Dọc đường VN 5/11
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 5/11 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung mang tên "Cuốn tiểu thuyết viết về Quảng Trị" và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 5/11 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 9/11 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. *Ptv dẫn: -Thưa quý vị và các bạn ! Mở đầu ct, chúng ta cùng tìm hiểu tiết thuyết "Mật dạo" của Lưu Vĩ Lân viết về Quảng Trị. Bài viết của Xuân Dũng, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct, khi mùa đông đã về, hãy cảm nhận điều này qua một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang, bài viết của Xuân Nguyên, kết thúc bài viết, mời quý vị thưởng thức một đoạn của bài hát này qua giọng ca của ca sĩ Lệ Quyên, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: dọc đường VN, ct do Việt Thanh biên tập và dàn dựng, với sự tham gia của ...thân ái chào tạm biệt.

    "MẬT ĐẠO "CUỐN TIỂU THUYẾT  VỀ QUẢNG TRỊ.

                                                                                       ( Xuân Dũng)

 

  (Nhân đọc tiểu thuyết "Mật đạo" của Lưu Vĩ Lân, NXB Hội Nhà văn)

  

   Cuốn tiểu thuyết 17 chương với hơn 400 trang sách, thời gian phi tuyến tính, không tuân theo trật tự lần lượt từ trước đến sau.  viết theo lối xen kẽ và đồng hiện vận dụng thủ pháp điện ảnh kể về những biến cố diễn ra ở vùng quê Quảng Trị sau khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở, chủ yếu trong ba mươi năm từ 1943 đến 1973. Thời gian trong mỗi chương không quá một ngày. Chương dài nhất khoảng 25 trang, chương ngắn nhất chỉ có một trang.  Tâm điểm câu chuyện là địa danh Ba Đồi thuộc vùng quê Cam Lộ. Nhân vật cũng ít, hết thảy là nhân vật phụ xoay quanh nhân vật chính là ông Lam.

   Ông Ca Dao, giám đốc công ty truyền thông ĐI chuyên phát hành và giới thiệu sách ở Huế đã nói về tiểu thuyết này (băng)

   Tiểu thuyết đồng nghĩa với hư cấu và tác giả cũng đã khẳng định như vậy trong lời đầu sách. Tuy vậy, một mặt nhà văn nhấn mạnh điều này với người đọc nhưng mặt khác người viết cũng vẽ sơ đồ khu trại Ba Đồi kèm theo đó là những sự kiện lịch sử tương ứng với các diễn biến trong tiểu thuyết để độc giả tham chiếu. Cách làm này cũng khá lạ, đặt công chúng văn học vào tâm thế lưỡng phân khi tiếp nhận tiểu thuyết "Mật đạo". Xin nói thêm rằng, nếu có cơ hội đối chiếu với thực địa thì thấy sơ đồ này chính xác cũng như những kiến thức địa lý, địa chất được mô tả trong sách là hoàn toàn có cơ sở thực tế.

   Cốt truyện khá đơn giản: ông Lam, một kỹ sư hầm mỏ du học Anh Quốc về có quê nội ở Quảng Trị, ông trở thành một nhà kinh doanh giàu có, gắn bó với những đồn điền, trang trại từ dọc theo QL.9 từ Cam Lộ cho đến Khe Sanh. Đặc biệt, trước khi mất, cha ông trao lại bức mật đồ về một mật đạo thông từ Cam Lộ qua đến tận Lào, nghe nói được hình thành từ thời vua Hàm Nghi ban hịch Cần Vương. Người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, bên cạnh việc xây dựng hàng rào điện tử Mcnamara còn muốn lợi dụng đặc điểm địa chất của các con sông ở Quảng Trị để tác động làm sông Cam Lộ dâng cao, ngăn cản bước tiến của bộ đội từ miền Bắc vào Nam. Họ lại muốn mua lại một phần trang trại Ba Đồi để thực hiện ý đồ này. Và từ đó ông Lam bị cuốn vào những rắc rối, hiểm nguy dù không muốn nhưng không cưỡng lại được cho đến  ngay thời điểm trước tết Mậu Thân 1968. Những mưu toan xâm lược cũng như những dã tâm man rợ của vài kẻ ác, kẻ xấu cuối cùng cũng đã phải thất bại.

   Nhưng dù vậy đây hoàn toàn không phải là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, dẫu có sự xuất hiện của sĩ quan tình báo cao cấp của quân đội Mỹ, của biệt kích quân đội Sài Gòn, quân báo ta...  thì các cuộc đụng độ cũng chỉ là ngoại vi cuộc chiến. Đây cũng không hề là cuốn tiểu thuyết lịch sử vì các sự kiện, nhân vật lịch sử cũng chỉ là cái cớ hoặc là chiếc bóng xa xăm, sương khói mà thôi.

   Vậy điều gì thôi thúc người đọc theo dõi hết hơn 400 trang sách ?

   Trước hết, đây là câu chuyện lạ. Chiến tranh dù luôn được nhắc tới nhưng không hề mô tả trực diện, cũng không phân tuyến hai phe : ta và địch theo lối mòn công thức. Nhân vật chính là Lam cũng lạ. Là trí thức, doanh nhân lẽ ra coi chuyện bán buôn, lợi nhuận là trên hết nhưng sâu thẳm trong tâm hồn ông dòng máu Việt của những con người Tân Sở Cần Vương vẫn chảy, vẫn hướng về tổ tiên, vẫn nhớ lời cha giữ lấy mật đạo thiêng liêng như chính bản mệnh của mình. Chính vì lẽ đó mà hàng mấy chục năm ông vẫn bám trụ với trang trại Ba Đồi dù gặp nhiều rắc rối, nguy nan. Ở ông có những lý do hướng thượng và thầm kín thôi thúc mà không dễ soi rọi bằng cảm quan duy lý.

   "Mật đạo" vừa có vừa không, vừa thực vừa ảo, vừa cụ thể lại vừa biểu tượng, nó  "lạ hóa"  mà vẫn hợp lý, làm cho người đọc không hoài nghi mà vẫn sẵn lòng tiếp nhận. Đó là thành công đáng kể của nhà văn Lưu Vĩ Lân khi sáng tạo nên tiểu thuyết lấy Quảng Trị làm bối cảnh.

  

  

 

 

              "NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG" CỦA PHÚ QUANG.

                                                                                         (Xuân Dũng)

 

   Nhắc tới mùa đông trong âm nhạc thời tiền chiến có "Đêm đông" của Nguyễn Văn Thương, còn thời đương đại có "Nỗi nhớ mùa đông" của Phú Quang, phổ thơ Thảo  Phương.

        Dường như ai đi ngang cửa,
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi.
Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây cũng bỏ ta đi.

   Một mùa đông rét mướt, một mùa đông Hà Nội đầy ắp cảm giác hiện lên trong một hoài niệm ẩm ướt, luôn có chút gì tinh tế và  tiếc nuối như thường thấy trong ca khúc Phú Quang. Dường như tất cả đã rời xa nhân vật trữ tình trong bài hát, chỉ có con người ở lại với nỗi nhớ nhung khắc khoải, không biết đến bao giờ...

   Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về

    Khi hoài niệm cựa mình trở giấc cũng là khi hồi tưởng được đánh thức trong mùa đông phương bắc rét nhiều khi như cắt thịt cắt da, còn nỗi nhớ lại cồn cao, da diết như muốn chạy tìm đến nhau để sưởi ấm lòng người, để gặp lại những tri âm, tri kỷ dù biết rằng nhiều khi chỉ là mơ ước, chỉ thấy nhau trong tâm tưởng mà thôi.

   Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Mùa thu cây cầu đã gãy
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về

   Ca từ và giai điệu của âm nhạc Phú Quang thường chọn lọc, tinh tế và dịu dàng, sang trọng và da diết, nhớ nhung và hoài niệm. Bởi vậy khi hát lên là chạm vào những cung bậc sâu lắng của kỷ niệm, của hồn người, làm rung lên những cung bậc thầm kín mà mãnh liệt của yêu thương và nhớ tiếc.

   Thời gian tưởng chừng trôi đi không có cách gì níu giữ, nhưng Phú Quang bằng ca khúc của mình đã nỗ lực làm cho hoài niệm không hóa thạch, không biến thành rêu phong xanh thẫm im lìm. Tất cả những hình ảnh nín lặng, tưởng chừng vô hồn bỗng trở nên rạo rực sức sống trong những bài hát của mình, trong đó có nỗi nhớ mùa đông.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 03/11/2021 10:43 Lê Vĩnh Nhiên 04/11/2021 09:32
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà