Đến với bài thơ hay 24/10
Danh mục
Đến với Bài thơ hay
NỘI DUNG
Lời dẫn : Thơ 24/10 -Đến với bài thơ hay (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Đến với bài thơ hay". Trong ct này, chúng ta cùng cảm nhận một tác phẩm của nhà thơ Lê Thị Mây viết về một địa danh Quảng Trị, ct phát sóng vào ngày CN : 24/10, vào lúc 11g 20 và 16g50 , ct này do pv Xuân Dũng thực hiện, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Lê Thị Mây là một nhà thơ chuyên nghiệp có không ít tác phẩm được công chúng yêu thích. "Trở lại Đông Hà" và một bài thơ da diết và đau đáu, đó cũng là nội dung bài viết sau của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe ! -Chào cuối: Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đến với bài thơ hay, ct này có sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

       TRỞ LẠI ĐÔNG HÀ-MỘT BÀI THƠ DA DIẾT.

                                                                                                   (Xuân Dũng)

   Nhà thơ Lê Thị Mây sinh năm 1949, tại Quảng Bình nhưng nguyên quán là làng An Mô, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Chị tham gia thanh niên xung phong đến năm 1968 thì bị thương. Sau 1975, đi học trường viết văn Nguyễn Du. Chị từng là tổng biên tập tạp chí Cửa Việt, về sau chị ra Hà Nội công tác tại Ban Tư tưởng văn hóa trung ương rồi nghỉ hưu. Nhà thơ được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho tập thơ "Tặng riêng một người" năm 1990.

   Bài thơ "Trở lại Đông Hà" tiêu biểu cho phong cách Lê Thị Mây : nữ tính, nhẹ nhàng và sâu lắng, đau đáu một nỗi niềm phụ nữ đã trải nghiệm qua chiến tranh khốc liệt.

   Mở đầu bài thơ là sự quay trở về một nơi chốn mà mình từng đến, từng có nhiều kỷ niệm:

   Mười ba năm trở lại Đông Hà

   Bên sông Hiếu vẫn ồn ào chợ búa

   Bao cô gái bây giờ ru tình mẹ

   Mà lá trầu còn xanh với người mua

   Đã qua sông kể chi mấy chuyến đò

   Sao còn đấy nỗi buồn trên bến đợi

   Còn đấy cả sao lòng tôi tiếc nuối

   Có một người thưở ấy hát vi tôi

    Bài thơ như một lời thầm thì của một người phụ nữ tuổi không còn trẻ nữa, đã đi qua chiến tranh ác liệt, đi qua những đợi chờ đắng đót, những xót xa dằng dặc nỗi lòng...Tiếc nuối da diết mà không có gì trách cứ, mà trách ai bây giờ, chẳng ai có lỗi cả vì những lỡ làng, muộn màng kia là điều không ai muốn nhưng nó vẫn xảy ra, vẫn diễn ra bất chấp những mong chờ và khát khao hạnh phúc. Dường như sông nước vẫn vô tình trôi trên dòng thời gian, chỉ có kỷ niệm và nỗi niềm cơ hồ hóa thạch.

   Nhớ chợt về theo phố biết tìm đâu

   Áo người bỏ quên ước chi tôi còn vá

   Yêu thầm lặng khéo bàn tay lần chỉ

   Tôi may cho người chiếc mũ trước trời xanh

   Đôi giày người đi khắp nẻo chiến tranh

   Sợi dây buộc quấn quýt lòng thương nhớ

   Mười ba năm nông sâu niềm cách trở

   Sao bây giờ còn hỏi thơ ngây ?

    Là chuyện tình một thưở chiến chinh. Những mối tình thời chiến trong sáng, lặng thầm mà sâu sắc, bền chặt. Những chi tiết trong đoạn thơ này cũng cụ thể, tỉ mỉ, chúng có vẻ nhỏ nhoi những chứa đựng một tình cảm hệ trọng, nhất là đối với một người con gái. Cả chuyện áo người bỏ quên như thể bước ra từ ca dao cũng làm xốn xang khi nhớ lại. Tất cả đã qua đi qua mười ba năm cách trở, và bây giờ trở lại bên bến sông của ngôi chợ Đông Hà thì mọi thứ đã trở thành kỷ niệm. Người cũ ngồi nhớ lại chuyện xưa, tuổi tác đã không còn trẻ, dung nhan cũng đã không thể chống chọi với thời gian duy có tình yêu là vẫn cứ xuân thì. Câu hỏi ngây thơ khiến người đọc nhói lòng đau buốt.

   Tôi chờ duyên chẳng cầm được trên tay

   Niềm hạnh phúc của ngày còn quá trẻ

   Dọc theo phố ai mời nhau ngọt quá

   Tôi biết mình còn chưa đủ đắng cay

   Lá trầu xanh như thưở ấy đâu đây

   Lời thổ lộ vụng về tôi từ chối

   Còn đây cả sao lòng tôi tiếc nuối

   Trước biển rồi sông Hiếu muốn dừng chân ?

    Câu chuyện tình ngày còn quá trẻ, quá ngây thơ, khờ khạo và tuột mất khỏi tầm tay qua thời gian xa cách. Nên chi đã trở thành quá khứ, dù muốn níu kéo cũng không thể, có những điều đi qua không trở lại bao giờ, một lần là mãi mãi...

   Sông Hiếu ơi tháng giêng hẹn còn xuân

   Vàng như nắng tôi ngờ vui mà khóc

   Hai má hồng tay thương nhớ bàn tay

   Thưở ấy người hẹn với lá trầu cay

   Dù xế bóng chợ chiều tan vãn khách

   Chút vôi hồng đỏ môi tôi thầm tiếc

   Trách tôi cười cúi nón hóa chia ly.

     Lại nuối tiếc, lại tự trách mình dại khờ và nông nổi, để tuột hạnh phúc đã đến trong tầm tay. Rồi cứ thế mà nhớ lại càng xót xa, tự vấn. Nếu không có chiến tranh, nếu không có 13 năm xa cách, có thể câu chuyện sẽ kết thúc khác đi, đơn giản như vậy là hai người còn nhiều cơ hội gặp nhau, điều đó đồng nghĩa không phải chia ly là mãi mãi. Nhưng đó chỉ là giả định, khi thời gian trôi qua như nó đã xảy ra trong hiện thực, một hiện thực chiến tranh khốc liệt thì kết thúc như trong bài thơ vì không thể nào khác được. Bài thơ không nói nhiều đến chiến tranh, chỉ nhắc qua thôi mà người đọc vẫn thẫn thờ cho nhân vật trữ tình trong tác phẩm, đọng lại một nỗi buồn da diết và thấm thía. Bài thơ không ồn ào, không đại ngôn, chỉ thủ thỉ tâm tình mà nỗi buồn, nỗi xót xa cứ ngấm vào gan ruột. Đó chính là thơ được viết bằng chính cuộc đời từ máu thịt của mình nên đánh động tâm can người đọc.

   Mười ba năm trở lại Đông Hà

   Chợ vãn đấy tôi chẳng mua chẳng bán

   Buồng cau tươi mẹ già đi chợ sớm

   Tôi biết mình xế nắng áo phong thanh

   Nơi bến đợi mình tôi về soi mặt

   Đò sang ngang bên kia ngày đánh giặc

   Tôi có người hẹn lá trầu xanh...

   Hình tượng lá trầu xanh, phiên chợ muộn màng cứ láy đi láy lại trong bài thơ cộng hưởng với dòng sông thời gian và cuộc đời trôi qua mải miết, không thể quay lại, không thể vãn hồi, chỉ có bến đợi giờ đây là tiếc nhớ. Bài thơ như một câu chuyện tình lẽ ra có thể khác nhưng đã không viên thành vì những dại ngộ của cô gái và lớn hơn vì hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt.

    Nhà thơ Võ Văn Hoa, hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Trị có cảm nhận đôi điều về bài thơ này (băng)

   Bài thơ "Trở lại Đông Hà" của nhà thơ Lê Thị Mây là một câu chuyện tình với nhều cung bậc nữ tính. Thơ giản dị, chân thực, giàu cảm xúc nên chất tự sự, trữ tình gần gũi với độc giả. Câu chuyện và tình cảm của một người nhưng cũng là của nhiều số phận nên đã có chỗ đứng trong lòng công chúng yêu thơ, được nhiều người đồng cảm và yêu mến.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 20/10/2021 06:54 Lê Vĩnh Nhiên 20/10/2021 15:38

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà