Đến với bài thơ hay 20/6
Danh mục
Đến với Bài thơ hay
NỘI DUNG
Lời dẫn : Thơ 20/6 -Thưa quý vị và các bạn! Trong ct tuần này, chúng ta cùng thưởng thức bài thơ "Bến Hiền Lương" của nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt, bài viết của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa nghe ct : đến với bài thơ hay, ct có sự tham gia của..thân ái chào tạm biệt.

   NGUYỄN TIẾN ĐẠT VỚI BÀI THƠ "BẾN HIỀN LƯƠNG"

                                                                                                (Xuân Dũng)

  Ngoài làm báo chuyên nghiệp, Nguyễn Tiến Đạt còn là một nhà thơ tài hoa và có nhiều triển vọng.

 Bài thơ "Bế Hiền Lương" có thể coi như một cách tiếp cận hiện thực bằng thơ dưới góc nhìn sử thi và trải nghiệm cá nhân của Nguyễn Tiến Đạt. Cái tôi trữ tình mang nỗi riêng tư cứ  như những vòng sóng liên hồi vỗ vào cảm xúc.

   Những loài chim về bên kia sông giấu nỗi buồn con gái

   Bên này sông có ngôi mộ của mẹ già suốt đời không qua nổi bến bên kia

   Con sông tày gang dấu huyền trăng ơi hời ru muôn thưở

   Tiếng ru của đá và tiếng ru của sóng chảy dọc suốt đời tôi dòng máu Hiền Lương

   Em ơi nơi ấy tôi sinh, mẹ ủ tôi bằng lá cỏ gai dưới gầm trời bom đạn

   Tôi lớn lên như còn còng ngơ ngác nhìn sông trôi bóng mẹ hoài chùng xuống.

Một Nguyễn Tiến Đạt tài hoa và đa tình ngay khi anh viết về một địa danh chất chứa lịch sử, dồn nén cả nỗi niềm dân tộc như Hiền Lương. Chất trường ca gần gũi  cách nói sử thi cũng vẫn không hề lấn át nhân vật trữ tình khi tự sự về một thời trai gái dù đôi khi chưa hẳn là đôi lứa yêu nhau.

   Tôi như chú ếch uồm uôm triệu năm há mồm trên bến vắng

   Đợi gánh hát em về áo mũ xênh xang

   Hãy hát đi! Con sơn ca rót mật lưng trời

   Sông bắt đầu ngân rồi đấy, ánh sáng chung chiêng ân ái cùng con đò

                                                                      (Bến Hiền Lương)

Bạn đọc thường hay nhắc đến hai câu “bản quyền” Nguyễn Tiến Đạt như một tuyên ngôn thi: “Vô vi thì buồn, viết thì sợ/Trời rộng đành đưa chén ngang mày” như lối thể hiện ám gợi, nghĩa vượt ra ngoài chữ vẫn hay gặp trong thơ Đạt, chạm đến tiềm thức, vô thức và tâm linh trong thi ca: “Anh vẫn về lối cũ/Nghe một tiếng mèo hoang/Trên tóc mai ớn lạnh/Vết thời gian in hằn” (Mười năm)

Quay lại với bài thơ “Bến Hiền Lương”, Nguyễn Tiến Đạt thăng hoa thơ trong cảm xúc như thể lên đồng rất cần khi nói chuyện tâm linh bằng những thi ảnh ma mị, khác thường dù chiến tranh tưởng đã lùi xa lại  vẫn hằn lên gương mặt hòa bình, lại vẫn chung gối chăn với người kể cả  trong và ngoài giấc ngủ. Đây cũng là một phát hiện bằng thơ nửa thực nửa hư của thi sĩ Nguyễn Tiến Đạt:

   Trên dòng sông vọng điệu hò đưa linh

   Của những nỗi niềm tiền kiếp

   Rào rào dốc đỉnh Trường Sơn

   Chiến tranh rạch qua đời tôi những đường sấm sét

   Người đôi bờ nửa đêm hay thức giấc

   Cả những đêm sau năm hai nghìn

   Những người già chưa bao giờ qua được bên kia sông

   Họ vẫn còn lởn vởn trên mặt nước

   Đêm đêm tôi nghe những tiếng gọi đò và tiếng người xin lửa

   Họ ra đi trước ánh sáng mặt trời thắp lên

   Bài thơ  day dứt và nhiều khắc khoải mang bóng dáng tâm linh và cả những món nợ tinh thần không dễ gì trả nổi. Nó trơ đi trở lại trong thơ như một điệp khúc không bao giờ chấm dứt, không có tiếng vọng sau cùng. Đó là tâm cảm luôn ám ảnh thi nhân.

   Từ tiếng hát của gió chảy ra tất cả

   Chảy ra mặt trăng ngủ quên dưới nước

   Chảy ra dòng sông chưng cất bằng hồn của đá

   Chảy ngàn khát vọng ngọn lửa ru con

   Trong ánh sáng của vầng phù sa cổ

   Em nghe không bên kia bờ Vĩnh Quang

   Tiếng bè trầm của những linh hồn trong lòng địa đạo

     

Đọc lại thơ Đạt lại thấy anh có khí chất và phong độ thi sĩ,  có vẻ thi nhân từ trong huyết quản. Tôi thấy anh tài hoa và có thể cả đào hoa như thơ của chính mình, cả cái chất hài hước, bông lơn dù viết thơ tình. Tôi lại nhớ hồi mới tái lập tỉnh Quảng Trị, anh đem tập thơ tới tạp chí văn hóa văn nghệ địa phương. Tình cờ tôi đọc và bỗng nhiên nhớ hai câu từ bấy đến giờ: “Ơi người tóc bạc cùng tôi/Lại đây ta nói những lời bướm ong”.

Tôi cho thơ như thế là đạt vì quá Đạt! Và riêng bài thơ "bến Hiền Lương" thì đây là một bài thơ hay và lạ, có nhiều tìm tòi, thể nghiệm của nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt. Nên dù anh có đi xa nhưng thơ vẫn cứ phảng phất đâu đó cùng với anh em, bạn bè, với những người ở lại.

 

  

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 12/06/2021 12:58

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà