian, ở Kẻ Diên, Hải Lăng có bài ca dao về con gà thường được gọi là “Bài ca Kẻ Diên” hầu như ai cũng biết, với hai câu kết như một chiêm nghiệm sâu sắc về cách sống, về nghị lực làm người:

Đừng than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi xanh cây

Hay ở chợ phiên  Cam Lộ, nơi được mệnh danh là “Tiểu Trường An” có câu hò nhiều người vẫn nhớ:

Đò về Bến Đuồi, bùi ngùi nhớ cảnh

Chạnh tấm lòng, nhớ núi Lãnh, sông Hương.

Hoặc chợ Sòng nổi tiếng xưa nay với bún Sòng và các món ẩm thực thu hút mọi người thi được ngợi ca:

Vì răng mà bị chồng chê

Cũng vì bánh ướt cháo kê chợ Sòng.

Trong kháng chiến chống Pháp có một sự kiện đáng nhớ, đó là sự ra đời của một đơn vị quân đội đặc biệt, gọi là “Biệt động đội đường số 9” do nhà văn, nhà báo, nhà lý luận phê bình Hồng Chương người Quảng Trị tham gia chỉ huy. Đơn vị này đã đánh nhiều trận từ Khe Sanh, Rào Quán về Đầu Mầu rồi Đèo Đá, Cầu Đuồi (Cam Lộ). Vừa đánh giặc vừa sáng tác thơ văn, Hồng Chương cho ra đời một bài thơ dài với những câu thơ mang âm hưởng tráng ca hào sảng trong khói lửa đường 9 một thời kháng Pháp:

 “Thuở đất nước mịt mù khói đạn

 Thân nam nhi dày dạn phong sương

Tuốt gươm cắp súng lên đường

Âm thầm chính khí, hào hùng nước non

 Xót quốc biển gia vong lắm lúc

Tím bầm gan sùng sục uất đầy

Vứt đe, quẳng bút, xếp cày

 Đoàn quân biệt động từ nay ra đời

Người chiến sĩ ra nơi chiến đấu

 Gót rỗ nhăng in dấu hành binh

 Sẹo ghi từng trận chiến chinh

 Mắt hoe lửa giận, trán khinh hiểm nghèo…”

Thiết tưởng cũng cần nhắc lại quá khứ bi tráng của một quê hương từng dằng dặc nỗi đau gánh hai đầu chia cắt sau khi kháng chiến chống Pháp chấm dứt, đất nước chia làm hai nửa. Nếu chiều dài chiếc cầu được đo bằng đại lượng thời gian thì cầu Hiền Lương thuộc loại dài nhất nhì thế giới, nó xuyên suốt đằng đẵng qua hai mươi năm mới được chạm tay vào Hòa bình- Thống nhất, mới bắt đầu cho một cuộc đại đoàn viên. Dường như những tác phẩm văn chương nghệ thuật đặc sắc đều có khả năng chạm vào thẳm sâu gan ruột nhiều người, làm nên nhật ký tâm hồn của một thời, của cả dân tộc. Ấy là khi nói đến những bài hát như “Câu hò bên bến Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp hay những câu thơ như đốt cháy lòng người: “Xa nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây” (Tám năm nay mới gặp nhau, Thanh Hải) hay câu hỏi của Tế Hanh đau như đụng phải vết dao: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Cũng như sau này nhà thơ Cảnh Trà viết bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” hoan ca cảnh tượng thái hòa giản dị: Một đám cưới đưa dâu qua cầu Hiền Lương. Một chuyện quá đỗi bình thường nếu không có chiến tranh và chia cắt, vậy mà chỉ thành hiện thực khi Hiệp định Paris ký kết.

Còn nhớ chỉ sau một ngày ký kết Hiệp định Paris, ngày 28/1/1973, nhà thơ lớn Tố Hữu đã cảm khái viết rằng:

 

Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ

 

Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ

 

Một trời êm ả, xanh không tưởng

 

Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ.

 

Đây cuộc hồi sinh, buổi hóa thân

 

Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân

 

Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu

 

Người vươn lên, như một thiên thần.

 

Ta lại về ta, những đứa con

 

Máu hòa trong máu, đỏ như son

 

Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi

 

Tái hợp, huy hoàng, cả nước non!

 

(Việt Nam máu và hoa)

 

Những câu thơ như nói hộ lòng người! Những ai trải qua nỗi đau của chiến tranh mới thấu hiểu được ý nghĩa của hòa bình, đặng hết lòng vun đắp cho chính cuộc đời mỗi người và mọi người, cho chính những ngày mình đang sống hôm nay. Quảng Trị, từ khốc liệt chiến tranh, chia cắt đến khát vọng hòa bình, kiến tạo. Một giấc mơ chờ đợi từ lâu, đã lên mầm từ mùa xuân năm ấy, khởi đầu từ ngày 27/1/1973.

Quảng Trị- đất kim cương như có người đã ví, đã từ lâu trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca, không chỉ với nhà thơ ở đây mà còn cho nhiều nhà thơ ở nơi khác, thậm chí cả những nhà thơ sinh sống ở nước ngoài. 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 31/01/2020 09:05 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà